“Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước chân.” ― Lão Tử
Nếu bạn có thể kiếm $500, bạn sẽ biết cách kiếm $1,000, $2,000 và thậm chí nhiều hơn thế.
Bởi vậy, hãy bắt đầu từ bước nhỏ nhất.
Trong lá thư này, tôi sẽ trình bày một kế hoạch để giúp bạn đạt được $500 – $1,000 đầu tiên trong vòng 6 tháng với tư cách doanh nghiệp một người – hoặc bạn có thể gọi nó với cái tên khiêm tốn, công việc kinh doanh một người. Không cần danh tiếng. Không cần bộ máy cồng kềnh, phức tạp. Không cần phải thảo mai nịnh hót.
Tôi biết con số $500 không khiến bạn rạo rực, máu lửa như kiểu “kiếm 300 triệu, 500 triệu/tháng hoặc triệu $”. Nhưng thật tiếc khi chúng ta phải chấp nhận điều này:

Bạn cần học, thử nghiệm, chấp nhận sai lầm, cảm giác khó chịu khi bị từ chối, thậm chí bị khiếu nại (dù không phải lỗi của bạn). Không sao cả. Tất cả những điều này đều là vấn đề mà bạn cần giải quyết. Bạn có thể bỏ cuộc và quay lại cuộc sống cũ. Hoặc động não để giải quyết các vấn đề phát sinh và rồi kiên trì vượt qua chúng. Từng vấn đề, vấn đề một được giải quyết sẽ dẫn bạn đến với kết quả.
Đặc biệt, nếu bạn kiếm $500 từ việc làm thuê thì quá bình thường.
Nhưng nếu bạn kiếm được $500 – $1,000 từ công việc kinh doanh trực tuyến một cách có chiến lược và hệ thống thì bạn hoàn toàn có thể xây dựng doanh nghiệp một người. Khởi đầu cho cuộc sống độc lập, tư do, tự chủ.
Và tôi sẽ giúp bạn có được khởi đầu đó trong lá thư này với các chủ đề sau:
1, Mô hình why-how-what. Nó giúp bạn định vị bản thân, xác định đối tượng khách hàng và chiến lược kinh doanh phù hợp.
2, Hệ thống đơn giản dựa trên tiến trình nhận thức.
3, Xây dựng profile giúp bạn dễ dàng thu hút và kết nối với khách hàng mục tiêu
4, Viết lách: Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về định hướng viết lách cho người mới bắt đầu và hệ thống hóa quy trình viết lách để mang lại sự cộng hưởng.
5, Nên bán sản phẩm/dịch vụ gì?
6, Lưu ý và các bước hành động.
Nào…
Bây giờ chúng ta cùng lặn sâu hơn.
I. Nền tảng của kinh doanh một người
1. Mô hình why – how – what và bạn đang ở đâu?
Nếu bạn hiểu được mô hình này, bạn sẽ tránh được sai lầm mà đám đông đang mắc phải và tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân mình.
What – là cái gì.
Đây là nơi tâm trí bạn nhận thức được sự vật, hiện tượng một cách đơn thuần. Đây là cái bàn. Đây là quả táo. Đây là canva, photoshop. Đây là kỹ năng viết, nói.
Khi ở trạng thái what, tâm trí bạn sẽ bắt đầu so sánh. Cái này tốt, cái kia đểu. Cái này đẹp hơn, giá rẻ hơn…
What là đại diện cho tư duy công nhân (bao gồm cả nhân viên văn phòng) làm các công việc lặp đi lặp lại.
How – là cách làm, cách sử dụng?
Đây là nơi tâm trí bạn biết cách sử dụng công cụ (what) để triển khai công việc. Đây là nơi bạn bắt đầu sáng tạo ra các cách làm khác nhau để mang lại hiệu suất cao nhất. Từ đó, đưa ra quy trình tối ưu nhất.
How là đại diện cho tư duy chuyên gia, người quản lý và các doanh nhân thành đạt.
Why – là tại sao?
Đây là nơi tâm trí bạn biết cách lựa chọn phương pháp (how) nào và công cụ (what) nào để mang lại kết quả tốt nhất về tổng thể. Để có được tư duy why, bạn cần đặt câu hỏi “tại sao?” cho mọi sự vật hiện tượng để tìm ra nguyên nhân, bản chất cốt lõi của vấn đề. Từ đó, đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Why là đại diện cho tư duy nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo có tầm nhìn, lãnh tụ, một số nhà quản lý,…
2. Một vài ví dụ về mô hình why-how-what để bạn dễ hình dung
1, Trong doanh nghiệp
Công nhân, nhân viên làm công việc lặp đi lặp lại đại diện cho what.
Chuyên gia, quản lý là những người đại diện cho how.
Chủ doanh nghiệp, CEO, quản lý cấp cao đại diện cho why.
2, Trong sáng tạo nội dung
Nội dung chia sẻ kiến thức chuyên môn đại diện cho what.
Nội dung chia sẻ cách làm đại diện cho how.
Nội dung giải thích tại sao đại diện cho why.
3, Trong kinh doanh
Khi ai đó thao tao bất tuyệt về sản phẩm, công cụ, tính năng, giá thành thì họ đang nói về what.
Khi ai đó nói về cách sử dụng sản phẩm thì họ đang nói về how.
Khi ai đó nói cho khách hàng lý do tại sao sản phẩm này phù hợp với họ thì họ đang nói về why.
3. Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với bạn
Why-how-what không phải là các khái niệm để phân cấp cao thấp giữa con người với con người. Nó dùng để phân rõ các vai trò trong mỗi lĩnh vực. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh doanh thì tôi có tư duy why và how, nhưng trong lĩnh vực y tế, luật pháp thì tôi có tư duy là what.
Bởi vậy,…
Hãy trung thực với bản thân mình về điểm mạnh của bạn ngay lúc này là “what?”, “how?”, hay ”why?” – trong lĩnh vực mà bạn đang nhắm tới.
Nếu bạn chỉ biết về “what?”:
Bạn đang có tư duy của công nhân. Đừng kinh doanh. Chỉ có “biếu” tiền cho thiên hạ và làm giàu cho kẻ khác mà thôi. Lúc này, bạn cần tiến lên how hoặc why.
Nếu muốn học how? Các huấn luyện viên, người hướng dẫn trên youtube, khóa học trên udemy, unica,… rất nhiều và bạn sẽ học hỏi từ họ. Đừng học vì mục đích làm giàu, học vì mục đích thành thạo kỹ năng.
Nếu bạn mạnh về “how?”:
- Khi bạn hướng tới đối tượng what thì mô hình kinh doanh của bạn sẽ là “hướng dẫn họ làm thế nào để đạt được mục tiêu” và sau đó bán cho họ những công cụ (sản phẩm).
- Khi bạn hướng tới đối tượng why thì mô hình kinh doanh của bạn sẽ là dịch vụ hoặc sản phẩm. Tuyệt đối không cung cấp dịch vụ cho “what?” dịch vụ. Tại sao?. Bạn sẽ nhận được câu trả lời thiếu tôn trọng nhưng thế này “ôi xời, cái này làm đơn giản ấy mà, gì mà lấy giá cao thế?”.
Nếu bạn ở vị trí “why?”:
- Bạn chỉ cho “what?” công cụ (sản phẩm) phù hợp với họ. Ví dụ: Đừng dùng trâu để cày nữa, mua máy cày đi. Đừng tạo fanpage nữa, dùng profile đi. Và bạn biết được lý do tại sao làm điều đó có lợi.
- Bạn chỉ cho “how?” hướng đi đúng đắn. Bạn có thấy nhiều người làm mãi mà vẫn cảm thấy mông lung, lạc lõng không? Đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư – khi họ đi sâu vào một lĩnh vực chuyên môn, họ đánh mất cái tổng thể và lạc lối (đó chính là lý do tại sao các chuyên gia rất giỏi trong công ty nhưng ra khởi nghiệp thì chết chắc).
Nếu muốn học why? Ba người mà tôi thường theo dõi là Naval và Robert Greene (tuy có một ý kiến tôi không đồng tình), Simon Sinek.
II. Hệ thống đơn giản dựa trên tiến trình thay đổi nhận thức

Đây là sơ đồ thay đổi nhận thức.
Bạn bắt đầu từ why – trả lời câu hỏi “tại sao họ phải quan tâm?”. Đây là mấu chốt của kỹ năng thuyết phục.
Ví dụ:
- Tại sao họ cần chăm sóc sức khỏe?
- Tại sao họ cần có website? – nếu bạn kinh doanh website.
- Tại sao họ cần xây dựng công việc kinh doanh độc lập thay vì làm công việc 9-5 (công việc fulltime)?
- Tại sao họ cần xây dựng ranh giới? – Nếu bạn là coach ranh giới.
Tiếp theo là how – nghĩa là bạn nói cho họ biết họ cần làm những gì để giải quyết vấn đề.
Ví dụ:
- 5 bước để có tinh thần sảng khoái vào buổi sáng.
- Làm thế nào để trở nên tự tin hơn mà không dựa dẫm vào ngoại cảnh?
- Hướng dẫn kiếm $500 đầu tiên.
Cuối cùng là what – nghĩa là một thứ rất cụ thể bạn cung cấp cho họ để đổi lấy tiền. Bởi vì bạn giải thích được cho khách hàng lý do tại sao và làm thế nào nên khách hàng sẽ lựa chọn what từ bạn chứ không phải người khác.
Ví dụ:
- 1,000,000đ/giờ – what ở đây là thời gian của bạn cho công việc tư vấn, hướng dẫn, cố vấn, coaching.
- Template website, landing page, hoặc dịch vụ xây dựng website.
- Hệ thống – được xây dựng bằng notion và các video, văn bản hướng dẫn.
- Sản phẩm vật lý như sổ kế hoạch,…
- …

Còn đây là hành trình khách hàng.
Đầu tiên khán giả vào profile của bạn.
Tiếp theo được nuôi dưỡng bởi nội dung (writing) của bạn.
Khi họ được thuyết phục, họ sẽ nhắn tin (messenger) trao đổi với bạn (hoặc bạn chủ động nhắn tin với họ).
Đưa ra lời đề nghị (offer) về sản phẩm/dịch vụ của bạn, và thanh toán (payment) để tiến hành thỏa thuận.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi vào các bước cụ thể hơn.
III. Xây dựng profile
Đừng chọn fanpage. Tại sao?
Bạn không có quyền chủ động mà hầu hết sự phát triển của bạn đều dựa vào thuật toán. Phần lớn mọi người cảm thấy khó chịu khi theo dõi một ai đó mới bắt đầu (giống như họ phải hạ mình để theo dõi một người nổi tiếng) – bản ngã không cho phép họ làm vậy.
Bạn cần tạo facebook cá nhân vì bạn có thể đi tìm kiếm đối tượng khách hàng của mình và kết nối (add friend) với họ.
Phương pháp tôi đang hướng dẫn cho bạn là xây dựng khán giả chứ không phải xây kênh.
1, Ảnh đại diện
Đây là nơi đầu tiên khách hàng của bạn hướng mắt tới.
Vô thức họ sẽ đánh giá bạn là người như thế nào và quyết định có muốn kết nối với bạn hay không.
Đây là những gì tôi học được từ Andy Crestodina – CMO và Đồng sáng lập tại Orbit Media Studios:

Đưa khuôn mặt của bạn vào khung hình.

Đóng khung đúng cách.

Cười nhiều hơn.
Anh đại diện của tôi không có cười là vì tôi có mục đích khác. Tôi phải thừa nhận rằng avatar nghiêm túc của tôi hạn chế về việc kết nối. Nếu bạn không có một mục đích đặc biệt, hãy tươi cười nhiều hơn.

Sử dụng nền tương phản. Bạn chỉ cần nhìn vào các avatar trên, đánh giá xem cái nào thu hút bạn và bắt chước nó.
2, Tiểu sử của bạn
Tiểu sử của bạn cần thể hiện được điều mà bạn sẽ giúp đỡ khách hàng của mình. Bạn đang xây dựng một điều gì đó chứ không phải chỉ chăm chăm bán hàng.
Ví dụ:
- Viết về kinh doanh và tiếp thị
- Viết về triết học, tâm lý học, và tiềm năng con người
- Tải xuống ebook miễn phí để hiểu về [lĩnh vực bạn đang xây dựng] → link tải ebook
- Đăng ký tham gia bản tin cùng xxx độc giả để tìm hiểu về [lĩnh vực bạn đang xây dựng]
Họ theo dõi, kết nối với bạn vì giá trị mà bạn mang lại.
3, Một bài viết giới thiệu về bản thân bạn
Tôi nhận thấy hầu hết mọi người đều giới thiệu rằng họ là ai, họ giỏi như thế nào,…
Đó là một lỗi khi không hiểu về bản chất con người.
Mọi người luôn ích kỷ.
Họ chỉ quan tâm tới bản thân họ chứ không phải bạn.
Điều này thật đau đớn, nên rất ít người chấp nhận nó. Họ cố gắng ưu tiên thể hiện về bản thân mình hoặc liên tục nói về sản phẩm của họ tốt như thế nào.
Bởi vậy, tập trung vào điều mà bạn có thể giúp đỡ cho họ – cho họ thấy lý do tại sao họ quan tâm và bạn làm thế nào để thực hiện điều đó.
Không nên sử dụng các công thức vì trông nó có cảm giác công nghiệp và giả tạo. Hãy nói bằng giọng điệu và sự chân thành của bạn. Ngắn gọn. Đi thẳng vào vấn đề – mọi người đều bận rộn.
Nếu bạn gặp khó khăn thì hãy bắt đầu bằng một câu hỏi:
- Bạn có muốn tăng doanh số của mình với một trang web chuyển đổi không? – Một nhà thiết kế web.
- Bạn có trở thành một cây bút kinh doanh tự tin hơn không? – nếu bạn dạy về viết.
- Bạn có muốn tăng hiệu suất x2, x3 lần và có nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình không? – nếu bạn là huấn luyện viên hiệu suất hoặc bán hệ thống Notion.
- Bạn có muốn một gia đình hạnh phúc không? – Coach hôn nhân.
- Bạn có muốn một thân hình cân đối, khỏe mạnh, và tràn đầy tự tin không? – Yoga, Fitness.
- …
Sau đó, giới thiệu về phương pháp mà bạn có thể giúp họ đạt được mục tiêu.
Sau khi làm hết các việc đó, bạn có thể thoải mái giới thiệu về bản thân một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn.
Khi hoàn thành, ghim nó lên đầu trang để mọi người chú ý.
IV. Writing
1. Lựa chọn phong cách viết
Nếu bạn làm truyền thông marketing thì hãy tập trung vào content marketing để tìm kiếm traffic. Nếu bạn kinh doanh bằng chính sản phẩm, kỹ năng của mình thì bạn cần học business writer.
A. Phong cách viết viral không phải là lựa chọn tốt nếu bạn bắt đầu
Hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang mà đuổi theo content viral, nhưng không hiểu được mô hình kinh doanh đằng sau nó.
Nếu bạn muốn làm affiliate hoặc bán các sản phẩm phổ biến trên shopee (kiểu mấy sản phẩm mua bán nhanh, thích là nhích) thì traffic rất quan trọng. Bạn cần có nó. Nhưng bạn sẽ rơi vào cạnh tranh khi ai cũng làm vậy và thị trường đang trở nên bão hòa vì AI có thể sản xuất content hàng loạt.
Nếu bạn muốn nổi tiếng (kiểu được nhiều người biết tới) thì content viral đôi phần hiệu quả vì nó đưa bạn đến với nhiều người.
Hoặc nếu bạn muốn xây kênh viral, rồi mở lớp dạy content viral thì bắt buộc bạn phải có content viral.
Tôi không nói content viral là sai. Nó đúng với 3 trường hợp trên. Nó hữu ích đối với những người đã có nền tảng. Chỉ có điều, đối với người mới bắt đầu kinh doanh là một thảm họa.
Bạn cứ thử thì biết.
Bạn viết mãi không thấy viral thì bạn sẽ thấy chán nản, nghi ngờ bản thân. Nhưng thực ra không phải lỗi của bạn, mà là do thuật toán và do người khác có nhiều nguồn lực hơn.
Để viral thì bạn cần có một hoặc tất cả các yếu tố sau:
- Kiên trì vài năm trời
- Chạy quảng cáo đề có nhiều follow
- Gặp được may mắn hoặc đúng thời điểm thuật toán đề xuất
Vậy nên bạn cần một chiến lược khác.
B. Business writer
Bạn không phải là ngôi sao — mà là người đọc. Giúp họ có được thứ họ muốn, nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Họ có thể muốn giải quyết một vấn đề. Họ có thể muốn được thuyết phục. Hãy cung cấp cho họ hàng hóa.
— Venture Hacks bởi Nivi & Naval
Viết về vấn đề.
Viết về giải pháp cho vấn đề.
Đó là keyword chính của mô hình kinh doanh này.
“Tôi không cần biết bạn có viral hay không, tôi không cần biết bạn có giỏi hay không. Tôi quan tâm rằng bạn có giải quyết được vấn đề của tôi hay không.“
Ví dụ:
- Nếu tôi có vấn đề về sức khỏe thì giải pháp của bạn là gì?
- Tôi viết mãi (dù viral) mà công việc kinh doanh không phát triển thì giải pháp của bạn là gì?
- Tôi đang không tìm được người yêu, giải pháp của bạn là gì?
- Tôi đang bị căng thẳng, trầm cảm, giải pháp của bạn là gì?
- Tôi bị mất định hướng, giải pháp của bạn là gì?
Khi bạn giải quyết vấn đề, bạn bắt đầu loại bản thân ra khỏi vùng cạnh tranh.
Tôi ví dụ thế này.
Bạn cung cấp dịch vụ thiết kế website hoặc viết nội dung.
Nếu bạn tập trung vào sản phẩm (what) thì bạn sẽ bị so sánh về giá và chất lượng sản phẩm. Bên kia bán rẻ hơn, chất lượng hơn, phục vụ như “thượng đế”.
Nếu bạn tập trung vào giải quyết vấn đề “doanh thu kém” của khách hàng thì bạn cần hỏi website, nội dung bạn cung cấp có giải quyết được vấn đề đó không. Nếu bạn tự tin và thuyết phục được khách hàng thì bạn hoàn toàn bán với giá gấp 2, gấp 3 người khác.
Khi bạn giải quyết được vấn đề cho họ, bạn không cần phải phục vụ họ như “thượng đế”. Đây là cuộc hợp tác, trao đổi công bằng. Bạn và khách hàng là đối tác của nhau, cùng mang lại lợi ích cho nhau.
Điều này còn hiệu quả hơn đối với các sản phẩm khó hình dung (khó so sánh) như chăm sóc, cố vấn, khai vấn, tư vấn, huấn luyện, giảng dạy.
Để thuyết phục khách hàng rằng bạn giải quyết được vấn đề cho họ, hãy tập trung vào “Why?” và “How?”.
Why nghĩa là tại sao tôi phải giải quyết vấn đề này?
How nghĩa làm thế nào để tôi giải quyết vấn đề này?

Đây là một ví dụ cho bài viết thuyết phục để giải quyết vấn đề “làm thế nào để bắt đầu kinh doanh mà không cần vốn”.
C. Viết về sở thích của bạn
“Mục tiêu sống của tôi là kết hợp sở thích với nghề nghiệp của mình, Như hai mắt tôi tạo thành một khi nhìn thấy.”
― Robert Frost
Nếu bạn viết quá nhiều về chuyên môn sẽ khiến khán giả nhàm chán.
Bởi vậy, để thú vị hơn, hãy kết hợp công việc với sở thích của mình.
Ví dụ:
Thể hình + Tâm linh = Nhà thể hình tâm linh
Yoga + Sức khỏe + Tâm linh = Nhà yoga tâm linh
Kinh doanh + Tâm linh = Tu sĩ giàu có
Kinh doanh + Triết học + Tâm lý học = Doanh nhân triết lý
Kinh doanh + Nghệ thuật (vẽ, âm nhạc, thơ, văn,..) = Doanh nhân có tâm hồn nghệ sĩ
Hãy thoải mái nói về sở thích, quan điểm, của bạn về mọi chủ đề bạn yêu thích.
Khi bạn viết đủ nhiều, tâm trí bạn sẽ biết cách tự động kết nối giữa sở thích và nghề nghiệp của bạn để tạo thành một bài viết mang tính sáng tạo.
Ví dụ đây là một bài tôi viết về tâm linh kết hợp với xu hướng kinh doanh.

D. Bắt chước thông minh
Sáng tạo rất đơn giản.
Sáng tạo là tạo ra những giải thích mới. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần lấy một nội dung bạn thích. Sau đó, giải thích, viết lại theo góc nhìn và trải nghiệm của riêng bạn. Bởi vì, trải nghiệm và góc nhìn của bạn là duy nhất trên hòn đất màu xanh lá này. Nên nó luôn luôn mới.
Điều đó có nghĩa là hãy nghĩ những gì bạn muốn và không phải nghe theo bất kỳ ai cả.
Nếu ai đó nói với bạn rằng bắt chước người khác là đạo văn thì khả năng cao họ đang không muốn bạn thành công, hoặc cố thể hiện rằng họ là nhà phát minh lỗi lạc.
Vớ vẩn.
Đó là những kẻ kiêu ngạo nhất mà tôi từng thấy.
Không ai dại dột mà đi “sản xuất lại xe đạp” cả.
Con Lexus của Nhật Bản ra đời sau khi các kỹ sư mổ xẻ Mercedes của Đức rồi tái sáng tạo lại với kiểu dáng thiết kế mới hơn. Bọn Đức cay lắm nhưng không làm gì được.
Mấu chốt ở đây là bạn không ăn cắp. Bạn học hỏi. Nghiên cứu những gì hiệu quả, sau đó bắt chước và đổi mới.
Nghĩa là một nội dung được viết lại theo góc nhìn, trải nghiệm, năng lượng của bạn thì đó gọi là sáng tạo.
Nội dung tôi viết hầu như đều bắt chước từ thầy Dương Ngọc Dũng, Dan Koe, Naval Ravikant, Jordan B Peterson. Tôi tiêu thụ nội dung của họ, không ghi nhớ hoặc thuộc lòng mà để hiểu. Sau đó, tôi trình bày lại dưới góc nhìn của tôi.
Bạn cần tìm người mà bạn có thể bắt chước. Tốt nhất là người ở Việt Nam vì họ hiểu văn hóa người Việt. Nhưng nếu mô hình nào quá mới, bạn phải ra nước ngoài học hỏi.
Bạn không đạo văn.
Bạn học hỏi và đổi mới.
2. Viết một cách có chiến lược
Hầu hết mọi người phát triển nội dung trên facebook đều bỏ lỡ một nửa quả táo.
Mạng xã hội là nơi thu hút sự chú ý chứ không phải là nơi giữ sự chú ý – bởi vì quá nhiều sự phân tâm giống như bạn đang đi trên đường bỗng nhiên gặp một người ở ngã tư chờ đèn đỏ. Cuộc trò chuyện chỉ diễn ra 30 giây trước khi đèn xanh bật sáng. Để có kết nối sâu sắc hơn, bạn cần mời họ về nhà thưởng thức chén trà, hàn huyên câu chuyện, và trở thành bạn bè.
Bởi vậy, nội dung là một hành trình bạn gặp mặt, làm quen, dành thời gian cho nhau, và kết nối sâu sắc.
A. Đầu phễu
Để tối đa hóa việc phân phối, hãy giảm thiểu thông điệp.
- Sách – > bài đăng trên blog
- Podcast – > đoạn trích
- Bài đăng trên blog – > tweetstorms
- Sử dụng các tweet độc lập trong tweetstorms
- Tweet ít – tín hiệu cao, tiếng ồn thấp
Người đọc có nhiều lựa chọn – hãy tôn trọng thời gian của họ.
— Naval
Luôn nhớ điều này.
Những người hành động luôn bận rộn.
Nếu bạn là người mới, bạn không có lý do gì để thuyết phục họ đọc bài viết dài của bạn cả.
Bởi vậy, bạn cần chia nhỏ các bài viết dài của mình ra thành trích dẫn, bài viết ngắn,…

Đây là ví dụ mà tôi đã trích dẫn.
Từ các bài viết ngắn, hãy cố gắng trỏ về các bài viết dài để mọi người đọc tiếp.
B. Giữa phễu
“Người tiêu thụ và người sáng tạo thiệu thụ nội dung hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, tập trung vào các bài viết how to – làm thế nào để…?” Công việc của tôi thay đổi khi tôi học được điều này từ Kieran Drew.
Hầu hết mọi người viết nội dung thường viết theo kiểu content nhật ký hoặc tự sự hoặc chia sẻ kiến thức hàn lâm.
Có người đọc, nhưng đó không phải đối tượng trả nhiều tiền cho bạn.
Tại sao?
Nội dung đó thu hút kiểu người tiêu thụ. Nghĩa là họ là kiểu người đọc để có thêm hiểu biết, để giải trí.
Chú ý: Từ “tiêu thụ” không có nghĩa là miệt thị. Không có nghĩa là ai đó là người 100% chỉ tiêu thụ. Mọi người trở thành người tiêu thụ ở lĩnh vực này và là người sáng tạo trong lĩnh vực khác. Ví dụ tôi là người tiêu thụ khi xem phim, đọc truyện, và là người sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh.
Những người tiêu thụ hấp thụ thông tin nhưng không tạo ra điều gì trực tiếp từ nó, nên họ trả cho bạn thù lao cực kỳ thấp.

Ví dụ các video chia sẻ kiến thức vui vẻ trên youtube được tính tiền bằng views. Ở Việt Nam 1,000 views kiến được khoảng $1 ~ 25,000đ. :)) Kênh này vui cực, nên thì thoảng tôi xem để giải trí – đóng vai trò là người tiêu thụ.
Điều đó có nghĩa một lần xem của tôi trả cho kênh khoảng 25đ. Quá rẻ phải không?
Đương nhiên kênh có thể kiếm tiền từ book quảng cáo từ các nhãn hàng. Nhưng tóm lại, nếu tính trên một khách hàng thì con số quá nhỏ.
Đối với người mới bắt đầu như bạn là một thảm họa.
Bạn cần chiến lược hoàn toàn khác.
Tập trung vào người xây dựng và sáng tạo – nghĩa là người đọc nội dung để làm việc chứ không phải để giải trí.
Đó là bài viết dạng how to (làm thế nào để…?).
Ví dụ:
- Làm thế nào để loại bỏ thói quen trì hoãn?
- Làm thế nào để ngừng quan tâm tới người khác nói và tập trung vào xây dựng sự nghiệp?
- Làm thế nào để trở nên tự tin hơn?
- Làm thế nào để xua tan đi nỗi sợ khi nói tiếng anh?
Tôi phải thừa nhận không nhiều người đọc nội dung này.
Tuy nhiên, nếu ai đó đọc thì đó là khách hàng cực kỳ tiềm năng của bạn.
Tại sao?
Họ hành động thì họ mới tạo ra giá trị. Họ tạo ra giá trị thì họ mới có tiền, và họ mới chi trả cho bạn khoản tiền lớn.
Ví dụ:
Bạn giúp chủ doanh nghiệp, quản lý, người làm kinh doanh thị trường US học tiếng anh. Việc đó tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều so với việc bạn dạy một học sinh tiểu học. Và họ sẽ trả cho bạn rất nhiều tiền nếu bạn giải quyết được vấn đề đó cho họ.
Áp dụng tương tự nếu bạn làm về sức khỏe tinh thần, thể chất, mối quan hệ, và công việc.
Khi mọi người đọc bài viết dài của bạn, hãy điều hướng sự chú ý của họ về cuối phễu.
C. Cuối phễu
Đây là nơi bạn giới thiệu về dịch vụ của mình.
Bạn cần một landing page để giới thiệu một cách thuyết phục về dịch vụ của mình.
Đừng bắt chước những người thành công. Họ không cần thuyết phục là vì họ đã có danh tiếng. Khi bạn mới bắt đầu thì khả năng thuyết phục là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng nghĩ thử xem :)) điều gì xảy ra khi bạn vừa có danh tiếng lại vừa có khả năng thuyết phục?
Sau đây, là khuôn khổ viết thuyết phục tôi học được từ Ray Edwards:
[Problem] bắt đầu với vấn đề:
Đây là nguyên tắc tâm lý. Bạn cần mô tả vấn đề của họ dưới dạng nỗi đau mà họ gặp phải.
Ví dụ: Bạn đã thử mọi phương pháp học tiếng anh nhưng dường như không có phương pháp nào là hiệu quả. Có lẽ bạn đã bắt đầu cảm thấy bản thân thật tồi tệ, thật kém cỏi, và mất dần niềm tin trong việc xây dựng ngôn ngữ thứ hai cho mình.
Bạn không phán xét họ. Bạn đang mô tả lại trải nghiệm của họ trong hiện tại. Nơi tâm trí đang nếm trải nỗi đau không tìm ra cách giải quyết.
[AMPLIFY] – Khuếch đại vấn đề
Đây là nơi bạn nói cho họ biết nếu không giải quyết được vấn đề thì điều gì sẽ xảy ra. Bạn bắt đầu khuếch đại nó lên tới cực đại (nhưng phải thực tế).
Ví dụ: Hãy thử nghĩ xem. Bây giờ bạn kiếm được 20 triệu/tháng. Nếu có kỹ năng tiếng anh thì số tiền đó có thể lên tới 30 triệu hoặc 40 triệu. Nếu vấn đề này không giải quyết sau một năm, số tiền của bạn mất đi ít nhất 120 triệu và nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Đó là con số khiêm tốn. Tôi cá là bạn còn kiếm được nhiều hơn thế nếu vấn đề này được giải quyết một cách triệt để. Tiền bạc. Sự tự tin. Mối quan hệ. Cơ hội nghề nghiệp. Bạn không muốn đánh mất những thứ đó chứ?
Câu chuyện – giải pháp – bằng chứng
Bán hàng là kể chuyện.
Đây phải là câu chuyện của bạn. Vấn đề của bạn.
Cách bạn đã giải quyết vấn đề đó như thế nào bằng cách trình bày ra các bước mà bạn đã thực hiện để đạt được kết quả.
Bạn chính là bằng chứng xác thực.
Còn bằng chứng xác thực?
- Video trước và sau khi bạn học tiếng anh.
- Hình ảnh trước và sau khi bạn giảm cân, tập yoga, fitness.
- Hình ảnh trước và sau khi bạn sử dụng các liệu pháp chữa lành. Bạn cho họ thấy nụ cười của bạn, sự bình yên trong ánh mắt của bạn.
- Nếu bạn là freelancer cung cấp các dịch vụ viết lách, edit video, AI Agent,… hãy cho họ thấy dự án mà bạn đã thực hiện cho chính bản thân mình.
Đó là cách bạn giải quyết vấn đề và bán giải pháp.
Mini Offer – Lời đề nghị nhỏ
Tất cả quá trình trên bạn đã giải thích cho khách hàng của bạn biết tại sao họ lại quan tâm và làm thế nào để vấn đề được giải quyết.
Bây giờ chính là lúc bạn show ra những gì mà bạn muốn bán.
Nếu đó là dịch vụ, hãy điều hướng họ về Messenger (zalo, calendy,…) của bạn để kết nối, trò chuyện sâu hơn, và nhận tiền.
Thiết kế landing page như thế nào?
Hãy đơn giản nhất có thể để tiết kiệm thời gian.
Sử dụng file docs online, canva để tạo landing page.
Nếu biết một chút về công nghệ bạn có thể dùng Carrd.
Tất cả đều miễn phí khi bạn mới bắt đầu.
V. Offer – Bán cái gì?
Giải quyết vấn đề của riêng bạn và bán giải pháp.
Hầu như mọi người thất bại trong kinh doanh là vì họ bán sản phẩm mà họ chưa bao giờ sử dụng.
Tại sao?
Họ không sử dụng thì họ không hiểu được nó có hiệu quả hay không.
Họ không gặp vấn đề thì họ không hiểu và cảm được các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.
Có lẽ, mục đích duy nhất là tiền – đó chính là lý do khách hàng không mua của họ (trừ mấy trò thao túng, kích hoạt lòng tham để chốt sale thì không tính).
Vậy bây giờ bạn cần làm gì?
Bước 1. Nhìn lại quá khứ của bạn, bạn đã từng mắc các vấn đề gì trong công việc và cuộc sống? Đây là “Why?”.
Bước 2. Bạn đã làm gì để giải quyết vấn đề đó? Đây là “How?”.
Bước 3. Bạn sử dụng công cụ (sản phẩm) gì để hỗ trợ quá trình giải quyết? Đây là “What?”.
Ví dụ:
Bạn từng mắc vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, sự tự ti về vóc dáng. Bạn tìm đến yoga, Gym, Thiền và nó giải quyết toàn bộ vấn đề đó. Bây giờ, bạn có thể kinh doanh gói tư vấn, huấn luyện, khóa học, hoặc các sản phẩm hỗ trợ luyện tập.
Tôi kinh doanh từ năm 2018, đó là một quá trình gian khổ vì có thành công nhưng cũng có nhiều thất bại. Nó khiến tôi phải suy ngẫm để tìm kiếm giải pháp. Cuối cùng tôi tìm được Naval, tôi áp dụng các lời khuyên của ông vào công việc của mình. Yeah, tôi đã giải quyết được các vấn đề lớn nhất của tôi là “thiếu định hướng đúng đắn ngay từ ban đầu”. Vì vậy, tôi cung cấp gói cố vấn xây dựng doanh nghiệp một người cho những ai đi sau tôi 2,3 bước.
Tương tự với các vấn đề về kỷ luật, tập trung, mối quan hệ gia đình, hoặc thậm chí là bị ế lâu năm :)) Miễn là bạn giải quyết nó rồi tìm được giải pháp và rồi bán nó.
“Nhưng Thông ơi, tôi không phải là chuyên gia và cũng chưa thành công thì kinh doanh kiểu gì?”
Đây là vấn đề mà nhiều người mắc phải.
Có 3 kiểu người:
- Người chia sẻ nội dung – giống như nhà báo
- Chuyên gia
- Người xây dựng và sáng tạo
Nếu bạn chọn làm người chia sẻ, bạn không bán được hàng mà chỉ kiếm tiền qua views hoặc đặt quảng cáo.
Nếu bạn là chuyên gia, bạn cần hoàn thành các chứng chỉ, bằng cấp, và có nhiều năm kinh nghiệm để đạt được thành tựu. Khi có được danh tiếng, mọi người trả tiền cho bạn.
Nếu bạn là người xây dựng và sáng tạo, bạn có thể kiếm tiền ngay khi mới bắt đầu.
Để tôi giải thích.
Xây dựng và sáng tạo nghĩa là bắt tay vào làm một điều gì đó theo cách mới. Cách mới là cách của riêng bạn. Ví dụ như xây nhà, xây dựng cơ bắp, xây dựng phần mềm, .v.v.
Bạn không cố gắng tỏ ra mình là một chuyên gia hoặc mình tài giỏi. Bạn khiêm tốn học hỏi từ các chuyên gia có thẩm quyền rồi áp dụng vào dự án mà bạn đang xây dựng. Thứ bạn bán là hành trình xây dựng (how) và các sản phẩm (what) mà bạn đã dùng hoặc tạo ra.
Ví dụ:
Bạn học Yoga, Fitness được 2 tháng. Trong 2 tháng đó bạn bắt đầu chia sẻ các vấn đề mà bạn đã gặp khi mới bắt đầu. Bạn giải quyết vấn đề đó như thế nào. Rồi bạn mở một dịch vụ hướng dẫn cho người mới bắt đầu làm được như bạn. Bạn nói thẳng luôn là bạn giúp họ bắt đầu và đi đúng hướng giống bạn chứ không giúp họ có được kết quả – kết quả thì họ phải rèn luyện.
Tương tự với viết lách, kinh doanh, hoặc nói trước máy quay. Giai đoạn mới bắt đầu là khó khăn nhất. Bạn phải giải quyết các vấn đề về tâm lý, sự tự ti, nỗi sợ,… Bạn giải quyết được vấn đề đó rồi hướng dẫn lại những người khác.
Tương tự với tâm trí. Bạn bị căng thẳng, stress, mất tập trung. Bạn giúp mọi người giải quyết vấn đề của họ bằng cách đồng hành cùng họ, cho họ các lời khuyên từ chuyên gia mà bạn đã áp dụng để có được kết quả.
Quan trọng nhất là thuyết phục được mọi người, họ sẽ mua của bạn.

Tôi sẽ lấy một ví dụ về bạn Nguyễn Đức Nhất để triển khai ý tưởng này.
Nhất chia sẻ hành trình học tiếng Anh của mình trên facebook. Cậu ấy đang trên hành trình xây dựng và sáng tạo ra con người mới của cậu ấy – một người nói giỏi tiếng anh.
Nhất học tiếng anh từ thầy Thế Anh English – một chuyên gia đào tạo uy tín trong ngành.
Với những gì Nhất đã xây dựng, cậu ấy hoàn toàn có thể kinh doanh:
- Sản phẩm số là tập hợp tài liệu mà cậu ấy đã học tập, các phương pháp mà cậu ấy đã sử dụng.
- Affiliate cho các app tiếng anh (nếu cậu ấy sử dụng)
- Chương trình huấn luyện, đồng hành cho người mới bắt đầu. Cậu ấy không cam kết rằng họ nói tiếng Anh giỏi (vì tùy vào khả năng của mỗi người). Nhưng Nhất sẽ giúp người mới bắt đầu vượt qua nỗi sợ nói tiếng anh và cung cấp tài nguyên mà cậu ấy đã sử dụng.
Bây giờ quá nhiều tài nguyên trên internet.
Nhưng cái khó là ai vượt qua giai đoạn bắt đầu.
Nhất đã vượt qua khoảnh khắc khó khăn đó, và cậu ấy xứng đáng được hưởng giá trị.
Đương nhiên với điều kiện, Nhất cần thuyết phục được khách hàng rằng “làm sao để bắt đầu” là vấn đề quan trọng nhất trong việc dạy tiếng anh. Bởi vì, cậu ấy giải quyết được vấn đề khó nhất nên tiền thù lao cũng cao nhất. Chẳng có gì ngạc nhiên khi cậu ấy tính $1,000 cho 3 tháng đồng hành cả.
VI. Lưu ý nhỏ nhưng quan trọng
1. Cảm giác choáng ngợp
Bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp, không biết bắt đầu từ đâu.
Điều đó là hết sức bình thường.
Bây giờ, điều đầu tiên bạn cần làm là tạm ngưng theo dõi những ai khiến bạn “áp lực ngang” bằng cách show nhà, xe, khoe doanh số 300 triệu, 500 triệu, 1 triệu USD,…
Nó không sai, nhưng đối với người mới bắt đầu thì đó là tác nhân khiến bạn bỏ cuộc sớm.
Bạn chỉ theo dõi những người mà bạn muốn bắt chước. Đây là những người truyền cảm hứng và cung cấp cho bạn những ý tưởng mà rất ít khi khoe khoang thành tích.
Tôi đã từng trải qua những giai đoạn như thế này.
Hãy cố gắng cách ly tâm trí ham muốn làm giàu nhanh của mình.
2. Không sử dụng AI để viết:
Tại sao?

Với mỗi lá thư, tôi dành 1,2 tuần (đôi khi bận quá phải sang tuần thứ 3) để viết gửi đến độc giả của mình.
Nhưng thực ra nó có tác dụng vô cùng lớn đối với tôi – tôi viết vì chính bản thân tôi.
Khi bạn tự mình viết, suy nghĩ của bạn trở nên rõ ràng, trí tuệ bạn được cải thiện. Bạn có khả năng vô hạn trong việc giải quyết các vấn đề cho bản thân cũng như khách hàng của mình.
Đừng để AI cướp mất điều đó.
3. Không chạy quảng cáo
Hãy giữ quy mô nhỏ cho đến khi bạn tìm ra được điều gì hiệu quả ― Naval Ravikant
Khi bạn chưa có nền tảng, việc chạy quảng cáo là vô nghĩa.
Nếu bạn tự tay viết và đi kết nối thủ công để xây dựng khán giả, bạn bắt đầu học được các siêu kỹ năng mà những người chạy quảng cáo không học được: tiếp thị, thuyết phục, hiểu tâm lý học và bản chất con người,… Bạn cần học và thành thạo những điều này trước khi khuếch đại mọi thứ.
Đó chính là nền tảng quan trọng khiến bạn trở nên khác biệt.
VII. Các bước hành động
Bạn đã rời ghế nhà trường.
Đây là lớp học ngoài thực tế.
Bởi vậy, bạn cần bắt đầu bằng những gì mình biết. Nhanh chóng mắc sai lầm (hãy cầu nguyện cho điều đó xảy ra càng sớm càng tốt).
Khi bạn biết mình sai ở đâu, bạn bắt đầu tìm cách sửa. Bạn sẽ hiểu. Đó chính là khi trí tuệ của bạn được hình thành (chứ nó không còn là lý thuyết vay mượn từ người khác nữa).
Tôi sẽ giữ các bước dưới đây rất đơn giản để bạn bắt đầu. Sau đó, bạn dần tinh chỉnh và hoàn thiện theo sự hiểu biết và kỹ năng của bạn.
1. Tạo hoặc làm mới profile của bạn
Đừng quá cầu kỳ.
Hãy sử dụng bức ảnh tốt nhất mà bạn có.
Viết một cái tiểu sử mà bạn thấy hợp lý nhất vào lúc này.
Tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi theo khả năng hiểu biết và kỹ năng của bạn trong quá trình triển khai dự án.
2. Viết 3-5 bài viết ngắn mỗi ngày
Ban đầu tôi rất thận trọng.
Tôi thường viết 1 bài/ngày.
Nhưng về sau tôi nhận ra, ý tưởng sinh ra ý tưởng.
Bạn cần chấp nhận rằng các ý tưởng đầu tiên rất tồi tệ – tôi cũng vậy. Giống như đường ống nước, bạn phải xả hết nước bẩn ra ngoài thì tiếp theo là nước sạch. Bạn viết ra hết nhưng ý tưởng tồi thì ý tưởng tốt xuất hiện.
3. Viết bài dạng how to
Đặt mục tiêu cho 1,2 tuần hoàn thành một bài khoảng 1,000 – 2,000 chữ.
Bắt đầu từ vấn đề mà bạn đã hoặc đang mắc phải.
Bạn giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Cấu trúc đơn giản để bạn tham khảo:
Phần 1. Nêu vấn đề
Ví dụ:
- Tôi là người thiếu kỷ luật.
- Bạn có đang cảm thấy trì hoãn không?
Phần 2. Giáo dục
Đây là nơi bạn thuyết phục khán giả bằng các lập luận của mình.
Phần 3. Các bước hành động
Đây là nơi bạn cho khán giả biết họ cần làm gì để giải quyết vấn đề.
Sử dụng substack.com để viết. Thu thập email người đăng ký và gửi cho họ mỗi khi bạn ra bài mới.
4. Viết sale page
Dùng file word viết một bài viết bán hàng bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn đang giải quyết vấn đề gì? Mô tả vấn đề đó cho khách hàng của bạn.
- Nếu vấn đề đó không được giải quyết thì cuộc sống của khách hàng sẽ trở nên khốn khổ ra sao? Hãy nói cho họ biết.
- Kể câu chuyện của bạn và cách bạn đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Nhớ sau mỗi phần chèn link về messenger để khách hàng có thể liên hệ trò chuyện với bạn.
5. Kết nối
Tìm kiếm các group facebook mà bạn quan tâm và hòa mình vào đó.
Tương tác, trò chuyện, kết bạn (mỗi ngày 5-10 người).
Việc lựa chọn những người bạn đầu tiên rất quan trọng. Bạn cần xác định xem họ là ai? Họ và bạn có chung mối quan tâm? Họ có gặp những vấn đề như bạn? Họ có phải người cởi mở, phóng khoáng, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người khác hay không?
Đương nhiên không nên cầu toàn quá.
Cứ add friend với ai bạn cảm thấy phù hợp.
Dần dần, trực giác của bạn sẽ tăng lên và về sau khi bạn chỉ cần liếc qua thôi bạn biết ai là người thích hợp để đồng hành cùng bạn.
6. Lặp lại

Nếu thấy điều gì đó hiệu quả, hãy lặp đi lặp lại để tạo ra lãi suất kép.
Ví dụ, nếu tôi thấy nội dung nào được nhiều tương tác, tôi sẽ viết lại nội dung đó theo nhiều góc nhìn khác nhau.
Cuối cùng.
Hãy tích lũy từng chút, từng chút một cho đến khi bạn gặp được điểm bùng nổ.
Bạn càng kiên trì lặp lại thì facebook càng đề xuất cho bạn những người phù hợp để kết nối. Bạn bè, đối tác, khách hàng sẽ xuất hiện để đồng hành cùng bạn.
Cố gắng nhé!
Tôi hi vọng lá thư này có ích với bạn.
― Đỗ Đức Thông