Bạn có cảm giác như thế nào khi mất đi người thân?

Bác tôi vừa mất.

Trong đám tang, vợ tôi hỏi “anh có buồn không?”

“Không, anh thấy bình thường.”

Cũng là bởi vì chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý từ trước, khi bác mắc căn bệnh ung thư.

Và cũng bởi vì tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn, sau những bài học từ Jordan B. Peterson – triết gia, nhà tâm lý học, tác giả sách và nhà giáo dục trực tuyến.

Vài ngày sau đám tang, khi sự ồn ào tan biến để nhường chỗ cho không gian tĩnh lặng, tôi bắt đầu hồi tưởng.

Bác tôi là người như thế nào?

Bác là trưởng họ, tuổi dần, trông như hổ và nóng tính. Bác quát thì ai cũng phải sợ xun vòi.

Bác chẳng bao giờ đùa cợt, thi thoảng phì phèo điếu thuốc lào, ánh mắt xa xăm, đăm chiêu suy nghĩ.

Hồi tôi học cấp 1, tôi nhìn thấy bác chia tiền cho anh em cùng làm. Bác luôn nhận phần thiệt hơn, dù là trưởng nhóm lao động (là người đứng lên chịu trách nhiệm với chủ, nhận tiền công, và đứng lên hô hào anh em).

Mọi người: “Anh nhận thêm phần này đi”

Bác xua tay: “Thôi, anh em cầm lấy”

Bác luôn nhắc chúng tôi rằng, “bằng giá nào chúng cháu cũng phải học, giàu có cũng không bằng con chữ”.

Khi lên Hà Nội học, thi thoảng bác cho tôi chút tiền để chi tiêu.

Rồi khi tôi có con, bác vẫn không quên dúi vào tay thằng cháu.

Tôi vẫn cứ nhận mà không từ chối (vì nghĩ rằng nhận bác sẽ vui).

Đối với con cháu, bác không phân biệt đứa nào cả (kể cả bên nội, ngoại, xa hay gần), đứa nào cũng quý như nhau, hoặc nếu sai trái là ăn “quạt”.

Mỗi lần chúng tôi đến ăn uống, mâm cỗ cũng phải đầy, có gà, có thịt và đủ loại món ăn. Nhưng bá tôi thường kể, bình thường bác toàn ăn rất giản dị, cơm, tí nước canh là xong bữa.

Tôi chưa từng gặp người nào tốt như vậy.

Tốt với người khác không phải vì thể hiện, không phải vì lấy lòng, không phải vì sợ mất lòng và càng không phải mong chờ báo đáp.

Đến đây, tôi suy nghĩ: “Bác mất đi rồi, ai có thể kế thừa ý chí của bác? Ai sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng tôi?”.

3 Bài học của tôi sau chuyện này

Bài học đầu tiên

Ngày trước, tôi luôn nhắn nhủ mình rằng, phải kiếm thật nhiều tiền để có thể làm điều gì đó cho bác. Tôi sẽ biếu bác tiền, mua cho bác những gì bác thích.

Giờ thì muộn mất rồi.

Nhưng, trong đầu tôi nhớ lại lời khuyên của Adam Grant:

Khi ai đó giúp bạn, việc nói “Tôi nợ bạn một lần” sẽ làm giảm hành động tử tế đối với một giao dịch kế toán. Sự hào phóng không đi kèm với những ràng buộc. Đó không phải là một món nợ cần giải quyết – đó là một món quà đáng trân trọng. Bạn đáp lại một ân huệ bằng cách trả lại nó. Bạn tôn vinh một món quà bằng cách trả nó về phía trước. — Adam Grant

Tôi không nên làm thế, nếu làm thế thì đó là sự trao đổi (mua bán). Bác tôi không bao giờ có ý nghĩ như vậy. Và điều tôi cần làm là vui vẻ đón nhận, và biết ơn. Chắc hẳn, bây giờ ở một nơi xa xôi nào đó, nếu có cảm nhận được thì bác tôi sẽ vui hơn rất nhiều.

Bài học: Từ nay trở đi, nếu tôi nhận được một lời khen hoặc một sự giúp đỡ chân thành. Thì tôi luôn đón nhận một cách vui vẻ, và với lòng biết ơn sâu sắc nhất. Đó là cách tốt nhất để tôn vinh sự tử tế và làm người đối diện ấm lòng.

Bài học thứ 2

Tôi vẫn chưa “hoàn toàn” rút được kinh nghiệm từ tình huống trước đó (sau khi ông tôi mất).

Tôi nhận ra, mình chưa kịp chụp chung với bác một bức ảnh.

Và sự trân trọng chỉ tăng lên khi người thân của tôi không còn nữa.

Đó là bản chất ích kỷ bên trong con người tôi, và sự xao nhãng trước bộn bề của cuộc sống.

Người mất thì cũng đã mất, nhưng người sống thì vẫn còn.

Và tôi vẫn còn cơ hội để sửa sai, để bù đắp.

Bài học: Trong cuộc sống bộn bề, danh lợi thường làm chúng ta xao nhãng. Ngừng sống cho tương lai, hay đắm chìm trong vào quá khứ, hãy sống cho hiện tại, và trân trọng những thứ mà chúng ta đang có – những điều tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh.

Bài học thứ 3

Sự kết nối với cội nguồn, với tổ tiên, với những người có cùng huyết thống rất quan trọng (bao gồm cả với những người còn sống).

Đó là cách nuôi dưỡng và dần hoàn thiện đời sống tâm linh.

Như trong video thầy Thích Nhất Hạnh có nói đại ý thế này: “Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hạt giống tốt xấu của bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Việc của chúng ta là nuôi dưỡng, tưới tẩm những hạt giống tốt, và chuyển hóa những hạt giống tiêu cực.”

Qua hai trải nghiệm (lần 1 là tìm ra đam mê nhờ kết nối với người ông đã khuất và lần này), tôi mới thực sự hiểu được lời thầy Thích Nhất Hạnh.

Hi vọng rằng, câu chuyện này của tôi (sai lầm và bài học này của tôi) sẽ truyền cảm hứng tới bạn.

Dù ở xa, hãy thường xuyên gọi cho bố mẹ nhiều hơn.

Ngày dỗ chạp không phải là chỉ để ăn uống, mà là một phương tiện để chúng mình kết nối sâu sắc với ông bà tổ tiên, với những người đi trước, với từng mẫu ADN, từng giọt máu đang chảy trong người.

Cuối cùng.

Cảm ơn bác đã xuất hiện, cảm ơn bác vì bài học. Chúc bác được yên nghỉ và có đời sống mới tốt đẹp hơn.

(Nếu có thể, tôi muốn xin bạn một lời chúc tới bác)

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share This