Hãy là chính mình!
Bạn cũng thường xuyên nhận được lời khuyên này phải không?
Bạn muốn viết lách? Hãy là chính mình!
Bạn bắt đầu xây thương hiệu cá nhân? Hãy là chính mình!
Bạn đi làm công ty? Hãy là chính mình!
Khi ở cùng bạn bè, người thân? Hãy là chính mình!
Bạn bắt đầu cuộc hẹn hò đầu tiên? Hãy là chính mình!
Rất nhiều người cứ buông lời khuyên “hãy là chính mình” theo phong trào. Nhưng chính bản thân họ chẳng hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau câu nói. Thậm chí, họ còn hiểu sai về nó theo hướng tiêu cực.
“Hãy là chính mình” là một lời khuyên tốt, nhưng nó không dành cho số đông.
Tại sao?
Bởi vì số đông đang nhìn thế giới dưới lắng kính của định kiến xã hội, chứ không phải do chính họ tạo ra.
Hồi nhỏ họ sao chép bố mẹ.
Đi học sao chép thầy cô, bạn bè.
Đi làm sao chép sếp và đồng nghiệp.
Lướt mạng xã hội (social) sao chép những ai họ theo dõi.
Từ nhỏ tới lớn, họ đang sao chép thụ động.
Hậu quả là:
Họ bước vào đại học với sự hào hứng. Nhưng đến năm 2, họ nhận ra nó không phù hợp với mình.
Họ tìm được việc làm và chấp nhận mục tiêu của sếp cũng như mục tiêu của công ty là mục tiêu của mình. Họ bị giam cầm trong chế độ lương thưởng, và không thể thoát khỏi chiếc còng tay êm ái. Tôi thực sự ấn tượng với video “Tiền lương – Chiếc gông êm ái” của anh Hiếu TV giải thích về chủ đề này.
Họ không còn là chính họ.
Hệ tư duy, tư tưởng của họ đang mượn từ người khác. Họ là robot được lập trình sẵn. Họ tắm táp trong định kiến của xã hội.
Khi thế giới bên ngoài không tương thích với bên trong của họ, điều này gây ra cảm giác trống rỗng. Rồi họ tự hỏi:
Mình là ai?
Mình sinh ra để làm gì?
Công việc mình đang làm có phù hợp hay không?
Họ loay hoay đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong vô vọng.
…
Vậy làm sao để sống là chính mình (cho đúng)?
Trong bản tin Duc Thong Do Letter 02 này tôi sẽ nói về 4 chủ đề lớn:
1, Danh tính (cái tôi) của chúng ta chủ yếu đang vay mượn từ xã hội
2, Các tầng ý thức và xác định xem bạn đang ở tầng nào
3, Làm sao để tìm thấy chính mình?
4, Trả lời các câu hỏi thường gặp
Câu chuyện về ông bộ trưởng già nghỉ hưu
Ông ấy từng tự hào mình là bộ trưởng được nhiều người kính trọng.
Khi đi qua cửa, ông được bảo vệ, nhân viên, đối tác cúi mình chào hỏi.
Ông được kính nể vì cái ghế ông ngồi, quyền lực ông nắm.
Nhưng bây giờ, ông đã nghỉ hưu. Chẳng còn ai kêu ông là bộ trưởng nữa. Mọi người chào hỏi ông như một ông già 60 tuổi khác.
Thì ra, danh tính (cái tôi) của ông trước đây là mượn từ người khác. Bây giờ, không làm bộ trưởng nữa thì chiếc áo danh tính đã bị người ta cởi bỏ.
Ông cảm thấy trống rỗng, lạc lõng, và tự hỏi “mình là ai?”.
Tiền ông nhiều nhưng “tiền nhiều để làm gì” chứ?
Lúc này ông có 2 hướng để lựa chọn:
Trường hợp 1: Ông bò trộc dậy, mạnh mẽ đứng lên ở tuổi 60. Ông phải làm một cái gì đấy để gây dựng lại danh tính của mình.
Ông lấy kinh nghiệm, mối quan hệ, danh tiếng (còn sót lại) để gây dựng dự án cộng đồng.
Lúc này, ông đã hết trống rỗng, vui vẻ vì mình đã có một danh tính mới mà xã hội công nhận. Ông là một người tốt, mội người truyền cảm hứng và tạo giá trị cho xã hội.
Đến cuối đời, khi ông ấy nằm giường bệnh. Những ngày đầu tiên, rất nhiều người đến thăm hỏi ông, động viên và mang lại cho ông sự ấm áp.
Nhưng nhiều tháng trôi qua, mọi người cũng thưa thớt dần, cuối cùng chỉ còn lại người vợ và những đứa con kề bên chăm sóc.
Ông lại thấy trống rỗng bởi mọi người đang dần quên ông.
Ông lại tự hỏi: “Tôi là ai và tôi làm gì trong cuộc đời này?”
Ngày nọ, ông ra đi trong hối tiếc.
Trường hợp 2: Ông cảm thấy mình thất bại, nhưng không vội đứng lên.
(Đọc thêm mục 5 trong bức thư học nhanh gấp 10 lần với bất kỳ ai)
Ông tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống và suy ngẫm nhiều ngày liền.
Ông tự hỏi:
Mình là ai?
Mình thích gì?
Điều khiến mình hạnh phúc nhất là gì?
Lúc này, sự tác động từ bên ngoài tới ông bị hạn chế. Ông dần trở về với bản thể chân thật của chính mình. Ông giao tiếp với tâm trí, với cơ thể (cảm xúc chính là ngôn ngữ của cơ thể).
Ông thấy trong đầu xuất hiện toàn cảnh trẻ em, người nghèo với cơ cảnh cực khổ, rồi nhiều người có tiền nhưng lại khổ vì áp lực hay định kiến xã hội (so sánh, phủ nhận,…).
Ông nhận ra đây là sứ mệnh của mình. Ông cần làm gì đó để giúp họ.
Nhưng lúc này, ông không cần danh tính mà xã hội gán cho mình nữa.
Ông âm thầm giúp đỡ, ông cảm thấy vui, thấy hạnh phúc khi nhìn mọi người liên tục phát triển bản thân họ về cả tinh thần và thể chất.
Ông không tỏ ra mình là một người đi từ thiện. Ông đóng vai là một doanh nhân sòng phẳng, ông hạn chế cho không bất kỳ ai điều gì. Bởi vì ông biết đó là thứ không bền vững. Họ chỉ vay mượn từ ông. Khi ông ngừng là họ mất tất cả, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ông mở công ty để mọi người có công việc và trả lương theo đúng năng lực (ai cũng phải phấn đấu). Ông mở trường học để dạy. Lớp học miễn phí là để mọi người biết được kỹ năng cơ bản giúp họ kiếm thêm tiền. Sau khi kiếm được tiền thì muốn học tiếp phải đóng học phí.
60 tuổi rồi, tiền nhiều ông chén sao hết.
Ông tái đầu tư mở rộng cơ sở làm việc và trường học. Cứ vậy, người lao động tiếp tục có việc làm, họ cũng tự liên kết để phát triển.
Còn trường học thì người đi trước dạy người đi sau, tầng tầng lớp lớp phát triển.
Viết đến đây, tự dưng có suy nghĩ “người tốt chúng ta không thể nhìn bằng mắt thường thông qua lăng kính xã hội, cũng không thể qua các hành động đơn giản như từ thiện, nói đạo lý; mà phải suy nghĩ thật sâu sắc để nhìn ra hành động của họ”. Tôi chợt nhận ra những doanh nhân chân chính là người từ thiện âm thầm và đáng nển nhất (ví dụ thầy Ngô Minh Tuấn, shark Phú, shark Việt,… chẳng hạn).
Và đây mới chính là lúc ông “sống là chính mình”. Điều ông ấy muốn là vì ông thực sự muốn vậy, chứ không còn phụ thuộc vào phán xét, công nhận của mọi người xung quanh.
Ông nằm trên giường bệnh, ông mỉm cười vì đã được sống là một cuộc đời trọn vẹn.
Ông đã hoàn thành sứ mệnh khi tiếng nói từ sâu thẳm của tâm hồn đã kêu gọi ông.
Ông nhắm mắt và ra đi trong hạnh phúc.
Nghe xong câu chuyện, bạn sẽ nghĩ mình phải như ông lão đúng không?
Không nhất thiết phải cứng nhắc như vậy.
Hãy tiến tới câu truyện thứ hai để cảm nhận rõ hơn thông điệp mà tôi muốn truyền đạt từ bài viết này.
17 tầng ý thức của con người (bạn ở tầng mấy?)
(Bạn có thể đọc chi tiết tại cuốn Power Vs Force – Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Hành Vi Của Con Người)
Ý thức của bạn và tôi trong một ngày sẽ biến đổi không đều ở các tầng, chỉ khác nhau về mức độ nhiều hay ít.
Tôi sẽ lấy ví dụ sau để bạn và tôi cùng dễ hình dung:
Quay về thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đa số mọi người lúc đó đều ở tầng nhục nhã, dằn vặt, thờ ơ và sống trong sự đau khổ cùng nỗi sợ sệt.
Sau đó, họ khao khát độc lập tự do.
Sự khao khát khiến họ giận giữ và muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thù (lúc này tôi từ bi, yêu thương kẻ thù thế nào được).
Họ phải đứng lên đấu tranh giành lại độc lập.
Họ có niềm kiêu hãnh và tự tôn dân tộc mạnh mẽ.
(Nói đến đây tôi sởn gai gốc các ông (bà) ạ).
Lúc này, sự can đảm đầy mình, họ sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc. Họ vui vẻ hát vang khi hành quân ra chiến trận.
Các người lính ở tầng trung dung, họ sẽ không bao giờ từ bỏ hi vọng.
Tầng sẵn sàng được thể hiện qua câu hát “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” – đó là sự cam kết và chu toàn trong mọi nhiệm vụ.
Tầng chấp nhận: hiện hữu trong việc luôn chấp nhận về mọi hành vi, kết quả xảy ra xung quanh mình mà không đổi lỗi, không oán trách.
Tầng lý trí có thể nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp – 1984, Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bầu Ngài là một trong 10 danh nhân quân sự vĩ đại nhất thế giới.
(Tự hào không các bạn?)
Tầng tình yêu có thể được thể hiện tuyệt nhất qua hình ảnh của vị Cha già dân tộc. Tôi luôn thắc mắc tại sao Bác ăn uống kham khổ (giống như dân và bao người lính khác) nhưng Bác lại có một hành trình vĩ đại như vậy.
Đó chỉ có thể là tình yêu thương vô điều kiện.
…
Nhận biết được các tầng ý thức đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và quá trình nâng cấp bản thân dần dần.
Việc nhảy cóc từ tầng dưới lên tầng trên là sự ảo tưởng, và nó giam cầm bất kỳ ai làm như vậy.
Ví dụ: những ai có tính ích kỷ, sĩ diện cao, nhưng họ lại cố gắng tỏ ra là người tốt, họ đi giúp đỡ mọi người. Thì những việc họ làm không thực sự là mong muốn giúp đỡ người khác. Sự ích kỷ sẽ ẩn nấp một cách tinh tế dưới vỏ bọc cao thượng.
Họ sẽ giúp người khác chỉ để mong cầu sự chú ý, được quan tâm, được tung hô (là người tốt).
Và rồi, chính họ mãi mãi bị giam cầm trong tầng ý thức này.
Vậy chúng ta phải làm gì?
Nó không có nghĩa là chúng ta ngừng làm việc tốt.
Chúng ta cần sống thật với chính mình.
Tôi giúp người khác là vì các lợi ích sau:
- Một ngày nào đó sẽ có người giúp lại mình. 10 người thì 1,2 người giúp lại mình là vui rồi.
- Bản thân tôi thấy vui vì trở thành người có giá trị.
- Được người khác yêu quý cũng thấy vui mà. Đúng không?
- Tôi muốn rèn luyện tâm mình để ngoi lên tầng trên.
Đừng cố tỏ ra 100% cao thượng.
Những người tiến tới tầng yêu thương thực sự không hề tỏ ra như vậy. Mọi thứ họ làm đều không vì danh vọng hay địa vị. Có thể kể đến như Thầy Thích Nhất Hạnh hay Thầy Minh Niệm.
Thầy Minh Niệm có một cái rất hay là thầy thừa nhận toàn bộ những điểm xấu của thầy để thầy sửa dần dần. Thầy cũng yếu quý cái tôi và nâng nưu chăm sóc nó.
Trở nên xinh đẹp là chính mình. Bạn không cần phải được người khác chấp nhận. Bạn cần phải chấp nhận chính mình”
– Thích Nhất Hạnh
Như thầy Thích Nhất Hạnh nói “bạn cần phải chấp nhận chính mình”. Chấp nhận thực tại bạn là ai, nhận thức bạn ở mức nào – hiểu chính mình là cơ sở để bạn và tôi bước lên tầng mới.
Nếu bạn thắc mắc tôi là ai thì tôi sẽ thừa nhận:
Tôi vẫn ở tầng thấp, tôi vẫn ích kỷ, vẫn yêu gia đình, yêu tiền, yêu công việc, yêu cái đẹp,…
Mọi người hỏi tôi, “anh nghiên cứu chủ đề tâm linh nhiều đến vậy liệu anh có đi tu không?”
Tôi bảo: “Anh có”.
“Nhưng mà là: Tu hú”.
Quan trọng:
Tôi không phán xét bất kỳ tầng nhận thức nào ở trên. Tôi muốn nêu ra để bạn và tôi cùng nhìn nhận toàn bộ vấn đề (lúc tôi viết bài này tôi cũng học hỏi được rất nhiều).
Bởi vì bạn và tôi không thể cải thiện những gì mà chúng ta không thể nhận thức. Khoa học luôn đi sau tâm linh, nhưng khoa học giúp bạn và tôi dễ dàng nhận thức được vấn đề thông qua thế giới vật lý. Chúng ta đến thế giới vật chất là để sử dụng vật chất như một công cụ giúp hoàn thiện thế giới tinh thần (tâm linh).
Hãy nhìn vào hình ảnh các tầng ý thức con người do David R. Hawkins mô phỏng, đối chiếu xem bạn ở đâu và bạn muốn ngoi lên đâu.
Đừng chỉ ghim đống kiến thức này ở trong đầu. Hãy thử làm, thử nghiệm và sáng tạo ra cách của riêng bạn theo tinh thần “hãy là chính mình”.
Làm sao để tìm thấy chính mình?
Tôi hỏi này.
Bạn là người hướng nội, hướng ngoại hay hướng trung?
Nếu hướng ngoại thì cố gắng dành thời gian ở một mình.
Covid-19 tạo điều kiện cho bạn làm quen với hoạt động đó. Phải không?
Giờ thì tiếp tục.
Bạn là người hướng nội hoặc hướng trung đúng không?
Thế thì chúc mừng bạn đã quay phải ô phần thưởng.
Khi bạn ở cùng người khác, bạn giao tiếp với mọi người.
(Nhất là mấy ông bà đến lớp đa cấp truyền động lực thì còn giao tiếp ác nữa.)
Khi bạn ở một mình, bạn giao tiếp với bản thân.
“Suy nghĩ” chính là ngôn ngữ của não.
“Cảm xúc” chính là ngôn ngữ của cơ thể.
Hãy quan sát và nhớ lại trong quá khứ bạn đã nghĩ gì. Hiện tại bạn thấy những gì (đây là điều bạn cần chú trọng nhất)? Tương lai bạn muốn ra sao?
Những suy nghĩ tiêu cực không phải là bạn, nó là của xã hội tác động lên. Chỉ cần nhận biết, không cần loại bỏ hay chiến đấu (kiên trì làm vậy, rồi một ngày chúng tự biết xấu hổ mà lặn mất).
Bạn đã từng có những cảm xúc gì?
Đau buồn?
Ngạc nhiên?
Hạnh phúc?
Khinh bỉ?
Ghê tởm?
Sợ hãi?
Giận giữ?
Bạn không phải là tất cả cảm xúc này.
Nó chỉ là biểu hiện cơ thể khi bạn phản ứng với thế giới bên ngoài.
Nghĩ xem cảm xúc nào bạn muốn giữ, muốn loại bỏ?
Cơ thể khách quan đến mức không phân biệt được đâu là tác động từ suy nghĩ và từ môi trường bên ngoài.
Quá trình làm chủ tâm trí (suy nghĩ) giúp bạn xây dựng nội tâm mạnh mẽ. Nội tâm mạnh mẽ giúp kỹ năng làm chủ cảm xúc trở nên thuần thục. Cảm xúc của bạn không còn phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài nữa.
Nguy hiểm !!! Nếu bạn chỉ ngồi nghĩ thì dễ dẫn tới ảo tưởng.
Chúng ta đến với thế giới vật chất là mượn vật chất để rèn luyện tinh thần (tâm linh).
Post by @ducthongdo_creatorView on Threads
Bạn cần một dự án để áp dụng những ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn.
Dự án tốt nhất cho bất kỳ ai là phát triển bản thân và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Phát triển bản thân giúp bạn tăng cường năng lực.
Thương hiệu cá nhân giúp bạn kết nối với mọi người, với thế giới. Từ đó bạn có thể mượn toàn bộ nguồn lực từ bên ngoài bằng cách hợp tác để phát triển thế giới bên trong.
Dưới đây là các phương pháp yêu thích của tôi:
1, Đi bộ chiêm nghiệm
Đi bộ là hoạt động không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tinh thần.
Các lợi ích bạn gặt hái được trong lúc đi bộ:
- Sống lâu hơn (giảm 45% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân)
- Giải tỏa căng thẳng (khi ra ngoài thiên nhiên, tầm nhìn (mắt) bạn được mở rộng, tâm trí cũng mở rộng theo để mang lại sự thư giãn – nghiên cứu khoa học từ Tiến sĩ Andrew Humberman)
- Hàng tá ý tưởng sáng tạo của tôi được nảy ra trong khi đi bộ (tôi luôn cầm điện thoại để ghi chú lại)
- Đắm mình trong thiên nhiên
- Kết hợp nghe podcast, sách nói,…
- …
Trong khi đi bộ, đừng để nhận thức của bạn đuổi theo tâm trí như con khỉ nhảy từ cành này sang cành khác.
Dùng nhận thức để chủ động kích hoạt suy nghĩ của bạn về:
- Tầm nhìn của bạn trong cuộc sống
- Bạn muốn trở thành ai trong tương lai
- Hãy suy nghĩ xem tại sao bạn không muốn trở thành con người mà xã hội (gia đình, định kiến,…) đặt lên bạn.
- Suy nghĩ về người mà bạn theo dõi, cuốn sách bạn đọc, video bạn xem,…
- Suy nghĩ về các mối quan hệ của bạn trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Suy nghĩ về công việc bạn thích nhất.
- …
Hãy đào thật sâu suy nghĩ của mình. Luôn đặt câu hỏi về những gì bạn gặp, bạn nghe dưới một góc nhìn phản biện.
Post by @ducthongdo_creatorView on Threads
2. Đọc nhiều hơn
Post by @ducthongdo_creatorView on Threads
Bạn đã bao giờ đến các khóa học truyền động lực chưa?
Các khóa học này được người ta gán cho là “lớp học đa cấp”. Bởi vì đó là nơi bạn bị thao túng tâm lý mạnh nhất qua hình ảnh, âm thanh và nguồn năng lượng.
Hình ảnh hào nhoáng kích hoạt lòng tham của bạn.
Âm thanh (âm nhạc, giọng nói,…) kích hoạt sự hưng phấn trong bạn.
Hiệu ứng fomo và xu hướng bắt chước người khác khiến bạn buộc phải “chốt đơn” ngay lúc đấy.
(Tôi không phán xét hành vi này, bởi vì thao túng tâm lý không xấu cũng không tốt. Xấu hay tốt là động cơ của kẻ đứng sau và quan trọng nhất là cuối cùng bạn có nhận được giá trị từ họ hay không?).
Đọc chính là cách bạn thu thập được kiến thức nhanh nhất, mà ít bị thao túng tâm lý nhất.
3. Viết để làm rõ suy nghĩ của bạn
Tạm dịch:
Post by @ducthongdo_creatorView on Threads
Viết rất quan trọng.
Não chỉ xử lý được một lượng thông tin nhất định. Nếu bạn lưu giữ quá nhiều thông tin trong đầu não sẽ trở nên quá tải. Từ đó căng thẳng, mệt mỏi được sinh ra.
Hãy viết tất cả những gì bạn đang nghĩ, giống như viết nhật ký vậy.
Lúc này, bạn có cơ hội nhìn thấy chính mình hiện nguyên hình trên trang giấy trắng.
Đọc lại vài lượt, loại bỏ những thứ không phù hợp.
Việc tìm ra chính mình không phải ngày một ngày hai. Mà là một hành trình suốt đời.
Càng ngày suy nghĩ bạn càng rõ ràng. “Chính bạn” lộ ra sau nhiều lần gột rửa những lớp đất đá, bụi bẩn.
Bạn là ai?
Bạn muốn làm gì?
Đích đến của bạn trong tương lai là gì?
Đó chính là lý do tại sao tôi luôn cổ vũ bạn VIẾT trên Threads.
Giờ thì viết nhé! ^^
(Bản kế hoạch The Clear Planner sẽ hỗ trợ bạn 40% trong việc tìm ra chính mình. Hơi dài, nhưng lợi ích sẽ rất lớn.)
4, Xây dựng thương hiệu cá nhân
Trong Phật giáo có một khái niệm gọi là tính không. Khái niệm này nói về mối quan hệ giữa bạn và vạn vật (vũ trụ).
Đọc wikipedia thì khó hiểu lắm. Bạn và tôi có thể hiểu theo nghĩa đơn giản là thế này.
Khi bạn ở nhà bạn được gọi là con. Khi bạn có con, bạn được gọi là bố (mẹ). Bạn đi học thì bạn được gọi là sinh viên. Khi bạn làm giảng viên bạn được gọi là thầy. Ở công ty, bạn là trưởng phòng và là sếp của nhân viên cấp dưới, nhưng cũng là lính của lãnh đạo cấp trên.
Nghĩa là danh tính (cái tôi) của bạn được hình thành bởi mọi người xung quanh. Nếu tách bạn ra khỏi xã hội, sống trong rừng núi thì bạn chẳng là gì cả (đối với xã hội). Cái tôi bạn không tồn tại.
Kể cả bạn sống trong rừng núi bạn vẫn phải dựa vào Oxy để thở, thức ăn để sống, mưa, mặt trời,…
Nói đến đây, bạn có nhận ra mình là một phần của xã hội. Rộng hơn, bạn là một phần của vũ trụ. Và bạn không thể tồn tại độc lập một mình.
“Trong một thế giới không có mắt, mặt trời sẽ không sáng, và trong một thế giới không có làn da mềm mại, đá sẽ không cứng, cũng như trong một thế giới không có cơ bắp, chúng sẽ nặng nề. Sự tồn tại là mối quan hệ , và bạn đang ở giữa nó.”
Alan Watts cũng đã diễn đạt quan điểm đó một cách ngắn gọn.
Đây chính là điều mà tâm linh, bất nhị mà Phật giáo đang hướng tới. (Từ “bất nhị” tôi sẽ giải thích ở cuối bài).
Mục đích của phương pháp tu tập là để bạn nhận ra rằng danh tính (cái tôi) của bạn không tách biệt khỏi xã hội, rộng hơn là vũ trụ. Nó là một phần của vũ trụ, nó chính là vũ trụ.
Đây gọi là “tâm không phân biệt”.
Bạn giống như mọi người, mọi người giống như bạn (rộng hơn là toàn bộ sinh vật trên trái đất).
Bạn sẽ thấy phần lớn các triết gia, đạo giáo, đều có mục tiêu này. Và nó chính là con đường chấm dứt sự đau khổ.
Nhưng rất tiếc, bạn và 99,9% loài người chưa thể đạt được trạng thái này.
Khi bạn bắt đầu so sánh, bạn bắt đầu phóng to sự khác biệt giữa bản thân và người khác. Bạn bắt đầu đau khổ.
Kể cả bạn so sánh mình cao hơn người khác bạn cũng thấy khổ.
Ví dụ:
- Bạn là sếp, nhưng 1 vài nhân viên nó không nể. Thế là bạn tức lòi mắt.
- Bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân theo hướng mọi người phải ngưỡng mộ bạn – đây là tà kiến dẫn dắt bạn đến với sự đau khổ (tôi không phán xét hành động này, vì có giai đoạn tôi đã từng nghĩ vậy).
- Bạn lướt facebook thấy bạn bè post ảnh mua xe, mua nhà. Nhìn lại bản thân chưa có gì, thế là bạn lại cảm thấy đau khổ.
- Tôn sùng một ai đó cũng là một dạng tinh tế của so sánh. Tôn sùng và khinh bỉ luôn là hai dạng song song tồn tại ở một con người. Hiện tượng này thường xảy ra trong chính trị, tôn giáo, thể thao, âm nhạc nghệ thuật,…
Vậy làm sao để chấm dứt đau khổ?
“Kết nối”
Bạn cảm thấy bình yên, hạnh phúc, khi nhìn thế giới qua lăng kính kết nối. Dưới lăng kính này, bạn sẽ thấy mỗi người trong xã hội đều có một giá trị riêng, từ cô quét rác cho đến doanh nhân thành đạt. Không có cô quét rác thì ông doanh nhân kia có mà sống vào mắt, rác ngập nhà.
Lúc này, chúng ta đều biết trân trọng, biết ơn và học hỏi lẫn nhau để cuộc sống chúng ta phát triển.
Bạn tôn trọng mọi công việc, vị trí trong xã hội thì tâm lý bạn cũng sẽ tôn trọng công việc mình đang làm.
Bây giờ, bạn không còn so sánh mình với người khác nữa. Bạn không hành động vì muốn hơn người khác. Nghĩa là bạn không còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.
Chính lúc này đây, hành động của bạn mới đúng là chính mình.
Post by @ducthongdo_creatorView on Threads
Dòng Threads mà tôi viết trong lúc thực hiện bản tin số 02 này.
Ngày trước, khi ai đó copy bài của tôi trên Threads, mặc dù không kiện cáo hay phản đối, nhưng vẫn cảm thấy chút khó chịu (vì xã hội đều khó chịu như vậy).
Còn bây giờ, khi nhìn nhận mọi việc từ góc độ kết nối, tôi thấy đây là việc tốt, có lợi cho cả 3 bên. Cộng đồng – Người copy – Tôi.
Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người. Không một ai giống nhau hoàn toàn cả.
Mỗi người sẽ sở hữu một sứ mệnh của riêng họ. Mỗi người sẽ là một mắt xích được liên kết với nhau tạo ra thế giới.
Bạn cũng vậy, chắc chắn 100% bạn sẽ có một tài năng nào đó mà thế giới cần. Việc cần làm là tạo ra nó (không phải tìm nó). Sau đó kết nối, phối hợp với những người khác.
Ví dụ:
Tôi không giỏi nghệ thuật, vì vậy tôi cần theo dõi những người về nghệ thuật để học hỏi, phối hợp.
Kiến thức sức khỏe tôi còn kém, tôi cần theo dõi những ai viết về sức khỏe để lấy thông tin và cảm hứng để hành động.
Kể cả tôi học viết lách đi nữa, trong viết lách có vô vàn khía cạnh khác nhau. Thị trường là vô hạn nếu mỗi người viết lách gắn câu chữ với câu chuyện của họ, với chất riêng của họ.
Xây dựng thương hiệu cá nhân là cách bạn là chính mình và công khai nó với thế giới.
Nếu bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, đồng nghĩa với việc bạn đặt mình nằm ngoài sự cạnh tranh.
Mỗi cá thể là một mắt xích gắn liền với nhau thành một tập thể. Tập thể càng lớn mạnh thì mắt xích càng mạnh.
Người đi sau học hỏi người đi trước. Người đi trước giúp đỡ người đi sau.
Bây giờ bạn cần:
Tìm ít nhất 5 người mà bạn muốn trở thành. Đừng tìm người quá cao siêu, tốt nhất là đi trước bạn một bước trong lĩnh vực bạn theo đuổi. Ví dụ bạn học lớp 5, hãy tìm người lớp 6 hoặc 7. Cách giải của người học đại học không phù hợp với người lớp 5 (cô giáo cho 0đ về chỗ).
Nhưng nếu bạn tìm được một người nghiêm túc trong việc làm giáo dục thì đó là điều tuyệt vời. Họ sẽ có những nội dung lớp 1,2,3… cho đến tốt nghiệp đại học. Việc của bạn là bám theo.
Chìm đắm trong nội dung của họ theo các bước sau:
Cấp 1: Nội dung ngắn giúp bạn nhận biết vấn đề, biết về họ.
Cấp 2: Nội dung dài như blog, youtube, podcast,… sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn.
Cấp 3: Các hướng dẫn miễn phí giúp bạn bắt đầu nắm được chuyên môn cơ bản.
Đại học: Sau khi thấy phù hợp, mua khóa học trả phí của họ.
Nếu đi theo chu trình này, bạn sẽ không thể bị thao túng tâm lý (kiểu bị chốt đơn trong 1,2 ngày vì cảm xúc, nhưng sau đó thấy nó không phù hợp với mình).
Song song đó bạn cần thực hành những gì mình đã học. Chỉ cần học vừa đủ rồi thực hành ngay. Cách học nhanh nhất là bắt chước họ; muốn học sâu thì làm, sai, sửa và rút kinh nghiệm.
Tiếp theo là chia sẻ cho người khác.
Sai lầm lớn nhất của mọi người là cứ phải trở thành chuyên gia rồi mới chia sẻ.
Đừng bị thao túng bởi một vài ông chuyên gia đi trước (nhằm PR bản thân họ). Bạn ở lớp 5 hãy học của người lớp 6,7 rồi chia sẻ lại người học lớp 3,4.
Khi đó, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là bạn. Bởi vì, hướng dẫn (chia sẻ) cho người khác chính là cách học nhanh nhất và tạo giá trị nhiều nhất.
Cũng đừng đợi thành công rồi mới xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách show tài sản.
Xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách chia sẻ giá trị và giúp đỡ người khác mà không mong cầu nhận lại – vì bạn đã được quá nhiều lợi ích bạn tự tạo ra trong hành trình của mình rồi.
Viết là cách dễ nhất.
Nếu bạn ngại người khác phán xét thì hãy làm rõ về việc những gì bạn chia sẻ đều không phải là khách quan, mà chỉ là quan điểm cá nhân, trải nghiệm cá nhân.
Khi đấy, chẳng ai có quyền phán xét quan điểm của bạn cả.
Khi bạn xây dựng được thương hiệu cá nhân rồi thì sao?
Không giống như ngày trước, bạn có quá ít sự lựa chọn:
- Bạn phải làm công việc bạn không thích, với người không ưa.
- Bạn phải sống với các mối quan hệ không phù hợp (nghiêm trọng hơn có thể gọi là toxic)
- .v.v.
Còn bây giờ:
Bạn trở thành doanh nghiệp một người.
Bạn không còn ảnh hưởng bởi tư tưởng của công ty, sếp và đồng nghiệp.
Bạn có quyền chọn đối tác, khách hàng phù hợp vì lúc này có nhiều kết nối hơn.
Kể cả bạn vẫn quyết định đi làm thuê, bạn có nhiều lựa chọn hơn trong thế chủ động.
Lúc này, bạn có quyền lựa chọn sở thích, đam mê và từ chối bất kỳ việc nào mà bạn không thích.
Thế giới bên ngoài và bên trong bạn hòa nhập làm một.
Sự cân bằng được thiết lập.
Bạn tự do và được sống là chính mình.
Kết luận
Tất cả những gì tôi trình bày ở trên chỉ giải thích vẻn vẹn trích dẫn này:
Đau khổ là khi bạn nhìn thế giới qua lăng kính so sánh và phân biệt. Hạnh phúc là khi bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự kết nối. Hiểu sâu sắc bản thân và hòa mình vào dòng chảy không ngừng phát triển. Lúc ấy, bạn thực sự là chính mình.
— Duc Thong Do
Câu hỏi thường gặp
1. “Sống là chính mình” thế nào khi tôi là 1 người: lười biếng, cẩu thả, hay than vãn, hay cáu bẳn?
Lười biếng, cẩu thả, than vãn, hay cáu bẩn… là sản phẩm của tâm trí.
Bạn không phải tâm trí.
Bạn là nhận thức.
Sản phẩm của nhận thức là đam mê, tò mò và sáng tạo.
Trau dồi nhận thức và tìm cách làm chủ tâm trí.
2. “Sống là chính mình” có phải tôi giữ nguyên như tôi vốn có?
Bạn không vốn có.
Những gì bạn đang có là ảnh hưởng của gia đình và xã hội.
“Sống là chính mình” nghĩa là xác định bạn là ai, thích gì, muốn gì, bạn phấn đấu vì điều gì,… và đặt mình trong trạng thái của việc không ngừng nâng cấp bản thân.
3. Bất nhị là gì?
Nhị nghĩa là 2.
Sự phân biệt giữa hai cặp đối lập như tốt và xấu, nam và nữ, sang và hèn,…
Bất nhị nghĩa là không phân biệt nhằm mục đích phán xét tốt xấu, nam nữ, cao thấp,…
Một mong muốn nhỏ từ tôi
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này.
Tôi là người sáng tạo, và tôi kiếm cơm bằng sự tương tác từ khán giả (like, bình luận, chia sẻ,…)
Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc nhận xét nào, hãy viết vào phần bình luận cuối trang.
Tôi rất biết ơn vì điều đó.
Chúc bạn sức khỏe và bình yên
HÃY LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH NHÉ, bạn tôi.
Rất hay và ý nghĩa ạ.
Cảm ơn em, Minh Đức
Cảm ơn bài chia sẻ của bạn
Rất hay và thực tế
Cảm ơn cảm ơn
Đọc bài viết của bạn, tự nhiên mình lại cảm thấy yêu thích thêm việc đọc hơn, nhất là những nội dung tưởng chừng đơn giản lại làm chúng ta đáng phải suy ngẫm
Rất vui vì bài viết mang lại giá trị cho bạn
Rất thích cách sắp xếp nội dung của bạn, dễ đọc, dễ hiểu mặc dù còn 1 vài lỗi nhỏ ngắt nghỉ. Chúc bạn ngày càng hoàn thiện kỹ năng viết của mình
oh, cảm ơn bạn về lời chúc và lời nhận xét cụ thể. Tôi sẽ lưu ý và cải thiện trong các nội dung sắp tới. Chúc bạn tuần mới vui vẻ và hiệu quả
hay nè, Đoạn bạn nói về “kết nối giữa mọi người mà không phân biệt, so sánh” làm mình nhớ đến mạng kết nối ngang hàng blockchain. Bảo sao nó lại được nhiều người trên thế giới tin tưởng lựa chọn thay vì chính phủ. Có vẻ công nghệ đang dần mô phỏng và làm phẳng thế giới khiến mọi thứ kết nối dễ dàng hơn, công bằng hơn và quan trọng là giảm sự phân cấp, kiểm soát, thao túng từ các bên có quyền lực.
Wow, đó là một ý tưởng hay.
Bên cạnh những tổ chức sử dụng vào việc xấu (như coin rác), thì công nghệ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn về cả vật chất và tiến hóa về mặt tâm linh.
Công nghệ dần san bằng thế độc quyền hoặc quyền lực từ các tổ chức không tạo ra giá trị (mà hoạt động bằng cách khai thác).
Bây giờ, bất kỳ ai cũng có thể lên internet để kiếm tiền chỉ bằng chiếc điện thoại.
Các kết nối được diễn ra dễ dàng hơn trong việc chia sẻ, tiếp thu tri thức và trao đổi giá trị.
Tôi thấy công nghệ thật tuyệt vời nếu con người biết cách sử dụng chúng thay vì bị chúng sử dụng.
Minh,… Cảm ơn bạn vì đã xuất hiện