Hầu như ngay từ đầu, ai cũng muốn xây dựng thương hiệu cá nhân giống như:

  • Anh Hiếu TV đào tạo tài chính cá nhân (768K subscribes).
  • Cô Tiên Tiếng Anh (379K Follower).
  • Thầy Thế Anh English (281K followers).
  • Ms Thủy của Kiss English (323K subscribes).
  • Chị Chi Nguyễn của the present writer (624K subscribes).
  • Hay anh Hữu Trí (Mr. Quéo) của học viện giáo dục AYP (913K subscribe)
  • Hương Mysheo đánh giá 4,9/5 sao với 1,772 review sau 8 năm

hoặc những người làm giáo dục nước ngoài như Dan Koe, Ali Abdaal, Alex Hormozi, Chris Do, Iman Gadzhi, Vinh Giang,…

Nhưng họ đều thất bại (bao gồm cả tôi).

Tại sao?

Bởi vì, hầu như chúng ta chỉ nhìn thấy thành công, mà không thấy họ đã bắt đầu, và bước đi như thế nào.

Để dễ hình dung hơn, tôi đã lật tung quá khứ của họ, và cung cấp cho bạn một số ví dụ minh họa dưới đây:

Anh Hiếu TV đào tạo tài chính cá nhân – bắt đầu viết bài blog đầu tiên vào năm 2006 và đến tháng 2/2021 được viral với podcast “Cuộc sống không mục tiêu”.

Tháng 2/2024, kênh youtube của anh sở hữu 768K người đăng ký chỉ sau 3 năm. Group Facebook đạt 52K thành viên. Blog hieu.tv đạt 140k traffic/tháng.

Bài viết đầu tiên của chị Chi Nguyễn trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân

Chị Chi Nguyễn của The Present Writer, với bài viết đầu tiên vào tháng 5/2016 với lượng người đọc chỉ vài nghìn trong vài năm sau đó.

Đến tháng 8/2020, chị xuất bản video đầu tiên trên youtube.

Tháng 2/2024, kênh youtube của chị đã đạt 624K người đăng ký.

Hành trình xây dựng tiếng anh của thầy Thế Anh english

Tháng 6/2021, bắt đầu xây kênh facebook.

Tháng 8/2019, xuất bản video đầu tiên trên youtube.

Tháng 2/2024, kênh youtube đạt 128K người đăng ký, kênh facebook đạt 281K followers.

Hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân cảu Iman Gadzhi

Iman Gadzhi, người sáng lập ra chương trình giáo dục Educate, anh ấy đã xuất bản video dầu tiên vào 12/2015 trên kênh youtube.

Tháng 02/2024, Iman sở hữu 4,43 triệu người đăng ký với 455 video.

Trong khóa học Educate, Iman đã ghi lại toàn bộ những thước phim chân thật về hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Tôi đã há hốc mồm, khi thấy Iman dành 80% thời gian của mình để thực hiện các công việc cơ bản và nhàm chán (không giống như tôi tưởng tượng khi xem video trên kênh hơn 4 triệu subscribes trên youtube).

Để ra được bài viết này, tôi đã lật ngược thời gian, nghiên cứu hàng chục người làm giáo dục lớn nhỏ. Họ đều tuân thủ các nguyên tắc cơ bản giống nhau rồi sáng tạo theo cá tính, sở trường và kỹ năng của mỗi người.

Bạn không thể ngay lập tức nổi tiếng giống họ. Đó là vấn đề của không chỉ riêng ai.

Nhưng,

Chắc chắn bạn có thể bắt đầu giống họ bằng việc thiết lập, xây dựng một thương hiệu cá nhân có tầm “ảnh hưởng sâu sắc” đến một cộng đồng vừa phải, như gia đình, bạn bè, đối tác và học viên của bạn.

Để từ đó,

  • Giúp bạn hạnh phúc trong công việc, khi được sống là chính mình.
  • Giúp công việc đào tạo của bạn trở nên dễ dàng hơn, khi tìm được học viên phù hợp (hay theo giới trẻ hay gọi là cùng tần số).
  • Tạo một nền tảng vững chắc, để bạn trở nên nổi tiếng, và có tầm ảnh hưởng lớn lao vào 5-10 năm tới.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về những gì tôi đang làm và học được qua 3 chủ đề chính:

Hiểu chính xác thương hiệu cá nhân là gì?

Tại sao bạn nên xây dựng thương hiệu cá nhân?

Các bước đơn giản để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn.

I. Thương hiệu cá nhân là gì?

Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình xác định và quảng bá những gì bạn đại diện với khán giả của mình.

Những gì bạn đại diện bao gồm:

  • Thứ mà bạn cung cấp bao gồm khóa học online và offline, dịch vụ huấn luyện và các sản phẩm đào tạo khác.
  • Tính cách của bạn.
  • Câu chuyện về cuộc sống và công việc của bạn.
  • Hệ tư duy thông qua cách bạn suy nghĩ và hệ tư tưởng thông qua mục đích đào tạo của bạn.
  • Phong cách thông qua ngôn ngữ cơ thể, ngoại hình của bạn.
  • Năng lượng bạn tỏa ra ngoài thế giới là năng lượng tích cực, năng lượng bình yên, ổn định để truyền cảm hững cho học viên của bạn.

Khán giả của bạn bao gồm:

  • Gia đình, người thân, bạn bè – đây là những người ủng hộ về tinh thần, vật chất và nguồn giới thiệu cho bạn.
  • Đồng nghiệp, khách hàng, những người quen biết thông qua internet hoặc đời sống thực.

Xây dựng thương hiệu cá nhân là bạn đang gắn liền câu chuyện, giá trị và tính cách độc đáo của mình với những gì bạn cung cấp. Nó giúp bạn thu hút, xây dựng kết nối sâu sắc với đối tượng lý tưởng của bạn và khiến bạn trở nên nổi bật giữa biển người chen chúc.

Nếu khán giả là gia đình, người thân, bạn bè: Thứ bạn cung cấp là tình cảm, thứ bạn nhận lại cũng là tình yêu thương. Và thương hiệu cá nhân giúp bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.

Nếu khán giả là đồng nghiệp, khách hàng và những người quen biết thì thương hiệu cá nhân giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn phát triển bền vững.

II. 5 lý do nên xây dựng thương hiệu cá nhân

1. Loại bạn ra khỏi sự cạnh tranh

Công nghệ phát triển, giờ đây ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhau trên internet.

Sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt.

Tôi chỉ cần tìm kiếm “khóa học tiếng anh” trên internet, không chỉ xuất hiện hàng chục khóa học ở kết quả tìm kiếm, mà đến nhiều ngày sau, trên trang facebook cá nhân và các website tôi truy cập đều liên tục gợi ý những khóa học mới (đếm đi đếm lại cũng phải xấp xỉ 30 lựa chọn).

Bởi vậy, khi có quá nhiều sự lựa chọn, mọi người sẽ phát sinh thêm nhu cầu không chỉ là về chất lượng và giá cả.

Họ mong muốn được kết nối với người đào tạo.

Người mà họ có thiện cảm, họ thích, họ tin tưởng.

Mọi người có thể so sánh dịch vụ A, B về chất lượng và giá cả (rất rõ ràng với các tiêu chí).

Nhưng, không ai có thể so sánh được tính cách, câu chuyện, và giá trị bạn mang lại cho khán giả của mình. Bởi vì nó mang tính tương đối, người phù hợp sẽ yêu bạn, người không phù hợp hãy để họ rời đi (trừ khi bạn muốn gặp rắc rối lớn).

Bạn trở nên không thể so sánh – Đồng nghĩa với không có cạnh tranh.

2. Thể hiện kỹ năng chuyên môn của bạn

Sai lầm lớn nhất của tôi từng gặp là có quá ít sự lựa chọn.

Nếu bạn có chuyên môn giỏi, nhưng rất ít người biết đến thì có nghĩa là bạn đang thu hẹp cửa phát triển của mình.

Tại sao tôi lại nói như vậy?

Bởi vì, chúng ta không thể tồn tại một mình.

Chúng ta cần liên kết, hợp tác với người khác.

Và đối tác càng phù hợp thì bạn càng tiến nhanh hơn. Kết hợp sai người, sự nghiệp tiến một bước, nhưng lùi vài ba bước.

Càng có nhiều người biết đến, bạn càng có nhiều sự lựa chọn.

Lựa chọn người phù hợp nhất sẽ thúc đẩy bạn tiến xa hơn.

3. Chia sẻ giá trị với người khác

Ai cũng muốn trở thành người có giá trị.

Bạn cũng vậy phải không?

Xây dựng thương hiệu cá nhân là một hành trình chia sẻ giá trị của bạn với mọi người xung quanh và môi trường internet.

Khi bạn chia sẻ kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm của mình, bạn sẽ giúp cho những người theo dõi bạn tránh được cạm bẫy, tai ương mà bạn gặp phải trên con đường mình đi.

Đó là giá trị độc nhất.

Và internet chính là đòn bẩy.

Nghĩa là trước kia bạn chỉ có thể chia sẻ nó cho gia đình, bạn bè thì giờ đây bạn có thể hét lên cho cả thế giới.

4. Xây dựng cộng đồng trung thành

Có một cộng đồng thật tuyệt.

Cộng đồng không chỉ dừng lại ở một Group trên facebook. Cộng đồng bao gồm những kết nối bền chặt xung quanh bạn.

Đó là nơi mà bạn kết nối, trò chuyện với những người cùng chí hướng và yêu quý bạn.

Bạn cần tương tác với khán giả bằng các câu trả lời, lắng nghe ý kiến của họ (thay vì chỉ một icon mặt cười hoặc haha).

Việc trả lời bình luận, tin nhắn không chỉ gia tăng kết nối mà còn giúp bạn hiểu được vấn đề của học viên. Từ đó, nắm bắt được nhu cầu và tìm phương pháp phù hợp để giúp họ giải quyết.

Đối với người làm giáo dục, hiểu học sinh giúp bạn cá nhân hóa chương trình giảng dạy của mình. Từ đó, tối đa hóa khả năng tiếp thu của họ.

5. Mở ra nhiều cơ hội mới

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân giống như mở một cánh cửa để “chào đón” thế giới.

Đó là về việc (ngụ ý) nói với thế giới rằng “hãy kết nối với tôi – nếu bạn thấy phù hợp”:

  • Nơi các đồng nghiệp trong ngành tìm thấy bạn.
  • Nơi những tình bạn mới xuất hiện với những người cùng chí hướng, tôn trọng và yêu thích tính cách của bạn.
  • Lời mời làm việc mơ ước mở ra con đường sự nghiệp hoàn toàn mới.

Bởi vậy, xây dựng thương hiệu cá nhân là bước quan trọng nhất của một kế hoạch kinh doanh bền vững cho người làm giáo dục.

III. Các bước đơn giản để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn

Bước 1. Xác định tầm nhìn thương hiệu cá nhân của bạn

Tầm nhìn thương hiệu cá nhân là những gì bạn đam mê, điểm mạnh, và bạn quyết định đại diện cho điều gì trong cuộc sống.

Sau khi đi làm thuê, mở rông ty riêng và chuyển hết từ ngành nghề này sang ngành nghề khác. Phải đến 30 tuổi tôi mới chính xác định hình được tầm nhìn, thương hiệu cá nhân của mình.

Trước đó, tôi đã bị cuốn đi bởi những ham muốn, định kiến mà xã hội đã áp đặt.

Việc xác định tầm nhìn thương hiệu không phải dễ dàng, nhưng có một số quy tắc mà tôi áp dụng thành công mà bạn có thể tham khảo.

Thiết lập môi trường và suy ngẫm:

1) Thiết lập môi trường: Dành thời gian suy ngẫm một mình, tách biệt mình khỏi những “kích thích” quá mức của đời sống thường nhật (tivi, mạng xã hội, mối quan hệ thiếu lành mạnh,…).

2) Ngoại hình của bạn: Ngoại hình sẽ quyết định môi trường, nhóm đối tượng mà bạn phục vụ. Tốt nhất là nên hỏi mọi người xung quanh về việc họ nhìn nhận bạn là người mạnh mẽ, nhẹ nhàng, thân thiện hay quyền lực,…

Ví dụ: trông mặt tôi hiền hiền, tri thức nhưng ngày trước tôi lại lao mình vào những cuộc nhậu nhẹt để kiếm dự án, mấy ông nhậu cùng toàn nói “trông thằng này thư sinh thế nhỉ” (ngụ ý rằng dễ bắt nạt). Nhưng đưa khuôn mặt tôi vào ngành giáo dục lại là một lợi thế.

3) Đam mê của bạn: Là thứ mà bạn làm việc không ngừng nghỉ, quên cả thời gian – nếu ai đọc cuốn Flow rồi thì có thể hiểu đó là trạng thái dòng chảy.

Với tôi, tôi đam mê việc viết lách, marketing và công nghệ. Tôi thích xây dựng hệ thống mang tính logic, tự động hóa và tối giản thời gian.

Còn bạn?

Nếu đam mê đào tạo chưa đủ, hãy đào sâu hơn nữa.

Bạn đào tạo về lĩnh vực gì?

  • Mối quan hệ
  • Tiền bạc
  • Sức khỏe
  • Hạnh phúc

Tại sao phải tìm ra đam mê?

Bởi vì, khi bạn có đam mê, dù người ta có trả tiền bạn nhiều hay ít thì bạn vẫn sẽ làm tốt công việc của mình và cố gắng hết sức để có kết quả trên mong đợi.

Bởi vì, khi có đam mê, bạn sẽ trở nên kỷ luật từ bên trong, bạn sẽ kiên trì, nhất quán đi cùng nó 3,5 năm hay thậm chí cả đời.

4) Điểm mạnh của bạn: Là công việc bạn làm giỏi nhất. Khi người khác nỗ lực, thì bạn chỉ búng cái móng tay là hoàn thành.

5) Hệ tư tưởng của bạn: Đó là thứ bạn đấu tranh trong cuộc sống để cố gắng đạt được. Đây được gọi là lãnh đạo tư tưởng – thought leadership. Nó sẽ thu hút những người có cùng tư tưởng giống bạn.

Để tìm được hệ tư tưởng, bạn hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình “tôi làm tất cả những điều này để làm gì?

Một số ví dụ tham khảo:

  • Tôi đào tạo để kiếm tiền
  • Tôi muốn chia sẻ vì khi chia sẻ tôi thấy mình có giá trị và cảm thấy hạnh phúc
  • Tôi muốn đạt được ước mơ […] thông qua con đường đào tạo
  • Hay đơn giản là một tiếng gọi sâu thẳm từ trái tim mình

Còn tôi, tôi đại diện cho sự “tự do” cả tâm trí và thể xác – thứ mà cuộc đời tôi sẽ gắn liền và theo đuổi mãi mãi.

6) Giá trị bạn mang lại: Liệt kê tất cả những gì bạn có thể mang lại cho mọi người xung quanh. Đó có thể là kiến thức, kinh nghiệm, câu chuyện hoặc đơn giản là nụ cười, sự quan tâm, chia sẻ,…

7) Năng lượng của bạn: Là cách mà mọi người cảm nhận về bạn không qua 5 giác quan.

Hãy hỏi mọi người xung quanh xem họ cảm thấy gì khi ở bên bạn?

  • Họ cảm thấy năng lượng tích cực
  • Họ cảm thấy khí thế dâng trào
  • Họ cảm thấy bình yên, ấm áp

Nếu là năng lượng tiêu cực, hãy cải thiện. Chúng ta không thể giúp người khác nếu chúng ta không hạnh phúc.

Nếu là năng lượng tích cực, hãy nuôi dưỡng, khuếch đại nó lên nhiều lần.

Bước 2. Xác định đối tượng mục tiêu của bạn

Đối với các công ty lớn, họ chi cả tỷ đồng cho các hoạt động quảng cáo tiếp thị nhằm quảng bá thương hiệu tới càng nhiều người càng tốt. Nhưng đối với cá nhân điều đó là không thể. Nếu làm theo, 99% sẽ thất bại.

Bởi vì, cá nhân thường bị hạn chế nguồn lực về tiền bạc và mối quan hệ.

Bí quyết ở đây là “thu nhỏ”.

Ví dụ: Bạn là giáo viên tiếng anh, thay vì dạy những người có nhu cầu học tiếng anh thì hãy thu nhỏ thành “dạy tiếng anh cho người đi làm”, thu nhỏ hơn nữa là “dạy tiếng anh cho người làm kinh doanh”, thu nhỏ hơn nữa “dạy tiếng anh cho người làm kinh doanh trực tuyến và đối tượng là nữ”.

Khi thu nhỏ thì đồng nghĩa với việc:

  • Bạn dễ tìm kiếm họ hơn ở trên internet thông qua các Group họ sinh hoạt, những người mà họ theo dõi,…
  • Bạn hiểu chính xác nhu cầu họ muốn gì, càng cụ thể càng tốt. Bây giờ lý thuyết, tài liệu có thể dễ dàng tìm kiếm khắp nơi để tự học. Nhưng, thứ họ cần là thứ gì đó rất cụ thể để giúp ích cho cuộc sống của họ và tiết kiệm thời gian (tránh học những gì không sử dụng đến).
  • Biết nói chuyện với ai, bạn sẽ tạo được nội dung mà họ sẽ bị thu hút và chú ý đến.

Bước 3. Nghiên cứu những người đi trước

Đối tượng nghiên cứu là những người thành công trong ngành của bạn để quan sát và học hỏi. Nhưng đừng sao chép, vì đó không phải là bạn và nó không hiệu quả.

Họ đang làm gì để nổi bật?

Tại sao mọi người lại yêu quý, tin tưởng họ?

Trong blog ducthongdo.com , tôi sẽ chú trọng tới việc phân tích chiến lược của những người làm ngành giáo dục thông qua các ví dụ thực tế.

Bước 4. Tối ưu sự hiện diện của bạn trên internet

Tài khoản mạng xã hội là cách tốt nhất đề xây dựng thương hiệu cá nhân trên internet. Nó không chỉ là chức danh, nghề nghiệp và vai trò của bạn. Nó còn nhiều hơn thế. Đó là nơi ghi lại các câu chuyện của bạn, nơi bạn chia sẻ nội dung giá trị với đối tượng mục tiêu.

Không có một tiêu chuẩn “cứng” nào cho hồ sơ đúng với mọi trường hợp.

Bạn cần thiết lập ảnh đại diện, ảnh bìa sao cho phù hợp với đối tượng mà bạn đang hướng đến. Và quan trọng nhất nó thể hiện con người, tính cách mà mọi người sẽ cảm nhận khi lần đầu nhìn vào.

Đối với ngành giải trí thì một website là điều không cần thiết. Nhưng nếu những gì bạn cung cấp liên quan tới kỹ năng chuyên môn của bạn thì nó lại vô cùng quan trọng.

Bởi vì, những nội dung dài, chuyên sâu sẽ khiến khán giả nhận định bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực.

Nếu bạn chưa giỏi về công nghệ hoặc mới bắt đầu, Substack.com là nền tảng hoàn hảo dành cho bạn. Tại substack, bạn có thể viết blog, thu thập email và gửi bản tin tới những người theo dõi bạn hoàn toàn miễn phí.

Khi nào bạn sẵn sàng, chuyển tất cả nội dung từ subtack lên website. Bởi vì, website có thể tùy chỉnh theo thương hiệu cá nhân của bạn, điều hướng người dùng để tạo chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh.

Bước 5. Tạo nội dung chất lượng cao và nhất quán

Hiện tại, với AI (chatGPT) thì ai cũng có thể dễ dàng tạo nội dung.

Khi nội dung tràn ngập, mọi người có xu hướng quan tâm tới chất lượng.

Mà chất lượng mang tính tương đối, nó là nhân sâm với người này nhưng lại là rễ tre đối với người khác.

Bởi vậy, nội dung cần được cá nhân hóa nhằm mục đích giúp ích cho đối tượng mục tiêu mà bạn hướng tới.

Hãy đặt mình vào vị trí của khán giả.

Bạn có thể chia sẻ kiến thức gì giúp ích cho công việc và cuộc sống của họ?

Làm thế nào để bạn đồng cảm, truyền cảm hứng hoặc động viên họ đạt được mục tiêu?

Lưu ý: Một nội dung hài có thể đạt vài nghìn like trong một tiếng, nhưng nội dung giáo dục thì không. Tuy số lượng ít, nhưng đổi lại khán giả của bạn lại chất lượng vô cùng. Bạn cần nhất quán trong việc tạo nội dung để tích lũy khán giả của mình.

Bước 7. Tương tác với khán giả của bạn

Tương tác với khán giả không chỉ là phép lịch sự tối thiểu, mà nó còn là một chiến thuật để xây dựng cộng đồng trung thành.

Không ai thích giao tiếp với cái máy cả (bao gồm cả chatbot comment tự động). Mọi người thích kết nối, thích trò chuyện và đây chính là cơ sở để bạn xây dựng một cộng đồng bền chặt.

Cô Tiên Tiếng Anh làm rất tốt điều này:

Xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua hành động tương tác với khán giả của cô Tiên

Dù tài khoản cô Tiên đã đạt 375,000 Followers, nhưng vẫn không quên tương tác với khán giả bằng những bình luận chân thành.

Khi bạn tương tác với người khác, bạn không chỉ là một người chỉ biết tạo nội dung, mà bạn còn là người biết lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu.

Bạn là một người bạn, là người cố vấn, một người gần gũi và đáng tin cậy. Hãy cho họ thấy bạn quan tâm đến họ và họ cũng quan tâm đến bạn. Đơn giản thế thôi.

IV. Câu hỏi thường gặp

Tôi không nổi tiếng, liệu tôi có làm được thương hiệu cá nhân không?

Thương hiệu cá nhân không nhất thiết là phải nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Nó có thể là một cộng đồng nho nhỏ mà bạn đang tham gia. Bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình với gia đình, bạn bè, nơi làm việc và những đối tác trong tương lai.

Giả sử bạn gặp một vài đối tác, một vài khách hàng và họ rất cân nhắc khi hợp tác với bất kỳ ai. Bởi thế, họ sẽ tìm hiểu thật kỹ về bạn trước khi đưa ra quyết định. Tài khoản mạng xã hội, blog (những gì bạn viết) sẽ là nơi tốt nhất để họ “thám thính” về bạn.

Thầy tôi luôn dặn, “đừng làm điều gì đó quá to tác, nghĩ thật lớn nhưng bắt đầu từ việc nhỏ”.

Tôi là người hướng nội, thích sống khép kín liệu có thể xây dựng thương hiệu cá nhân?

Ưu điểm của người hướng ngoại là thích giao lưu, mở rộng mối quan hệ. Đó là cách họ xây dựng thương hiệu theo “chiều rộng” – có nghĩa là quen biết càng nhiều người càng tốt. Sở trường của họ là xuất hiện một cách tự nhiên trước công chúng và thoải mái trước máy quay.

Ưu điểm của người hướng nội là đào sâu suy nghĩ, có khả năng xây dựng các mối quan hệ sâu sắc, bền chặt. Bởi vậy, bạn nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân bằng các nội dung dài, chuyên sâu. Và bạn sẽ thu hút những người sâu sắc giống bạn – tuy ít nhưng đều là các kết nối chất lượng.

Post by @ducthongdo_creator
View on Threads

Ví dụ như anh Hiếu TV bắt đầu viết blog vào năm 2007 và chị Chi Nguyễn của The present writer bắt đầu viết blog vào tháng 5/2016.

Hai anh chị đều là người hướng nội, đến thời điểm hiện tại đều là người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nền giáo dục Việt Nam.

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share This