Em tôi: “Em muốn mở thêm hiệu thuốc”.
– Ừ, thế mày tính sao?
– Em sẽ tìm người nhà cho yên tâm. Em có đứa cháu, định cho nó phụ giúp, dạy cho nó, rồi khi nào nó thông thạo sẽ mở hiệu thuốc mới để nó đứng bán.
– Đầu tư một hiệu thuốc hết bao nhiêu?
– Khoảng x trăm củ.
– Nếu đứa cháu đấy chán, muốn làm việc khác hoặc tự mở riêng thì mày sẽ làm thế nào?
– Em sẽ tìm một đứa ngoan, chăm chỉ, hiểu nhanh, và trung thực.
– Thế tìm đứa đấy có khó không?
– Khó nhưng em tin là sẽ tìm được.
– Anh cũng tin là sẽ tìm được. Đến một ngày nó nghỉ đột ngột thì mày sẽ mất bao lâu để tìm đứa mới?
– Em không biết.
– Thế của ngon, của hiếm như vậy thì các công ty lớn có cuỗm mất bất cứ khi nào không?
– Ừ nhỉ.
– Thế nó ngoan, chăm chỉ, trung thực, hiểu biết nhanh thì liệu nó có ra làm chủ sớm không (khi đó là tố chất của người làm chủ)?
– Có.
– Vậy bây giờ em phải làm thế nào?
– Tốt nhất là… ĐỪNG LÀM GÌ CẢ!
– Anh giúp em được không?
– Không.
– Anh hiểu rõ thế mà?
– Hiểu là một chuyện, còn làm là một chuyện khác. Mày bảo anh dạy mày viết thì anh còn dạy được. Chứ bảo anh đi làm chuỗi các chuyên gia trong ngành họ cười vào mặt.
– Còn mày muốn mở thêm cửa hàng thì phải đi học, tìm người có chuyên môn về chuỗi, đặc biệt liên quan đến ngành dược. Giờ nhiều người làm Coach (huấn luyện viên) lắm, tìm họ mà học. Tạm thời nếu chưa tìm được ai thì nên học thầy Ngô Minh Tuấn, tuy không phải ngành dược nhưng mày sẽ có được bức tranh tổng thể.
– Nhưng…
Nhưng gì, anh ngăn mày đừng làm là giúp mày tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức và năng lượng tinh thần đã là tốt lắm rồi.
Ngồi im cũng là thành công một nửa.
Nếu phụ thuộc vào người nhà hoặc nhân viên giỏi nghĩa là khả năng quản lý và đào tạo của mày kém.
Khi nào mày phải có khả năng biến kiếm thức (ngành dược) phức tạp thành đơn giản để đào tạo nhân viên trong vòng 1 tuần thì mày không sợ trong việc tuyển nhân viên mới.
Khi nào mày có được các cơ chế kiểm soát lòng tham của người khác thì mày không cần phụ thuộc vào sự trung thực. Bởi vì, nếu chưa thành Phật thì tất cả mọi người đều tham, kể cả anh và mày. Nên mình không có quyền phán xét người khác. Chỉ có điều, hệ thống xã hội, gia đình, pháp luật, luân lý đạo đức kiểm soát rất tốt và khiến mọi người trở nên trung thực hơn mà thôi.
Phải không?
Khi mày không phán xét, mày sẽ nhìn được bức tranh toàn cảnh.
Hai người vĩ đại là Đức Phật và Chúa Jesus thì toàn thời gian (fulltime), còn người thường như mình thì trong ngày chỉ có vài khoảnh khắc nhất định. Nên tận dụng thời gian đó để suy nghĩ. Tốt nhất là lúc tĩnh lặng, không bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài. Riêng anh thì chọn đi bộ.
Khi chúng ta bị thu hút quá nhiều bởi sự so sánh bên ngoài, hoặc ai đó vẽ ra một miếng bánh cực kỳ ngon và bảo chúng ta cứ thử đi. Tương lai tích cực đang rộng mở.
Nhưng không…
Miếng phô mai béo ngậy chỉ có trong bẫy chuột.
Đó là lý do phần lớn dẫn chúng ta đến thất bại (tôi cũng đã ăn miếng phô mai này nhưng bị nghẹn ứ lấy cổ).
Chúng ta hi vọng vào một tương lai tươi sáng nhưng cũng đừng quên nhìn vào hiện tại. Nhìn vào các điểm tiêu cực, vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.
Mọi người thường đặt mục tiêu vào tương lai (thay vì đó là ước mơ), khi không đạt được sẽ khiến họ nghi ngờ về bản thân, thất vọng và khó đứng dậy lần nữa.
Bởi vậy, tập trung vào các vấn đề bạn đang mắc phải trong cuộc sống giống như phát quang tất cả các bụi rậm, gai góc trước mặt mình. Tầm nhìn của bạn sẽ rộng mở.
Chẳng phải Đức Phật vẫn luôn dạy đừng truy tìm quá khứ, đừng vọng tưởng tương lai sao?
Phải không?
Vì vậy, một lần nữa, chúng ta cần tập trung vào việc giải quyết các vấn đề hiện tại thay vì những kế hoạch quá hoành tráng và mơ mộng trong tương lai. Các vấn đề giống như những đám mây xám xịt. Mây tan, mưa tạnh rồi bầu trời tương lai sẽ rực sáng.
Tôi mượn câu chuyện này để chia sẻ bài học mà tôi học được.
Hi vọng nó có ích!