Tôi đã thất bại 3 lần (trước khi tìm ra con đường đúng đắn)

Đăng ký để nhận bản tin về các nghiên cứu điển hình qua email


Bạn có giống tôi không?

Tôi thuộc thế hệ 9x đời đầu, là giai đoạn giao thoa giữa GenY và GenZ. Từ nhỏ, chúng tôi đã được định sẵn cho một con đường cố định:

Đi học → Ra trường → Kiếm việc làm → Lập gia đình → Nghỉ hưu → Chết.

99% mọi người đều có tư tưởng như vậy, nhưng tôi chẳng thấy ai cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình cả.

Họ kêu ca vì đây không phải việc mình thích, họ bức xúc với sếp, đồng nghiệp và gia đình.

Những lúc ở một mình, họ quanh quẩn với các suy nghĩ:

  • Hay tôi chọn sai đường?
  • Liệu tôi có nên chuyển hướng?
  • Tôi sinh ra để làm gì? Mục đích sống của tôi là gì?

Nhưng rồi mọi thứ lại đâu vào đấy, vì họ bị cuốn theo áp lực của cuộc sống cơm áo gạo tiền, hoặc các thú vui ngoài xã hội.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ hành trình của tôi qua 3 giai đoạn:

  • Làm thuê học việc.
  • Thất bại 3 lần liên tiếp.
  • Tìm ra ý nghĩa cuộc sống và con đường làm chủ.

I. Giai đoạn làm thuê học việc

1. Đóng hàng và đi ship

Tôi may mắn gặp được một anh hơn tôi 5 tuổi, mà sau này trở thành người mentor đầu tiên của tôi trên con đường sự nghiệp, và cũng là người sếp mà tôi trân quý nhất.

Anh ấy ở trong phòng trọ 1 triệu, đi xe máy rách nát (tầm 3-5 củ), bên ngoài trông giản dị nhưng lại sở hữu mô hình kinh doanh không hề tầm thường.

  • Anh cho em theo học được chứ?
  • Được, nhưng mày phải vứt hết sách vở đi, xắn tay áo lên hỗ trợ mọi người xử lý đơn hàng, và đi ship. Ok không?
  • Em làm được, sợ đếch gì (cho rằng anh ấy thử thách, nên tôi đồng ý)

3 tháng sau, tôi lên làm vị trí viết content SEO thay vì tiếp tục đi giao hàng như trước. Lúc này, tôi học được cách viết bài miêu tả sản phẩm, blog tư vấn, nghiên cứu từ khóa, và các kỹ thuật SEO. Những gì tôi học từ anh, từ blog, video trên youtube còn hữu ích với tôi hơn 4 năm mà tôi học đại học.

Tuyệt!

Các từ khóa cứ nhảy lên Top google là tôi bắt đầu cảm thấy hào hứng vô cùng.

Nhưng một thời gian sau tôi bắt đầu thấy chán khi không còn gì để học nữa.

Tôi xin anh nghỉ để chuyển công ty.

2. Làm việc tại Kangaroo

Trong chuyến đi công tác đầu tiên, sếp tôi dẫn tôi đi làm việc với giám đốc chi nhánh Đà Nẵng. Lúc đó, tim đập thình thịch, và hơi thở không đều, vì trước mình là một tượng đài mà không biết bao giờ mới với tới.

Ở Đà Nẵng 3 tháng, tôi tiếp tục di chuyển vào Sài Gòn. Sài gòn làm tôi hoa mắt với sự nhộn nhịp, năng động và phong cách sống phóng khoáng. Nếu không vì vướng bận ngoài Bắc là tôi ở luôn rồi đó.

Cảm ơn Kangaroo đã cho tôi có những trải nghiệm tuyệt vời về những văn hóa vùng miền khác nhau.

3. Bến đỗ tại True Money Việt Nam

Giai đoạn tôi làm việc tại True money Việt Nam

True Money là một tập đoàn của Thái Lan nên ở đây nhuốm màu tư bản (do ảnh hưởng của phương Tây), cho nên tôi được chiêm ngưỡng phong cách làm việc chuyên nghiệp và được số hóa bởi công nghệ.

Theo người ngoài nhìn vào thì đó là một tương lai rạng rỡ, nhưng tôi thì không. Với khuôn mặt geny nhưng hệ tư tưởng genz của tôi, thì không thể nào vươn lên vị trí cao trong công ty được.

Bố tôi bảo: “Lần này mà mày nghỉ việc thì chết với tao” (Xin lỗi bố, vì con đã không nghe lời).

Ngay từ đầu tôi xác định đi làm thuê là để tôi học việc chứ không phải nơi mà tôi gắn bó suốt đời. Tôi muốn tìm kiếm cho mình một con đường riêng, tự do đạt được điều tôi muốn. Vì vậy, cuối cùng tôi cũng âm thầm nghỉ việc mà không báo cho một ai.

II. Kinh doanh riêng và nếm mùi thất bại

Trước tiên, tôi muốn làm rõ định nghĩa thế nào là thất bại. Thất bại nghĩa là tôi không đạt được toàn bộ mục tiêu ban đầu của mình:

  • Vui vẻ, hạnh phúc với công việc mình làm
  • Tự do thời gian, tự do tâm trí
  • Tự do về tiền bạc

Đó là những gì thôi thúc tôi bắt đầu hành trình của mình mà không có một chỉ dẫn.

1. Kiếp nạn thứ nhất (kinh doanh đồ du lịch)

Trước khi ra kinh doanh nửa năm, tôi đã bắt đầu xây dựng website và SEO chúng lên top. Đó cũng là lý do khiến dự án kinh doanh đầu tiên thêm phần thuận lợi.

Tháng 4/2018, tôi thuê một căn phòng nhỏ tại tầng 3 nhà thằng bạn. Đó là một căn nhà ở cuối ngõ, tầng 1 tối om, lúc nào cũng đóng cửa. Nghĩ đi nghĩ lại nơi đó chẳng khác gì nơi buôn người, làm ăn phi pháp :)) Thế nên, nửa tháng trời tôi chẳng tuyển được ai.

Phải làm thế nào nhỉ?

Tôi nghĩ ra, phải rủ một hai người khác đến làm cùng để tạo sự tin tưởng. Đến giữa tháng, tôi rủ được một bà chị và hứa sẽ dạy marketing online. Cũng may tìm được con săn sắt. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, gần cuối tháng một chú cá rô cũng cắn câu. Phỏng vấn xong xuôi, đầu tháng 5 làm việc.

Tiếp theo, tôi rủ được một tên nữa làm cộng tác viên. Hắn đang thực tập ở công ty luật, lương tháng 2 triệu, suốt ngày chạy nhông nhông ngoài đường giao hồ sơ, và than khổ vì cuối tháng tính ra lỗ vốn sau khi trừ tiền xăng. Biết hắn nản, nên tôi buông lời gạ gẫm “nếu ngoài kia khó khăn quá thì quay về với anh”. Không ngờ hắn về thật.

Nghĩ đi nghĩ lại, nếu tiếp tục ở văn phòng xấu xí này thì không ổn chút nào. Làm một thời gian thì chúng nó cũng bỏ đi vì bất tiện.

Văn phòng kinh doanh đồ du lịch
Văn phòng kinh doanh đồ du lịch

Thế là đầu tháng 5, tôi đánh liều một phen, chuyển văn phòng mới đẹp hơn, tiện hơn vì ở ngay mặt đường lớn, cạnh bến xe bus. Nhưng 4 củ quả là một mức giá hơi cao (năm 2018), khiến lòng tôi lo nơm nớp.

Trong những tháng đầu, thu nhập tốt nhờ bán đồ du lịch và tiếp nhận các dự án marketing ngoài. Tiền lời tôi lại tiếp tục mở rộng, và lấn thêm mảng nội thất văn phòng. Sau 4 tháng, số người tăng lên gần chục người bao gồm cả cộng tác viên, thực tập sinh.

Quyết định mở rộng bằng cách tuyển thêm người là một việc làm ngốc nghếch. Bởi vì, nó làm bộ máy thêm cồng kềnh và khó kiểm soát.

Video review bịt tai chống ồn khi đi máy bay
Video review bịt tai chống ồn khi đi máy bay

Trong thời gian đó, tôi đã cố gắng xây kênh youtube để giới thiệu sản phẩm, nhưng đã thất bại.

Thường xuyên thức tới 2h sáng, ngủ được vài tiếng rồi dậy rõ sớm, đến cả chủ nhật vẫn làm hùng hục. Rồi làm đủ thứ việc từ đi lấy hàng, nhập hàng, SEO website, chạy quảng cáo, quay video, nghe điện thoại tư vấn khách, hướng dẫn mọi người làm việc,…

Điểm một vài khó khăn mà tôi gặp phải:

Do bản thân non nớt, thiếu kinh nghiệm nên tôi gặp một số vấn đề trong việc đào tạo và quản lý nhân viên.

Lần đầu tiên tôi buộc phải cho một người nghỉ việc, buồn mất mấy ngày liền, cảm giác như từ dã một người thân thiết vậy. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, làm chủ thật “cô độc”, người đến rồi đi. Cũng không thể tránh khỏi, bởi vì mình không thể giữ chân được con cá mập. Cái ao mình bé quá, rồi cũng có lúc cá mập phải ra biển khơi tìm vùng đất mới.

Khởi nghiệp kinh doanh luôn nhiều đầu việc và tôi đã mắc phải chiếc bẫy đa nhiệm này. Đa nhiệm khiến cho trí não bị phân tâm, kết quả là hiệu suất giảm và mất khả năng làm việc sâu.

2. Kiếp nạn thứ 2 (kinh doanh nội thất văn phòng)

studio quay chụp nội thất

Tôi bán toàn bộ dự án đồ du lịch, số tiền thu về được đầu tư hết sang mảng nội thất (mà tôi đã tìm hiểu được nửa năm rồi).

Chúng tôi gồm 4 người:

  • Hải (người bạn tôi rủ về làm cùng) phụ trách kỹ thuật thi công
  • Anh còn lại (gọi là B) phụ trách công nghệ
  • Một anh (gọi là A) phụ trách hàng hóa và quan hệ
  • Tôi phụ trách marketing và xây dựng hệ thống

Ban đầu 4 anh em hợp tác rất ổn với nhau, nhưng sự phức tạp càng ngày càng tăng khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng. Sự căng thẳng đơn giản là đến từ triết lý kinh doanh trái ngược của mỗi người (nhất là trong giai đoạn khó khăn khi covid-19 đến).

Mọi thứ trở nên cay khi tôi đã đầu tư hết mọi thứ vào dự án.

Lúc này, tôi thấy bản thân bị mất tự do khi các quyết định bị ràng buộc bởi đối tác.

Đã mất tự do thì không thể nào làm việc vui vẻ được, và tâm trí càng ngày càng bị giam hãm chặt hơn.

Thất bại lần 2.

Tôi lựa chọn rút lui.

Mà đã là chủ động rút lui thì những gì đầu tư coi như mất gần hết.

Nhưng phải chấp nhận, vì nếu cứ dây dưa thì mục tiêu ban đầu mà tôi đặt ra sẽ đâm vào đường cụt.

Khủng hoảng, lạc lõng, và trong thế giới của tôi chỉ chứa một màu đen mù mịt.

Trở nên ít nói, hay trầm ngâm và cảm thấy xấu hổ khi đối diện với mọi người. Để cứu rỗi tâm hồn, tôi vùi mình vào nghiên cứu về triết học và tâm linh.

Thơ thơ thẩn thẩn như một kẻ mất hồn.

Tôi dành hàng tháng trời đi bộ quanh hồ Hạ Đình (nơi mà tôi sống). Mỗi khi tâm trí khởi lên sự oán trách, đổ lỗi là tôi ngăn nó lại. Chính cách này làm cho bản ngã trong khoảnh khắc đó sụp đổ vì không có nơi bám víu, cũng là lúc tôi thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng đầy tăm tối của chính mình. Tôi đã đứng lên sau thất bại, đứng lên để tiếp tục xây dựng cuộc sống mới cho chính mình.

Những gì tôi học được ở giai đoạn này:

Tôi không phải là người bán hàng giỏi, mà là dân thuần kỹ thuật, hướng nội và thích xây dựng business (theo chiều hướng tự động hóa).

Anh A là một người hơn tôi chục tuổi, dày dặn kinh nghiệm thương trường. Tôi cùng anh ấy dẫn khách hàng đi thăm xưởng và kho nội thất. Cách anh ấy kể câu chuyện khiến cả tôi và người khách kia chìm đắm vào một dòng chảy thú vị. Bên cạnh đó, thi thoảng chúng tôi ngồi quán nước, đi bộ trao đổi với nhau về triết lý sống mà đến giờ tôi vẫn suy ngẫm về nó. Về sau, chúng tôi mâu thuẫn gay gắt, nhưng rất may tôi vẫn lưu giữ được một vài khoảnh khắc tốt đẹp trong tâm trí (dù sau này sẽ không làm việc với nhau nữa).

Trải nghiệm này cho tôi thấy ngoài marketing thì bán hàng cũng vô cùng quan trọng.

Anh B là một người giỏi công nghệ, kiến thức uyên thâm, hỏi cái gì cũng giải thích được. Nhưng giỏi quá nên đôi khi cũng hơi cáu vì nói cái gì cũng bị bật :))) Chính con người này đã gieo vào tâm trí tôi một hạt giống về nền kinh tế tri thức mà sau này tôi theo đuổi. Tính ra, tôi nhận được từ anh ấy rất nhiều. Hi vọng sau này chúng tôi có thể tiếp tục hợp tác trong các dự án mới.

Phương và Hải – hai người đồng hành cùng tôi trong dự án nội thất từ những ngày đầu tiên khởi sự và cùng nhau trải qua những thời điểm khó khăn nhất (cảm ơn).

Đây là Hải (bên phải), cậu ấy là người có kháng thể ý chí tốt nhất mà tôi từng gặp. Cậu ta miễn nhiễm với tất cả môi trường (với con người) nhằm chiếm đoạt đi ý chí chiến đấu của cậu ta. Phải thừa nhận, tôi cần chạy vài trăm km nữa mới đuổi kịp. Hiện tại chúng tôi không còn hợp tác với nhau nữa, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc, hỗ trợ nhau trên con đường phát triển.

Tổng kết bài học lần 2 thất bại.

Dự án đồ du lịch nhuốm màu phấn chấn của tinh thần khởi nghiệp, thì nội thất lại cho cuộc đời tôi những cơn mưa gió bão bùng. Nhưng chính quãng thời gian tồi tệ nhất lại mang lại cho tôi nhiều bài học nhất về cách vượt qua thất bại.

Tôi suy ngẫm nhiều hơn, tôi bớt đi tính kiêu ngạo, không phán xét tốt xấu, mà thay vào đó nhìn vấn đề một cách đa chiều. Đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình tập học, đến nay, tôi vẫn cố gắng rèn luyện chúng thường xuyên.

3. Thất bại thêm lần nữa, tiếp thị liên kết (Affiliate marketing)

Trong thời điểm đầu năm 2020, có một ông anh rủ tôi làm affiliate cho crypto với giọng điệu rất fomo. Một nửa tôi không tin, nửa còn lại tôi đang quay cuồng với dự án nội thất nên đã từ chối.

Khoảng 1 năm sau, ông ấy mua BMW.

Choáng.

Lúc này, tôi bị fomo thật, và đã quyết định làm affiliate Crypto. Bên cạnh đó, có làm thêm VPN và Hosting.

VPN được trả hoa hồng tới 60%.

Hosting được trả từ 100% – 150% tùy theo doanh số thu được.

Tiền hoa hồng sẽ được trả sau ít nhất 1 tháng, hoặc thậm chí 1 năm.

Chúng tôi sử dụng google ads để chạy quảng cáo, cái dở nhất của mấy trò này là tài khoản chết liên tục (tôi đã phải mua hàng trăm email và các tài nguyên khác).

Các chiến dịch chạy quảng cáo cho Crypto đều không cắn tiền, dù ngân sách có lớn đến mấy.

Nhưng rất may, VPN và Hosting lại chạy tốt.

Tuy nhiên, có một số vấn đề mà tôi gặp phải: Số phận của người là affiliate nằm hết trong tay của Google và chủ dự án Affiliate.

Google sẽ cho bạn bay (die) tài khoản bất cứ lúc nào mà không cần lý do, đôi khi tiền sẽ bị giữ trong đó mãi mãi.

Các chủ dự án Affiliate nắm trong tay quyền sinh quyền sát, sẽ đóng tài khoản của bạn lúc nào không hay rồi im lặng.

Tôi nhận thấy, nếu cứ chạy affiliate kiểu này thì không phải là hướng phát triển lâu dài. Bởi vì, sự chủ động của mình bị tước đoạt, lâu lâu thấy lo nơm nớp không biết nó có trả tiền mình không (nếu trúng mánh thì lãi lớn, nhưng nếu càng mở rộng thì rủi ro càng cao, bỗng dưng nó mà giữ tiền không trả thì có mà trở về “mo”).

Đây là mô hình rủi ro cao, và tôi không nắm quyền kiểm soát. Nên không thể coi affiliate bằng cách chạy quảng cáo là sự nghiệp lâu dài.

Thất bại lần 3.

III. Các công việc khác mà tôi làm song song với 3 dự án trên

1. Dịch vụ chạy quảng cáo và SEO website

SEO và quảng cáo google là hai dịch vụ hot trước nhưng năm 2020.

Nhưng càng ngày sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Lẽ dĩ nhiên, tôi bị đá khỏi cuộc chơi.

2. Xây dựng app cho doanh nghiệp

App trong trường hợp của tôi chủ yếu là sử dụng no-code để xây dựng.

Tôi không rành về kỹ thuật dựng áp, thứ tôi rành là quy trình vận hành doanh nghiệp. Bởi vậy, mỗi khi có dự án là tôi lên các Group trên facebook thuê các bạn kỹ thuật với mức giá vừa phải và cung cấp với mức giá cao hơn.

Nhưng cách đây nửa năm, tôi đã quyết định dừng dịch vụ này.

Bởi vì, mỗi doanh nghiệp là các vấn đề khác nhau cần giải quyết. Mà quá nhiều vấn đề thì sẽ dễ dàng khiến tôi kiệt sức, và mất quá nhiều thời gian để xử lý sự vụ.

Trong trường hợp của tôi, rất ít các công việc lặp đi lặp lại, cho nên tôi không thể quy trình hóa, không thể scale up (nhân rộng).

3. Dịch vụ viết nội dung và thiết kế website

Bạn không thể kéo tôi ra khỏi bàn với một bữa ăn hay một bộ phim hot nhất rạp CGV khi tôi ngồi mày mò, nghiên cứu cách website hoạt động và xây dựng nó.

Tôi cũng thường hay sôi máu, và trở nên cáu gắt khi ai đó làm phiền lúc tôi viết lách. Tôi đã phải giao hẹn với cả nhà là tuyệt đối đừng làm phiền tôi lúc tôi đang làm việc với những câu từ đầy mùi nghiêm trọng (vì chẳng ai hiểu được nỗi thống khổ khi luồng suy nghĩ của tôi bị ngắt quãng cả).

Nghĩ đi nghĩ lại, thì đây chính là công việc mà tôi yêu thích nhất (dù hồi đi học tôi rất ghét văn).

IV. Không có gì là vô nghĩa, tất cả đều có nguyên nhân

Về bản chất, tôi không phải là người quá kỷ luật.

Tôi là người cả thèm chóng chán.

Tôi dễ dàng ngồi vào tìm hiểu một chủ đề, nhưng cũng nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác thú vị hơn.

Đó cũng là lý do mà tôi có thể đa nhiệm, trong giai đoạn khởi nghiệp cái gì tôi cũng làm được nhưng mà làm không sâu. Thứ sâu duy nhất là tâm trí của tôi, suy nghĩ của tôi về mọi điều xảy ra trong cuộc sống.

Tôi sinh ra trong một gia đình hết sức bình thường, không có ai định hướng, không có ai dẫn dắt.

Đó chính là lý do mà tôi phải thử tất cả.

Tôi phải thử và sai. Tôi làm và thất bại. Không còn lựa chọn nào khác, đó là cách duy nhất để đi lên.

Nếu không có những thất bại đó, không có những thống khổ và khủng hoảng đó tôi đã không biết tới triết lý đạo Phật, không biết tới thầy Ngô Minh Tuấn, thầy Minh Niệm, thầy Thích Thông Lạc, thầy Thích Nhất Hạnh,… Rồi không biết tới triết học phương Tây như Friedrich Nietzsche, nhà tâm lý học Carl Jung, người thầy Jordan B. Peterson, bác Naval Ravikant (triết gia và doanh nhân lỗi lạc),… và cả những câu chuyện về Đức Chúa Jesus.

Nếu không có những vấn đề lớn của cuộc sống, tôi sẽ không tìm tới giải pháp.

Tôi sẽ không nghiên cứu sâu, suy nghẫm về những gì họ nói, mà chỉ lướt qua như một cơn gió, như một kẻ sưu tầm kiến thức mà không thực hành.

Nếu như không dám bước chân ra khỏi vùng an toàn lúc 25 tuổi, có thể bây giờ tôi cảm thấy hối tiếc vì đánh mất quãng thời gian tuổi trẻ.

Tôi trân trọng và biết ơn những khó khăn vừa trải qua.

Cảm ơn rất nhiều!

V. Ý nghĩa cuộc sống

Bây giờ, tôi đã định nghĩa lại khái niệm thành công của mình:

Sức khỏe tinh thần và thể chất là ưu tiên số 1 của tôi (dù là gián tiếp hay trực tiếp). Tôi nhận ra điều này khi những ngày tháng làm việc 10-12 tiếng một ngày đã tàn phá bộ gen di truyền khỏe mạnh mà bố tôi để lại (hza đến giờ tôi còn không khỏe bằng ông). Để cải thiện, tôi đi bộ trung bình nhất 6,000 bước mỗi ngày, ngủ sớm, ngồi thiền, hạn chế ăn thịt và đồ ăn nhanh…

Mối quan hệ: Có đợt tôi nghe được một ông nào đó trên youtube nói 1 câu rất hay “thành công của tôi là khi về già có thể trò chuyện với con mình”. Từ đó, tôi lấy mục tiêu này làm biểu trưng cho hoạt động xây dựng mối quan hệ.

Tự do tài chính: Khái niệm về tự do tài chính của tôi không còn thiển cận như xưa nữa. Trước mắt, để đạt được tự do tài chính thì tôi sẽ cần giảm ham muốn những thứ không cần thiết, và chi tiêu vừa đủ cho nhu cầu. Bên cạnh đó vẫn phải kiếm thật nhiều tiền.

Công việc nằm trong cuộc sống

Giờ đây, công việc của tôi phải là một phần trong cuộc sống. Tiền bạc được tạo ra là kết quả của lối sống chứ không phải ngược lại.

Nghĩa là, tôi sẽ không bán linh hồn mình cho tư bản. Tôi sẽ sống theo định nghĩa của riêng mình.

VI. Tầm nhìn cho một cuộc sống mới

Hơn 2 năm về trước, tôi đã rời thành phố để trở về với thiên nhiên.

Ecopark – gần 3 năm
Đây là nơi hiện tại tôi sống

Tôi đã dành khoảng một năm vừa làm freelancer, vừa nghỉ ngơi, và tìm kiếm hướng đi mới.

Lúc này, tôi đã có cho mình định nghĩa về khái niệm LÀM CHỦ.

Khái niệm cũ: Làm chủ theo nghĩa đen trở thành ông chủ của một nhóm người (chủ công ty, cơ sở kinh doanh,…) – làm chủ người khác. Tự do là làm bất kỳ điều gì mình muốn.

Khái niệm mới: Bây giờ tôi tìm kiếm sự tự do từ bên trong, và cả bên ngoài. Tự do bên trong là cách để bản thân thoát ra khỏi sự tham lam, tức giận, buồn bã, và các ham muốn có hại – đây là làm chủ tâm trí. Tự do bên ngoài là có quyền nói “có” hoặc “không” với mọi lựa chọn.

Trong công việc, tôi không thích làm chủ của ai cả. Có thể dưới vai trò làm thuê cho ai đó cũng chẳng sao. Cái quan trọng nhất là tôi được lựa chọn người mà tôi muốn làm việc cùng, người mà tôi có thể kết nối, người mà tôi gọi là cộng sự.

Tầm nhìn cho cuộc sống mới:

Tất cả đều là doanh nhân mà không cần phải mở doanh nghiệp. Tương lai của công việc là vui chơi và thư giãn.

Xem thêm: Tương lai của nền kinh tế sáng tạo

VII. 6 bài học mà tôi rút ra từ hơn nửa thập kỷ thất bại

Trong hành trình đã đi, có rất nhiều bài học mà tôi học được, nhưng đây là 6 bài học có tác động mạnh mẽ nhất:

Post by @ducthongdo_writer
View on Threads

1, Nghiên cứu triết học để có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống

Tôi cả thèm chóng chán là vì tôi không có nội tại.

Tôi không có nội tại là vì tôi không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.

Khi tôi tìm ra ý nghĩa, thì việc mà tôi từng ghét nhất (là viết văn) trở thành công việc mà tôi yêu thích nhất. Tôi làm mà chẳng cần ai thúc giục. Tôi dễ dàng rơi vào trạng thái dòng chảy (flow) mà không cần dùng quá nhiều kỹ thuật.

Khi yêu rồi thì gi gỉ gì gi cái gì cũng dễ. Đúng không?

Suy ngẫm triết học là cách tôi xây dựng nội tại và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.

Bây giờ, bạn cũng có thể.

2, Dám thất bại nhiều hơn

Nếu như bạn tìm được người dẫn dắt. Tuyệt vời ông mặt trời.

Hãy cứ làm theo họ chỉ dẫn, học hỏi, bắt chước rồi sau đó tìm ra con đường của riêng bạn.

Nhưng nếu bạn rơi vào hoàn cảnh giống tôi (lạc lõng giữa đường đời tấp nập) thì đừng ngại thử sai và đón nhận thất bại.

Khi thất bại, bóng tối sẽ bao trùm. Nhưng khi nhìn đủ lâu vào bóng tối, ánh sáng sẽ xuất hiện. Khi thấy ánh sáng, đừng ngại bước đi và làm lại lần nữa.

3, Thật lòng cho đi nhiều hơn

Trước đây, những gì tôi học được, tôi đã cố ý giấu cho riêng mình.

Nhưng giờ tôi nhận ra mình sai (việc làm đó thật ngu ngốc và lãng phí). Bây giờ, tôi cho đi nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm của mình dưới ngòi bút, đặc biệt là những hố bom mà tôi đã đi qua để ai đó kịp tránh.

4, Học ít đi, hành động nhiều hơn

Thu thập quá nhiều kiến thức đầu óc bạn sẽ trở nên căng thẳng, suy luận quá nhiều khiến lá gan nhỏ lại thành con thỏ đế. Nó khiến bạn không dám hành động, không dám thử sai.

Học đến đâu, làm đến đấy.

5, Sức khỏe là quan trọng nhất

Có sức khỏe bạn sẽ làm việc năng suất hơn.

Có sức khỏe bạn sẽ tỏa ra năng lượng tích cực hơn đối với mọi người xung quanh.

6, Lắng nghe mà không phán xét

Tôi nhận ra rằng mọi sự vật, hiện tượng chỉ mang tính tương đối và không có đúng hay sai hoàn toàn.

Bởi vậy, tôi sẽ cố gắng không phán xét đúng sai khi nghe ai đó nói chuyện.

Khi bạn lắng nghe tất cả mọi góc nhìn trong cuộc sống, bạn sẽ thu thập một nguồn dữ liệu khổng lồ để sáng tạo.

Nhưng…

Nghe xong thì quên hết mẹ tất cả đi (vì họ không phải là bạn).

Tìm một nơi yên tĩnh, lắng nghe chính mình rồi tự quyết định. Lúc này, các quyết định bạn đưa ra mới là chuẩn nhất.

Cảm ơn bạn đã đọc.

Rất biết ơn vì những giá trị mà tôi cho đi có người đón nhận.

Tôi hi vọng bài viết này sẽ mang lại cảm hứng nào đó cho cuộc sống của bạn.

Mạnh mẽ chiến đấu với cuộc sống đầy khó khăn.

Bức thư đến từ Đức Thông


Theo dõi
Thông báo của
guest

4 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trần Hải
Trần Hải
5 tháng trước

Liệu có mấy ai dám nói ra những thất bại của cuộc đời mình
Thất bại không đáng sợ, thất bại chỉ đáng sợ khi ta thất bại mà không biết vì sao mình thất bại và không rút ra được bài học gì sau thất bại đó.

Vincente Than
Vincente Than
5 tháng trước

Tuyệt vời anh ơi, như câu hỏi hôm bữa anh hỏi em, em rất tâm đắc về bài viết này của anh, em thấy được sự thật trần trụi của thành công. Không những GenZ mà những người đang muốn start-up hay đơn giản là kiếm được IKIGAI của mình có thể có thêm góc nhìn. Em cảm ơn anh!

Share This