3-6 tháng…
Khoảng thời gian kinh khủng nhất đối với người mới bắt đầu – với vai trò là một người kinh doanh trực tuyến.
Đó là nơi bạn phải đối mặt với nỗi kinh hoàng diễn ra trong tâm trí bạn. Choáng ngợp vì quá nhiều việc. Lo lắng, căng thẳng vì không nhìn rõ con đường phía trước. Nỗi hoài nghi về bản thân. Rồi những cuộc đấu tranh nội tâm xảy ra, liệu mình có nên tiếp tục khi mọi dấu hiệu đều cho thấy nó không hiệu quả.
Trong tâm trí bạn bắt đầu nhen nhóm ý định bỏ cuộc.
Nhưng trước khi làm điều đó, hãy hít một hơi thật sâu và nghĩ về lý do tại sao bạn bắt đầu.
Tiếp theo, hãy cho bản thân một cơ hội để đón đọc lá thư của tôi gửi cho bạn ngày hôm nay. Biết đâu, nó sẽ mang lại cho bạn khoảnh khắc Aha làm thay đổi cuộc đời bạn. Bạn sẽ không phải quay lại với công việc làm thuê phụ thuộc và gò bó nữa. Bạn sẽ không phải tiếp tục sống trong cảnh lo lắng, đầy choáng ngợp, và mất phương hướng của người mới bắt đầu.
Thay vào đó…
Bạn sẽ tìm thấy một ý tưởng khả thi cho riêng bạn.
Đó là một công việc bạn yêu thích, làm với người mình thích, và sẵn sàng từ chối bất cứ ai không tôn trọng bạn.
Bạn có khả năng kiểm soát số tiền mình kiếm được (mong muốn giàu có thì hãy để vượt qua giai đoạn người mới bắt đầu, đó mới là lúc bạn bung lụa).
Chủ động thiết kế lối sống mà bạn mong muốn.
Với tư cách là một người đã trải qua giai đoạn mới bắt đầu, tôi sẽ chia sẻ cho bạn các ý tưởng này thông qua trải nghiệm của tôi:
Cách đây 5,6 năm về trước…
Chính bản thân tôi đã từng là người bước vào địa ngục của người mới bắt đầu như bạn.
Tôi bắt đầu kinh doanh với dự án đồ du lịch, nội thất. Kinh doanh chuyên môn SEO, chạy quảng cáo, viết content, thiết kế website. Sau đó là tiếp thị liên kết affiliate, dropshipping.
Bạn biết điều gì xảy ra không?
Tôi chuyển nghề liên tục.
Cứ mỗi lần chuyển nghề tôi lại thất bại, hoặc buộc phải dừng lại vì không thấy mình phù hợp nữa.
Cũng giống như bao người khác thôi, lặp đi lặp lại vết xe đổ, khi không nhận thức được vấn đề.
Nhưng tôi không hối hận.
Bởi vì nó không hề lãng phí.
Những gì tôi học được trong suốt chặng đường đầy ổ gà, ổ chó ấy đã trang bị cho tôi một cái đèn pha đủ mạnh, để soi rọi mọi ngóc ngách tăm tối nhất trong địa ngục của người mới bắt đầu.
Tôi thấy rõ mồn một những con hồ li tỏa hương đầy mê hoặc, khiến tâm trí tôi bị mụ mị rồi đi sai hướng.
Tôi thấy rõ từng hòn đá, hòn sỏi ngáng đường.
Tôi tìm thấy những con đường mới nhờ bạn bè mà tôi gặp, người thầy mà tôi theo.
Và cuối cùng, tôi có được những kinh nghiệm để chia sẻ lại cho bạn trong lá thư này. Lá thư gồm 3 phần chính:
- Làm sao để thoát khỏi địa ngục của người mới bắt đầu kinh doanh?
- Cách thoát khỏi địa ngục của người mới bắt đầu với tư cách là người viết, người sáng tạo?
- Từ người sáng tạo trở thành doanh nhân sáng tạo.
Lá thư này dành cho những ai:
Muốn bắt đầu kinh doanh mà không có vốn, chỉ có một thân một mình với hai bàn tay bé nhỏ.
Cảm thấy mông lung, mất định hướng về sự nghiệp của mình, và muốn tìm một phương án mới.
Nhà sáng tạo nội dung, Content writer, content creator, hoặc bất kỳ ai đang hành nghề viết nhưng lại không thể nào phát triển dù đã cố gắng cày cuốc theo “ai đó” trên mạng.
Nếu bạn thấy mình trong đó, lá thư này dành cho bạn.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận về chủ đề này.
Địa ngục tầng 1: Làm sao để thoát ra khỏi địa ngục của người mới bắt đầu kinh doanh?

1. Thoát khỏi trò chơi cạnh tranh để gia nhập sân chơi sáng tạo
Thương trường là chiến trường.
Đó là một trò chơi kiểu cũ.
Nếu bạn tin vào câu nói đó.
Chúc mừng!
Bạn đã quay vào ô địa ngục.
Nơi mà bạn đóng vai một chú chim non với đôi cánh non nớt chiến đấu với những con cáo ma mãnh trong ngành. Nơi mà bạn phải đề phòng với tất cả mọi người xung quanh. Bạn sẽ phải chơi trò chơi sinh tồn, để ngoi lên thì phải đạp kẻ khác xuống. Bạn sẽ bị nhồi tư tưởng: “muốn kinh doanh thì phải gian xảo, hiền lành thì chẳng có chỗ dung thân”. Thương trường cạnh tranh khốc liệt là thế. Muốn thắng thì có kẻ thua. Muốn được thì kẻ khác sẽ phải mất.
Thử nghĩ xem, xác suất thành công của bạn là bao nhiêu, nếu rơi vào địa ngục này?
Đặc biệt bạn là người đang hướng tới sự chính trực và kinh doanh có đạo đức.
Nếu bạn đã nhận ra được sự khốn nạn của trò chơi này, thì tôi sẽ giới thiệu bạn một loại trò chơi khác. Nơi mà mọi người cùng nhau phát triển, đối thủ trở thành bạn bè, khách hàng trở thành đối tác (thay vì thượng đế), và tất cả các bên đều có lợi.
This game: TRỞ THÀNH NGƯỜI SÁNG TẠO trong NỀN KINH TẾ SỐ.
2. Ý tưởng sáng tạo là mỏ vàng vô tận
Chúng ta thật may mắn vì đang ở trong một thời điểm quan trọng nhất lịch sử.
Khi mà khả năng thực thi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Internet cho khả năng kết nối chỉ trong vài cái nhấp chuột. Công cụ thì bạt ngàn. Máy móc thay thế sức lao động của con người. AI giúp mọi người tìm kiếm thông tin, xử lý dữ liệu, thực hiện các công việc với độ chuẩn xác của một chuyên gia. Chỉ có sáng tạo là AI không làm được.
Và vai trò của bạn là có một ý tưởng (sáng tạo) thật tốt để đưa vào thực thi.
Ý tưởng sáng tạo là gì?
Sáng tạo tôi muốn nói ở đây không phải theo kiểu “đổ sơn lên tường”.
Sáng tạo là cách bạn giải quyết một vấn đề trong đời sống, bằng cách trả lời các câu hỏi:
- Làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn?
- Làm sao để khỏe mạnh hơn?
- Làm sao để có những mối quan hệ tốt đẹp hơn?
- Làm sao để thoát khổ và có được hạnh phúc?
Ý tưởng chính là các suy nghĩ của bạn.
Nghiên cứu cho thấy con người có khoảng 6,200 suy nghĩ mỗi ngày.
Hãy tưởng tượng, nếu thế giới có 8 tỷ người mà trao đổi các ý tưởng với nhau thì mỏ vàng ý tưởng sẽ phình to khủng khiếp thế nào. Như George có nói:
“Nếu bạn có một quả táo và tôi có một quả táo và chúng ta trao đổi những quả táo này thì bạn và tôi mỗi người vẫn có một quả táo. Nhưng nếu bạn có một ý tưởng và tôi có một ý tưởng và chúng ta trao đổi những ý tưởng này, thì mỗi người chúng ta sẽ có hai ý tưởng.”
― George Bernard Shaw
Môi trường thuận lợi để trao đổi các ý tưởng diễn ra trên internet, mạng xã hội. Hãy thoải mái chia sẻ các ý tưởng của bạn lên internet để trao đổi với người khác, bạn và họ đều được hưởng lợi.
Cũng đừng lo về việc bạn bị đánh cắp ý tưởng.
Bởi vì bạn có mất gì đâu. Người ăn cắp có được ý tưởng, cuộc sống của họ tốt lên thì bạn nhận được sự chú ý, mà trong thế giới kỹ thuật số thì sự chú ý chính là tiền tệ.
3. Đừng bán sản phẩm, hãy bán ý tưởng
Đây mới là mấu chốt để bạn thoát khỏi địa ngục.
Nhưng trước tiên, tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện.
Ngày 23.10.2001, một siêu phẩm công nghệ được công ty Apple ra mắt.
Đó là chiếc máy nghe nhạc màu trắng, có 5GB bộ nhớ.
Giả định, trong buổi ra mắt sẽ có thêm một trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ 1: Steve Jobs bị ốm, ông kỹ thuật lên thay thế giới thiệu sản phẩm.
Ông ấy sẽ trình bày thông số kỹ thuật 5GB, kích thước như thế nào, màu sắc ra sao, và nó có tính năng gì, và chúng tôi tốn bao nhiêu thời gian, công sức để làm ra nó.
Khò…
Khòòò…
Vài phút sau, cả khán phòng ngủ hết.
Trường hợp thứ 2: Steve Jobs cầm cái Ipod lên giới thiệu.
“Thiết bị tuyệt vời này chứa 1,000 bài hát trong túi của bạn”.
Wow cả khán phòng như nổ tung vì sự vui sướng.
Y tưởng sáng tạo kinh điển đó đã giúp Apple thoát khỏi khoản nợ 195 triệu USD vào năm 2001.
Vậy ý tưởng sáng tạo là gì?
Là sự giao thoa giữa chuyên môn và cuộc sống.
“1,000 bài hát” – là chuyên môn.
“Trong túi của bạn” – là cuộc sống.
Bạn hiểu ví dụ này đúng không?
Có lẽ là chưa hiểu đâu.
Tôi sẽ trình bày thêm trong các phần tiếp theo.
Địa ngục tầng 2: Làm sao thoát khỏi địa ngục với tư cách người viết, người sáng tạo?

Nếu bạn hiểu ra rằng trò chơi kiểu cũ không dành cho bạn nữa.
Bạn cứ để cho chúng nó tự đấu đá với nhau.
Bạn nhảy sang sân chơi của người sáng tạo trong nền kinh tế số.
Tuyệt…
Bạn bắt đầu viết, tạo video, thiết kế,… để “xây kênh”.
Đó là khoảng thời gian mà hầu hết những người sáng tạo đều mắc kẹt trong địa ngục tầng 2 này.
Bạn biết đấy, sáng tạo là một trò chơi tâm trí. Bạn sẽ phải suy nghĩ liên tục. Điều đó khiến bạn bị choáng ngợp trong biển thông tin hướng dẫn. Bạn lo lắng và chán nản vì làm mãi mà chẳng thấy hiệu quả. Rồi tâm trí bạn sinh ra suy nghĩ tiêu cực: “có lẽ mình cố gắng chưa đủ” hoặc “mình nên tiếp tục hay dừng lại”.
Bạn giống như một con thuyền, lênh đênh trên biển.
Rồi một ngày, khi lướt mạng xã hội, bạn nhận được một thông điệp từ một KOL nào đó:
“Để thành công, bạn cần kiên trì từ 5-10 năm và làm việc không mệt mỏi”.
“Rồi bạn phải viết hàng ngày, phải làm video hàng này”.
Nhưng bạn tôi ơi!
Bạn chưa cần thành công, bạn cần thoát ra khỏi địa ngục của người mới bắt đầu để ngoi lên mặt đất đã. Những lời khuyên như vậy khiến bạn kiên trì trong vô vọng. Bạn cứ lặp đi lặp lại những việc chẳng mang lại tác dụng gì.
Không like, không follow, không chia sẻ, không một lời cảm ơn. Cảnh đó thật đau đớn.
Bạn biết mình giống con gì không?
Những con xác sống cứ đi, cứ đi với những bước chân vô nghĩa trong địa ngục tầng 2 này, cùng những suy nghĩ tiêu cực. Liệu mình có đi đúng đường? Liệu đây có phải là một lựa chọn phù hợp? Hay giấc mơ sáng tạo chỉ là một trò lừa đảo của những kẻ fomo?
Rồi bạn nghe ai đó nói rằng bạn “phải suy nghĩ tích cực lên”.
Vớ vẩn…
Bạn không được đè nén suy nghĩ tiêu cực hoặc phớt lờ nó bằng cách tìm kiếm nội dung giải trí. Nếu bạn suy nghĩ tiêu cực thì đó là một dấu hiệu bạn cần thay đổi phương pháp hoặc môi trường.
Có điều gì đó bạn chưa làm đúng.
Bạn phải tìm ra nó cho bằng được.
Và sự thật là:
BẠN KHÔNG ĐƯỢC ĐẶT ĐÚNG Ở NƠI ĐỂ BẮT ĐẦU.
Tại sao?
Phần lớn chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang.
Ánh hào quang đó được tỏa ra từ những người có danh tiếng như Alex Hormozi, Sam Oven’s, Garyvee, hoặc Iman Gadzhi, các chuyên gia, doanh nhân có tiếng ở Việt Nam khác như Shark Phú, Shark Linh, anh Hoàng Nam Tiến, TS. Lê Nguyễn Phương, thầy Ngô Minh Tuấn,… hoặc những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của bạn.
Vấn đề ở đây là gì?
Khi họ đã có danh tiếng, họ viết cái gì, họ nói cái gì thì cũng dễ dàng thu hút được sự chú ý.
Còn bạn và tôi thì sao?
Tôi ghét phải nói điều này.
Có ma nó đọc.
Bạn không được tôn trọng vì bạn không có một chút thẩm quyền nào để nói về những điều đó cả.
Vậy làm sao để xây dựng được thẩm quyền trực tuyến?
1. Mượn thẩm quyền
Bạn cần tìm một người nổi tiếng trên mạng.
Tiếp theo tiếp cận người ta, xin gia nhập vào cộng đồng để mượn tầm ảnh hưởng của họ – nếu may mắn bạn sẽ trở thành đệ của họ.
Khi là đệ rồi thì bạn sẽ được người ta nâng đỡ, cất nhắc, và giới thiệu với cộng đồng, khán giả của họ. Từ đó, bạn nhận được thẩm quyền.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Có vay thì có trả.
- Bạn là đệ của người ta thì bạn không thể tham gia vào tổ chức khác. Họ không muốn thế. Nếu bạn cố tình làm thế thì bị người ta nói là hai mang, phản đồ.
- Bạn phải ngoan, phải nghe lời, và biết buông lời bợ đít.
- Có thể bạn sẽ đánh mất chính mình vì đi theo cái bóng của họ. Bạn bị gò bó, ép buộc theo chiến lược mà họ đề ra, và nếu bạn làm khác đi thì người ta sẽ thái độ. Bạn bị thất sủng.
- Bạn sẽ mất đi lòng tự trọng – thay vì tự vươn lên thì bạn lại chọn cách dựa dẫm.
Hehe. CAY KHÔNG?
Bởi vậy, bạn cần một chiến lược khác.
Thứ 1. Hãy để ý xem người chủ cộng đồng đó có phải là người thích chơi trò chơi địa vị không. Nếu có, hãy tránh xa ngay lập tức – bài học tôi thấm nhuần từ Naval.
Thứ 2. Thẳng thắn trao đổi lợi ích.
Hãy xem bạn có thứ gì đó họ cần.
- Tiền?
- Lời chứng thực và case study (cần chứng tỏ bạn là ứng viên tiềm năng)?
- Bạn có thể giúp đỡ họ bằng chuyên môn nào của bạn?
Hãy thẳng thắn đưa ra lời đề nghị để đổi lấy điều mà bạn muốn. Sự thẳng thắn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Nếu họ mập mờ, hãy tìm người khác.
Thứ 3. Mượn thẩm quyền từ người đã có danh tiếng
Khi bạn trình bày một quan điểm nào đó, hãy lấy dẫn chứng từ người có ảnh hưởng.
Ví dụ của tôi:
- Kinh doanh và triết học tôi thường dùng của Naval Ravikant
- Tâm lý học của Carl Jung
- Đạo Phật tôi thường dùng trích dẫn lời Đức Phật, thầy Thích Nhất Hạnh,…
- Khoa học trích dẫn của Andrew Huberman,…
Thứ 4. Liên kết và nâng đỡ người đi sau bạn 1,2 bước.
Không ai giỏi hết mọi mặt.
Hãy xem trong các mối quan hệ của bạn, họ yếu về mặt nào thì bạn đưa ra lời đề nghị với họ.
Hãy thực lòng giúp đỡ họ phát triển mà không có động cơ thầm kín. Động cơ thầm kín là việc bạn kỳ vọng vào một điều gì đó từ họ mà không thẳn thắn nói ra.
Khi giúp được họ, bạn sẽ có thẩm quyền và những mối quan hệ tốt.
2. Thẩm quyền từ trải nghiệm độc đáo của bạn
Thế giới đang khao khát tính xác thực. Khi chúng ta nhìn thấy sự thật ở một người, chúng ta gọi đó là tính xác thực.
– Naval Ravikant
Tôi đọc được câu trích dẫn này của Naval từ nhiều năm về trước.
Nhưng tôi chỉ hiểu được nó khi quan sát hành trình của thầy Thích Minh Tuệ.
Hãy đặt câu hỏi: “Tại sao thầy không có chức danh, địa vị nhưng lại thu hút được nhiều người theo dõi đến vậy?”.
Tôi nhận thấy một điểm mấu chốt: thầy kể một cách rất chân thật về hành trình của mình. Không khoa trương. Không khoác lác. Cũng không cố gắng tỏ ra mình giỏi hoặc mong cầu sự chú ý từ mọi người xung quanh.
Bây giờ, tôi sẽ nói cho bạn cách ứng dụng vào việc xây dựng thẩm quyền trực tuyến.
Bước 1. Thật thoải mái nói ra tính dễ bị tổn thương của bạn.
Tính dễ bị tổn thương là các điểm yếu của bạn mà hầu hết mọi người đều có. Ví dụ như sự lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp, gặp thất bại trong công việc, mối quan hệ,…
Đây là cách giúp bạn không trở thành một kẻ giáo điều và cố tỏ ra dạy bảo người khác.
Nó cũng giúp bạn trở nên khiêm nhường và bình đẳng hơn.
Action: Viết ra những nhược điểm trong tính cách của bạn, hoặc các trải nghiệm tồi tệ mà bạn đã trải qua. Phân loại những gì bạn không nên nói ra và giữ lại cho riêng mình, những gì bạn được phép nói ra để truyền cảm hứng và kết nối với khán giả.
Bước 2. Bạn học được giải pháp đó từ ai?
Giống như thầy Minh Tuệ, thầy chỉ nói rằng thầy chỉ làm theo lời Phật dạy, mọi pháp đều có hết trong kinh sách rồi. Đó là việc thể hiện sự khiêm tốn và lòng biết ơn.
Action: Trích dẫn hoặc nhắc tới người mà bạn đã học hỏi.
Bước 3. Chia sẻ cách mà bạn đã làm
Đây là cách bạn thể hiện vai trò người lãnh đạo, dẫn dắt người khác vượt qua khó khăn bằng những trải nghiệm của mình.
Action: Trình bày thật rõ ràng các bước mà bạn đã thực hành để đạt được kết quả.
3. Nghiên cứu chủ đề và viết nội dung dài
Nhiều người hay bĩu môi: “bây giờ mấy ai đọc blog và nội dung dài nữa”
Họ nói đúng.
Bây giờ mọi người thích tiêu thụ nội dung ngắn vì nó nhanh.
Nhưng họ chỉ nhìn được bề nổi của tảng băng chìm.
Khi bạn viết nội dung dài, bạn sẽ được những lợi ích sau:
- Viết càng nhiều, tâm trí bạn càng trở nên rõ ràng và sâu sắc.
- Mọi người sẽ tự động coi bạn là một chuyên gia nếu bạn có nghiêm túc nghiên cứu về những gì bạn đang chia sẻ.
- Khi bạn kéo mọi người từ mạng xã hội về blog, nó giống như bạn mời khách về nhà và cùng ngồi xuống nhâm nhi tách trà để tâm sự. Họ ở với bạn càng lâu, họ càng nhớ tới bạn.
- Về mặt kinh doanh, những ai đọc nội dung dài của tôi rồi thì tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng cực kỳ cao. Ngoài ra, họ cũng đã hiểu rõ về tư tưởng, tư duy của tôi nên khi bắt tay vào làm việc cực kỳ trơn tru, thuận lợi. Chúng tôi ít họp hành hoặc nhắn tin với nhau, mà chủ yếu làm việc qua bảng excel – họ cũng bận và muốn tiết kiệm thời gian nhưng đạt được hiệu quả cao nhất.
Và nhiều tác dụng khác nữa.
Tôi biết,…
Tôi biết viết nội dung dài cực kỳ khó.
Phải thừa nhận rằng ban đầu tôi viết rất tệ.

Đây là bài viết đầu tiên tôi viết và gửi nó cho chị của mình nhận xét hộ. :))) chán thật.
Có lẽ bạn cũng vậy.
Nhưng đừng vì thế mà cầu toàn quá.
Bạn không cần đặt nặng về vấn đề mình phải viết hay.
Bạn chỉ cần đặt mục tiêu số lượng bài viết, với mỗi bài từ 500 – 1,000 từ.
Đừng lo. Mới đầu mọi người sẽ không đọc đâu, họ sẽ chỉ lướt qua thôi. Nhưng dần dần nó sẽ hình thành một hình ảnh về bạn trong tâm trí họ “oh, người này thực sự nghiêm túc với những gì họ đang chia sẻ”. Sau một thời gian, khi họ bắt đầu tò mò và chú ý đến các bài viết dài của bạn, thì kỹ năng viết của bạn đã đạt một tầm cao mới rồi.
Khoảnh khắc này chính là lúc thẩm quyền của bạn được thiết lập một cách mạnh mẽ.
4. Bạn cần làm tốt hơn thế hệ cũ
Hãy tưởng tượng.
Bạn quay trở lại thời điểm 5 năm về trước.
Mạng xã hội đang đói nội dung, và đó là thời điểm vàng cho những người viết nói riêng, và người sáng tạo nội dung nói chung.
Quay lại thời điểm hiện tại.
Sự bão hòa đang khiến thế giới internet trở nên ngột ngạt. Cả người viết và người tiêu thụ nội dung đều ngộp thở trong một thị trường đông đúc.
Nhiều người sáng tạo tham gia vào thị trường viết hơn. Sự có mặt của AI biến internet thành một vùng biển đầy up content khiến ai cũng phải ngao ngán.
Thị trường đã thay đổi.
Bởi vậy, bạn cần sáng tạo hơn.
Trước khi lao vào nghề viết, tôi tự nhắc nhở mình. Mình chưa có danh tiếng, mình chưa có tầm ảnh hưởng, nếu viết về chuyên môn thì chó nó đọc. Vậy nên tôi liên tục đặt câu hỏi: “làm sao để mình có thể cải thiện để vượt lên trên người khác khi mình là người mới bắt đầu?”.
Tôi bắt gặp một trích dẫn này:
Người đọc của bạn muốn được giải trí và nhận được những công cụ mà họ có thể sử dụng ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là cuốn sách của bạn phải chứa đầy những giai thoại và những bài tập thực hành, hữu ích, thực tế: do chính tác giả sáng tạo ra hoặc tái sáng chế.” — Nicholas Boothman
Khoảnh khắc Aha… đến.
Tôi không giỏi đi kết nối, vì vậy tôi đưa yếu tố kết nối vào bài viết bằng cách kể câu chuyện của mình, và nói về những gì mình thích.
Tôi không có danh tiếng thì việc để khán giả nán lại đọc là điều vô cùng khó khăn. Bởi vậy, tôi cần thêm yếu tố giải trí vào bài viết của mình. Giải trí bao gồm hài, drama, hoặc an ủi để tác động sâu tới tâm trí độc giả.
Để thu hút những người ham học, tôi trình bày rất kỹ những nội dung liên quan tới giáo dục. Tôi nhắc đến các vấn đề để thu hút những người sáng tạo. Nhắc đến sản phẩm để mọi người biết đến và mua hàng.
Đó là lịch sử hình thành lên phong cách Viết Hiện Đại (mới update) – kỹ năng chống suy thoái kinh tế và trở thành cá nhân không thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI.
5. Thể hiện sự tự tin
Thiếu tự tin là do cố gắng làm hài lòng tất cả.
Ngay khi bạn viết cũng vậy, nếu bạn viết cho cả thế giới bạn sẽ bị viêm phổi.
Để xây dựng sự tự tin đến từ bên trong, bạn cần thoát khỏi thuyết nhị nguyên: tốt – xấu, đúng – sai,… Tiếp theo, tôn trọng quan điểm và trải nghiệm cá nhân của bạn.
Ví dụ thế này, bạn bảo sầu riêng ăn rất thơm và ngon, còn người kia thì bảo thối. Làm gì có chuyện đúng sai ở đây, bởi vì đó là trải nghiệm cá nhân của bạn, hãy nói một cách chắc nịch về điều đó.
Mẹo nhanh nhất để thể hiện sự tự tin là sử dụng ngôn ngữ chủ động thay vì bị động.
Một số ví dụ:
Thay vì dùng: “Bạn nên…” thì chuyển thành “Bạn hãy…”.
Loại bỏ một số từ hình như, có thể, có vẻ, chắc là,… trừ những trường hợp bạn chủ ý dùng với mục đích cụ thể.
Khi bạn chắc nịch với trải nghiệm của mình sẽ có 3 kiểu người xuất hiện:
- Không đồng tình với quan điểm của bạn – hãy để họ rời đi.
- Có cùng quan điểm với bạn – trở thành bạn bè.
- Không cùng quan điểm nhưng vẫn vui vẻ tôn trọng trải nghiệm khác biệt của bạn – tuyệt, hãy yêu họ.
Từ người sáng tạo trở thành doanh nhân sáng tạo
Viết mà không có thu nhập cũng là địa ngục.
Hầu hết các nhà sáng tạo đều mắc kẹt trong mớ bùng nhùng này mà không thoát ra được.
Họ viết nội dung nhưng không biết làm sao để kiếm tiền với nó hoặc mù mờ về việc nó sẽ mang lại tiền cho bản thân trong tương lai.
1. 4 cấp độ nhận thức
Nếu cứ suốt ngày viết về sản phẩm thì khán giả chán, mà thuật toán mạng xã hội nó ghét. Tài khoản không thể phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần hiểu được 4 cấp độ nhận thức của khách hàng.
Cấp độ 1: Không biết mình có vấn đề.
Cấp độ 2: Biết mình có vấn đề, nhưng không biết rằng có giải pháp.
Cấp độ 3: Biết mình có vấn đề, biết rằng thị trường có giải pháp, nhưng không biết đến giải pháp của bạn.
Cấp độ 4: Biết tới giải pháp của bạn, và quyết định mua hàng.
Hầu như tất cả mọi người đều tập trung vào cấp độ số 3 bằng cách khẳng định vai trò chuyên gia, liên tục giới thiệu về dịch vụ, sản phẩm. Nếu bạn làm vậy, bạn rơi vào tình cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Tôi ví dụ thế này.
Những người làm kinh doanh chuyên môn, họ được dạy rằng phải kiên trì viết về chuyên môn của mình. Điều đó đúng. Nhưng có một vấn đề xảy ra. Ai cũng viết về chuyên môn tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt. Họ giống như một món hàng để khách lựa chọn. Ai có chuyên môn giỏi hơn, ai phục vụ tốt hơn thì khách hàng chọn. Rồi sau đó, họ sẽ như một món hàng bị thay thế bởi bất kỳ người khác.
Bây giờ, tôi chỉ bạn một cách.
Bên cạnh việc nhắm vào cấp độ 3, hãy tập trung vào cấp độ 1 và 2.
Hai cấp độ này là một thị trường vô hạn.
Bạn có thấy xã hội hiện nay có quá nhiều vấn đề không?
Nếu bạn giúp khách hàng nhận thức được vấn đề thì họ sẽ lựa chọn bạn. Bởi vì, họ đã quen với bạn rồi thì không muốn đi tìm người khác nữa. Giống như bác sĩ giúp người bệnh phát hiện ra vấn đề sức khỏe, thì họ sẵn sàng làm theo những gì người bác sĩ đó nói. Bởi vì vị bác sĩ đó đã có một quá trình trò chuyện, kết nối để có được lòng tin từ người bệnh. Đó chính là lý do mà có quy định bác sĩ không được bán thuốc. Nếu bác sĩ mà được bán thuốc thì giàu ú ụ.
Để tập trung vào cấp độ 1 và 2, hãy bắt đầu bằng một vấn đề (mà sản phẩm của bạn là giải pháp).
Ví dụ:

- Bạn mất phương hướng vì bạn chưa bao giờ được lèo lái cuộc đời mình.
- Bạn cảm thấy lo lắng vì bạn tiêu thụ quá nhiều kiến thức mà không hành động. (Áp dụng cho các giải pháp đào tạo).
- Bạn không cần chữa lành, bạn cần phát triển. Bởi vì, bạn không phải là một căn bệnh. (Áp dụng cho giải pháp chữa lành).
- Bạn cảm thấy “mệt mỏi” vì bạn không dành 10 phút tập thể dục mỗi ngày. (Áp dụng cho giải pháp sức khỏe như yoga, gym).
- …
Lưu ý: Bạn cần chấp nhận điều này.
Những nội dung như thế này không có nhiều like như nội dung giải trí, hoặc đăng ảnh trai xinh gái đẹp hoặc người nổi tiếng đâu. Nhưng mỗi lượng tương tác đều có thể trở thành khách hàng của bạn ngay lúc này hoặc trong tương lai. Khi giải pháp của bạn góp phần giúp họ giải quyết được vấn đề và khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp, bạn sẽ nhận lại được tiền.
2. Sở hữu một bản tin
Follower trên mạng xã hội quan trọng, nhưng bạn không sở hữu nó.
Hôm nay, thuật toán mạng xã hội phân phối nội dung của bạn tới họ, nhưng ngày mai có thể bạn sẽ không gặp lại họ nữa.
Bạn cần thu thập email để chủ động giữ liên lạc với độc giả của mình. Nuôi dưỡng lòng tin bằng cách thường xuyên cung cấp nội dung và tài nguyên hữu ích. Dần dần, khi lòng tin đã đủ, họ sẽ trở thành khách hàng của bạn.
“Nhưng Thông ơi, mọi người thường xuyên lên mạng xã hội, còn email thì ít người đọc lắm.”
Ban đầu, tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì, bản thân tôi cũng lười check email. Nhưng sau khi triển khai thực tế, kết quả khiến tôi khá bất ngờ:

Mà thời gian tôi dùng cho email không có nhiều. Mỗi tuần tôi gửi một lá thư cho độc giả của mình, mất 20 phút để copy bài viết từ website rồi gửi cho độc giả.
Đơn giản và nhanh gọn thế thôi.
Còn công cụ tôi đang sử dụng để thu thập email: Converkit.
3. Cần một sale page (trang bán hàng)
Mọi người đều viết, đều sáng tạo nội dung, nhưng họ lại gửi traffic vào không khí.
Haizaa… Lãng phí vô cùng.
Bạn cần một trang để giới thiệu chi tiết về sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp để không bỏ lỡ những đối tượng khách hàng sau:
- Họ chưa có ý định mua, chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của bạn nhưng ngại liên hệ.
- Kiểu khách hàng không thích nhắn tin, muốn tiết kiệm thời gian bằng cách đọc lướt một lượt.
- Mọi người đều có tâm lý không thích bị bán (trường hợp này khiến họ có cảm giác như bị thao túng). Họ thích mua – nghĩa là chủ động trong các cuộc giao dịch.
Ngoài ra, sale page sẽ giúp bạn thu hút những khách hàng tiềm năng, và đẩy lùi những ai không phù hợp với những gì bạn cung cấp (tiết kiệm thời gian cho cả 2 bên).
Công cụ để tạo một sale page:
- Google docs (online)
- Canva (free)
- Carrd.co (free)
4. Thử nghiệm
Cuối cùng, hãy thử nghiệm mọi thứ cho đến khi thấy điều gì đó hiệu quả với bạn.
Việc chọn ngay một ngách từ đầu là không hợp lý, bởi vì những suy luận của bạn không dựa trên tình hình thực tế mà dựa trên những giả định do xã hội nói với bạn.
Ví dụ:
Lúc đầu tôi tham gia nền kinh tế số với mục đích phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ. Sau đó hướng tới freelancer nhưng mọi thứ đều không thỏa mãn mong muốn cá nhân tôi.
Cuối cùng, tôi phát hiện ra mình phù hợp nhất với các nhà đào tạo, tư vấn, huấn luyện đang muốn xây dựng doanh nghiệp một người ưu tiên sự đơn giản, tinh gọn, và có lợi nhuận.
Đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ với bạn trong lá thư ngày hôm nay.
Nếu thấy lá thư này hữu ích, hãy chia sẻ đến một người mà bạn yêu quý để gia tăng thêm giá trị.
Cảm ơn bạn đã lắng nghe!
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ!