Bạn đã đọc cuốn sách “Nhà giả kim” chưa?

Chuyện kể rằng, cậu bé chăn cừu trong một cuộc hành trình cận kề cái chết để đi tìm kho báu từ Santiago ở Tây Ban Nha, sang kim tự tháp Ai cập. Nhưng rồi, cuối cùng kho báu lại chính là nơi mà cậu chôn rau cắt rốn. Ngay dưới gốc cây dâu tằm, mà hồi chăn cừu cậu thường nằm hóng mát.

Cách tôi tìm ra đam mê y hệt như nhân vật cậu bé chăn cừu vậy.

1. Quá khứ của tôi

Ông tôi làm thầy giáo.

Cậu tôi cũng vậy.

Mẹ tôi thì không (đơn giản vì là con gái nên nhận được ít cơ hội hơn).

Năm 2011:

Khi tôi chuẩn bị thi đại học, mọi người cũng khuyên tôi nên thi sư phạm.

Nhưng, tôi chê.

Sự phạm nghèo lắm.

Và tôi cũng không thích cái cuộc sống gò bó của giáo viên trong trường.

Tôi là kẻ ương bướng, không nghe lời ai cả. Ưng bướng và nghịch ngợm đến nỗi mà hồi nhỏ bố tôi tức quá ném tùm xuống ao.

Tôi quyết định thi trường Y Dược. Đơn giản là vì nghe nói dược sĩ và bác sĩ kiếm được rất nhiều tiền.

Kết quả, tôi trượt chỏng vó.

Sau đó, tôi xin vào nguyện vọng 2 vào ngành điện tử truyền thông.

Ban đầu thì khá thích thú, nhưng đến năm 2, năm 3, tôi nhận ra mình không hề thích những gì đang học.

Tôi nhận thấy bản thân có chút thích kinh doanh (do đợt đó có đọc vài cuốn sách self-help).

Thế là quay ngoát 180 độ sang ngành digital marketing.

Năm 2018:

Tôi mở cơ sở kinh doanh riêng nho nhỏ (sau khi có sự chuẩn bị trong lúc làm thuê).

Cũng gọi là có chút thành quả.

Năm 2019:

Tôi bán toàn bộ business đi để đầu tư sang mảng nội thất vì muốn làm LỚN hơn.

Năm 2021:

Giải thể công ty.

Lý do một phần là do dịch covid-19.

Nhưng lý do lớn hơn, tôi bị bó buộc vào một bộ máy vận hành quá cồng kềnh và người góp vốn cùng. Tôi nghỉ làm thuê để được tự do, nhưng rồi lại nhốt chính mình vào cái lồng mà bản thân tạo dựng :)).

Tôi không còn thời gian nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực mà tôi yếu thích là marketing và công nghệ nữa.

Tôi cũng không có thời gian dành cho gia đình, dành cho bản thân.

Cuộc sống đảo lộn.

Đó là một sai lầm lớn trong bước đi khi bán business vào năm 2019 với mong muốn làm lớn hơn.

Nhưng chính sai lầm này đã mở ra một hành trình nhận thức hoàn toàn mới.

[Nếu bạn tò mò thì đây là 7 giai đoạn sự nghiệp mà tôi đã trải qua]

2. Hướng vào trong và tìm ra chính mình

Sau khi làm thủ tục giải thể công ty.

Tôi chuyển cả gia đình về Ecopark.

Thành phố xanh, nhiều cây và tĩnh lặng.

Thường xuyên chạy thể dục, nên tôi quen được một bác tầm 70 tuổi, hay ngồi thiền ở cạnh bờ hồ Thiên nga.

Bạc dạy tôi ngồi thiền, chia sẻ với tôi về những gì bác học được từ thầy Thích Nhất Hạnh.

Bác nói: “Tôi cần quay vào bên trong thay vì hướng ra ngoài”.

Bác Kim Hoàn là điểm chạm cuối cùng giúp tôi tìm đam mê của mình

Vào đợt về quê, bác có dặn tôi về việc kết nối với bố mẹ.

Tôi làm theo.

Tôi bắt đầu quan sát và nhớ về mọi thứ: Nơi tôi sinh ra, bố tôi, mẹ tôi, ông bà tôi và nghĩ về cả những câu chuyện thông qua lời kể về các cụ.

Tôi liên tục làm thế trong nhiều ngày.

Trong lúc ngồi thiền, tôi thầm nói lời cảm ơn, lời biết ơn về những gì tôi nhận được từ bố mẹ, ông bà, và tổ tiên.

Tôi nghĩ về quá khứ của mình, nghĩ về những gì mình đã trải nghiệm.

Tôi quan sát những điều tốt đẹp và cả tồi tệ trong tôi.

Tôi thích chia sẻ.

Tôi cố gắng kết nối chúng với những gì tôi quan sát được từ bố mẹ, ông bà dựa trên những điểm tương đồng.

Và cả những chi tiết xuất hiện trong đầu mà không rõ nguồn gốc.

Trong lúc tĩnh lặng, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất là ông tôi.

Cả người run lên đến sởn gai ốc.

Tôi nhận ra mình yêu thích ngành giáo dục.

Thật ngu ngốc phải không?

Giống như câu chuyện về cậu bé chăn cừu trong cuốn Nhà giả kim vậy.

Tôi đã dành gần chục năm, để đi tìm những thứ phù phiếm.

Nhưng rồi, lại nhận ra thứ mình tìm kiếm lại luôn luôn ở bên cạnh mình. Là là gen di truyền đã cắm rễ sâu trong từng tế bào, từng giọt máu.

Nhưng bây giờ tôi không còn cơ hội gặp ông nữa. Con người thật tồi tệ, họ chỉ nhận ra thứ gì đó quan trọng với mình khi đánh mất. Hi vọng, ở cõi vĩnh hằng, ông có thể cảm nhận được những lời này của tôi.

Bây giờ, tôi mới thực sự hiểu được lời của thầy Thích Nhất Hạnh từng nói (qua lời bác Kim Hoàn đã thuật lại):

“Trong mỗi con người đều chứa những hạt giống tốt và xấu của tổ tiên. Việc của chúng ta là vun trồng những hạt giống tốt, và chuyển hóa những hạt giống xấu. Cây mít là cây mít, cây cam là cây cam. Chúng ta không thể là cam mà nghĩ hoặc muốn mình là mít được.”

3. Khám phá về giáo dục

Nói đến giáo dục, phần lớn mọi người nghĩ tới các giáo viên trong trường.

Nhưng không.

Tôi cũng không thích phong cách đào tạo bó buộc, công nghiệp mà không chú trọng tới cá nhân từng người.

Tôi phát hiện ra một nền giáo dục mới đang mạnh mẽ phát triển.

Nền giáo dục phi tập trung.

Nơi mà không ai quản lý.

Nơi mà không có những giáo điều cứng nhắc, không ai phải ép buộc phải theo ai và cũng chẳng có thầy nào ép buộc sinh viên đi theo con đường của họ.

Trái đất có 7 tỷ người, Việt Nam có 100 triệu dân. Tôi hi vọng sẽ có 7 tỷ người đào tạo và đồng thời là 7 tỷ sinh viên.

Ai cũng có thể bắt đầu dạy kiến thức, kỹ năng mà mình học được.

Người lớp 4 học của người lớp 5, rồi dạy lại người lớp 3.

Đơn giản vậy thôi.

Nơi mà mọi kỹ năng, kiến thức đều được coi trọng.

Kể cả người thợ xây, anh ta cũng có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình và dạy lại những người mới.

Tôi hi vọng chúng ta sẽ bỏ chữ “THẦY” cứng nhắc kia đi. Bỏ đi địa vị và quyền lực, kèm theo một tâm trí cởi mở và tự do.

Đó là cách tốt nhất để nền giáo dục phát triển.

Giáo dục đơn giản là truyền đạt kiến thức của mình để giúp người khác trở nên tốt hơn.

Về tổng thể, vũ trụ đang không ngừng tiến hóa.

Và nếu bạn tham gia vào hành trình giúp đỡ người khác phát triển (dù bất kỳ là hình thức nào), thì chúng ta đang chung nhịp với vũ trụ.

Bạn đang tiến vào hành trình thức tỉnh tâm linh của bản thân và toàn nhân loại.

4. Thông điệp từ tôi

Bạn có giống tôi không?

Hồi nhỏ, ba mẹ thường dặn phải hướng ra bên ngoài: gặp người lớn phải ngoan ngoãn lễ phép, phải ăn mặc chỉn chu, phải nhìn con nhà người ta mà phấn đấu,…

Để rồi, chúng ta liên tục so sánh bản thân với người khác. Phấn đấu vì tiêu chuẩn về thành công của xã hội.

Nhưng điều quan trọng nhất lại không ai được dạy.

Chúng ta cần hướng vào bên trong.

Cần lắng nghe chính mình. Kết nối với chính mình. Kết nối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Để biết mình là ai?

Biết mình thích gì, muốn gì – hay gọi với cái tên mỹ miều hơn là đam mê.

Mỗi người một câu chuyện.

Mỗi người một hoàn cảnh.

Nhưng tôi hi vọng rằng, với câu chuyện này của tôi sẽ truyền cảm hứng cho bạn tiếp tục tìm ra đam mê, khát vọng của riêng mình.

Chúc cho cả bạn và tôi đến cuối đời chúng ta có thật nhiều câu chuyện thú vị để kể lại.

Đó mới là tài sản quý giá nhất.

Tôi muốn chia sẻ thêm với bạn một mẹo: Kiểm tra MBTI là cách tốt nhất để hiểu chính bản thân bạn. Nó đúng một cách lạ kỳ. Và đáng nhẽ tôi nên biết phương pháp này từ năm 18 tuổi, chắc chắn đỡ mất thời gian thử và sai.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share This