#059 – Bắt đầu lại ở ngưỡng tuổi 30 (từ hai bàn tay trắng)

Th3 26, 2025 | 0 Lời bình

Duc Thong Do

@ducthongdo – Viết về kinh doanh một người, tâm linh và cuộc sống. Viết về viết.

2,3 năm về trước, tôi nói với vợ mình:

“Anh không muốn đi theo con đường mà xã hội sắp đặt”.

“Anh chắc chứ? Anh đã tới ngưỡng 30, và chúng ta đã có em bé. Ít nhất anh đi làm công ty thì chúng ta thoải mái chi tiêu, sau đó chúng ta có thể vay tiền mua nhà rồi trả dần. Và quan trọng anh cũng không phải lo nghĩ nhiều nữa”.

“Chắc chắn. Anh biết trước đó mình đã thất bại, nhưng chúng ta sẽ không để nó lãng phí. Anh đã có kế hoạch”.

Chúng tôi đã có các cuộc nói chuyện với nhau trong nhiều ngày liền, sau khi cho con ngủ.

Tôi kể cho cô ấy nghe về bối cảnh xã hội hiện tại. Nơi mà công việc fulltime và mô hình kinh doanh kiểu cũ đang trở nên lỗi thời. Lỗi thời ở đây không chỉ là việc không kiếm được tiền, mà cách nó đang hủy hoại đi cuộc sống cá nhân.

Đối với công việc fulltime, khi mà việc tăng lương không thể vượt qua được lạm phát. Khi mà máy móc, và trí tuệ nhân tạo đang thay thế con người. Sự căng thẳng, gò bó, môi trường tiêu cực là nguyên nhân gián tiếp phá hỏng cấu trúc tinh thần, sức khỏe thể chất, và ảnh hưởng tới các mối quan hệ gia đình.

Đối với công việc kinh doanh truyền thống sẽ phải chịu đựng sự cay nghiệt của cạnh tranh thiếu lành mạnh. Để trở nên giàu có thì buộc phải sử dụng hai loại đòn bẩy là tài chính và lao động. Muốn có tài chính thì phải vay mượn, muốn có đòn bẩy lao động thì phải tuyển nhân viên rồi quản lý.

Nếu bạn đã trải qua quá trình khởi nghiệp kinh doanh theo mô hình này, bạn sẽ hiểu được sự cồng kềnh của bộ máy sẽ làm cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ. Đặc biệt, nếu bạn là người mới thì đừng hòng có cơ hội cạnh tranh với những gã đã có nền tảng vững chắc, và những kẻ lắm tiền nhiều của.

Tôi đã trải qua cả hai con đường này, và tôi nhận ra được sự khốn nạn của nó: Nó mang lại cho bạn tiền, nhưng nó lại lấy đi của bạn một hoặc vài khía cạnh khác về đời sống như sức khỏe thể chất, tinh thần, mối quan hệ lành mạnh, và bỏ qua những điều mà bạn thầm ao ước.

Bởi vậy, chúng ta cần một con đường làm giàu mới, cho những thế hệ mới.

Chúng tôi đã kết thúc buổi trò chuyện với những thỏa thuận:

  • Để không đưa cuộc sống gia đình vào thế rủi ro, tôi không được lấy tiền từ gia đình, hoặc vay tiền để kinh doanh. Tôi chỉ có thể dùng vốn kỹ năng và kiến thức của mình (trong Tứ Tiền Đồ).
  • Dành nhiều thời gian hơn cho vợ con thay vì nhậu nhẹt, hoặc đi làm xa.

Thật may, những điều kiện này cũng đều nằm trong kế hoạch phát triển của tôi.

Tôi bắt đầu lại với nghề freelancer (nghề tôi ghét), tiếp theo là tư vấn (cũng hơi thích), bây giờ là cố vấn (I love this) và đang trong hành trình xây dựng doanh nghiệp một người.

Rõ ràng, tôi chưa phải là người thành công theo kiểu giàu có. Tôi cũng chưa kiếm được 500 triệu/tháng đều đặn. Nhưng tôi sẽ cho bạn thấy được tôi đang trên hành trình mà tôi đã đi từ con số 0 như thế nào.

Tôi sẽ chia sẻ cho bạn kế hoạch đó, trong lá thư ngày hôm nay.

Nỗi sợ thất bại trước 30 sẽ hủy hoại cuộc đời bạn

Nếu bạn ở tuổi 30+

Để đến được ngày hôm nay, đừng quên rằng bạn đã trải qua bao sóng gió:

Start

Thất bại

Bắt đầu lại

Trở nên tốt hơn

Đấu tranh nội tâm

Chọn nhầm nghề nghiệp

Chán nản và không ngừng tìm kiếm.

Và giờ đây, bạn vẫn có thể bắt đầu lại ở tuổi 30, 35, hoặc thậm chí là 40+

mà vẫn thành công.

Đến độ tuổi này, nếu dừng bước, bạn đã lãng phí suốt 1/3 cuộc đời.

Tại sao?

99% mọi người đang học sai cách.

Học tập không chỉ xuất phát từ sách vở để lấy bằng cấp.

Nó đến từ trải nghiệm.

Khi bạn là một đứa trẻ. Để biết bơi, bạn không thể nào ngồi trong phòng đọc sách và xem các kỹ thuật bơi. Đầu tiên, bạn phải nhảy xuống nước đã. Cách nhanh nhất là lao mình ra vùng nước sâu (có sự giám sát và đảm bảo an toàn của người lớn). Bạn chìm nghỉm, vùng vẫy, sặc nước khiến mắt mũi cay xè.

Đây là lần thất bại đầu tiên. Nếu bạn sợ và không xuống nước nữa, đồng nghĩa với việc không bao giờ biết bơi.

Nhưng nếu chấp nhận thất bại đó như một điều hiển nhiên phải diễn ra. Bạn nhảy xuống bể vài lần nữa. Lần này, cơ thể bắt đầu thích nghi với nước, bạn bắt đầu bơi chó, kiểu bơi ngu nhất :)) Nhưng ít nhất bạn đã nổi và không bị sặc. Tiếp theo, bạn thử nghiệm lý thuyết bơi ếch, bơi bướm, bơi ngửa, và lặn để thành thạo kỹ năng bơi lội của mình.

Đó mới thực sự là quá trình học tập.

Bởi vì, việc tiêu thụ kiến thức, thông tin chúng ta chỉ dừng lại ở “biết”.

Còn để hiểu, bạn cần thông qua trải nghiệm của bản thân mình.

Trải nghiệm của con người bao gồm:

Lao mình vào nơi không biết.

Thất bại.

Đấu tranh.

Thích nghi và cải thiện.

Khi bạn ở tuổi 20+, thất bại và đấu tranh là quá trình diễn ra hết sức bình thường. Khi bạn chấp nhận nó, bạn nhận thấy rằng mình cũng thành công đấy chứ. Ít ra thì mình biết bơi chó để sống sót – dù nhiều người nhìn vào thì thấy nó chẳng đẹp đẽ chút nào.

Rồi khi bước sang tuổi 30+, bạn không hề bắt đầu lại từ đầu.

Bạn đã có nền tảng vững chắc từ trải nghiệm.

Bây giờ, hãy dành thời gian đi bộ (một mình) để suy ngẫm lại toàn bộ những thất bại mà bạn đã trải qua, những bài học nào mà bạn thích lũy. Tốt nhất hãy viết ra để có được sự rõ ràng.

Khi bạn chấp nhận những thất bại của chính mình, bạn không còn sợ chúng nữa. Bạn sẵn sàng biến chúng thành bàn đạp cho những dự án tiếp theo.

20+ có sức trẻ và sự nhanh nhạy. Còn bạn có sự chính chắn và khôn ngoan của người trưởng thành.

Lựa chọn mô hình để bắt đầu

Hầu hết mọi người bước vào kinh doanh đều chọn kinh doanh sản phẩm vật lý.

Mỗi sản phẩm lãi được 30,000đ – 100,000đ, hoặc xây kênh để làm tiếp thị liên kết với lợi nhuận khoảng 2-5%, hoặc tìm cách bán một sản phẩm số với doanh thu ít ỏi.

Một số ít có thể là tips tricks hack hủng, bơm tiền chạy quảng cáo, có người nâng đỡ, fomo, và một chút may mắn.

Nhưng hầu hết điều này không xảy ra với người mới (như bạn và tôi).

Hơn nữa, khi ở ngưỡng tuổi 30, chúng ta không còn rảnh để chơi trò đỏ đen nữa. Bạn cần một chiến lược chắc cú hơn.

Bởi vậy, hãy suy tính một chút.

Khi bạn bắt đầu, lượng traffic của bạn rất ít.

Nghĩa là nếu dựa vào nguồn doanh thu đó, bạn không thể nào tồn tại.

Bạn cần tìm một công việc có thể giúp bạn kiếm từ 5,000,000đ – 30,000,000đ/tháng cho dịch vụ của mình (mức giá tùy vào loại dịch vụ, cách bạn đóng gói, và cách bạn phân bổ thời gian).

Sau đây là 6 loại hình dịch vụ. Hãy chọn lấy một cái phù hợp nhất đối với bạn vào thời điểm này.

1. Freelancer – cung cấp dịch vụ tự do

Hãy bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ bằng kỹ năng của bạn dưới dạng freelancer, để vừa có thu nhập, lại vừa tự do về thời gian địa điểm, để bạn làm việc khác.

Nhớ chọn học các kỹ năng tương lai và có giá trị cao. Một số gợi ý ghostwriting (chấp bút), copywriting, thiết kế website, landing page, design, email marketing, edit và dựng video, lập trình, AI services, và các kỹ năng khác phục vụ cho quảng cáo, tiếp thị. Nếu biết tiếng anh, bạn có thể kiếm tiền $ trên Fiverr hoặc Upwork.

Nhưng tôi muốn vạch ra cho bạn một bức tranh toàn cảnh của ngành freelancer này.

Freelancer là mô hình phổ biến nhất, dễ gia nhập nhất khi bạn có một kỹ năng. Nhưng cũng là khốn nạn nhất khi mà phần lớn trường hợp bị coi là một món hàng để người ta lựa chọn.

Hầu như bạn không có một chút quyền lựa chọn nào nếu bạn là người mới bắt đầu. Bạn sẽ phải hạ giá để cạnh tranh, phải vâng dạ để phục vụ. Mà cái khốn nạn nhất là khi bạn gặp mấy tên hãm bắt sửa hết cái này đến cái nọ. Không phải vì tốt cho công việc mà chỉ để thỏa mãn cái “tôi” của nó.

Tôi không khuyên bạn phải tránh giai đoạn này, hãy cứ trải nghiệm nó để cảm nhận. Tiếp theo, hãy tham khảo những ý tưởng của tôi để giúp bạn rút ngắn thời gian thoát ra khỏi tình trạng đó.

Càng về sau, quyền lực của bạn dần tăng lên. Khi bạn có kinh nghiệm, bạn biết cách tìm kiếm nhiều khách hàng hơn để có quyền lựa chọn, bạn biết ai là người tử tế để làm việc cùng, và ai là người nên từ bỏ. :)) Khi bạn từ bỏ những vị khách này, bạn tiếp tục đẩy họ xuống cho những người mới bắt đầu (giai đoạn mà bạn đã trải qua trước đó). Không sao, ai cũng nên trải nghiệm.

2. Trở thành người tư vấn (Consultant)

Tư vấn là cấp độ chuyên gia.

Tư vấn là cách bạn biến kiến thức chuyên môn của bạn thành tiền.

Ví dụ xây dựng website, hoặc viết nội dung, lập trình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kiến trúc – xây dựng, tài chính – kế toán, pháp lý, bảo hiểm, sức khỏe,…

Hình thức này phù hợp với 2 kiểu người sau đây:

  • Bạn làm freelancer một thời gian dài và đã tích lũy được kinh nghiệm.
  • Bạn làm một vị trí chuyên môn trong công ty, đến 30+ bạn muốn làm một thứ gì đó cho riêng mình.

Có hai hình thức tư vấn:

Hình thức 1, Tư vấn trả phí theo giờ: nghĩa là bạn meeting online để giúp đỡ khách hàng xử lý một hoặc vài vấn đề mà họ đang gặp phải.

Mỗi giờ tư vấn bạn có thể định giá 500,000 vnđ – 2,000,000 vnđ tùy theo cách bạn đóng gói sản phẩm.

Trước khi tư vấn, hãy yêu cầu khách hàng gửi các câu hỏi của họ cho bạn để chắc chắn rằng bạn hoàn toàn giải quyết được chúng.

Tiếp theo, gửi cho họ một bảng câu hỏi khảo sát để họ điền thông tin của họ. Bạn sẽ hiểu được nhu cầu, mong muốn của họ để mang lại một cuộc tư vấn có nhiều giá trị nhất.

Hình thức 2, Tư vấn miễn phí rồi cung cấp một dịch vụ.

Bởi vì miễn phí nên cách này ít rào cản hơn. Nhưng vì thời gian bạn có hạn, nên quá trình lựa chọn khách hàng của bạn cần nghiêm ngặt, để mang lại giá trị nhiều nhất cho cả hai bên. Cần đảm bảo rằng họ là đối tượng khách hàng tiềm năng mà bạn có thể giúp đỡ.

Không có cách nào tốt hơn cách nào cả.

Bạn cần thử nghiệm linh hoạt cả hai cách, và xem cách nào phù hợp với trường hợp của cá nhân bạn nhất.

3. Trở thành cố vấn (Advisor)

Tư vấn đi sâu vào chi tiết, và tập trung vào một mảng chuyên môn.

Cố vấn là những người đưa ra các lời khuyên mang tính chiến lược lâu dài. Ví dụ xây dựng và phát triển một doanh nghiệp, cố vấn thương hiệu cá nhân, cố vấn sự nghiệp.

Để trở thành cố vấn, có chuyên môn thôi là chưa đủ. Bạn cần có tư duy đa chiều, tổng quát, và tầm nhìn dài hạn – đây là cấp độ người tổng hợp.

Cố vấn phù hợp với hai kiểu người sau:

  • Quản lý hoặc lãnh đạo trong một công ty.
  • Không cần chức danh địa vị. Họ là những người đã hoặc đang trong tiến trình xây dựng một sự nghiệp hoặc cuộc sống cho chính mình. Khi có đủ kinh nghiệm thực tế, họ đều có thể trở thành một cố vấn hướng dẫn cho những người đi sau họ.

Nếu bạn theo đuổi con đường trở thành cố vấn kinh doanh thì bạn cần học kiến thức và kỹ năng sau:

  • Triết học (tâm linh) và tâm lý học để hiểu sâu về bản chất vận hành của sự vật, hiện tượng, xã hội, và con người.
  • Phân tích và hiểu về các mô hình kinh doanh để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho từng hoàn cảnh (hoặc chỉ đơn giản là hoàn cảnh của bạn, rồi bạn giúp những người có mục tiêu giống bạn).
  • Tiếp thị và bán hàng.
  • Ứng dụng công nghệ vào công việc.
  • Tư duy hệ thống để tích hợp toàn bộ những mảnh ghép rời rạc thành một tổng thể.

Với mỗi lĩnh vực bạn không cần biết quá sâu như chuyên gia, mà chỉ cần học hỏi từ chuyên gia. Bạn chỉ cần hiểu các nguyên tắc cơ bản và biết ứng dụng một cách sáng tạo vào công việc để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bạn ít nghe thấy từ cố vấn, bởi vì nó thường dùng cho các công ty. Kiểu cố vấn chiến lược cho công ty A,B,C.

Nhưng sắp tới đây, bạn sẽ thấy nhiều cố vấn cá nhân xuất hiện khi ai cũng có thể xây dựng doanh nghiệp một người.

4. Trở thành nhà đào tạo huấn luyện

Đây là người giảng dạy kiến thức, hoặc kỹ năng chuyên môn cho người khác.

Một số loại hình dịch vụ cho bạn chọn:

  • Đào tạo kiến thức như tiếng Anh, toán, lý, hóa, văn,…
  • Đào tạo kỹ năng yoga, Gym, thiền, đàn, hát, múa, nói (luyện giọng), bán hàng, tiếp thị,…

Để trở thành nhà đào tạo, bạn cần có kiến thức và thành thục kỹ năng chuyên môn mà bạn theo đuổi. Tiếp theo, bạn cần kỹ năng đào tạo, giảng dạy.

Đào tạo kiến thức vẫn là một ngành hot của Việt Nam từ trước tới giờ, do người Việt mình rất thích học kiến thức. Bạn vẫn kiếm tốt khi tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, bạn cần rèn luyện cho mình khả năng truyền đạt và kết nối với sinh viên – thứ mà trí tuệ nhân tạo AI không thể làm được.

Đào tạo kỹ năng là một ngành có xu hướng phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong những năm sắp tới, khi mà internet và trí tuệ nhân tạo AI giúp mọi người dễ dàng tiếp cận kiến thức (ở dạng lý thuyết), với mức chi phí xấp xỉ bằng 0.

5. Trở thành người khai vấn

Khai vấn là gì?

Khai vấn không có nghĩa là:

  • Tư vấn;
  • Trị liệu;
  • Đưa ra câu trả lời cho vấn đề của khách hàng;
  • Đưa ra lời khuyên.

Khai vấn có nghĩa là:

  • Định hướng tương lai rõ ràng, thực tế;
  • Giúp khách hàng luôn giữ được động lực tiến lên;
  • Đem đến một góc nhìn khách quan về cuộc sống của khách hàng.

Việc khai vấn mang tính chất:

  • Tạo động lực;
  • Truyền cảm hứng;
  • Tích cực;
  • Tập trung hướng đến hành động.

Chuyên gia khai vấn giúp khách hàng nhận ra khoảng cách giữa vị trí hiện tại so với mục tiêu tương lai và lên kế hoạch hành động để thu hẹp khoảng cách này, đạt được mục tiêu khách hàng muốn hướng đến.

— Trích dẫn cuốn sách của anh Trần Tiến Công – nhà sáng lập học viện Coach Việt Nam (VIC).

Theo quan điểm của cá nhân tôi:

Đối với một người khai vấn, bạn không cần phải giỏi chuyên môn mà khách hàng đang có.

Kỹ năng quan trọng nhất của bạn là đặt câu hỏi đúng và lắng nghe khách hàng. Giúp họ tự nhận thức vấn đề, giải pháp và là một người bạn đồng hành cùng họ trên con đường phát triển.

Khai vấn tuy mới nhưng là một thị trường có quy mô lớn – còn lớn hơn cả tư vấn, cố vấn, và đào tạo.

Tại sao?

Ai cũng có nhu cầu muốn phát triển.

Muốn phát triển thì bước đầu tiên là phải nhận thức được vấn đề.

Nhưng hầu như tất cả mọi người đều phải “ăn hành” đủ nhiều, nếm đủ mọi đau khổ thì mới nhận thức được vấn đề. Biết là một chuyện, nhưng nhận thức lại là một chuyện khác.

Biết là khi bạn tích lũy kiến thức, thông tin.

Nhận thức là khi bạn hiểu một vấn đề thông qua suy nghĩ, trải nghiệm, và cảm nhận qua các giác quan.

Ví dụ:

Như ai cũng “biết” là sức khỏe quan trọng, nhưng họ không đủ “nhận thức” được nó cực kỳ quan trọng khi họ bị đau ốm. → Trở thành nhà khai vấn sức khỏe.

Ai cũng “biết” là để phát triển sự nghiệp đều phải học kỹ năng cứng và mềm, nhưng phần lớn mọi người lại coi trọng lý thuyết rồi ra trường thất nghiệp. → Trở thành nhà khai vấn nghề nghiệp.

Ai cũng biết sức khỏe tinh thần là quan trọng, nhưng không ai nhận thức được việc đặt ranh giới trong các mối quan hệ quan trọng tới mức nào. → Trở thành nhà khai vấn tâm lý.

Có 2 hình thức kiếm tiền từ nghề này:

  • Khai vấn miễn phí, sau đó cung cấp một dịch vụ giúp giải quyết vấn đề – đối với người mới bắt đầu.
  • Khai vấn trả phí theo giờ – khi bạn có kinh nghiệm và danh tiếng.

Có người sẽ trả tiền cho bạn chỉ để bạn lắng nghe họ nói mà không cần làm gì cả. Điều đó xảy ra khi bạn chứng minh rằng bạn là người đáng để tin tưởng.

Đừng có làm miễn phí, kể cả khi bạn mới bắt đầu.

Tiền không đại diện cho giá trị. Nhưng thước đo tốt nhất cho giá trị là tiền. Nếu bạn không khiến khách hàng rút ví, bạn cần thay đổi chiến thuật tiếp thị – bán hàng, cải thiện dịch vụ.

6. Kinh doanh hệ thống

Nhiều người có thành kiến về kinh doanh hệ thống.

Nhưng đừng phán xét.

Hệ thống thì có hệ thống this và that.

Trước khi gia nhập, hãy tìm hiểu thật kỹ xem hệ thống đó mang lại giá trị gì cho khách hàng.

Có hai loại giá trị:

  • Giá trị đến từ sản phẩm mang lại hiệu quả thật cho người sử dụng.
  • Giá trị vô hình đến từ việc giúp các thành viên học được các kỹ năng để phát triển.

Tôi vẫn thấy nhiều hệ thống mang lại giá trị và đáng để tham gia vào. Đừng để các thành kiến che mờ mắt bạn.

Hi sinh và cân bằng cuộc sống

1. Hi sinh quả thận

Mọi người thường tìm điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng nguyên tắc 4 bếp lửa:

  • Gia đình
  • Bạn bè
  • Sức khỏe
  • Công việc

Lý thuyết 4 lò lửa cho rằng, để thành công bạn cần tắt đi một lò lửa trong 4 lò, và để thành công xuất sắc bạn cần tắt đi 2 lò. Điều này có nghĩa là cân bằng cuộc sống trong thực tế nó không bao giờ hoàn hảo. Một người bình thường không thể nào vừa chu toàn việc nhà, lại vừa xuất sắc công việc ở công sở, vừa có thời gian cho bạn bè, lại vừa chăm sóc được sức khỏe.” – Trích dẫn The Present Writer của chị Chi Nguyễn.

Điều này không sai.

Nhưng tôi có thêm một góc nhìn khác.

Ý là nếu bạn muốn thành công trong sự nghiệp, bạn cần cắt đi một bên thận của mình.

Nó đúng khi bạn chọn con đường đi làm thuê, bạn sẽ phải hi sinh cho công việc bạn đang làm. Phải cày deadline, phải đi sớm về khuya, và không có thời gian dành cho bạn bè, gia đình.

Tương tự với công việc kinh doanh kiểu cũ:

  • Chọn một ngách.
  • Chọn một hình ảnh đại diện khách hàng.
  • Cố gắng cày cuốc trong 5-10 năm để trở thành chuyên gia nổi tiếng.

Hay đấy.

Nhưng hầu hết mọi người đều sống trong cảnh làm việc với người không thích; cố gắng chiến đấu để tranh giành khách hàng (theo tư duy thương trường là chiến trường), ngoi lên trong nấc thang địa vị để trở thành người nổi tiếng mang tầm chuyên gia.

Nhưng con đường này sẽ hủy hoại cuộc sống của bạn theo chiều hướng tâm linh khi bị sự tham lam, sân si, ngạo mạn xâm chiếm. Không phải tất cả, nhưng phần lớn các chuyên gia đều là người cực kỳ kiêu ngạo và bảo thủ. Kiêu ngạo là điều hết sức thường, bởi đó là một động lực phổ biến nhất để trở nên giỏi chuyên môn. Khi trở nên nổi tiếng, họ bắt đầu thể hiện thành tích và sự giàu có của mình, và chỉ trích những người mới bắt đầu (thay vì giúp đỡ họ). Họ không đáng trách. Một ngày nào đó, nếu rơi vào hoàn cảnh như vậy có khi cả bạn và tôi cũng giống như họ – cách tốt nhất là đề phòng ngay từ đầu.

Tôi ví dụ thế này, một số nhỏ những chuyên gia khoa học, tâm lý học sẽ chỉ trích người đốt vàng mã rằng họ vô tri, đồng bóng. Nhưng thầy Thích Nhất Hạnh không hề nói thế, thầy nói đó là tinh thần của người Việt nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà – và chúng ta không nên loại bỏ nó.

Trở nên giỏi hơn không phải là để hạ thấp người khác, mà là để giúp đỡ họ.

Bởi vậy, bạn cần một con đường toàn diện hơn.

2. Trả tiền để được là chính bạn

Không có gì sai khi kiếm tiền.

Nhưng thật ngu ngốc khi bạn nghĩ rằng để kiếm tiền bạn phải hi sinh những gì tốt đẹp nhất.

Đối với bạn điều gì là tốt đẹp?

Là những gì khiến cuộc sống của bạn cảm thấy ý nghĩa.

Gia đình bạn, con cái bạn, bạn bè, sở thích, công việc bạn đam mê, kiến thức mà bạn tò mò, cùng những trải nghiệm (thành công, thất bại) làm bạn thấy thú vị.

Bạn đã bị tẩy não.

Rõ ràng ngay từ đầu chúng ta muốn những thứ này, tại sao chúng ta lại đi học những thứ khiến cuộc sống chúng ta trở nên khốn khổ – Hệ thống định kiến xã hội đã khiến bạn rơi vào một vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng, kiếm tiền tiêu tiền, rồi trở về cảnh nợ nần khi bị sa thải ở tuổi ngoài 30, 40 như kỹ sư IT Cao Chí Lũy trong bộ phim Upstream.

Rõ ràng bạn biết rằng so sánh với người khác khiến bạn khổ sở, căng thẳng, stress. Nhưng xã hội lại cứ tạo ra các mô hình kích thích khiến bạn tiếp tục so sánh như thành tích thi đua, ca tụng những kẻ lắm tiền, rồi coi thường kẻ nghèo khó (đáng nhẽ nên tôn trọng tất cả).

Bạn cần thoát ra khỏi những chế độ lái tự động này.

Có một lối thoát.

Đó là công nghệ và internet.

Nó cho phép bạn được trả tiền khi bạn là chính mình.

Nơi diễn ra sự hợp nhất giữa công việc và cuộc sống (gia đình, bạn bè, sức khỏe) của bạn.

Con đường này là một quá trình phát triển bản thân gồm sức khỏe, tiền bạc, mối quan hệ, và hạnh phúc. Bạn cần tìm giải pháp cho vấn đề của riêng bạn, để vun đắp cuộc sống lý tưởng mà bạn đang hướng tới.

Để kiếm được tiền, bạn cần 2 mức:

  • Mức 1, đổi kiến thức cơ bản lấy sự chú ý: chia sẻ câu chuyện, giải pháp để thu hút những người có mục tiêu giống bạn.
  • Mức 2, đổi kiến thức nâng cao để lấy tiền: bạn cần có sản phẩm để giải quyết nhu cầu lớn hơn để mọi người trả tiền cho bạn.

Lưu ý: Con đường này chỉ dành cho những ai coi trọng sự phát triển trí óc, cơ thể, kỹ năng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu bạn thuộc kiểu người lười biếng, tầm thường, thích dựa dẫm, kiếm tiền nhanh chóng, nịnh bợ để đi lên thì nó không phù hợp với bạn.

Cách biến cuộc sống của bạn thành doanh nghiệp

Để doanh nghiệp hình thành, bạn cần 3 bộ phận.

  • Tiếp thị là cách bạn thu hút mọi người đến với bạn.
  • Sản phẩm là cách bạn cung cấp một giá trị lớn hơn để đổi lấy tiền.
  • Hệ thống vận hành giúp doanh nghiệp hoạt động.

Tiếp thị chính là câu chuyện xoay quanh sự phát triển cá nhân của bạn. Nó đến từ những trải nghiệm độc đáo của bạn trong quá trình sống. Khi bạn nói ra trải nghiệm của mình, bạn sẽ thu hút những người giống bạn.

Sản phẩm chính là giải pháp giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp. Bạn và những người giống bạn sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nó.

Vì bạn chỉ có một người, nên hệ thống vận hành của bạn phải thật đơn giản và tự động hóa (hoặc thuê ngoài) những công việc lặp đi lặp lại.

Đây là cách triển khai:

1. Tiếp thị – Quảng bá câu chuyện của bạn

Câu chuyện của bạn bao gồm:

  • Những gì bạn đã trải qua trong quá khứ;
  • Bạn đang làm điều gì ở hiện tại;
  • Tầm nhìn của bạn trong tương lai.

Khi bạn chia sẻ hành trình phát triển của mình, mọi người không chỉ theo dõi bạn vì nội dung để học hỏi, mà họ theo dõi bạn vì chính con người của bạn.

Bạn không nhất thiết phải giỏi hoặc nổi tiếng thì mới chia sẻ.

Hãy tự hỏi bản thân thế này:

Bạn đang ở trong vị trí nào?

Ai là người giỏi hơn bạn?

Ai là người kém hơn bạn vài bước?

Bây giờ, bạn chỉ cần học người giỏi hơn bạn, và chia sẻ lại người đi sau bạn 2,3 bước.

Khi bạn chọn chia sẻ cho người đi sau bạn vài bước, bạn sẽ biết được chính xác:

  • Họ muốn gì?
  • Vấn đề gì họ đang gặp phải?
  • Cách giải quyết vấn đề đó là gì?

Bởi vì chính bạn đã trải qua vấn đề đó.

Nếu bạn muốn có thêm sự tự tin, tôi sẽ cho bạn xem một nghiên cứu khoa học.

Hóa ra là nếu bạn đang đi trên một con đường mới, những chuyên gia giỏi nhất thường là những người hướng dẫn tệ nhất. Khi bạn ngày càng giỏi hơn trong những gì mình làm, khả năng truyền đạt sự hiểu biết của bạn hoặc giúp người khác học được kỹ năng đó thường ngày càng tệ hơn.

Adam Grant

Kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về mọi sinh viên năm nhất tại Đại học Northwestern từ năm 2001 đến năm 2008. Tổng 15,662 sinh viên.

Theo giáo sư Adam Grant, bạn học được nhiều nhất từ người đi trước bạn vài bước chứ không phải chuyên gia.

Bạn không cần phải trở thành chuyên gia để dạy lại người khác.

Để quảng bá câu chuyện của mình, bạn cần nói, viết, hoặc vẽ (thiết kế).

Đối với người mới bắt đầu, tôi khuyên bạn nên học viết, vì nó là nền tảng cho nói, thuyết trình, viết kịch bản video, podcast, trang bán hàng… Nếu bạn muốn một nơi để bắt đầu học kỹ năng viết, tôi sẽ giúp bạn thông qua hệ sinh thái Viết hiện đại với mức giá 299,000 hoặc 999,000 vnđ – đây là những kiến thức và hệ thống mà tôi đang sử dụng cho công việc viết lách của mình.

2. Xây dựng một sản phẩm số

Sản phẩm số cho phép bạn kiếm được tiền trong khi ngủ.

Khả năng nhân bản vô hạn với chi phí cận biên bằng 0 (nghĩa là bạn tạo ra 100 hay 1,000 sản phẩm cũng không mất thêm chi phí).

Nhưng đừng để khi giỏi hoặc có danh tiếng rồi mới tạo.

Có 2 lý do:

Hầu hết mọi người muốn học đều là người mới bắt đầu. Khi bạn trở thành chuyên gia rồi thì khả năng hướng dẫn của bạn cực kỳ tệ. Bạn sẽ không còn hào hứng với những kiến thức cơ bản nữa. Bạn sẽ lao mình vào kiến thức cao siêu mà những người mới không thể hiểu nổi. Bởi vậy, nếu bạn chưa có ý định xuất bản thì Ít nhất bạn cần tạo khóa học ngay khi mới bắt đầu và để nó ở chế độ riêng tư. Đừng lãng phí khoảng thời gian này.

Khi bạn chưa có danh tiếng thì không có người mua khóa học là điều hết sức bình thường. Nhưng bạn sẽ có được những lợi ích khác. Nó sẽ giúp bạn gia tăng tính thẩm quyền chuyên gia. Khán giả sẽ có một điểm neo để nhớ đến bạn. Mọi người sẽ không mua luôn, bạn cần kiên nhẫn vì khán giả cần thời gian để tin tưởng bạn. Điều quan trọng hơn, nó sẽ phát triển theo thời gian, theo danh tiếng của bạn. Ý là con gà có trước hay quả trứng có trước. Tốt nhất là nên có cả hai.

Nhớ đừng fomo theo kiểu kiếm 500 triệu đều đặn trong vòng 1 tháng. Miễn là bạn không cam kết về kết quả, thì không có vấn đề gì cả.

Câu hỏi lớn tiếp theo: “Nên tạo ra khóa học gì?”

Nếu bạn tạo ra kiểu khóa học lý thuyết thì nhàm chán vô cùng.

Bây giờ mọi người đều có thể lên youtube, hoặc sử dụng AI để học thì việc quái gì họ phải mua khóa học của bạn.

Bởi vậy, khóa học của bạn phải là thứ mà không một ai có thể sao chép, hoặc thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI.

Ví dụ, khóa học Viết Hiện Đại của tôi không thiết kế theo kiểu hàn lâm. Nó là một hệ sinh thái ghi lại các kiến thức và nguồn mà tôi đã học tập, lý do tại sao tôi lại viết, hệ thống công cụ mà tôi sử dụng, các bước mà tôi đã thực hành để mang lại hiệu quả. Hiệu quả trong việc tìm kiếm khách hàng cùng tần số, bạn bè, đối tác cùng giúp nhau trong công việc và cuộc sống. Tôi cũng không cố gắng thể hiện mình là Thầy, không cố gắng dậy bảo ai, mà chỉ ghi lại những gì mà tôi đã học và làm được từ khi mới bắt đầu.

Đó mới thực sự là những thứ mọi người cần.

“Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể biết. Vấn đề là phải hiểu.” ― Albert Einstein

Não con người “biết” thông qua lý thuyết hàn lâm, nhưng “hiểu” các khái niệm thông qua câu chuyện.

Các cấp độ phát triển thông qua học hành diễn ra như sau:

Cấp độ đầu tiên là biết thông qua sách vở. Nếu ai chỉ dừng lại ở đây và suốt ngày nhồi nhét kiến thức thì gọi là mọt sách. Tiếp tục học lên tiến sĩ, thạc sĩ rồi thất nghiệp. Đương nhiên có thể dựa vào cái “mác” để chui vào nơi con ông cháu cha, ngồi chơi xơi nước hưởng lương hàng tháng – trường hợp này thì tôi không nói đến. Còn những ai biết chuyển sang cấp độ 2 và 3 thì đáng khâm phục.

Cấp độ thứ 2 là hiểu thông qua câu chuyện của người khác. Họ quan sát người khác làm để hiểu rồi bắt chước theo. Đó chính là lý do tại sao mấy ông sinh viên mới ra trường, các công ty đều phải đào tạo lại bằng cách “bỏ đống lý thuyết mày học ở trường đi, nhìn anh chị làm đây này, rồi làm theo”.

Cấp độ thứ 3 là hiểu thông qua câu chuyện của chính họ. Nghĩa là khi họ bắt tay vào làm họ sẽ hiểu khái niệm theo cách riêng của họ.

Nhưng hầu hết mọi người đều không hiểu được 3 cấp độ này, để rồi tốn 4 năm đại học nhưng lại không mang lại kết quả.

Trong hiện tại và tương lai, nếu ai có khả năng tự học thì có thể bỏ qua đại học để tham gia nền kinh tế mới, gọi là nền giáo dục phi tập trung. Nơi sản phẩm giáo dục mà bạn chính là một mắt xích quan trọng.

Bởi vậy, những gì bạn giảng dạy sẽ là nơi kết hợp giữa lý thuyết mà bạn đã học và sự độc đáo bằng cách ghi lại hành trình phát triển của bạn.

Hành trình phát triển bao gồm:

  • Sự đấu tranh
  • Những khó khăn, khúc mắc bạn gặp phải
  • Bạn đã giải quyết nó như thế nào?
  • Công cụ, hệ thống quy trình mà bạn đã sử dụng.
  • Các ví dụ mà bạn đã thực hành để có được kết quả.

Hành trình trải nghiệm của bạn là những thứ không ai có thể sao chép được.

Cuối cùng: “Tạo ra khóa học như thế nào?”

Đừng sản xuất lại xe đạp.

Hãy xem các khóa học mà bạn đã mua. Bắt chước về cấu trúc. Tổng hợp lại lý thuyết bạn đã học.

Sau đó, đổi mới bằng cách thêm trải nghiệm và câu chuyện của bạn vào là xong.

3. Hệ thống đơn giản 3 điểm

Sự phức tạp và cồng kềnh khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ.

Đây là hệ thống mà tôi đang sử dụng:

> Đầu phễu

Xây dựng nội dung trên mạng xã hội và kết nối để thu hút đối tượng khách hàng mục tiêu.

> Giữa phễu

– Viết bài trên blog để giữ sự chú ý và giáo dục khách hàng

– Các sản phẩm miễn phí để đổi lấy email và giáo dục khách hàng sâu hơn

– Tiếp thị email. Gửi các bài viết hay nhất của bạn cho khách hàng 1-3 bài/tuần

> Cuối phễu

– Landing page để khách hàng hiểu hơn về những giá trị mà bạn cung cấp thông qua sản phẩm, dịch vụ.

– Call 1:1 để tư vấn trực tiếp

Nhiều lời khuyên ngoài kia nói với bạn là phải đa kênh. Nó đúng cho doanh nghiệp lắm tiền nhiều của. Nhưng với cá nhân là một cái bẫy. Bởi vì, bạn không đủ thời gian và nguồn lực tinh thần đâu. Sự đa nhiệm sẽ làm bạn kiệt sức.

Nếu bạn cần người hỗ trợ, tôi có thể giúp bạn xây dựng hệ thống doanh nghiệp một người tinh gọn và có lợi nhuận vào năm 2025.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi trong quá trình xây dựng

1. Giữ mọi thứ đủ nhỏ

Không có kế hoạch làm giàu nhanh chóng nào cả. Chỉ có người khác làm giàu từ bạn thôi. — Naval

Tôi biết bạn sốt ruột.

Chúng ta đều là con người, và đều dễ bị fomo bởi những nội dung như kiếm đều đặn: 500,000 triệu/tháng.

Nó chỉ gây ra ảo tưởng đối với người mới bắt đầu và làm giàu cho kẻ khác mà thôi.

Việc cố gắng mở rộng quy mô hoặc làm giàu nhanh chóng chỉ khiến cho não bạn trở nên căng thẳng và lo lắng. Khi stress, tâm trí bị thu hẹp, tầm nhìn ngắn lại, và bạn dễ đưa ra các quyết định sai lầm.

“Hãy giữ cho quy mô đủ nhỏ cho đến khi bạn tìm ra được phương án hiệu quả” — Naval

Kinh doanh giống như một nhà khoa học, hãy để mọi thứ ở mức nhỏ (đơn giản) để có thể thử nghiệm hết thứ này đến thứ khác, cho đến khi tìm thấy điều phù hợp với chính bạn.

Sự phù hợp ở đây đến từ:

  • Kỹ năng
  • Sản phẩm
  • Nội dung bạn viết
  • Khán giả và khách hàng

Khi tìm ra những gì phù hợp, bạn chỉ việc nhân bản, mở rộng và cứ mạnh dạn tiến lên.

Tôi ước mình nhận được lời khuyên này sớm hơn, tôi sẽ không trải qua hết thất bại lớn này đến thất bại lớn khác (dẫn đến những giai đoạn khủng hoảng tinh thần đến vậy).

Tôi từng kinh doanh đồ du lịch, nội thất, thiết kế web, viết content, affiliate, dropshipping, thậm chí cung cấp cả app hướng tới khách hàng doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp nhỏ, phục vụ cả freelancer. Nhưng rồi phát hiện ra tôi phù hợp với những người làm kinh doanh trực tuyến thông qua nội dung giáo dục.

Tôi từng tạo vài cái ebook nhưng rồi quyết định bỏ hết chúng đi, tôi từng tạo khóa học thiết kế web rồi cũng phải bỏ cho đến khi tìm ra sản phẩm mà tôi gắn bó cả đời là Viết hiện đại và Xây dựng doanh nghiệp một người – bởi chúng thực sự có ý nghĩa đối với cuộc sống của tôi.

Những thử nghiệm đó không hề thừa, nó cho tôi biết chính xác những điều tôi không phù hợp và đẩy tôi đến gần với điều phù hợp hơn. Kèm theo đó là những góc nhìn đa chiều để đưa ra định hướng đúng đắn nhất cho riêng mình. Sau đó, chia sẻ lại cho bạn hành trình mà tôi tham khảo.

Tôi nói những điều này vì không muốn nó xảy ra với bạn.

Vì vậy hãy giữ mọi thứ ở quy mô rất nhỏ cho đến khi tìm ra điều gì đó hiệu quả.

2. Tập trung vào đòn bẩy

Mã và phương tiện truyền thông là đòn bẩy không cần xin phép. Chúng là đòn bẩy đằng sau những người giàu mới. Bạn có thể tạo ra phần mềm hoặc phương tiện truyền thông phục vụ bạn trong khi ngủ. Một đội quân robot có sẵn, miễn phí – chỉ được đóng gói trong các trung tâm dữ liệu để tiết kiệm nhiệt và không gian. Hãy sử dụng nó. Nếu bạn không biết lập trình, hãy viết sách, quay video và podcast. Đòn bẩy là sức mạnh nhân lên cho khả năng phán đoán của bạn.

— How to get rich, Naval Ravikant

Khi bạn làm dịch vụ, có thêm một khách, làm thêm một giờ cũng không khiến bạn giàu được.

Đặt mục tiêu đủ mức thu nhập để sống để dành thời gian xây dựng đòn bẩy.

Gây dựng mối quan hệ với những khách hàng có thể giúp đỡ bạn. Họ là những người chăm chỉ, hào phóng, và sẵn sàng giới thiệu bạn với người khác.

Trong các trang giới thiệu sản phẩm, dịch vụ luôn đưa ra nội dung để thu hút những người phù hợp và đẩy lùi những người mà bạn không thể giúp đỡ. Đừng tham lam, nó chỉ khiến bạn gặp rắc rối và kéo theo một loạt sự vụ phía sau mà thôi.

Việc theo đuổi một khách hàng tỏ ra mình là “thượng đế” chính là cách coi thường bản thân nhiều nhất. Thế giới đầy rẫy những người có tinh thần bình đẳng, lòng biết ơn, và biết cách tôn trọng người đối diện (dù họ là ai đi chăng nữa).

Họ nhiệt tình. Tôn trọng thời gian, chất xám của bạn. Có tinh thần hợp tác cao chứ không phải theo kiểu “bạn phải phục vụ tôi”. Những người này thường chơi theo nhóm. Nếu bạn gặp được một người, những người còn lại sẽ xuất hiện.

Hãy thể hiện cá tính của mình bằng cách viết để thu hút họ, xây dựng dự án với họ, và cùng nhau vẽ lên những câu chuyện tuyệt vời.

Điều quan trọng nhất là tập trung vào đòn bẩy.

Đòn bẩy chính là phương tiện truyền thông bao gồm xây dựng người theo dõi trên tài khoản mạng xã hội, thu thập danh sách email, và nội dung trên website của bạn.

Đòn bẩy công nghệ chính là xây dựng sản phẩm số của bạn.

Nếu bạn bị cuốn vào cảnh mải mê kiếm tiền, bạn sẽ không có thời gian và năng lượng để xây dựng đòn bẩy.


Tôi đã nói với rất nhiều người về mô hình này, nhưng 80% đều không tin vì nó mới.

:)) Ngay cả vợ tôi cũng thế.

Nhưng không sao, nó sẽ sớm bùng nổ thôi.

Điều quan trọng của kinh doanh không phải là bắt chước thị trường nơi bạn đang sống, mà là có một tầm nhìn xa hơn trong tương lai dựa trên diễn biến của hiện tại.

Đó mới đúng nghĩa là Start-up.

Tôi không ngờ rằng lá thư này dài đến vậy.

Cảm ơn bạn đã đọc;

Trân trọng vì điều đó;

Chúc bạn cuối tuần vui vẻ!

Tài nguyên & Dịch vụ

Cùng tôi tham gia vào nền kinh tế mới

ý tưởng

Ý tưởng thiên tài (free)

Trở thành người sáng tạo và biến các ý tưởng của bạn thành doanh nghiệp một người

ghostwriting

Hệ sinh tháiViết hiện đại (paid)

Tôi sẽ giúp bạn có được kỹ năng viết để thu hút khách hàng đến với công việc của bạn

business

Khóa học xây dựng doanh nghiệp một người 101

Tìm hiểu cơ bản về cách xây dựng doanh nghiệp một người có lợi nhuận 2025

business

Dịch vụ xây dựng doanh nghiệp một người

Hệ thống, bán tự động và đơn giản hóa doanh nghiệp để làm chủ công việc và cuộc sống

🖱️ Xem chi tiết

Share This