Bạn mất định hướng bởi vì bạn thiếu tầm nhìn vào tương lai.
Bạn lạc lõng bởi vì bạn không thiếu niềm tin vào chính những dự đoán của mình.
Hôm nay, tôi sẽ lấy một ví dụ thực tế để minh họa cho tầm nhìn của nền kinh tế (trong phạm vi công việc). Một lần nữa, nếu bạn biết ý tưởng này trước những người khác, bạn đã đi trước họ vài km đường trường.
Bối cảnh cũ, sự phát triển không ngừng của các sư thầy giảng pháp (con chỉ nhận thức tình hình chứ không có một ý định phán xét tốt, xấu, đúng sai, phải trái – mong các thầy lượng thứ). Khi pháp (lý thuyết) quá nhiều, dẫn tới tình trạng quá tải thông tin. Giống như ăn no mà không kịp tiêu hóa, bụng sẽ căng phồng, khó chịu.
Bối cảnh mới, thầy Thích Minh Tuệ xuất hiện mang lại một món ăn mềm hơn, nhẹ hơn và dễ tiêu hóa hơn. Điều gì xảy ra:
- Thầy chỉ nói những gì thầy đang thực hành, mọi thứ hết sức đơn giản. Muốn thiền thì phải giữ giới, yêu thương mọi người.
- Thầy tôn trọng sự khác biệt, không phân địa vị cao thấp bằng việc xưng con, và không hề lên án bất kỳ pháp tu nào khác.
- Mọi người cảm nhận sự chân thật từ thầy khi thầy hồn nhiên nói ra các yếu điểm của mình và thực lòng giúp đỡ người khác.
Tôi còn quên điều gì nữa không?
Hãy nói cho tôi biết!
Nhưng Thông ơi, điều này thì có liên quan gì tới công việc và nền kinh tế?
Có đấy.
Vạn vật vũ trụ đều kết nối với nhau theo những quy luật nhất định.
Sự kiện của thầy phản ánh sự khao khát trong bản chất con người – thứ mà mọi người luôn mong muốn mà không thể nói ra.
Đây là một vài dữ kiện và dự đoán:
Quá nhiều nội dung trên internet dưới sự xuất hiện của AI khiến cho tình trạng thông tin bị quá tải, mọi người khao khát những thông tin cụ thể, đơn giản, phù hợp với bản thân họ (để đỡ đau đầu và tiết kiệm thời gian).
> Giải pháp: Bạn sẽ trở thành người tổng hợp để đưa thông tin chính xác cho khách hàng của mình.
Quá nhiều người nói nhiều hơn làm. Nếu tôi cần thông tin, tôi lên hỏi AI cho nhanh, mà có khi còn chính xác hơn các chuyên gia. Bởi vậy, mọi người đang khao khát sự xác thực, những người làm thật, việc thật.
> Giải pháp: Bạn trở thành người thực hành và chia sẻ hành trình của mình.
Quá nhiều chức danh địa vị, nó khiến mọi người ngán ngẩm khi phải cúi đầu dạ dạ vâng vâng (như ngày xưa). Mọi người khao khát sự bình đẳng, tôn trọng khác biệt.
> Giải pháp: Bạn trở thành người bạn đồng hành, dẫn dắt thay vì một người bề trên ra lệnh.
Danh sách cứ dài mãi…
Công việc sẽ chuyển từ B2C (doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng) và B2B (doanh nghiệp bán cho doanh nghiệp) thành C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng, hoặc người sáng tạo cho người sáng tạo).
Và đó là lý do tại sao công việc 9-5 đang dần sụp đổ và thay vào đó là công việc kinh doanh một người, gồm:
- Những người kinh doanh tự do
- Người sáng tạo
- Huấn lyện viên
- Tư vấn viên
- Freelancer
- …
Bây giờ làm thế nào để thực hiện hóa tầm nhìn này?
Bước 1. Sự kết nối giữa người với người là quan trọng nhất
Nói, Viết, Vẽ (thiết kế), Video.
Tôi chọn viết vì tôi chưa giỏi nói. Nó cũng là cách nhanh nhất để tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình và kết nối với những người bạn mới. Giống như việc xỏ giày đi chạy bộ vậy.
Nhân tiện, tôi sử dụng khuôn khổ viết tác động cho các bài viết của mình. Bạn có thể áp dụng nó giải quyết các vấn đề của chính mình sau đó chia sẻ cho người khác.
Bước 2. Chia sẻ hành trình công việc của bạn
Khi bạn chia sẻ những gì mình đang làm, bạn đang trở thành người thực hành thay vì người thuyết pháp. Đó là tính xác thực – thứ mà cả thế giới đang khao khát ở thời đại quá tải thông tin này.
Bước 3. Rèn luyện tâm yêu thương
Đây không phải là đạo lý giáo điều.
Chúng ta cần chấp nhận bản thân mình có cả tốt và xấu. Đừng tỏ ra hoàn hảo, thi thoảng bạn và tôi vẫn sẽ làm những việc không tốt. Nhưng hãy cố gắng rèn luyện và sử dụng tâm yêu thương cho công việc kinh doanh của mình. Khi bạn thực lòng quan tâm tới thành công của mọi người, họ sẽ cảm nhận được qua vô thức.
Đó cũng là phương pháp mang lại lợi ích lâu dài mà Naval Ravikant có nói: “Kinh doanh có đạo đức là lòng tham dài lâu”.
Cách tôi làm: Trước khi viết, tôi thường hỏi mình sẽ viết cho ai và mang lại điều gì cho cuộc sống của độc giả.
Bước 4. Bán một thứ gì đó
Cuộc sống là một sự trao đổi.
Bạn mang lại điều tốt đẹp cho người khác, thì họ cũng sẽ mang lại điều tốt đẹp cho bạn. Nếu họ chưa có gì trao đổi, thì họ sẽ đưa cho bạn một tờ giấy ghi nợ (gọi là tiền) và hứa hẹn tôi sẽ trả cho bạn trong tương lai (gián tiếp qua người khác) – những ai học kinh tế sẽ hiểu rõ về mạng lưới hoạt động tiền tệ này.
Lưu ý, tất cả mọi người đều bán một thứ gì đó. Công nhân, dân văn phòng đều bán sức lao động, thời gian và chất xám. Hãy nghĩ bản thân là doanh nghiệp một người, không ngừng nâng cấp bản thân và bán mình với giá cao nhất cho người xứng đáng.
Mọi sự phát triển đều dựa vào tầm nhìn.
Tôi đã chia sẻ cho bạn một tầm nhìn mới, nhưng đừng vội tin. Hãy nghiền ngẫm cho đến khi bạn hiểu, và biến nó thành tầm nhìn của riêng bạn.
Chúc bạn luôn có tầm nhìn xa trông rộng và vững vàng niềm tin.
Rất hay, mình rất thích cách bạn luôn đưa ra cái nhìn khách quan rất chân thật. Cảm ơn Thông đã chia sẻ, kiên định với tầm nhìn.
Quan điểm hay quá ạ. Cách anh lập luận rất logic
Đọc những bài viết của anh rất hay và kiểu “thức tỉnh” ý anh. ^^. Em cũng đang theo Học -Thực Hành- Chia sẻ.