Để tôi tiết lộ cho bạn một bí mật nhỏ mà tôi quan sát được.
Phần lớn, mọi người đều thất bại trước khi họ bắt đầu xây dựng một trung tâm đào tạo, hoặc khóa học trực tuyến.
Họ thất bại ngay từ bước lập kế hoạch kinh doanh.
Tại sao?
Hãy để tôi giải thích:
Hầu như khi mọi người bắt đầu đều cố gắng nhìn vào chiến lược của những người hay đơn vị đã thành công lớn như VIN (bác Vượng), các bài giảng của anh Hoàng Nam Tiến, các Shark trên chương trình Shark tank Việt Nam. Đến các công ty giáo dục như Langmaster, các ứng dụng học trực tuyến như Monkey Junior, Elsa Speak, Unica hay Edumall. Xa hơn nữa là các tỷ phú như Jeff Bezos, Jack ma, Elon Musk,…
Nhưng, có một sự khác biệt rất lớn giữa họ, và chúng ta.
Các công ty lớn:
Họ có nguồn tiền không hạn chế
Họ cực kỳ am hiểu về kinh doanh
Họ có quyền sử dụng rất nhiều nguồn lực về công nghệ, mối quan hệ và sở hữu nhân sự tài năng hàng đầu
Còn bạn:
Nguồn vốn của bạn hạn chế (chỉ có vài trăm cho đến 1 tỷ hoặc bắt đầu từ số 0)
Do thời gian có hạn và quá bận bịu vào việc đào tạo, nên ít kinh nghiệm về kinh doanh, tiếp thị.
Không sở hữu những nhân sự tài năng, nhưng bạn vẫn có cơ hội tiếp cận theo cách hợp tác (với những ai yêu thích làm việc tự do)
Mặt khác, bạn có một lợi thế cực lớn:
Bạn là cá nhân, bạn có lợi thế là sự kết nối giữa con người với con người, bằng cách phát triển thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội – điều mà các công ty lớn rất khó làm được. Nếu không tin, bạn hãy xem các kênh youtube, facebook của các công ty lớn mà xem. Họ đạt hàng trăm nghìn, hàng triệu follow nhưng nội dung chỉ đạt lèo tèo vài chục like.
Ví dụ:
Fanpage Langmaster: 3,3 triệu followers, còn các bài viết phần lớn là 10, 20, 30 like; lướt mỏi tay mới thầy 1,2 bài 300, 400 like.
Facebook cá nhân cô Tiên tiếng anh: 375k followers, bài viết thấp 300 like, trung bình 1,2 nghìn like, cao thì 7k, 9k like.
Fanpage của Bino chém tiếng anh: 447k followers, đồng số phận với Cô Tiên tiếng anh.
Bởi vậy, “thương hiệu cá nhân” chính là keyword mà những người làm giáo dục nên bám sát. Kể cả việc lập kế hoạch kinh doanh cũng không ngoại lệ.
Được rồi, bây giờ tôi sẽ hướng dẫn bạn thiết lập một kế hoạch kinh doanh thông qua kinh nghiệm, nghiên cứu và tư duy của tôi.
8 bước lập kế hoạch kinh doanh cho người làm giáo dục (mới bắt đầu)
1. Hiểu mục đích của bạn
Bắt đầu bằng một câu hỏi:
Tại sao bạn lại muốn khởi động công việc kinh doanh ngành giáo dục?
Đó có phải là vì tiền?
Hay là bạn muốn giúp đỡ người khác phát triển?
Vì phục vụ cho một ước mơ, khát vọng nào đó của bạn?
Hãy cẩn thận với mục đích chung chung và mơ hồ như “tôi muốn thành công”. Hãy mổ xẻ nó. Thành công với tôi là như thế nào? Tiền bạc? Quyền lực? …
Hoặc, bạn muốn trở thành người bạn hâm mộ?
Làm rõ mục đích của bạn vô cùng quan trọng, nó sẽ là kim chỉ nam cho bạn để triển khai từng bước trong kế hoạch của mình.
2. Viết bản tóm tắt kinh doanh
Trước tiên, bạn nên phác thảo một kế hoạch thô, tinh chỉnh và hoàn thiện dần dần trong quá trình triển khai.
Khách hàng (học viên) của bạn là ai?
Bạn giúp họ đạt được mục tiêu gì?
Điều gì khiến bạn nổi bật so với một thị trường đông đúc?
Sản phẩm hoặc dịch vụ (đào tạo) chính mà bạn cung cấp?
Ghi chú: Để trả lời câu hỏi điều gì khiến bạn nổi bật, trước tiên hãy đọc bài viết hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân để nắm được vài ý tưởng.
3. Mô tả chi tiết doanh nghiệp của bạn
Mô tả doanh nghiệp của bạn trở nên sống động trên một trang giấy.
Kể cả bạn làm một mình, thì bạn là một doanh nghiệp một người, gọi là solopreneur.
Mô tả cận cảnh sản phẩm, dịch vụ (chương trình đào tạo) và những gì bạn cung cấp và cách nó tác động tích cực đến khán giả, học viên của bạn như thế nào?
Giải thích những gì bạn làm và cách bạn giải quyết vấn đề của khách hàng.
Đây không phải là nơi để khiêm tốn, hãy phô trương hết tất cả những thế mạnh độc đáo của bạn. Bạn cần phải tin vào nó, tin vào chính mình thì mới đủ tác động tới niềm tin trong tâm trí khách hàng.
4. Tiến hành nghiên cứu thị trường
Đa phần, những người mới bắt đầu kinh doanh (bao gồm cả tôi đã từng) đều nhắm mục tiêu một cách chung chung.
Ví dụ, nếu muốn kinh doanh khóa học tiếng anh, tôi sẽ bán cho những “người có nhu cầu học tiếng anh”. Hết.
Đó là sai lầm lớn dẫn tới thất bại.
Bởi vì chính cách này vô hình chung đặt bạn (và tôi) vào một thị trường cạnh tranh gay gắt. Thậm chí còn cạnh tranh với các ông lớn, các trung tâm tiếng anh chi ra hàng núi tiền cho các hoạt động. Như trung tâm Langmaster chẳng hạn.
Bí quyết ở đây là “thu nhỏ”.
Bước 1. Liệt kê một vài đối tượng khách hàng mà bạn có thể phục vụ
Bước 2. Mỗi một đối tượng gán cho nó một hệ số trong thang điểm từ 1-10:
- Độ cạnh tranh
- Độ phù hợp với bạn
Bước 3. Lấy độ phù hợp trừ đi độ cạnh tranh và chọn ra đối tượng cho chỉ số cao nhất
Bước 4. Xác định xem họ là nam hay nữ? Bao nhiêu tuổi? Tình trạng hôn nhân? Chức danh, nghề nghiệp? Sở thích, ước mơ, nỗi đau, vấn đề của họ là gì? Chính xác họ muốn gì?
Bước 5. Ai đang cung cấp dịch vụ cho họ và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh là gì?
Cách tôi làm khi nghiên cứu thị trường trên facebook:
Tôi dành một tuần bỏ follow đến 90%, thoát ra hầu hết tất cả các groups. Tiếp theo tôi tham gia vào các groups mà đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi tham gia, theo dõi, tương tác với các đối thủ.
Chỉ sau vài ngày, trên tường tôi tràn ngập mọi thông tin mà tôi cần nghiên cứu.
Bước 6. Theo dõi các xu hướng trong ngành
Ở đây, bạn sẽ tìm kiếm những bằng chứng cho thấy mọi người cần những gì bạn đang cung cấp và sẽ cung cấp.
5. Sơ đồ tổ chức và quản lý
Việc cơ cấu một sơ đồ tổ chức rõ ràng giúp bạn tiến xa hơn nhưng vẫn nắm vững sự ổn định.
Bạn có phải là chủ sở hữu duy nhất không, hay bạn chung vốn với ai?
Bạn làm việc một mình hay có thêm các cộng sự khác?
Doanh nghiệp của bạn cần những vị trí nào, tương ứng với công việc nào?
Vị trí nào bạn làm giỏi nhất?
Và vị trí nào bạn cần tìm cộng sự hoặc thuê ngoài? Kể cả khi bạn làm một mình bạn cũng cần làm rõ ra để định hình, bởi vì khi nền tảng đủ mạnh và bạn cần phát triển thì ít nhất bạn sẽ cần một trợ lý để bạn tập trung vào công việc mình giỏi nhất.
Bạn có dựa vào nguồn lực (tiền bạc, mối quan hệ) nào không?
Nếu có, chúng là gì?
6. Mô tả sản phẩm và dịch vụ giáo dục của bạn
Khi mô tả sản phẩm, dịch vụ, hãy tập trung vào giá trị (lợi ích) mang lại cho khách hàng.
Ví dụ 1:
Nếu bạn bán khóa học tiếng anh, đừng chỉ liệt kê những khóa học như giao tiếp, writing, ielts,… Hãy chỉ ra những vấn đề cụ thể mà bạn đang giải quyết để đạt được mục đích của họ. Như “chinh phục 7.0 – 8.5 ielts, tiếng anh giao tiếp giúp bạn tự tin phỏng vấn khi xin việc.
Ví dụ 2:
Thay vì khóa học yoga chung chung thì hãy cụ thể hơn nữa: Yoga trị liệu phục hồi vóc dáng cho bà bầu, Yoga giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi.
Đào sâu hơn nữa.
Bạn không bán sản phẩm, dịch vụ – bạn bán kết quả. Cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Tương lai tích cực hơn.
7. Lập kế hoạch tiếp thị và bán hàng
Trước tiên, tôi muốn chia sẻ cho bạn thấy tình hình tiếp thị vào thời điểm hiện tại.
Quảng cáo trả tiền, hầu như ai cũng có thể chạy được nhưng chi phí giá thầu tăng cao so với nhiều năm trước.
Tiếp cận miễn phí, đó là sự trỗi dậy của người sáng tạo nội dung trên các nền tảng video, hình ảnh và viết lách như Facebook, Youtube, Instagram, Threads,… Curieous (nền tảng viết của Việt Nam).
Nếu nghĩ rằng cứ quảng cáo, tiếp cận ra đơn hàng là sự ngây thơ đáng trách. Nhất là đối với ngành giáo dục, mọi người sẽ tìm hiểu rất lâu để đưa ra một quyết định. Vì vậy:
Bước 1. Xác định bạn sẽ tiếp cận khách hàng bằng cách nào
- Quảng cáo?
- Sáng tạo nội dung?
- Qua các kết nối mạng xã hội?
Bước 2. Mọi người tìm hiểu bạn và chương trình đào tạo bằng cách nào?
- Nội dung trên website qua blog và trang đích giới thiệu khóa học?
- Các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, Threads,…
- Trò chuyện qua tin nhắn, điện thoại?
- Gặp mặt trực tiếp?
- …
Bước 3. Làm sao để giữ được sự chú ý của họ?
Hàng ngày, mỗi người tiêu thị hàng tấn thông tin, họ bị choáng ngợp và dễ dàng quên mất bạn. Vậy bạn là cách nào để giữ sự chú ý được lâu dài?
- Tạo nội dung chất lượng?
- Tương tác, trò chuyện thường xuyên?
- Trao cho họ nhiều giá trị khác?
- …
Bước 4. Làm sao để họ đăng ký khóa học?
- Một trang bán hàng chuyển đổi cao với nội dung copywriting?
- Cuộc họp qua zoom để tư vấn trực tiếp?
- Hẹn đi cafe để gặp gỡ?
- …
Bước 5. Làm thế nào để họ hài lòng, quay lại và giới thiệu cho người khác?
8. Tối ưu năng suất công việc
Khi mới bắt đầu làm kinh doanh, tôi phải bắt tay vào hầu hết mọi việc. Đó là một cái bẫy dẫn đến nhiều hậu quả tồi tệ.
Bị cuốn vào những việc không cần thiết.
Bỏ quên bản thân trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
Không có nhiều thời gian để học tập, phát triển bản thân vì xử lý quá nhiều sự vụ.
Vậy tôi sẽ làm gì trong trường hợp này?
Bước 1. Viết ra tất cả các đầu việc phải làm
Bước 2. Gán cho nó hệ số từ 1-10, thể hiện mức độ quan trọng (gọi là x), và bạn dành bao nhiêu giờ trong một tuần (gọi là y).
Bước 3. Lấy hệ số x/y. 20% đầu việc có hệ số cao nhất tôi sẽ chú trọng, 80% đầu việc còn lại tôi bỏ đi hoặc tìm cách thuê ngoài hoặc tự động hóa.
Cách tiếp theo là sử dụng các ứng dụng năng suất để tối ưu hóa công việc. Hiện tại tôi đang dùng Notion để quản lý toàn bộ đầu việc.
Đây là hệ thống mà tôi đã xây dựng và sử dụng. Tôi gọi nó là Second Brain – Bộ não thứ 2 sẽ quản lý toàn bộ công việc của tôi. Tính ra từ khi có hệ thống này năng suất làm việc của tôi tăng ít nhất 3 lần.
Kết luận
Đừng mắc sai lầm mà tôi đã gặp phải, lập kế hoạch là phải làm lớn.
Bí quyết là “thu nhỏ” – nghĩ lớn và làm nhỏ.
Hãy đặt bút, giới hạn thời gian cho việc lên bản kế hoạch (khoảng 30 phút). Viết thật nhanh những gì có trong đầu bạn xuống giấy. Bắt đầu hành động, sau đó quay trở lại tinh chỉnh, bổ sung.
“Hầu hết mọi người suy nghĩ quá nhiều trước, hành động sau. Mỗi doanh nhân thành đạt, hành động trước, tìm hiểu sau. Bất kỳ phân tích nào trước khi hành động đều hoàn toàn là suy đoán. Bạn thực sự không hiểu điều gì đó cho đến khi bạn làm nó. Thay vì cố gắng lập kế hoạch để có được sự tự tin để hành động, hãy bắt đầu hành động.”
— Noah Kagan
Bài viết rất thực tế, chắc hẳn, bạn cũng đã trải qua vài lần thất bại mới có được những đúc kết như thế này
Tôi cũng đã vài lần thất bại với những kế hoạch chung chung của mình
Bài viết của bạn rất hữu ích cho những ai cần tư duy lại chiến lược kinh doanh của mình, và chắc chắn trong đó có tôi. Cảm ơn bài viết của bạn