Tương lai của nền kinh tế sáng tạo (dự đoán táo bạo của tôi)

Đăng ký để nhận bản tin về các nghiên cứu điển hình qua email


Tôi đã chuyển tới Vin Ocean Park 2 được một tháng.

Tôi quan sát mọi thứ và đã hiểu tại sao bác Vượng lại giàu đến vậy.

Trong bài viết này, mục đích của tôi không phải cổ vũ bạn trở thành tỷ phú như bác Vượng. Nhưng nếu bạn hiểu sâu sắc những gì bác làm, bạn sẽ biết cách áp dụng ý tưởng này vào bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn đang hoạt động để vươn lên vị trí tốt hơn, xứng đáng hơn.

Đây là những gì tôi đã tìm hiểu được:

Ocean Park 2 trước đây là một khu đất ruộng.

Bạn đoán xem đất ruộng giá là bao nhiêu?

Vậy mà bây giờ, tại đây mọc lên các căn biệt thự dao động từ 10 – 50 tỷ. Cứ vài chục mét lại có một cụm camera an ninh, cứ vài chục phút lại gặp vài anh bảo vệ cưỡi xe máy điện lượn lờ như cá cảnh. Các cô lao công sáng quét dọn một lần, đến chiều lại quét lại. Chạy ra khỏi nhà vài trăm mét là công viên với đài phun nước, khu tập GYM ngoài trời, cùng rặng cây chà là xào xạc, thì thào với hàng râm bụt đủ sắc màu.

Nếu nóng quá, bạn chỉ cần nhòm vào chiếc camera quét mặt rồi nhảy tùm xuống hồ bơi làm vài vòng cho mát. Di chuyển khoảng 1,2 cây số ra trung tâm là kinh đô ánh sáng và dòng sông Venice thơ mộng của Mega Grand World – nơi hàng trăm nghìn người đổi về vào mỗi cuối tuần (đã nhiều tháng nay rồi vẫn không suy giảm).

Chính sách thu hút người dân: Mua nhà được tặng 1 xe vinfast, tặng 20 triệu/tháng trong vòng 2 năm nếu điều kiện có nhà có người ở thường xuyên. Các cửa hàng kinh doanh ở mặt phố lớn, giá thuê cực kỳ ưu đãi, ký hợp đồng 3 năm được tặng 2 năm. Tặng 400 triệu để hoàn thiện nội thất theo tiêu chuẩn của Vin. Nhân viên Vin được tặng voucher ăn trưa hoặc uống nước tại các cửa hàng trên địa bàn Vin (đồng thời tạo công ăn việc làm cho các quán ăn, nhà hàng) .v.v.

Mọi thứ đều được kết hợp nhuần nhuyễn một cách kỳ lạ.

Đó là nền kinh tế sáng tạo mà bác Vượng đã áp dụng.

Trái ngược với nền kinh tế “sáng tạo” là “khai thác”. Khai thác nghĩa là sự tranh giành tài nguyên có sẵn. Ví dụ như đất đai, dầu mỏ, than đá,… hay thậm chí là sức người lao động. Cái thời kỳ mà chỉ cần đi quan hệ, chém gió, nịnh hót là có tiền, rồi chia nhau sao cho khéo. Nhưng khai thác nhiều thì nó cũng hết, khi nguồn tài nguyên cạn kiệt thì sự tranh giành diễn ra, ai khỏe hơn người đó thắng, còn kẻ yếu thì trắng tay.

Nếu cứ đi theo con đường cũ, những người không sinh ra từ vạch đích như chúng ta không thể nào cạnh tranh nổi với họ (những người có sẵn tài nguyên, tiền bạc và mối quan hệ).

Ngược lại, nền kinh tế sáng tạo là cách bạn tạo thêm giá trị từ cái cũ. Khi tạo ra tài nguyên mới, bạn không cạnh tranh với ai cả. Bạn không trực tiếp tước đoạt tài nguyên của người khác. Ngược lại, bạn liên tục tạo thêm giá trị cho mọi người xung quanh (bao gồm cả đối thủ).

Đó là cách bác Vượng áp dụng nền kinh tế sáng tạo và trở nên giàu có (Respect).

Nhưng…

“Thông ơi, tôi và bạn không thể làm như bác Vượng.”

Bạn nói đúng.

Tôi biết điều đó, tôi cũng như bạn. Tôi không thể làm như bác, bởi vì tôi không phải bác ấy, và tôi có con đường của riêng mình. Bạn cũng vậy, bạn có con đường của riêng bạn, mối quan tâm của riêng bạn.

Nhưng bạn sẽ áp dụng phương pháp này vào lĩnh vực của mình, để phát huy hết tiềm năng, và tạo ra thật nhiều giá trị.

Ví dụ:

  • Nếu bạn làm nghề đào tạo, hãy trở nên sáng tạo trong cách dạy học của mình. Biến kiến thức sách giáo khoa nhàm chán trở nên sinh động.
  • Nếu bạn là nhà thiết kế, ca sĩ, nhạc sĩ, hãy tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị.
  • Nếu bạn là nhà văn, đừng chỉ viết những lời ngọt ngào giải trí, hãy viết những điều tạo giá trị cho người đọc, giúp họ cải thiện cuộc sống.

Danh sách cứ nối dài mãi…

Nếu không sáng tạo bạn sẽ bị thay thế bởi AI, máy móc tự động hóa, hoặc thậm chí bởi những đối thủ lạnh lùng đá bay bạn ra khỏi cuộc đua mà không thương tiếc.

Nếu bạn trở thành người sáng tạo, bạn đã đặt mình vào mắt xích của một nền kinh tế sáng tạo. Cuối cùng, bạn sẽ nhìn cuộc đời với con mắt hoàn toàn mới, và hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.

Nếu bạn sẵn sàng, trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ cho bạn 4 ý tưởng lớn:

  • Ý tưởng sáng tạo là một nguồn tài nguyên vô tận
  • Cách trở thành người sáng tạo
  • Kiếm tiền từ tâm trí chứ không phải thời gian của bạn
  • Tương lai của công việc là vui chơi

Lưu ý: Tôi sẽ lấy nhiều ví dụ về việc làm của bác Vượng, nhưng bạn cần vặn nhỏ volume, thu nhỏ quy mô sao cho phù hợp với vị trí hiện tại của bạn.

Nào, cùng tôi lặn sâu hơn nữa.

I. Ý tưởng sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận

Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng nhất lịch sử.

Mọi thứ đang thay đổi nhờ tác động của công nghệ, AI, internet, và máy móc. Nếu ai đó đang trách móc thế hệ GenZ không cày hì hục như thế hệ 8x,9x tụi mình thì tâm trí họ đang tiến chậm hơn so với thời đại.

Tác động của máy móc tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang đe dọa mọi công ăn việc làm. Các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Đất đai, khoáng sản, động thực vật trở nên khan hiếm vì khai thác quá mức.

Ở mức vi mô, tài nguyên cung cấp từ bố mẹ bạn cũng dần hết khi họ ngày càng già đi, năng suất lao động giảm sút.

Tóm lại, bạn cần tìm một hướng đi mới dễ dàng hơn (so với lao vào cạnh trnah khốc liệt với những người đã có lợi thế lớn) để tiếp tục sinh tồn và phát triển.

AI là một công cụ - nó thay thế những công việc lặp đi lặp lại chứ không phải công việc sáng tạo.

Thế giới vật chất là hữu hạn.

Vì vậy, hãy chuyển lên không gina tinh thần.

Đó là nơi bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, suy nghĩ của bạn, và nó được gọi là các ý tưởng.

Hãy nhìn lên internet, các ý tưởng là vô tận phải không?

Ví dụ cho thấy ý tưởng quan trọng tới mức nào:

  • Bạn sở hữu doanh nghiệp hàng trăm, chục người, nếu không có ý tưởng kinh doanh tốt bạn sẽ không thể khiến công ty hoạt động.
  • Bạn có trong tay một con AI (miễn phí hoặc vài trăm nghìn một tháng), nếu không có ý tưởng tốt, nó chỉ là một phần mềm vô dụng.
  • Bạn dễ sàng tạo ra một website với mức chi phí 1-2 triệu đồng (cách đây chục năm là 10-20 triệu) nhưng nếu không có ý tưởng tốt, bạn sẽ biến nó thành trang web ma không ai nhòm ngó.
  • Với internet, bạn dễ dàng xuất bản một bài viết (ngày xưa mất tiền đăng báo), nhưng nếu ý tưởng không thể tác động làm cuộc sống người đọc trở nên tốt hơn, bài viết vô dụng.
  • Bạn có một cục tiền tích góp được, nếu không có ý tưởng tốt, bạn sẽ cháy túi chỉ sau vài ngày đầu tư.

Giống như bác Vượng, với nguồn tài nguyên hữu hạn, rẻ tiền là đất ruộng, bác đã biến nó thành khu bất động sản trị giá hàng trăm nghìn tỷ.

Vặn nhỏ volume lại, và tự hỏi: “Ý tưởng nào làm cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn?”

II. Cách trở thành người sáng tạo

Nạp nguyên liệu

Ý tưởng sáng tạo không phải được sản xuất từ không khí.

Sáng tạo là cách bạn sử dụng cái cũ để tạo ra thứ gì mới mẻ.

Sáng tạo là cách bạn phối các ý tưởng có sẵn để tạo ý tưởng mới giúp bạn hoặc ai đó cải thiện công việc hoặc cuộc sống.

Do vậy, để tạo ra các ý tưởng sáng tạo tốt, bạn cần tiêu thụ nội dung có chủ đích. Nội dung bao gồm sách, báo, video, podcast, cuộc nói chuyện và những gì bạn tiếp xúc hàng ngày.

Vì vậy, đừng lướt tiktok để tìm kiếm dopamine rẻ tiền. Thay vào đó, hãy chọn ra 5 quyển sách có tác động đến bạn nhiều nhất, tiêu thụ nội dung của 5 người mà bạn muốn trở thành. Đó sẽ là nguyên liệu chất lượng để bạn bước vào hành trình sáng tạo.

Kích hoạt khả năng sáng tạo

Tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra vỏ não trước trán là trung tâm của sáng tạo và những phát minh. Là nơi sản sinh ra các thiên tài.

Tưởng tượng…

Cơ thể bạn như một dàn nhạc, thì vỏ não trước trán là nhạc trưởng chỉ huy. Cơ thể bạn là một doanh nghiệp, thì vỏ não trước trán là giám đốc điều hành (CEO) thứ thiệt.

Do đó, nếu bạn biết cách kích hoạt vỏ não trước trán, bạn sẽ mở khóa khả năng sáng tạo vô hạn của mình.

Vậy làm sao để mở?

Mỗi khi bạn làm việc gì đó, hãy trả lời hai câu hỏi:

  • Tại sao bạn lại ở đây? – (hãy tìm hiểu sâu sắc về việc bạn đang làm)
  • Bạn đang làm việc này vì điều gì? – (bạn đang làm để mang lại điều gì tốt đẹp cho bản thân và người khác)

Một số ví dụ:

Trong trường hợp bác Vượng (tôi dự đoán thôi nha các vị):

  • Tôi ở đây để làm việc (gồm công việc A, B, C,…)
  • Tôi làm việc này là vì trải nghiệm bản thân và vì mang Việt Nam vươn tầm thế giới, vì lòng tự hào dân tộc.

Trường hợp bạn làm đào tạo:

  • Tôi ở đây để truyền đạt kiến thức cho học sinh
  • Tôi dạy vì muốn nâng cao kiến thức, kỹ năng và giúp học sinh phát triển, đó là điều tôi tự hào vì học sinh của mình.

Trường hợp bạn làm kinh doanh:

  • Tôi ở đây để bán hàng (tìm kiếm, tư vấn, thuyết phục,…)
  • Tôi làm việc này là để giúp bản thân phát triển, kiếm tiền nuôi sống gia đình, mang lại giá trị cho khách hàng và giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Đừng hiểu lầm, tôi không thích nói về vấn đề đạo lý. Đây là khoa học. Bạn giúp đỡ người khác là bạn đang giúp đỡ chính mình. Khi bạn gán cho công việc của mình một ý nghĩa, ý nghĩa càng lớn, càng vượt ra ngoài bản thân bạn để hướng tới người khác thì vỏ não trước trán bạn càng được kích hoạt mạnh mẽ.

Suy nghĩ là ngôn ngữ của não, kinh nghiệm là ngôn ngữ của cơ thể. Lúc này, bạn không chỉ muốn hoàn thành công việc cho xong để nhấc mông, chấm công rồi về. Bạn không chỉ muốn kết quả, bạn muốn có kết quả tốt hơn. Kiến thức từ trên não bắt đầu chuyển xuống cơ thể, nó không còn ở trên não nữa, bây giờ nó ngấm vào da thịt, vào từng mã gen và trở thành bản chất của chính bạn.

Bạn trở thành con người mới, tiến bộ hơn, với khả năng sáng tạo vô hạn.

Thiết lập môi trường sáng tạo

Bạn không thể xác định và nhìn thấu vấn đề trong chế độ sinh tồn (căng thẳng, sợ hãi, bực bội). Nó làm tâm trí co lại, tầm nhìn trở nên hạn hẹp, và mọi vẫn đề đi vào bế tắc.

Điều bạn cần làm là thư giãn và nghỉ ngơi.

Khi nghỉ ngơi, bộ não bắt đầu mở rộng, và trở về chế độ mặc định. Khi đó, các dữ kiện được kết nối và truyền tải ý tưởng vào tâm trí bạn.

Ý tưởng sáng tạo không phải do bạn nghĩ ra, vì vậy dù cố gắng nghĩ cũng không được. Nó đã tồn tại sẵn trong không gian vũ trụ, và việc của bạn là tạo môi trường thuận lợi để lấy nó về.

Giống như bảng tuần hoàn hóa học Mendeleev được phát minh trong khi ngủ: “Trong giấc mơ tôi thấy một tấm bảng, nơi tất cả các nguyên tố được đặt vào chỗ theo yêu cầu. Khi tỉnh dậy, tôi ngay lập tức viết nó vào giấy”, Mendeleev nói.

Vì vậy, bạn cần học cách ở một mình để tránh xa các kích thích bên ngoài, cho phép bản thân được thư giãn.

Có nhiều cách để thư giãn. Có người ngồi im lặng hàng giờ để nhìn vào khoảng không tĩnh lặng. Một số người tôi biết, họ chuẩn bị một cuốn sổ tay trong nhà tắm. Mỗi khi ý tưởng sáng tạo nảy sinh, họ tắt vòi nước, nhanh chóng cầm bút ghi chú ngay vào cuốn sổ của mình.

Riêng cá nhân tôi chọn cách đi bộ, vì đi bộ giúp tôi dễ dàng rơi vào trạng thái thư giãn để quan sát tâm trí lang thang. Mỗi khi ý tưởng xuất hiện, tôi ghi ngay vào điện thoại.

Vâng. Bạn phải ghi chú ngay lại, ý tưởng sáng tạo không phải do bạn cố gắng nghĩ ra, mà là tín hiệu từ vũ trụ gửi về (tôi cho rằng nó nằm trong bộ nhớ vũ trụ Akashic mà Ms Ruby đã nói đến trong video của cô ấy).

Từ người sáng tạo trở thành người giá trị

Bác Vượng có nhiều ý tưởng sáng tạo đổi mới, nhưng nếu không có ai thực hiện và sử dụng thì ý tưởng đó vô giá trị.

Bạn cũng vậy, ý tưởng của bạn cần được đưa vào thực tế để áp dụng. Khi đó, bạn trở thành người tạo giá trị.

Để trở thành người tạo giá trị, có 2 cách:

Cách 1, trực tiếp: Bạn thực hiện giống như bác Vượng. Bác truyền tải ý tưởng của mình xuống nhân viên, rồi cùng nhau triển khai, áp dụng vào thực tế để tạo ra sản phẩm mang tính giải pháp (xe điện, bất động sản,…).

Cách 2, gián tiên: bạn chia sẻ ý tưởng mình đang nghiên cứu, áp dụng lên internet, nếu ai đó lấy ý tưởng của bạn để áp dụng vào cuộc sống của họ và làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn. Bạn trở thành người tạo giá trị. Nếu các ý tưởng của bạn được lưu lại trên mạng xã hội, website, hay video youtube thì nó được gọi là bất động sản trên internet.

Đó là nơi mà mọi người được hưởng lợi từ những ý tưởng của bạn, nơi bạn giữ sự chú ý, và kết nối với mọi người, tạo ra mối quan hệ sâu sắc.

Với những người có nguồn lực hữu hạn như bạn và tôi, hãy chọn cả 2 cách. Làm cách 2 trước, bước tiếp theo đến cách 1.

III. Kiếm tiền từ tâm trí (chứ không phải thời gian của bạn)

Tôi sẽ lấy ra 3 ví dụ:

Bạn làm fulltime cho công ty: Bạn là người liên tục đề xuất các ý tưởng trong các cuộc họp và làm việc nhóm. Tiếp theo, có một vài ý tưởng được đưa vào thực hiện, rồi mang lại kết quả tốt, bạn sẽ được sếp cùng đồng nghiệp ghi nhận. Cuối cùng, bạn được khen thưởng, lên chức, tăng lương.

Tôi biết, có rất nhiều công ty kìm hãm sự sáng tạo của nhân viên để chơi trò triều đình (nắm quyền kiểm soát). Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên chia sẻ công việc bạn làm cùng các ý tưởng lên internet. Một ngày đẹp trời, công ty coi trọng nhân tài sẽ tìm đến bạn. Lúc đó, đừng ngần ngại rời đi.

Bạn làm Freelancer: Tôi đã làm freelancer, và cũng từng thuê freelancer khác. Thực sự, tôi không thể nào làm việc với người mà tôi không thể kết nối (có thể nói chuyện, trở thành bạn bè, tin tưởng nhau trong công việc).

Vì vậy, nội dung (ý tưởng) bạn chia sẻ lên internet chính là chìa khóa để bạn tạo kết nối sâu sắc với khách hàng. Nó cho họ biết bạn là ai? Khả năng sáng tạo của bạn như thế nào? Quan điểm sống của bạn ra sao?

Khi tôi cung cấp dịch vụ, tôi sẽ chọn làm việc cùng với một người thú vị (mà tôi có thể kết nối) còn hơn là làm việc cho gã nhà giàu nhưng khó giao tiếp, khó làm việc cùng nhau.

Khi tôi thuê ai đó, tôi sẵn sàng trả cao hơn cho những ai mà tôi thích, tôi tin tưởng, nếu có cùng hệ tư duy, hệ tư tưởng thì càng tốt.

Kinh doanh sản phẩm: Khi trở thành người sáng tạo nội dung, bạn cho phép mọi người tìm hiểu về bạn, tin tưởng vào con người bạn, vào quan điểm sống của bạn. Bạn phải là chính mình để thu hút những người cùng tần số, nếu thut hút sai bạn sẽ gặp rắc rối.

Khi bạn trở thành người tạo giá trị, bạn cho phép mọi người tin tưởng vào những gì bạn cung cấp, tin rằng bạn sẽ giúp được họ. Lúc này, họ mua hàng từ bạn dựa trên sự tin tưởng chứ không phải dựa trên các thủ thuật marketing (thao túng tâm lý). Ai nấy đều vui vẻ.

Đây là cách bạn kiếm tiền từ tâm trí, từ ý tưởng chứ không phải từ thời gian (giống như 30,000đ / tiếng tại quán cafe). Thu nhập sẽ tăng trưởng theo ý tưởng tích lũy được cùng thương hiệu cá nhân của bạn hình thành thông qua việc tạo giá trị.

IV. Tương lai của công việc là vui chơi

Phần lớn mọi người đề cao sự chăm chỉ, nhưng thực sự họ chưa hiểu sâu sắc khái niệm chăm chỉ là gì?

Chăm chỉ là tận dụng toàn bộ thời gian của mình để hoàn thành mục tiêu. Dành thời gian nghỉ ngơi cũng là một loại chăm chỉ (nghỉ ngơi khác với giải trí như lướt tiktok). Đi bộ thư giãn tìm kiếm ý tưởng cũng là một loại chăm chỉ.

Ăn như sư tử, làm việc như sư tử, cảm thấy như sư tử và sống như sư tử.

Trong thế giới động vật, sư tử là một trong những loài tỏ ra bình thản nhất, nhưng nó lại đứng ở đỉnh cao của quyền lực.

Hãy xem những gì sử tử làm:

Ngồi xuống: thư giãn để tìm con mồi thích hợp.

Chờ đợi: Khi tìm thấy con mồi lớn, nó không vội lao vào tấn công, nó vờn xung quanh để tìm cơ hội.

Chạy nước rút: Lao thật nhanh vò lấy con mồi khi lộ điểm yếu.

Ăn: Chúng không ăn một mình, chúng chia sẻ cùng nhau, vừa ăn vừa thư giãn.

Điều này ngược lại với cách chúng ta đang làm việc. Phần lớn những người hì hục làm việc từ sáng tới khuya, nhưng lại kiếm được ít tiền nhất trong xã hội, điển hình là công nhân trong nhà máy hoặc các chuyên viên văn phòng tuân thủ quy trình làm việc từ 9-5 giờ.

Hãy sống như sư tử.

Với bức thư này, tôi mong rằng sẽ mang lại cho bạn một góc nhìn mới và những ý tưởng mới giúp sự nghiệp của bạn trở nên tốt đẹp hơn.

Chúc may mắn.

Cảm ơn vì bạn đã đọc.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Share This