Dành cho những ai đang cảm thấy trống rỗng, chán nản.
Hãy chậm lại một nhịp để quan sát mọi người xung quanh..
Ai ai cũng tất bật, cố gắng dậy sớm, làm khuya nhưng tương lai vẫn mù mịt. Những mối quan hệ độc hại nơi làm việc nhưng không thể nào buông. Những khoảnh khắc ấm ức chỉ có thể nuốt vào trong vì đồng tiền bát gạo, hoặc kỳ vọng vào một đích đến vô vọng trong tương lai.
Để bù đắp cho những cảm xúc tiêu cực, cách nhanh nhất là lên mạng xã hội để tìm kiếm những liều dopamine hưng phấn, hoặc hít hà drama để giải thoát ức chế kìm nén bấy lâu.
Nghiện ngập.
Mất kết nối với thiên nhiên.
Thiếu tin tưởng vào bản thân và xã hội.
Áp lực đè nặng khi phải sống trong kỳ vọng của người khác.
Tìm kiếm địa vị chỉ để thỏa mãn cái “tôi” của bản thân và nỗi sợ phán xét.
Giải trí thay vì giáo dục. Sống trong chế độ sinh tồn. Lo lắng. Khủng hoảng hiện sinh. Sợ hãi. Yếu đuối. Nhu nhược.
Đó là những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng ý nghĩa mà chúng ta đang phải đối mặt.
Có thể cuộc sống của bạn chỉ ở mức trống rỗng, chán nản, chứ không tồi tệ như những người xung quanh. Nhưng nếu không kịp phản ứng và thay đổi, rất có thể người tiếp theo sẽ là tôi và bạn (đây sự ảnh hưởng mà Sadhguru gọi đây là nghiệp tập thể).
…
Vậy làm sao để thoát khỏi tình trạng này đây?
Làm sao để hết chán nản trong công việc và trống rỗng trong cuộc sống?
Chúng ta liệu có phải con người người nữa không, hay chỉ là những cỗ máy làm việc, làm việc, và làm việc, và đánh giá dựa trên năng suất? Làm sao để chúng ta giáo dục bản thân theo chiều hướng mà trí tuệ nhân tạo AI và máy móc không thể thay thế để trở nên tự chủ?
Làm sao để kết nối lại những phẩm chất trẻ thơ (vui vẻ, tò mò, sáng tạo) nhưng vẫn giữ vững vai trò của người lớn?
Làm sao để sống một cuộc đời đáng sống?
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để giải quyết các vấn đề này, trong lá thư ngày hôm nay.
Điều gì đã cướp đi một cuộc sống ý nghĩa của bạn?
Mọi kết quả đều có nguyên nhân.
Chúng ta hãy cùng nhau truy lùng nguyên nhân từ gốc rễ để giải quyết chúng.
Đây là các vấn đề nhạy cảm, nên cần thống nhất với nhau một chút. Trong 3 phần tiếp theo, tôi sẽ chỉ trích về “tư tưởng” hệ thống giáo điều, nền công nghiệp giáo dục, và nền công nghiệp chứ không phải “đối tượng” là con người, trường học, và các doanh nghiệp. Tư tưởng và đối tượng là các khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Nào…, hãy cùng tôi mở rộng tâm trí để thách thức niềm tin mà xã hội đã cài đặt vô não bạn.
1. Tư tưởng giáo điều
Hãy nhìn về quá khứ…
Hồi nhỏ, chúng ta được dạy là phải nghe lời người lớn, không được làm thứ này, thứ kia. Nhưng khổ nỗi hầu hết đều bị thao túng bằng cách nói rằng “như thế là ngoan, được yêu quý, không nghe lời là hư chẳng ai chơi; con làm thế này bố mẹ không vui đâu; cha mẹ làm tất cả những điều này là vì con (nhưng thực ra là họ đang thực hiện ham muốn cá nhân thông qua cuộc sống của con mình – coi chúng như công cụ vậy)”.
Khi đi học, nếu bạn làm trái lời thầy cô, bạn sẽ bị thao túng bằng cách đánh vào tâm lý với những lời hạ thấp như “hư đốn, mất dậy” để phải nghe lời.
Họ thể hiện mình giống như một vị thánh ở trên cao để buông những lời phán xét. Đó chính là cách hủy hoại tâm hồn một đứa trẻ, khiến chúng bị chấn thương và di chứng tới mãi sau này.
Một đứa trẻ chỉ vì điểm kém bị chửi ngu thì nó sẽ nghĩ rằng mình ngu thật, và rồi lớn lên với sự tự ti, mặc cảm.
Một đứa trẻ bị thao túng rằng “con không làm thế này thì bố mẹ không thương, không chơi với con nữa đâu”, khi lớn lên sẽ trở thành người phụ thuộc, ham muốn sự chú ý từ người khác. Biểu hiện của yếu đuối và phụ thuộc.
Ở mặt trận khác, những đứa trẻ không thể bị thao túng sẽ trở thành những kẻ nổi loạn, chống phá – theo cái mác mà bố mẹ, thầy cô thường gán cho chúng hàng ngày.
Tôi thích câu của Jobs:
“Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác. Đừng bị mắc kẹt trong giáo điều – tức là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn của ý kiến người khác lấn át tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm theo đuổi trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó, chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào. Mọi thứ khác đều là thứ yếu.”
― Steve Jobs
Trong tiểu sử Steve Jobs, ông được bố mẹ tôn trọng và bảo vệ trước những lời chỉ trích của thầy cô khi học ở trường. Nhưng không phải trong chúng ta, ai cũng có được những bậc cha mẹ như vậy.
Bởi vậy, bạn phải tự cứu lấy mình.
2. Tư tưởng nền công nghiệp giáo dục
Cái cách dạy phổ biến là học theo đáp án, và chấm bài thì đếm ý chấm điểm, thì cách đó nó giết chết sự học. Khi em quan niệm em đào tạo con người như em sản xuất cái ly thì đó không phải là giáo dục. Giáo dục chỉ có một sứ mạng thôi, là giúp phát triển cái vốn có của một con người.
― Nhà giáo giục, TS. Bùi Trân Phượng
Ngay lúc này đây, nếu bạn đang cảm thấy công việc quá chán nản, mất định hướng thì một phần rất lớn là do ảnh hưởng của nền công nghiệp giáo dục (theo chiều hướng phương Tây).
Khi sinh ra, bạn là một sinh vật tò mò và sáng tạo.
Nhưng khi bắt đầu đi học, bạn sẽ được đặt vào một hệ thống học tập được tạo sẵn, giải các bài toán đã có lời giải. Những mong muốn, ước mơ của bạn sẽ bị che phủ đi bởi trò chơi địa vị. Khi làm đúng, bạn sẽ được khen thưởng, khi làm sai bạn sẽ bị chê cười, nếu có những hành vi thách thức, bạn sẽ bị trách phạt. Bạn dần mất đi tính tò mò, sáng tạo và sở thích. Mà thay vào đó là việc ganh đua thành tích, muốn lên trên thì phải đạp người khác xuống.
Tất cả những điều này đi ngược lại với những kỹ năng cần có của một con người trưởng thành (nơi mà hoàn cảnh sống mỗi người mỗi khác). Kỹ năng tự lập. Kỹ năng tự kỷ luật bản thân. Kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo để tìm ra phương án tối ưu nhất.
Lý do để nền giáo dục công nghiệp duy trì và tồn tại là để tạo ra nguồn nhân lực cho nhành công nghiệp – gọi là công nhân.
Công nhân bao gồm lao động chân tay và dân lao động trí óc (thuộc nhánh chuyên gia).
Khi máy móc ngày càng phát triển, những người lao động chân tay dần dần bị thay thế.
Khi trí tuệ nhân tạo AI bùng nổ, các chuyên gia lao động trí óc dần dần bị thất sủng. Ví dụ thế này:
- AI đặc biệt hiệu quả trong việc chẩn đoán hình ảnh y tế (X-quang, chụp MIR,…) chính xác hơn cả các chuyên gia y tế, bằng cách xác định các mẫu tinh tế mà con người thường bỏ qua.
- Lắp ráp oto được thay thế bằng các cánh tay robot. Designer được thay thế bởi ChatGPT với khả năng tạo hình ảnh quảng cáo chỉ trong tích tắc. Các content thiếu tính sáng tạo còn viết tệ hơn cả ChatGPT bản miễn phí.
Bạn thấy đấy, nền công nghiệp giáo dục sản xuất ra càng nhiều sinh viên thì nguồn cung càng lớn, nhưng doanh nghiệp đang đua nhau áp dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo AI thì nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng giảm.
Bất cứ sản phẩm gì mà cung tăng, cầu giảm thì trở nên rẻ mạt.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, sa thải, lương thấp dù doanh nghiệp lợi nhuận vẫn tăng cao.
3. Tư tưởng của nền công nghiệp
Câu chuyện cho chúng ta biết rằng chúng ta trước hết là các sinh vật kinh tế, và ý thức về giá trị cũng như mục đích của chúng ta nằm ở khả năng đảm bảo lợi ích vật chất. Theo vị thánh này, bạn chính là công việc bạn làm để kiếm sống. Cái tốt đẹp nằm ở năng suất, hiệu quả và tổ chức; cái ác trong sự kém hiệu quả và lười biếng.
— Neil Postman
Năng suất không phải là sai.
Nhưng nếu con người quá chú trọng tới lợi ích kinh tế theo kiểu “tiền là tiên là phật” thì sẽ đánh mất các mục đích khác liên quan tới góc độ con người như tình yêu thương, sự quan tâm, và lòng trắc ẩn.
Để tôi kể cho bạn nghe một sự cố đã xảy ra làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi.
Tôi nhận một dự án xây dựng quy trình làm việc và cơ chế tính KPI cho một đơn vị kinh doanh nhỏ.
Các công việc lặp đi lặp lại được để đóng gói thành một quy trình đơn giản để thuê sinh viên mới ra trường nhằm tối ưu hóa chi phí.
Để thực hiện ý tưởng này, mỗi đầu việc tôi đều phải tự tay làm để tính toán KPI sao cho hợp lý. Để tính toán được hết mọi trường hợp xảy ra, tôi cần trực tiếp tham gia vào mọi việc, và đẩy năng suất làm việc đến mức tối đa xem mình có thể tối ưu hệ thống đến mức nào.
Nhưng sau vài ngày, hơi thở tôi bắt đầu ngắn lại, đôi chút khó thở, và trở nên mất kiểm soát. Dần dần, tôi trở nên lo lắng, căng thẳng, và cáu gắt trong quá trình làm việc cũng như sau khi trở về với gia đình.
Chết rồi!
Có điều gì đó không ổn.
Đang ngồi suy nghĩ thì những bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh hiện ra. Thầy dạy rằng để thoát đau khổ thì chúng ta cần thực hành chánh niệm bằng cách giữ ý thức quan sát hành động của cơ thể. Để quan sát tốt chúng ta cần làm việc một cách chậm rãi.
Thì ra tôi đã sai.
Việc đẩy nhanh tốc độ khiến ý thức của tôi không thể theo kịp tâm trí cũng như cơ thể. Khi chánh niệm bị đánh cắp cũng chính là lúc gây ra các hệ lụy cho tinh thần.
Điều đó có nghĩa là người lao động bị thúc đẩy phải làm nhanh hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hơn để được nhận một khoản lương hàng tháng, nhưng nó sẽ hủy hoại đi cuộc sống khi họ trở về nhà.
Thì ra, đó là lý do tại sao những người công nhân lại không bao giờ thoát khỏi được cảnh khốn khổ (bao gồm cả nhân viên văn phòng làm công việc chuyên môn cũng là công nhân).
Tôi hiểu ra, Cao Chí Lũy trong phim Upstream tạo ra phần mềm tối ưu bộ máy cho công ty, nhưng cuối cùng anh lại bị sa thải bởi hệ thống của chính mình. Khi trở thành shipper, anh sử dụng tài năng của mình để tạo ra ứng dụng (app) với mục đích giao được nhiều đơn hàng hơn, với thời gian ngắn hơn. Cuối phim, tưởng chừng như đó là một lối thoát – nhưng không, đó là một thảm họa.
Việc giao hàng trở nên dễ dàng hơn không đồng nghĩa với việc các shipper kiếm được nhiều tiền hơn. Các công ty sẽ xác định mức lương mà shipper đủ sống, nâng cao KPI, độ khó.
Hừ,… Ấm ức không muốn làm ư?
Trong trường hợp này bạn không có quyền lựa chọn, bởi vì công việc quá dễ dàng và quá dễ thay thế bởi hàng ngàn nhân công mới ngoài kia. Thậm chí bên Trung Quốc đã có máy bay giao hàng không người lái. Nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, mà chi phí ngàng với nhân viên giao hàng.
Đến đây, tôi như bừng tỉnh.
Rõ ràng tôi đang góp phần tạo ra quy trình nhằm hủy hoại cuộc sống người khác thay vì giúp đỡ họ.
Tư duy, tư tưởng mà tôi từng tự hào khi học được ở các doanh nghiệp tư bản: “không cần quan tâm bạn thế nào, quan trọng là kết quả” lại chính là thứ mà tôi mang áp dụng để hại người dân của mình.
Bước lên con đường ý nghĩa
Mọi người đều theo đuổi hạnh phúc, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai có được hạnh phúc trọn vẹn cả.
Tưởng chừng nàng nọ cưới được hoàng tử trong mơ, nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi lại tan tành.
Tưởng rằng đỗ đại học là hạnh phúc nhưng chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày vất vả gian nan.
Tưởng rằng có được công việc ổn định nhưng lại là chuỗi ngày buồn chán.
Tưởng rằng có được nhiều tiền là hạnh phúc với chuỗi ngày an nhàn nghỉ ngơi, chơi game, xem netflix, nhưng rồi lại cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa.
Rõ ràng, đó là con đường không trọn vẹn.
Để có được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa, bạn cần hiểu về 4 trụ cột này:
1, Being (tồn tại, hiện diện): Kết nối với hiện tại. Hiện tại bao gồm thiên nhiên, vũ trụ, cỏ cây, không khí, và những người mà chúng ta tiếp xúc ngay khoảnh khắc này.
Đây là trạng thái vị kỷ. Vị kỷ không có gì xấu cả. Bạn cần cứu mình trước khi giúp người.
2, Mục đích: Có một mục đích vượt ngoài bản thân.b Giống như con cái là ý nghĩa của bố mẹ. Những anh hùng liệt si hi sinh vì thế hệ sau. Những người sáng tạo nội dung nhằm tạo ra và phân phối các ý tưởng giúp cuộc sống người khác trở nên tốt đẹp.
3. Sự can đảm: Vượt qua chủ nghĩa hoài nghi để có được lòng dũng cảm và vững tin tiến về phía trước.
4.1 Sáng tạo chính mình: Chính là quá trình bạn tạo ra điều gì đó mới mẻ. Sáng tạo không có gì to tát cả. Nếu bạn khác với ngày hôm qua (tốt hơn 0,1% chẳng hạn), bạn đang sáng tạo ra con người của chính mình.
4.2 Sáng tạo ra thế giới: Khi bạn chia sẻ trải nghiệm của mình cho người khác, bạn góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của nhân loại.
Vũ trụ không ngừng sáng tạo, khi bạn sáng tạo có nghĩa là bạn đang hòa làm một với vũ trụ. Đó là cách bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Quá trình này giống như hành trình của Đức Phật và Chúa Jesus vậy.
Đức Phật khi giác ngộ – trạng thái being (hiện diện) toàn vẹn, Ngài không trốn lên núi để hưởng một mình, mà Đức Phật có một mục đích vượt ra ngoài bản thân là phổ độ chúng sinh. Ngài bắt đầu truyền pháp (nội dung sáng tạo) để giúp con người thoát khổ (quá trình sáng tạo).
Chúng ta cảm thấy cuộc sống thiếu ý nghĩa là vì thiếu ít nhất một trong ba trụ cột being, mục đích, và sáng tạo.
Trạng thái being (hiện hữu) – hạnh phúc đích thực
Being là giữ ý thức trong hiện tại.
Đó là trạng thái mà các bậc chân tu hướng tới.
Khi bạn dành thời gian ở trạng thái này, bạn càng dành ít “thời gian tâm lý” suy nghĩ về những đau khổ trong quá khứ, hoặc lo lắng về tương lai. Tâm trí bạn bắt đầu rơi vào trạng thái tĩnh lặng. Bạn đắm mình vào những trải nghiệm trực tiếp giống như một đứa trẻ tò mò về mọi thứ, mà chúng tiếp xúc thông qua 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Nhận thức của bạn trở nên rõ ràng để quan sát toàn bộ suy nghĩ và mọi sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh bạn. Ban đắm chìm vào trạng thái dòng chảy (flow). Đây là trạng thái khiến cho toàn bộ con người bạn phát triển một cách vượt bậc về nhận thức, tâm trí, và kỹ năng.
Thật không may, hầu hết chúng ta đều rời hỏi trạng thái being và mắc kẹt trong chế độ công việc hoặc giải trí.
Khi mắc kẹt trong chế độ giải trí có game, netflix, mạng xã hội,… ý thức của bạn không còn hiện diện với những gì xảy ra xung quanh, mà bạn đã đắm mình trong thế giới ảo.
Khi mắc kẹt trong chế độ công việc, bạn liên tục tìm kiếm các nhiệm vụ để hoàn thành, nhiệm vụ tiếp theo, rồi tiếp theo.
Cả hai trường hợp này đều hủy hoại cuộc sống bằng cách biến chúng ta thành con nghiện.
Để rồi khi rời hai chế độ đó để trở về với cuộc sống bình thường, chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng; tiếp theo là cảm giác cuộc sống này thật nhàm chán và không có điều gì thú vị. Cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề là trở lại thế giới giải trí và công việc cho tới chết.
Làm sao để thoát khỏi trạng thái tồi tệ này?
Bây giờ, hãy rời xa điện thoại và công việc để chìm đắm vào 6 giác quan của mình. Đi bộ giữa thiên nhiên là lựa chọn tốt nhất.
Mắt: Mở rộng tầm nhìn của bạn hướng tới không gian bao la rộng lớn. Ngửa mặt để quan sát bầu trờ bao la. Nhìn sang ngang để thấy một màu xanh của cây cỏ. Dừng lại, nhặt một chiếc lá để ngắm nhìn từng chi tiết, cho đến khi bạn thấy sự kỳ diệu của tạo hóa trong từng đường vân, hoặc ngắm nhìn sự chuyển động của đàn kiến đang bò về tổ.
Tai: Lắng nghe tiếng chim hót, xào xạc của cỏ cây.
Mũi: Hít thật sâu để thấy được mùi cỏ mới, mùi ẩm thấp, và hương thơm thoang thoảng của các loài hoa.
Lưỡi: Mang theo một cốc cafe, ngồi xuống ven cỏ, nhấm nháp thật chậm rãi để đoán xem chúng có vị gì.
Thân: Cảm giác sẽ lạnh hoặc cái nóng của ánh nắng mùa hè. Sự căng cứng và chuyển động của từng múi cơ khi chân bắt đầu di chuyển.
Ý: Để tâm trí lang thang với mọi suy nghĩ, nhận xét chúng mà không phán xét. Nếu đó là suy nghĩ tiêu cực, hãy chuyển sự chú ý sang các giác quan khác.
Khi bạn làm vậy, bạn đang trải nghiệm trạng thái thiền.
Nhận thức của bạn tăng lên để rồi trí tuệ được khai mở.
Mục đích vượt ngoài bản thân
Being là vị kỷ.
Mục đích vượt ra ngoài bản thân là vị tha.
Đây chính là nơi bạn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Đó là lý do mà:
- Các bậc cha mẹ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của bản thân vì con cái mình, hoặc con cái phấn đấu hết mình vì cha mẹ.
- Bác Hồ sẵn sàng vượt ngàn gian truân đi tìm đường cứu nước vì độc lập dân tộc.
- Những tình nguyện viên Sài gòn xanh đắm mình xuống dòng sông hôi thối vì môi trường xanh sạch đẹp.
Nhưng thật không may, hầu hết chúng ta đều làm những điều vì người khác hàng ngày một cách bị động và giáo điều: bố mẹ phải hi sinh vì con. Con phải báo hiếu với bố mẹ. Nhân viên phải hết lòng với công việc. Phải bảo vệ môi trường vì chúng ta không phải là con người vô ý thức. Giáo viên là nghề cao quý.
Sáo rỗng.
Giáo điều tốt cho xã hội, cho người đứng đầu tổ chức, nhưng không tốt cho cá nhân bạn, và nó cũng không phải là mục đích vượt ngoài bản thân mà là phục vụ cho sự kiêu ngạo.
Bây giờ…, hãy nghiêm túc căn chỉnh lại mục đích của chính bạn.
Làm việc gì đó tốt đẹp không phải là để thể hiện bạn là người đạo đức, hay người tử tế, hoặc vị tha.
Đó là cách làm cho cuộc sống của bạn trở nên thú vị. Nơi bạn nhận ra mỗi sáng thức dậy bạn có điều gì đó để làm. Bạn có điều gì đó sâu sắc để giải quyết trong ngày hôm nay.
Cách tôi hay làm để thúc đẩy một mục đích có ý nghĩa là trước khi làm việc gì, tôi thường hỏi bản thân:
- Tôi đang làm việc gì?
- Việc này mang lại giá trị gì cho nhân loại (bố mẹ, bạn bè, xã hội, sinh vật,…)?
Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng nó giúp tôi có rất nhiều động lực, cảm hứng để tiếp tục công việc của mình.
Vượt qua chủ nghĩa hoài nghi để trở nên can đảm
Để tôi kể bạn nghe.
Tôi là một người logic. Điều đó khiến tôi hoài nghi tất cả mọi thứ. Có những khoảnh khắc tôi hoài nghi cả thầy Thích Nhất Hạnh và thầy Minh Niệm (chỉ là sự hoài nghi thôi chứ không phải phán xét).
Bạn biết không? Hoài nghi là biểu hiện của người có trí thông minh logic, nhưng đó cũng là sự cản trở cho việc tự phát triển. Người hoài nghi cứ học mãi, mọc mãi mà không hành động. Có thể nói là học chính là phương pháp tốt nhất để biện minh cho sự hèn nhát của mình (tôi tự nhận bản thân đã từng rơi vào tình trạng như vậy).
Càng trở nên logic, càng hoài nghi về mọi thứ thì cuộc sống của tôi bắt đầu trở nên bất ổn. Tôi bắt đầu hoài nghi chính “sự hoài nghi” của bản thân mình: “liệu sự hoài nghi đó có giúp ích cho một cuộc sống tốt đẹp hay là làm nó tệ hại hơn?”
Một hôm, khi đi bộ bên Hồ Thiên Nga của Ecopark, tôi thường xuyên thấy một bác khoảng 70 tuổi, thân hình nhỏ nhắn, tóc bạc phơ. Vì tò mò nên tôi bắt chuyện. Chúng tôi trò chuyện với nhau thường xuyên, nghe bác kể về hành trình tu tập của mình. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của bác ấy có một niềm tin sắt đá về thầy Thích Nhất Hạnh và Đức Phật. Rõ ràng, niềm tin đó đã giúp cho bác ấy tu tập mỗi ngày để không ngừng cải thiện bản thân.
Sau đó, tôi tìm đến cuốn “Karrma – Nghiệp” của Sadhguru. Ông ấy nói rằng: “nếu bạn xử lý toàn bộ cuộc sống của mình chỉ bằng logic, bạn sẽ kết thúc trong một mớ hỗn độn”. Tôi đã suy nghĩ về điều này rất nhiều trong những lần đi bộ.
Tiếp theo là Jordan B Peterson, đã cho tôi hiểu một cách sâu sắc hơn về đức tin là như thế nào. Ông nói:
“Nói cách khác, bạn quyết định hành động như thể sự tồn tại có thể được biện minh bởi lòng tốt của nó — nếu bạn chỉ hành xử đúng đắn. Và chính quyết định đó, tuyên bố về đức tin hiện sinh đó, cho phép bạn vượt qua chủ nghĩa hư vô, sự oán giận và sự kiêu ngạo. Chính tuyên bố về đức tin đó giúp bạn tránh xa lòng căm ghét Bản thể, cùng với tất cả những điều xấu xa đi kèm. Và, đối với đức tin như vậy: nó hoàn toàn không phải là ý chí tin vào những điều mà bạn biết rõ là sai. Đức tin không phải là niềm tin trẻ con vào phép thuật. Đó là sự thiếu hiểu biết hoặc thậm chí là sự mù quáng cố ý. Thay vào đó, đó là nhận ra rằng những điều phi lý bi thảm của cuộc sống phải được cân bằng bởi một cam kết phi lý tương đương đối với lòng tốt cốt lõi của Bản thể. Đồng thời, đó là ý chí dám đặt tầm nhìn của bạn vào điều không thể đạt được và hy sinh mọi thứ, bao gồm (và quan trọng nhất) cuộc sống của bạn.”
― Jordan B. Peterson, 12 Quy tắc cho Cuộc sống: Thuốc giải cho Sự hỗn loạn
Oh, thì ra là vậy.
Vậy niềm tin, đức tin của tôi là gì?
Tôi suy nghĩ mãi, nghĩ mãi cho đến một thời điểm tôi không nghĩ nữa thì niềm tin đó chợt xuất hiện:
“Tôi tin vào bản thân mình. Tôi sẵn sàng hành động dù cuộc sống có khó khăn, thử thách đến mức nào. Đặc biệt, tôi không làm điều đó một mình, tôi có mọi người xung quanh và cả vũ trụ giúp sức”.
“Nhưng tôi tin vào Phật có được không Thông?”
Được. Phật từng nói “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.
Sáng tạo ra chính mình và thế giới
Nếu bạn không sáng tạo ra hệ thống của riêng mình, bạn trở thành kẻ hầu cho hệ thống của người khác.
Hầu hết những người không sáng tạo là các:
- Học sinh, sinh viên học tập theo hệ thống công nghiệp giáo dục.
- Người sống theo hệ thống giáo điều.
- Các công nhân trong nhà máy, văn phòng làm các công việc lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
Không phải họ không sáng tạo, mà là họ không được phép sáng tạo. Mọi người càng phục tùng giống như máy móc thì càng dễ quản lý, dễ bị thay thế (bởi người khác, máy móc, hoặc AI).
Hầu hết chúng ta đều bị tẩy não.
Nhắc đến khái niệm sáng tạo, chúng ta thường nghĩ rằng đó là một thứ gì đó phải lớn lao, phải hoành tráng như kiểu phát minh ra bóng đèn hoặc máy tính. Suy nghĩ đó khiến tâm trí sợ hãi và bị thu hẹp, và khiến chúng ta không bao giờ nghĩ mình là người sáng tạo nữa.

Nhưng thật ra, sáng tạo hiểu đơn giản là cách bạn tạo ra điều gì đó mới (so với cái cũ).
Sáng tạo ra chính mình là khi bạn giải quyết các vấn đề để cải thiện về thân, tâm, trí.
Sáng tạo ra thế giới là khi bạn chia sẻ phương pháp mà bạn đã hoặc đang sử dụng cho người khác thông qua viết, nói, vẽ, chế tạo (ra công cụ), thì bạn đang tác động giúp thế giới trở nên tốt đẹp. Đừng nghĩ điều gì quá to tát, thế giới là những gì xung quanh bạn như người thân, bạn bè, cộng đồng mà bạn đang sống.
Để sáng tạo, bạn cần làm những điều sau:
1. Tạo ra hệ thống học tập của riêng bạn

Chỉ có tự học bạn mới có cơ hội phát triển hệ thống học tập theo sở trường của riêng bạn thay vì phụ thuộc vào người khác. Thật may vì sự mở rộng của internet cho phép chúng ta học hỏi bất kỳ điều gì, và với bất kỳ ai trên thế giới.
Bước 1. Tìm ngôi sao chỉ lối và cá heo dẫn đường – đọc thêm lá thư số 027.
Ngôi sao chỉ lối là những người đưa cho bạn tầm nhìn, kiến thức, và động lực để tiến lên phía trước (giống như Naval, Elon Musk, Jordan Peterson,…). Nhưng họ sẽ không thể chỉ cho bạn các bước hành động cụ thể như thế nào, bởi vì họ đã đi quá xa so với hành trình của bạn.
Cá heo là những người đi trước bạn 2,3 bước. Mọi người thường bị hiệu ứng hào quang làm mờ mắt nên bỏ qua cá heo. Thực ra, họ mới là người dạy cho bạn nhiều nhất, nhiều hơn rất rất nhiều so với ngôi sao. Các cụ chẳng có câu “học thầy không tày học bạn” đó sao.
Hãy đắm chìm vào nội dung của của ngôi sao để lấy cảm hứng, học cách mà cá heo đang làm.
Bước 2. Thực hành, sai lầm, và cải thiện.

Kiến thức từ xã hội chỉ là ảo tưởng trong đầu. Nó không phải của bạn cho đến khi bạn bắt tay vào làm để nhận phản hồi từ thực tế, để hiểu.
Khi bạn Bạn cần đưa lý thuyết và các lời khuyên vào thực hành. Ban đầu bạn sẽ thấy nó sai. Sai thì sửa. Tiếp tục tinh chỉnh cho đến khi nó đúng với bạn thì thôi. Đây là quá trình sáng tạo bằng cách bạn biến ý tưởng cũ thành các ý tưởng mới thông qua trải nghiệm thực tế của bạn.
2. Tạo ra hệ thống công việc của riêng bạn
Nếu bạn không tạo ra hệ thống làm việc của riêng mình, bạn sẽ trở thành kẻ hầu trong hệ thống của người khác.
Khi chúng ta trở thành công nhân trong nhà máy, nhân viên văn phòng, hoặc shipper chúng ta không có một lựa chọn nào khác là tuân theo quy trình được thiết kế sẵn.
Khi hệ thống của họ ngày càng tối ưu bằng cách đưa máy móc, trí tuệ nhân tạo vào làm việc thì cơ hội của chúng ta bị thu hẹp dần. Chúng ta sẽ có 2 lựa chọn:
- Một là bị giảm lương, tăng giờ làm, tăng đầu việc và nơm nớp lo sợ bị sa thải.
- Hai là nịnh hót, thảo mai để được giữ lại làm việc giống như một con mèo cảnh.
Khi đi làm thuê, tôi ngây thơ nghĩ rằng mình cống hiến hết mình, thật giỏi để được trọng dụng. Nhưng bạn biết điều gì xảy ra không? Họ thuê những người giỏi về để hoàn thiện hệ thống cho họ, sau khi hệ thống vận hành ổn định, họ cho nghỉ việc và thay thế sinh viên mới ra trường với mức lương thấp hơn.
Tôi không nói họ sai và việc đòi hỏi họ phải đối xử tốt với mình giống như việc đi ăn xin (lòng thương xót) vậy. Đây là trò chơi rất công bằng. Để lấy lại thế cân bằng, ý tưởng của tôi như sau:
Bước 1. Tự sáng tạo ra quy trình làm việc của mình để đạt hiệu quả cao hơn trong công việc. Quy trình này là của riêng tôi nên công ty không có quyền ép tôi phải giao nộp, trừ khi có thỏa thuận từ đầu. Đối với công ty nào tình nghĩa, khi nghỉ việc tôi chia sẻ lại những gì tôi làm cho người sau, nếu không tôi chỉ hướng dẫn lại họ quy trình mà công ty đã đào tạo cho tôi để hoàn thành trách nhiệm.
Bước 2. Xây dựng hệ thống mối quan hệ trong công việc. Càng nhiều lựa chọn thì tôi càng có nhiều quyền lực hơn. Tôi có thể tự tin đề xuất tăng lương khi cần, hoặc nghỉ việc nếu bên khác trả lương cao hơn. Tôi ghét nhất cái kiểu công ty cứ hở ra là nói đạo lý theo kiểu “phải trung thành”, trong khi đó toàn thao túng để mang lại lợi ích cho riêng họ. Đây là mối quan hệ lợi ích win-win.
Để mở rộng network, bạn không cần phải đi sự kiện này nọ. Thay vào đó bạn cần trở thành người có giá trị, bằng cách chia sẻ các ý tưởng giải quyết vấn đề trong công việc và cuộc sống của bạn. Sau đó, đi kết nối với các nhà tuyển dụng để họ thấy được bạn có khả năng sáng tạo như thế nào. Những nhà tuyển dụng giỏi sẽ không muốn bỏ qua bạn.
Đó là cách bạn thoát khỏi những công ty có xu hướng bóc lột để tiếp cận các công ty tử tế hơn.
Bước 3. Khởi nghiệp kinh doanh
Việc tìm kiếm một công ty có văn hóa phù hợp để bạn có thể cống hiến hết mình không phải là dễ.
Nếu tìm mãi mà không thấy, đã đến lúc phát triển công việc kinh doanh cho riêng mình.
3. Dạy lại cho người khác
Tôi hi vọng rằng bạn không khó chịu với từ dạy.
Hầu hết mọi người đều thiếu tự tin trong khâu này, họ đợi cho đến khi mình giỏi hoặc trở thành chuyên gia rồi mới dạy.
Điều đó thật đáng tiếc.
“Hóa ra là nếu bạn đang đi trên một con đường mới, những chuyên gia giỏi nhất thường là những người hướng dẫn tệ nhất. Khi bạn ngày càng giỏi hơn trong những gì mình làm, khả năng truyền đạt sự hiểu biết của bạn hoặc giúp người khác học được kỹ năng đó thường ngày càng tệ hơn.”
– Adam Grant
Kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu đã thu thập dữ liệu tất cả sinh viên (tổng 15,662) năm nhất tại Đại học Northwestern từ năm 2001 đến năm 2008.
Theo các thuyết tâm lý, để một người có thể thay đổi (trở nên tốt hơn bằng cách học hỏi) thì:
– Chuyên môn của giáo viên chỉ chiếm 15%
– Sự tin tưởng vào giáo viên chiếm 15%
– Sự kết nối với giáo viên chiếm tới 30%
Khi bạn trở thành chuyên gia (bạn đi quá xa trên hành trình của mình), vậy nên bạn đã quên mất cái cảm giác của người mới bắt đầu. Bạn đánh mất sự kết nối. Mất sự kết nối dẫn đến thiếu cảm thông, bao dung, và thấu hiểu (kiểu hay đưa ra lời phán xét sao nó ngu thế nỉ – nhưng chính chuyên gia cũng ngu như vậy khi mới bắt đầu mà họ không ý thức được).
Nếu bạn là học sinh, hãy chọn học với người đi trước bạn 2,3 bước.
Nếu bạn là giáo viên, đừng đợi mình trở thành chuyên gia rồi mới dạy. Bạn phải ghi lại hành trình ngay từ lúc bắt đầu, và dạy lại cho người đi sau bạn vài bước.
Dạy lại bằng cách chia sẻ lại:
- Những câu chuyện mà bạn đã từng trải.
- Những ý tưởng sáng tạo bạn chợt nghĩ ra;
- Những gì bạn đã học hỏi được từ người khác.
“Nhưng Thông ơi, mình vẫn thiếu tự tin khi dạy lại người khác, sợ người khác bảo là lên mặt dạy đời.”
Nếu bạn thiếu tự tin để dạy lại người khác thì bạn đang mắc kẹt trong trò chơi địa vị. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách để thoát ra:
Bước 1. Thừa nhận điểm yếu và thất bại của bản thân
Khi bạn làm như vậy, bạn thoát khỏi sự kiêu ngạo của chính mình.
Bạn thấy đấy, các nội dung của tôi chủ yếu viết về bài học thất bại mà tôi đã trải qua. Tôi cho rằng đó là thứ giá trị nhất đối với người đọc.
Nếu tôi không làm như vậy, tôi sẽ bắt đầu che giấu, tỏ ra như một vị thánh hoàn hảo, trở nên cay đắng, phát triển thế lực đen tối bên trong, bắt đầu fomo để tìm kiếm lợi nhuận. Trong trái tim chúng ta luôn ẩn chứa bóng tối, và lúc nào bạn cũng phải đề phòng với nó.
Khi tôi thừa nhận điểm yếu và thất bại của mình, người đọc cũng được an ủi phần nào. Hàng rào phòng thủ của họ lới lỏng và dễ dàng tiếp nhận những bài học hơn.
Bước 2. Trở thành người thực hành
Tôi không cố gắng tỏ ra là một bậc thầy, hay chuyên gia để hớp hồn thiện hạ.
Tôi đóng vai là một người đang thực hành những lời khuyên từ bậc thầy khác như thầy Thích Minh Tuệ, thầy Thích Nhất Hạnh, Carl Jung, Naval, Jordan,…
Tôi cũng giống như bạn, đều là người mới, chỉ có điều tôi đi trước bạn 2,3 bước rồi chỉ cho bạn đường đi tốt hơn bằng cách ghi lại bản đồ mà thôi.
Tôi cũng chẳng cố gắng chuyển hóa hay thay đổi ai cả. Dù việc này cực kỳ hấp dẫn, cảm giác giống như vị thánh chuyển hóa con người vậy. Hãy cố gắng đừng để bản thân rơi vào cái ảo tưởng như vậy.
“Hôm qua tôi thông minh, nên tôi muốn thay đổi thế giới. Hôm nay tôi khôn ngoan, nên tôi đang thay đổi chính mình.”
― Rumi
Bạn không thể thay đổi được người khác nếu họ không muốn, và nếu bạn cố gắng thì chỉ tốn thời gian vô ích và khiến bản thân thêm ức chế mà thôi.
Buông… và cho họ thời gian để tin tưởng bạn.
Con đường tốt nhất để theo đuổi cuộc sống ý nghĩa
Qua những thảo luận trên, đây là 2 điều quan trọng nhất mà chúng ta học được:
- Cách tốt nhất để phát triển cá nhân là trạng thái being – trạng thái của hạnh phúc và là nền tảng cho sự phát triển toàn diện về thân, tâm, trí (học tập, rèn luyện, làm việc, sáng tạo).
- Cách tốt nhất để có được cuộc sống ý nghĩa là có một mục đích tốt đẹp vượt ngoài bản thân, để góp phần vào sự phát triển nhân loại.
Theo cá nhân tôi, không có cách nào tốt hơn để theo đuổi một cuộc sống ý nghĩa là trở thành doanh nhân.
Thật đáng tiếc khi nhắc tới từ doanh nhân, tâm trí của mọi người bắt đầu bị co rúm lại bởi những thành kiến tiêu cực. Rằng doanh nhân là phải có tài, có vốn lớn, phải có nhiều nhân viên, mối quan hệ, và là thế giới đầy rẫy những người thiếu đạo đức với những hành vi gian lận.
“Công nhân” và “doanh nhân” không phải là một chức danh, mà đó là trạng thái của tâm trí.
Công nhân là những thực thể thụ động, tiêu thụ nội dung gì và làm gì. Khi tâm trí ở thể thụ động, họ chẳng khác nào một cỗ máy hoặc zombie vô hồn cả. Không hề khó hiểu nếu cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Doanh nhân là những cá thể chủ động, họ tự đặt ra tầm nhìn, mục đích mà họ hướng tới. Họ có nhận thức tốt (trạng thái being) để làm chủ thân, tâm, trí. Tâm trí họ phần lớn ở trạng thái chuyển động không ngừng để tò mò, học hỏi, tìm giải pháp cho các vấn đề, thúc đẩy sự phát triển nhân loại thông qua việc phân phối sản phẩm và dịch vụ.
Tôi đã viết nhiều về chủ đề doanh nhân sáng tạo trong các lá thư của mình, nên ở đây tôi sẽ không trình bày thêm nữa.
Nếu bạn cần công cụ để khởi nghiệp kinh doanh bằng cách theo đuổi một cuộc sống ý nghĩa, theo tôi (đang thực hiện) viết sáng tạo là kỹ năng quan trọng nhất bạn cần có, tiếp theo là xây dựng doanh nghiệp một người để hệ thống và tối ưu hóa lợi nhuận.
Lá thư đến đây là hết.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ!