Anh Lee là một freelancer cung cấp dịch vụ cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Một hôm, cô ấy gọi điện hỏi tôi về việc nên định giá thế nào cho dịch vụ hiện đang chào bán.
Cô ấy sợ để giá cao quá thì mất khách.
Mà để giá thấp quá thì làm không bõ công.
…
Tôi: Giá bạn mong muốn là bao nhiêu?
Anh Lee: Giá mong muốn là B … nhưng tôi vẫn sợ giá đấy họ không chấp nhận
Tôi: Vậy thì cộng thêm 20% nữa (chi phí rủi ro). Được thì được, không được thì thôi.
Vài hôm sau:
Tôi chỉ tư vấn, mọi quyết định là tùy thuộc vào cô ấy.
Nhưng để giúp Anh Lee có thêm động lực, tôi đã khai ra rằng trước đó tôi thuê dịch vụ cô ấy giá X, rồi bán cho một người khác gấp 6 lần.
Vâng 6 lần.
Tại sao mức giá lại chênh lệch như vậy?
Keyword chính là NHẬN THỨC.
Giá cả quy định bởi giá trị. Giá trị phụ thuộc vào nhận thức khách hàng về dịch vụ, sản phẩm của bạn. Mà nhận thức lại mang tính tương đối.
Ví dụ:
Bạn bán nhân sâm cho một đứa trẻ con, nó bảo là củ cải và trả bạn 1 đồng. Nhưng bạn bán cho một người nhận ra đó là củ nhân sâm quý giá, họ sẽ trả bạn 100 đồng.
Bởi vậy, kinh doanh là cách:
Tìm kiếm người đã có nhận thức để bán.
Nâng cao nhận thức về sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Người người, nhà nhà đều đi theo con đường thứ nhất, nên tạo ra một thị trường nhuốm đỏ màu cạnh tranh.
Nhưng nếu bạn kết hợp thêm con đường thứ 2, nâng cao nhận thức của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ thì bạn đang tạo ra một thị trường mới cho riêng mình.
Từ đó, đặt mình ra khỏi vòng cạnh tranh.
Họ không những trả tiền cho sản phẩm dịch vụ, mà họ còn trả cho bạn vì bạn đã giúp họ nhận thức được vấn đề, nhận thức được giải pháp.
Ngoài kinh nghiệm cá nhân, chủ đề này tôi đã nghiên cứu nhiều năm nay, và vẫn đang thường xuyên luyện tập.
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn 4 ý tưởng lớn, giúp bạn tăng giá sản phẩm, dịch vụ, và từ freelancer trở thành doanh nghiệp một người (solopreneur).
1, Trông bạn như một chuyên gia
2, Chọn đúng người
3, Chọn đúng việc
4, Trở thành người bạn tâm giao
Cuối cùng, ngừng bị ép giá.
Thay vào đó, được làm việc với khách hàng mình thích, được tự do, được tôn trọng, và bán giá cao hơn.
Mục lục bài viết
I. Trông bạn như một chuyên gia
Mạng lưới (mối quan hệ) được đánh giá quá cao. Trước hết hãy trở thành một người có giá trị và mạng lưới sẽ luôn sẵn sàng bất cứ khi nào bạn cần. – Naval
Tôi đã từng gặp những người có chuyên môn sâu rộng, nhưng họ luôn nhận rằng mình không đủ khả năng.
Đó không phải là khiêm tốn, họ đang mắc hội chứng của kẻ mạo danh.
Nó là gì?
Bạn có bao giờ cảm thấy mình kém cỏi dù đã cố gắng rất nhiều?
Đôi khi bạn cảm thấy khó chấp nhận lời khen từ người khác.
Có thể bạn đã từng mắc hội chứng kẻ mạo danh.
Bạn không cô độc.
Không chỉ riêng bạn, ngay cả những người thành đạt như Neil Gaiman, Sheryl Sandberg và Emma Watson cũng mắc hội chứng này.
Tôi cũng vậy.
Hội chứng kẻ mạo danh xảy ra khi bạn nghi ngờ về năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình và bạn nghĩ mình không xứng đáng.
Kết quả là?
Bạn không dám thể hiện bản thân.
Bạn tự ám thị rằng mình kém cỏi, mọi người cảm nhận được điều đó qua việc quan sát ngôn ngữ cơ thể, và trường năng lượng mà bạn tỏa ra.
Khi bạn không tự tin thể hiện kiến thức chuyên môn của mình, bạn đánh mất nhiều cơ hội.
Vậy làm sao để thoát khỏi hội chứng này.
Trước tiên bạn cần thay đổi góc nhìn định nghĩa về chuyên gia.
Phần đông sẽ nghĩ chuyên gia phải là một người rất giỏi, có kiến thức chuyên sâu về một ngành. Tôi thì không nghĩ theo hướng học thuật như vậy.
Chuyên gia đơn giản là một người chuyên tâm (đào sâu) vào một công việc hay lĩnh vực cụ thể nào đó.
Kiến trúc sư nổi tiếng như anh Thái Công chắc chắn là một chuyên gia. Và người thợ xây cũng là một chuyên gia trong cách anh ấy trộn vữa, trát vữa, xếp gạch và cuối cùng tạo nên bức tường vững chắc.
Tại sao tôi nói “trông như một chuyên gia” mà không phải là “trở thành một chuyên gia”?
Trong thế giới khép kín của bạn, hãy tự gọi mình là một chuyên gia để thay đổi nhân dạng (đây là khái niệm quan trọng trong cuốn Thói quen nguyên tử của James Clear). Bắt đầu làm những việc chuyên gia sẽ làm: đào sâu nghiên cứu, liên tục thử nghiệp một chủ đề nhất định.
Nhưng trong thế giới của người khác (ngoài xã hội), đừng nói gì cả. Đừng khẳng định gì cả. Hãy để mọi người nhìn vào việc bạn đang làm, nhìn vào những gì bạn chia sẻ.
Khi đủ lượng, đủ chất, hoặc khi gặp đúng người, bạn sẽ “trông” như một chuyên gia trong mắt họ.
Ban đầu, 7 tỷ người trên trái đất thì chỉ có 2 người nhìn nhận. Trong đó, người đầu tiên chính là bạn, người thứ 2 là người luôn hiểu và ủng hộ bạn. Nhưng không sao cả, bắt đầu từ việc dễ trước. Theo thời gian sẽ có 3,4 người, 10 người rồi trăm ngàn người tiếp theo.
Đương nhiên, sẽ có người không coi bạn là chuyên gia.
Thì sao?
Họ không phải là khách hàng của bạn.
Ai quan tâm chứ.
Bây giờ là 3 việc quan trọng cần làm khiến bạn trông như một chuyên gia trong mắt người khác:
Giống như ăn quá no mà không thể tiêu hóa làm bụng khó chịu, cơ thể nặng nề.
Tiêu thụ kiến thức mà không sử dụng khiến đầu óc căng thẳng.
Sáng tạo chính là cách bạn tiêu hóa kiến thức. Viết là con đường nhanh nhất, tốt nhất để bắt đầu sáng tạo, sau đó áp dụng vào cuộc sống.
Chia sẻ những gì bạn sáng tạo chính là cách bạn tạo giá trị cho mọi người. Càng tạo nhiều giá trị, bạn càng trở nên mạnh mẽ.
Quy trình sáng tạo gồm 6 bước:
Bước 1: Xác định vấn đề và nguyên nhân
Đó là cách bạn nhận thức được sâu sắc các vấn đề làm cho cuộc sống bạn trở nên đau khổ.
Bước 2: Chọn mục tiêu hướng tới
Kết quả sau cùng khi vấn đề được giải quyết là gì?
Mục tiêu đó có đủ làm bạn phấn khích không?
Bước 3: Nghiên cứu, mổ xẻ kiến thức
Thời gian và trí não bạn có hạn, vì vậy cần thu hẹp phạp vi nghiên cứu để có được mức độ hiểu biết sâu sắc thay vì hời hợt.
Chọn một kỹ năng, chuyên môn để học
Chọn 3-5 người thầy để theo dõi, học hỏi
Chọn 5-7 cuốn sách để nghiền ngẫm
Bước 4: Sáng tạo
Giả sử coi mỗi kiến thức bạn học được thông qua người khác (sách vở, thầy,…) và thông qua kinh nghiệm cá nhân là một dấu chấm, thì sáng tạo chính là cách bạn nối những dấu chấm lại với nhau để có được một giải pháp.
Để mọi thứ trở nên rõ ràng, hãy viết ra thay vì nghĩ trong đầu.
Tôi thường đi bộ mỗi ngày ít nhất 6,000 bước, mỗi khi ý tưởng sáng tạo nảy sinh trong đầu, tôi nhanh chóng lưu lại vào điện thoại trước khi chúng biến mất.
Bước 5: Áp dụng vào công việc hoặc cuộc sống
Bạn cần áp dụng vào thực tế để nhận thấy sự hiệu quả. Sau đó, quay lại cải tiến quy trình, giải pháp mà bạn sáng tạo ra.
Sáng tạo là một dòng chảy không ngừng theo quá trình phát triển bản thân của bạn.
Bước 6: Dạy lại người khác
Chia sẻ lại bài học của bạn để giúp đỡ người khác. Giúp họ tránh được hố bom mà bạn đã đi qua.
Khi thực lòng muốn giúp đỡ người khác, bạn không cần phải đứng trên danh nghĩa là thầy thì mới có thể dạy họ.
Hãy dạy như một người bạn.
Khiêm tốn bằng cách chia sẻ lại bài học của mình dưới dạng kinh nghiệm.
Ví dụ:
Cách tôi xây dựng thói quen đọc sách.
10 bài học về thương hiệu cá nhân tôi học được trong tuần này.
2. Tận dụng đòn bẩy công nghệ và internet
Tạm dịch:
Mã (lập trình) và Phương tiện truyền thông là đòn bẩy không được phép. Chúng là đòn bẩy sau những thế hệ giàu có MỚI. Bạn có thể tạo phần mềm hoặc phương tiện truyền thông phù hợp với mình trong khi ngủ. Nếu không thể viết mã (lập trình), hãy viết sách, blog, quay video và podcast.
– Naval
Ngày trước, mỗi khi tiếp một khách hàng, đối tác chúng tôi phải kéo nhau ra quán cafe. Bởi vì, khi đó chúng tôi mới có thể nói chuyện sâu với nhau được.
Nhưng sau dịch covid-19, thế giới đang thúc đẩy sự hiện diện trên internet. Đây là cơ hội tốt hơn bao giờ hết, bạn có thể chia sẻ ý tưởng nhỏ của mình qua mạng xã hội (facebook, tiktok, instagram) và các ý tưởng lớn (chuyên sâu) qua website, youtube, podcast.
Tại sao Internet là đòn bẩy của những người giàu mới.
Đòn bẩy internet hiểu đơn giản là: ngày trước bạn chỉ có thể nói ý tưởng của mình cho 1 hoặc 1 vài người bạn, thì bây giờ bạn có thể nói nó cho hàng trăm, hàng triệu người thông qua internet.
Khi đó, thay vì tạo ra giá cho 1 người, bạn tạo ra giá trị cho trăm nghìn người với cùng một công sức.
Tạo càng nhiều giá trị, bạn càng kiếm được nhiều tiền.
Hành động:
Chia sẻ các bài học ngắn gọn trên mạng xã hội (vì giờ ai cũng muốn nhanh và ăn liền).
Chia sẻ nội dung sâu sắc trên website thông qua các bài viết blog.
Cung cấp các sản phẩm miễn phí hữu ích, các dịch vụ, khóa học giúp cho những người theo dõi đạt được mục tiêu về tiền bạc, sức khỏe hoặc mối quan hệ.
Đó là công thức chung cho thế giới internet.
II. Chọn đúng người (đúng mô hình kinh doanh)
1. Tìm đúng mô hình kinh doanh
Lựa chọn một mô hình kinh doanh tốt để bạn trở thành mảnh ghép phù hợp. Nghĩa là, bạn có năng lực và khách hàng của bạn cũng đủ khả năng. Khả năng ở đây bao gồm các nguồn lực từ tiền bạc, mối quan hệ, bộ máy kinh doanh, và bộ não của họ.
Ví dụ:
Nếu bạn chạy quảng cáo cho một công ty kém → Kết quả tồi tệ dù bạn giỏi tới mức nào.
Nếu bạn chạy quảng cáo bình thường cho một công ty tốt → Kết quả tốt.
Nếu bạn chạy quảng cáo giỏi cho một công ty tốt → Kết quả tuyệt vời.
Vì vậy, luôn nâng cao năng lực bản thân nhưng cũng phải tìm kiếm cho mình công ty tốt.
Lựa chọn hơn nỗ lực.
2. Chọn khách hàng
Nếu bạn thu hút bạn bè phù hợp, đối tác phù hợp và trong trường hợp này là khách hàng phù hợp thì cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc. Nếu thu hút sai người thì đó là một cơn ác mộng. – Iman Gadhzi
Strategex là một công ty nghiên cứu khách hàng B2B.
Strategex sắp xếp khách hàng của mỗi công ty họ đã nghiên cứu thành 4 nhóm đều nhau, theo thứ tự giảm dần dựa trên doanh thu.
Nhóm khách hàng đầu tiên tạo ra 89% doanh thu.
Nhóm khách hàng cuối cùng tạo ra 1% doanh thu.
Tất cả các khách hàng đều bỏ ra nguồn lực về thời gian và tiền bạc là như nhau để phục vụ.
Tính về lợi nhuận:
Nhóm đầu tiên mang lại ~150% lợi nhuận cho công ty.
Hai nhóm ở giữa hòa vốn.
Nhóm cuối cùng khiến công ty bị lỗ ~50%.
Bạn nghĩ sao?
Thử nhìn lại toàn bộ hành trình của mình, bạn có bao nhiêu khách hàng tuyệt vời, và bao nhiêu khách hàng khiến bạn lỗ vốn (về cả thời gian, công sức, tiền bạc)?
Nếu bạn đã từng hoặc đang mắc phải, hãy xem giải pháp sau đây:
Bài học quan trọng tôi học được từ khóa học Educate.io của Iman Gadhzi. Giờ tôi chia sẻ lại với bạn.
Crazy: Mức độ khó ở của khách hàng được chia thang mức độ từ 4 – 10. Bởi vì, không có khách hàng nào là hoàn hảo cả.
Profitable: Lợi nhuận từ 0 – 10.
No Go: Lập tức rời đi. Lợi nhuận quá thấp hoặc khách hàng quá điên.
Danger: Vùng nguy hiểm. Bạn phải cân nhắc rất kỹ nếu lựa chọn vùng này. Nếu khách hàng quá khó chịu thì bạn cần xem lại xem khả năng chịu đựng của mình có cao hay không.
CASHLOW HUNGRY: Bạn đang đói tiền, hãy lựa chọn vùng này. Với mức lợi nhuận tốt và khách hàng khó tính nhưng vẫn chấp nhận được.
3 MONTH MINIMUMS: Khách hàng vô cùng khó chịu nhưng lợi nhuận lớn. Bạn nên ký hợp đồng ngắn hạn trong 3 tháng. Tại sao? Bởi vì, phục vụ quá lâu thì tâm lý bạn sẽ bị ảnh hưởng, bị ức chế, mệt mỏi. Từ đó ảnh hưởng lâu dài tới sự nghiệp lâu dài của bạn.
BLISS: Vùng hạnh phúc. Mức độ khó tính của khách hàng là vừa phải và lợi nhuận cao.
UNICORN: Vùng mơ ước. Không có gì tuyệt vời hơn khi khách hàng dễ tính và lợi nhuận cao chót vót cả.
Hành động:
Nếu là người mới, hãy kiếm vừa đủ tiền để sống. Khoảng thời gian còn lại, tìm kiếm và sau đó tích lũy khách hàng Bliss và Unicorn.
Đây là lộ trình cho một sự nghiệp bền vững và hạnh phúc.
Biểu hiện của khách hàng nên tránh:
Coi trọng giá cả hơn giá trị: Vừa gặp gỡ, họ đã hỏi về giá thay vì tìm hiểu dịch vụ của bạn. Những người mới đều có tư duy như vậy, hãy tiếp tục nuôi dưỡng, và biến họ thành khách hàng trong tương lai.
Mặc cả: Lăn tăn về giá quá cao là điều rất bình thường, bạn và khách hàng có thể cùng nhau thương lượng một cách vui vẻ. Nhưng nếu họ cố gắng mặc cả một cách quyết liệt thì đó là dấu hiệu nguy hiểm. Tốt nhất, trong trường hợp này bạn nên bỏ đi.
Tín nhiệm: Nếu họ không ghi nhận công sức của bạn, không nói lời cảm ơn, nhìn chung họ không nhã nhặn, lịch sự thì hãy bỏ đi. Đây không phải là khách hàng mà bạn có thể hợp tác lâu dài.
Đây là những ranh giới bạn cần đặt ra cho chính mình. Đừng quá cứng nhắc, linh hoạt đối với từng hoàn cảnh, từng người.
Nhưng nếu bạn từng bị đè ép quá nhiều khi cung cấp dịch vụ thì bạn cần đặt ra ranh giới cứng để thay đổi dòng chảy sự nghiệp của mình. Sống tiết kiệm, tối giản để giảm thiểu áp lực. Chỉ nhận số lượng khách hàng vừa đủ sống. Sau đó, dành thời gian tìm kiếm những khách hàng tuyệt vời hơn.
Biểu hiện của khách hàng tuyệt vời:
Nỗ lực: Họ nhận thức được rằng họ phải nỗ lực để đạt được kết quả. Họ hiểu rằng họ không thể chỉ mong đợi bàn tay của bạn xoay chuyển cục diện kinh doanh. Họ hiểu rằng bạn là một mảnh ghép. Họ chuyển giao các công cụ, tài sản để bạn phục vụ công việc, thực hiện các cải tiến/đề xuất mà bạn đưa ra cho họ và thực hiện đúng thỏa thuận khi dự án thuận lợi.
Giao tiếp vừa đủ: Họ không kết thúc giao tiếp và phó thác mọi chuyện cho bạn sau khi ký hợp đồng. Họ biết rằng cần phải giữ kết nối, cần phải trao đổi để thực hiện công việc. Nhưng quan trọng hơn, họ không dành quá nhiều thời gian để giao tiếp (kiểu 24/7), họ hiểu rằng nếu trao đổi quá nhiều thì bạn không có thời gian để thực hiện công việc.
Kiên nhẫn: Khi họ thắc mắc hoặc quan ngại về quy trình làm việc. Nếu bạn có hướng giải quyết để loại bỏ những mối quan ngại một cách hợp lý, họ sẽ lắng nghe, tiếp nhận và thực sự kiên nhẫn cũng như tin tưởng vào bạn.
Tình bạn: Để làm việc hiệu quả thì con người cần có sự kết nối. Nếu không thì máy móc (đặc biệt là AI sẽ thay thế bạn). Tình bạn giúp bạn và khách hàng hiểu nhau, hiểu những khó khăn, mong muốn, khát vọng,… để giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Về phía bạn:
Bạn sẽ có được khách hàng tuyệt vời khi bạn là một khách hàng tuyệt vời.
Đơn giản thôi.
Bạn thu hút những người giống bạn, những người có cùng tần số.
Bởi vậy, trước tiên vẽ chân dung khách hàng mơ ước của bạn. Sau đó, luyện tập để bản thân trở thành người như vậy.
III. Chọn đúng việc: Làm công việc sáng tạo thay vì lặp lại
Những công việc được trả lương thấp nhất là những công việc khiến bạn phải làm đi làm lại cùng một việc.
– Naval
Ví dụ các công việc được trả lương thấp:
Dịch vụ chạy quảng cáo thuê bạn chỉ được trả 10% ngân sách vì nhiệm vụ duy nhất của bạn là nạp tiền vào, lên chiến dịch và chạy.
Dịch vụ viết bài chuẩn SEO chỉ được trả 50k/bài viết vì chỉ cần đáp ứng đúng quy trình chuẩn SEO và đạt 1,000 từ.
Thiết kế website theo giao diện có sẵn 500k – 2 triệu/website.
Để được trả cao hơn, bạn cần sáng tạo.
Sáng tạo là cách bạn kết nối các kiến thức cụ thể để giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống.
Tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể trong trường hợp dịch vụ thiết kế website:
Nếu thích rẻ, thì lên themeforest.net. Ở đó, bạn sẽ chọn được hàng nghìn mẫu website đẹp đến hoàn hảo với giá chỉ $10 – 60$. Tôi đảm bảo bạn sẽ choáng ngợp vì thích thú.
Nếu bạn cũng lên themeforest lấy mẫu về cung cấp cho khách hàng, thì người khác cũng có thể làm vậy. Cách duy nhất để cạnh tranh là hạ giá.
Có một cách khác:
Để được trả giá cao hơn, bạn cần giải quyết vấn đề quan trọng nhất: “website phải giúp họ có thêm khách hàng hoặc tăng doanh thu”.
Giả sử chủ website là người chưa có danh tiếng, chưa có tầm ảnh hưởng.
Bước 1: Xác định khách hàng mục tiêu
Làm tình với cả thế giới sẽ khiến ngòi bút của bạn bị gãy.
Tập trung vào 1 khách hàng duy nhất, và cho thấy thiết kế website này chỉ dành riêng cho họ.
Bước 2: Tìm kiếm traffic
Mạng xã hội là nơi để kết nối chứ không phải bán hàng. Vì vậy, hãy thu hút lưu lượng truy cập từ mạng xã hội về website thông qua các nội dung hữu ích.
Bước 3: Thu hút sự chú ý bằng các thiết kế dựa trên tâm lý học
Sự chú ý con người ngày càng ngắn.
Thêm vào việc chủ web chưa có danh tiếng.
Trong trường hợp này, màu mè đẹp mắt chỉ là thứ yếu. Việc quan trọng hơn, bạn cần hiểu những nguyên tắc tâm lý học trong thiết kế website chuyển đổi để thu hút khách hàng vào đúng thông điệp cần truyền tải.
Bước 4: Trở nên có ích bằng cách giải quyết các vấn đề cụ thể
Khách hàng thấy bạn giải quyết được vấn đề nhỏ của họ, họ sẽ tin rằng bạn có thể giải quyết vấn đề lớn.
Vì vậy, cung cấp nội dung mang tính giải pháp dưới dạng bài viết blog, ebook hoặc khóa học miễn phí.
Bước 5: Xây dựng trang bán hàng cho sản phẩm dịch vụ
Trang bán hàng (landing page) giống như một nhân viên tư vấn túc trực 24/7. Hãy chuyển hướng khách hàng về landing page mỗi khi họ có ý định tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ.
5 bước trên không thể lặp đi lặp lại. Nó là quá trình sáng tạo.
Bởi vì, mỗi doanh nghiệp hay cá nhân đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Mỗi giai đoạn cần website mới, giao diện mới sao cho phù hợp với tình hình phát triển của họ. Bạn cần nói chuyện với họ để tìm hiểu tình hình kinh doanh, sau đó kết hợp với chuyên môn vốn có của bạn để xây dựng website chuyển đổi cao.
Đó cũng chính là lý do tại sao:
Copy website, nội dung của người đã thành công cho một người mới đều thất bại. Vì website không khớp với con người, hoặc doanh nghiệp vào thời điểm đó.
→ Bạn cần xây dựng website phô diễn điểm mạnh của họ, giá trị mà họ cung cấp và tập trung vào các thông điệp quan trọng.
Khi bạn xây dựng website, khách hàng thay đổi ý định liên tục. Họ yêu cầu chỉnh sửa khiến bạn nhức đầu. Đừng vội đổi lỗi cho khách. Khách hàng đang đúng, vì họ liên tục phát triển khi tiếp nhận kiến thức. Khi họ phát triển thì website cũng phải phát triển (thay đổi) theo.
→ Bạn cần thay đổi chiến lược, thay vì thiết kế website thì hãy chuyển thành tư vấn, đồng hành cùng họ.
Làm sao để trở thành người tư vấn?
Bạn cần sáng tạo.
Sáng tạo trong trường hợp này là cách bạn kết nối các hiểu biết:
Sâu sắc về khách hàng và doanh nghiệp của họ.
Tiếp thị (marketing).
Bán hàng (sale).
Kỹ năng chuyên môn của bạn về thiết kế web.
Kết quả sẽ là:
Giả sử, doanh số của họ là 100 triệu/tháng với tỷ lệ chuyển đổi là 1%.
Bạn giúp họ xây dựng website tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 1,5% nghĩa là họ có thêm 50 triệu mỗi tháng.
Họ sẽ sẵn sàng trả cho bạn 30 triệu, thay vì 5 triệu hoặc 10 triệu như một website thông thường.
Nhân tiện: Tôi đang cung cấp giải pháp với tên gọi là The Final System giúp bạn sở hữu một hệ thống kinh doanh trực tuyến ổn định và tăng trưởng bền vững.
IV. Trở thành người bạn tâm giao
Con người chưa bao giờ khao khát sự kết nối như hiện nay.
Khi sản phẩm, dịch vụ tràn ngập mọi ngóc ngách. Họ có thể lên google hoặc facebook tìm kiếm ra hàng tá để lựa chọn. Nhưng đối với dịch vụ (hoặc sản phẩm mang tính cảm nhận cao) đòi hỏi sự tương tác, trao đổi trong một thời gian dài, họ sẽ cân nhắc lựa chọn người mà họ thích để làm việc cùng.
1. Sống là chính mình
Chuyên môn là phương tiện giúp bạn làm việc. Chia sẻ quan điểm sống giúp bạn tạo sự kết nối. Đó chính là cách chúng ta biến khách hàng trở thành bè bạn.
Bạn giúp đỡ nhiều nhất những người giống bạn.
Ngoài việc chia sẻ chuyên môn, hãy chia sẻ nhiều hơn về quan điểm sống.
Đó là cách bạn thu hút những người giống mình, những người có cùng hệ tư duy, cùng hệ tư tưởng.
Bạn sẽ làm việc thoải mái hơn, được tôn trọng hơn.
Ép người xa lạ chứ ai ép bạn bè, đúng không?
Cuối cùng, tạo nhiều giá trị hơn cho khách hàng bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần.
2. Trở thành người hữu ích
Mọi người trên mạng đều bận rộn.
(trừ khi bạn muốn phục vụ những người rảnh rỗi, không có việc gì để làm)
Vậy nên hãy trở nên hữu ích, trở nên có giá trị.
Đặc biệt là khi bạn chưa có danh tiếng như anh Hiếu TV, thì cách mà ai cũng làm được khiến mọi người chú ý đến bạn chính là LỢI ÍCH.
Ví dụ:
Gửi những mẹo giúp dự án của họ phát triển.
Chia sẻ kiến thức qua mạng xã hội hoặc website.
Hay đơn giản là giúp họ soát lỗi chính tả các bài viết trên blog.
Giúp tài khoản mạng xã hội của họ phát triển bằng cách đăng lại hoặc bình luận dưới các bài viết.
Hãy trở nên hữu ích.
3. Trở thành người biết lắng nghe
“Tôi đã học được rằng mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những gì bạn làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ.”
― Maya Angelou
Tôi là một người thích giải quyết vấn đề và giàu ý tưởng.
Bởi thế, trong mỗi buổi cafe, tôi thao thao bất tuyệt về các ý tưởng của mình.
Nhưng, ý tưởng có hay đến đâu thì khách hàng cũng không chấp nhận.
Cuối cùng tôi phát hiện ra, mình đã sai.
Tôi cần quan tâm tới người đối diện mình hơn.
Họ cần được lắng nghe.
Họ cần được giãi bày các vấn đề mà họ đang mắc phải.
Lắng nghe chính là cách tôi kết nối sâu sắc với người đối diện. Khi được lắng nghe một cách chân thành, tâm trí đề phòng bắt đầu cởi mở, họ cảm thấy an toàn, họ cảm thấy được tin tưởng.
Nếu coi khách hàng là một người bạn, tôi cần hạ cái TÔI (ego) của mình xuống, đặt điện thoại trong chế độ im lặng, úp màn hình xuống bàn, cẩn thận nuốt lấy từng lời người đối diện.
Lắng nghe thực sự là khi bạn loại bỏ các định kiến nhị nguyên (đúng – sai, hơn – thua, tốt – xấu,…) ra khỏi đầu. Bạn không còn phán xét nữa. Bạn đứng về phe họ và tìm cách giúp cuộc sống, công việc của họ tốt hơn.
Các bước thực hiện (giống hệt như khi bạn đi gặp bác sĩ) như sau:
Bước 1: Lắng nghe, tìm hiểu vấn đề.
Bước 2: Khuếch đại vấn đề để cho họ thấy được nó sẽ ảnh hưởng xấu tới công việc, cuộc sống của họ thế nào nếu không được xử lý.
Bước 3: Cho họ thấy sẽ sướng như thế nào nếu vấn đề được giải quyết.
Bước 4: Nêu giải pháp hiệu quả mang tính thuyết phục phù hợp với trường hợp của riêng họ.
Bước 5: Ký hợp đồng.
Kết luận
Nếu cứ lao vào cạnh tranh về giá thì mệt mỏi lắm.
Đây là toàn bộ y tưởng của tôi để chúng ta thoát khỏi mớ hỗn độn để trở nên đáng giá hơn:
Trông bạn như một chuyên gia bằng cách chia sẻ ý tưởng, kiến thức của mình lên internet.
Chọn đúng mô hình kinh doanh có tiềm năng.
Lựa chọn người tử tế để làm việc cùng.
Làm công việc sáng tạo thay vì lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.
Trở thành người bạn tâm giao với khách hàng của bạn.