Cách đây nhiều năm, mọi người hỏi tôi làm gì.

Tôi trả lời, “tôi làm marketing và công nghệ”.

Tôi cung cấp các dịch vụ và cả huấn luyện viên cá nhân cho thiết kế web, xây dựng hệ thống phễu, chạy quảng cáo, viết nội dung, thiết kế,…

Tưởng mình đa di năng là ngầu.

Nhưng không.

Điều gì đã xảy ra?

Vì quá rộng, những người mới biết đến khó hình dung được tôi sẽ làm gì cho họ. Trừ khi phải nói chuyện vài buổi để bắt đầu hiểu nhau – quá mất thời gian cho cả tôi và họ. Tôi đã tự bóp, tự thu hẹp khả năng tiếp cận của mình tới tâm trí khán giả, khách hàng.

Vì quá rộng, tôi phải phân thân để giải quyết quá nhiều vấn đề cùng lúc. Sức lực có hạn, tâm trí và thời gian bị phân mảnh, nên tôi bị kiệt sức.

Đó là một sai lầm của hầu hết mọi người (bao gồm cả tôi).

Tôi nhận ra, mình phải tập trung vào công việc cụ thể mà tôi yêu thích nhất, là viết nội dung tác động cao, và biến website thành cỗ máy chuyển đổi. Khi đó, thay vì tìm hiểu theo chiều rộng, tôi tập trung tìm hiểu thật sâu đến từng chân tơ kẽ tóc. Vì tập trung, nên tôi dành ít thời gian nhất mà vẫn đạt được hiệu quả cao.

Lĩnh vực cụ thể mà tôi yêu thích là giáo dục. Đối tượng cụ thể là những người làm giáo dục, hoặc có ý định làm nội dung giáo dục. Vì là lĩnh vực cụ thể, nên tôi biết tìm khách hàng của mình ở đâu và biết cách giao tiếp với họ như thế nào (theo ngôn ngữ của riêng họ).

Tôi hơi bị Overthinking (suy nghĩ nhiều) về mọi thứ một cách logic, đó là một lợi thế. Tôi chuyển hướng Overthinking của mình thành phân tích những ví dụ điển hình trong ngành sáng tạo nội dung giáo dục và truyền cảm hứng.

Với cách này, kế hoạch kinh doanh của tôi trở nên rõ ràng hơn, và dễ dàng hành động hơn.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn 3 phương pháp khác nhau để tìm “vị trí thích hợp của bạn” trong ngành đào tạo.

1, Chọn phân khúc phụ theo đối tượng mục tiêu

2, Chọn một phân khúc theo chuyên môn đào tạo của bạn

3, Tạo “ngách của riêng bạn” để loại mình khỏi vùng cạnh tranh (đặc biệt)

1. Chọn ngách phụ theo “đối tượng” mục tiêu

Có thể hiểu theo phân cấp như thế này:

Đối tượng rộngNgáchNgách phụ

Bạn có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng mục tiêu mà bạn mong muốn.

Ví dụ #1: Giả sử bạn là giáo viên dạy yoga muốn xây dựng khóa học trực tuyến.

Tất cả mọi người có nhu cầu (rất rộng) → Đối tượng phụ nữ → Phụ nữ có thai

Khi bạn nhắm tới phụ nữ có thai, bạn sẽ biết được:

  • Họ sẽ tham gia, thảo luận trên groups nào
  • Họ thích nói về chủ đề gì
  • Ngôn ngữ họ sử dụng
  • Các vấn đề, nỗi lo lắng hay mong muốn của họ.

Từ đó, bạn sẽ biết cách xây dựng nội dung khóa học, nội dung trên mạng xã hội và website như thế nào là phù hợp.

Ví dụ #2: Giả sử bạn là giáo viên tiếng anh muốn mở lớp dạy online.

Tất cả mọi người có nhu cầu học tiếng anh (quá rộng) → Đối tượng dân kinh doanh → Dân kinh doanh online → Freelancer làm việc trên Upwork, Fiverr → Freelancer nghề copywriting

(Freelancer – họ chính là người kinh doanh dịch vụ dựa trên chuyên môn của mình)

Họ ở đâu: Groups Freelancer, cộng đồng của bạn Minh Xin Chào, hay thậm chí là trên kênh của đối thủ.

Họ cần gì:

  • Họ cần tiếng anh để viết lách
  • Họ cần tiếng anh để phỏng vấn

Nếu bạn giải quyết được một trong những vấn đề cụ thể của họ. Họ sẽ sẵn sàng trả mức phí cao gấp 3,4 lần so với các khóa học thông thường.

Kết luận: Với phương pháp chọn ngách phụ theo mục tiêu, bạn dễ dàng tìm thấy họ, sau đó tìm sản phẩm (dịch vụ) phù hợp để cung cấp.

2. Chọn ngách phụ theo sản phẩm, dịch vụ đào tạo

Phương pháp này hoạt động như sau:

Sản phẩm rộngSản phẩm ngáchSản phẩm ngách phụ

Ví dụ #1:

Khóa học dạy yoga (rất rộng) → Khóa học yoga giảm cân (ngách) → Khóa học yoga giảm cân sau sinh (ngách phụ)

Ví dụ #2:

Khóa học tiếng anh (rất rộng) → Khóa học tiếng anh giao tiếp (ngách) → Khóa học tiếng anh giao tiếp ngành thương mại (ngách phụ)

Tóm lại: Với phương pháp chọn ngách phụ theo sản phẩm, dịch vụ, thì bạn dễ dàng tìm và thu hút đúng đối tượng khách hàng hơn.

3, Tạo “ngách của riêng bạn” để loại mình khỏi vùng cạnh tranh

“Chọn ngách phụ” đã tồn tại từ thuở khủng long nhong nhong chạy ngoài đồng.

Còn “tạo ngách riêng” mới trỗi dậy bởi những người sáng tạo trên internet.

Một số ví dụ điển hình:

Thầy Ngô Minh Tuấn – cùng sự kết hợp giữa kinh doanh và đạo Phật.

Anh Hiếu TV – phát triển bản thân (nói chung) và kiến thức đầu tư tài chính.

Dan Koe – tâm linh và nghệ thuật tiếp thị.

Họ đã làm gì?

Họ đã kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và cá tính, để tạo biến những kiến thức cơ bản, khô khan thành nội dung mang tính sáng tạo.

Khi bạn làm tốt điều này, bạn tạo ra mảnh đất cho riêng mình.

Bạn là người duy nhất, mà không ai có thể sao chép, và cạnh tranh.

Tôi đã dành hàng trăm giờ ra nghiên cứu những người thành công với phương pháp này. Tôi vẫn đang học hỏi, và áp dụng vào chính mô hình kinh doanh của mình. Giờ tôi sẽ chia sẻ lại với bạn.

05 bước tạo “ngách riêng” của bạn

Hệ thống để tạo và chọn ngách của riêng bạn

1, Chọn chuyên môn mà bạn nổi trội

2, Trân trọng cá tính của bạn

3, Phối kết hợp chúng

4, Tạo hệ thống phân phối nội dung và xây dựng khán giả

5, Cung cấp dịch vụ, sản phẩm

1. Chọn chuyên môn mà bạn nổi trội

Đối với ngành đào tạo, chuyên môn của bạn có thể là: tiếng anh, vẽ, đàn, thuyết trình, ca hát, yoga, thiền, lập trình, marketing (tiếp thị), viết lách, thiết kế,…

Nếu bạn thấy mình chưa “nổi trội” trong lĩnh vực chuyên môn trên thì hãy “thu nhỏ” hơn nữa.

Ví dụ #1:

Chuyên môn của bạn là tiếng anh, thì sự nổi trội của bạn có thể là:

Khả năng phát âm

Ngữ pháp

Khả năng nhớ từ mới

Khả năng giao tiếp với người nước ngoài

Khả năng phản xạ trong tiếng anh

Ví dụ #2:

Chuyên môn của bạn là viết lách:

Viết chữa lành

Viết tác động cao

Kể chuyện

Kịch bản video

Viết bán hàng (copywriting)

Các danh sách cứ nối dài mãi.

Hãy chọn lấy thứ mà bạn nổi trội phù hợp với vị trí hiện tại của bạn.

Chuyên môn quá hẹp, không sao cả. Bạn có thể mở rộng dần dần, khi có đủ kinh nghiệm và danh tiếng.

2. Trân trọng cá tính của bạn: sở thích, đam mê

Cá tính là gì?

Là tính cách cá nhân của bạn.

Bạn có thể kiểm tra tính cách miễn phí tại https://www.16personalities.com/vi

Để khởi đầu dễ dàng hơn, tôi sẽ lấy ví dụ về “sở thích” là một trong những đặc điểm trong tính cách của bạn.

Trả lời các câu hỏi sau:

Các lĩnh vực giải trí bạn thích là gì?

Ví dụ: phim Hàn, phim Anime, meme, bài hát đồng quê, Rap, đọc truyện,…

Các hoạt động thể thao bạn thích là gì?

Ví dụ: chạy bộ, đi bộ, bóng đá, tập gym, yoga, thiền,…

Các hoạt động học tập bạn thích là gì?

Ví dụ: Đọc sách (kinh doanh, phát triển bản thân,…), tìm hiểu tâm linh, tìm hiểu tâm lý học, nghe podcast (đời sống, kinh doanh, phát triển bản thân,…),…

3. Kết hợp cả hai điều trên lại với nhau tạo ra ý tưởng độc đáo

Phần lớn, mọi người đều ngán ngẩm sách giáo khoa dày cộp.

Họ thích những câu chuyện, những ví dụ sống động.

Và khi kết hợp giữa “đời sống” và “kiến thức cơ bản” sẽ sinh ra nội dung sáng tạo.

Kết hợp kỹ năng và sở thích thành sáng tạo

Ví dụ:

Thầy Ngô Minh Tuấn rất khéo léo trong việc kết hợp giữa kiến thức kinh doanh khô khan và triết lý đạo Phật. Thầy gọi nó là “nông văn dền” và rất “đời”. Chứ không có gì trừu tượng, cao siêu cả.

Bino chém tiếng anh đã kết hợp giữa meme và đào tạo

Bino Chém Tiếng anh, kết hợp giữa học tiếng anh và meme (vốn dĩ mặt Bino cũng rất hài hước rồi) để tạo ra nội dung lan truyền.

Còn bạn thì sao?

Ví dụ #1: Bạn thông thạo tiếng Nhật, bạn yêu thích phim Anime, cụ thể là One Piece (đảo hải tặc). Bạn có thể tự mình dịch các đoạn phim hay nhất từ tiếng Nhật sang tiếng Việt theo cách của riêng bạn.

Với cách này, bạn sẽ sản xuất nội dung vô tận để đăng hàng ngày.

Bạn sẽ thu hút cả những người thích Anime và thích tiếng Nhật, hoặc họ thích cả hai.

Ví dụ #2: Bạn là giáo viên dạy yoga, bạn thích tìm hiểu về tâm linh, chữa lành.

Tuyệt.

Việc đăng các video dạy yoga lên youtube đã quá cạnh tranh. Bởi vì, với video short thì ai cũng làm được. Mà còn không kể rất nhiều người đi trước xuất sắc hơn, như Nguyễn Hiếu Yoga, Yoga By Sophie đã tồn tại như một tượng đài sừng sững.

Bạn cần nội dung sâu sắc hơn, cụ thể hơn.

Bạn vừa dạy yoga tốt cho vóc dáng, cơ thể dẻo dai. Nhưng bạn lại vừa chia sẻ về các yếu tố tâm linh, để xây dựng một tinh thần khỏe mạnh.

Bởi vì, cơ thể vật lý và tinh thần là hai yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau, không thể tách rời.

4. Tạo hệ thống phân phối nội dung và xây dựng khán giả

Bạn có những ý tưởng độc đáo và thú vị giúp khán giả dễ dàng học tập.

Nhưng, điều đó chỉ xảy ra khi họ tìm thấy nó.

Thu hút khán giả:

Social media (mạng xã hội): Là nơi bạn dễ dàng tìm thấy khán giả của mình nhất thông qua kết bạn, tương tác, viết nội dung hàng ngày,…

Cộng đồng: Là những nơi tập hợp một nhóm người cụ thể hoạt động thường xuyên. Ví dụ như các cộng đồng trên Skool, các groups học tập zalo, các diễn đàn (forums) ngành của bạn,…

Khán giả chủ động tìm kiếm tới bạn: Thông qua tối ưu SEO hoặc Quảng cáo tìm kiếm trả phí.

Đối với người mới, Social media và các cộng đồng nhỏ là lựa chọn tốt nhất để bắt đầu.

Xây dựng khán giả:

Bản tin (free với substack.com) hoặc blog (website): là nơi bạn cung cấp các nội dung chuyên sâu nhưng được chia nhỏ thành các phần để khán giả dễ dàng tiêu thụ.

Zalo group: cũng giống như bản tin email, là nơi khán giả. Là phương tiện để bạn gửi cho họ bản tin hoặc bài viết blog mới nhất.

5. Hỏi họ cần gì và từ đó xây dựng sản phẩm đào tạo, dịch vụ huấn luyện

Tôi thường xuyên kết nối, tỏ ra có ích và trò chuyện với đối tượng khán giả của mình.

Thời gian đầu tôi làm việc miễn phí cho họ, để có được cảm nhận rõ ràng nhất về các vấn đề mà họ gặp phải.

Sau đó, tìm kiếm giải pháp phù hợp.

[Giai đoạn này tôi đang ở bước đầu triển khai, và khi có kết quả tôi sẽ update thêm]

Kết luận

Internet ngày càng đông đúc.

Ngành đào tạo, dạy học, huấn luyện ngày càng cạnh tranh.

Các phương pháp cũ đã không còn phù hợp.

Chọn niềm đam mê (sở thích) của bạn, chọn kỹ năng bạn giỏi nhất. Kết hợp chúng lại với nhau.

Tôi tin rằng đó mới là con đường cho một cuộc sống toàn vẹn mà người ta thường nói “theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Những người kinh doanh bằng con đường sáng tạo nội dung trên internet đều sử dụng chung một hệ thống.

Đối với người bắt đầu, hãy làm như sau:

1, Bắt đầu thu nhỏ bằng một ngách phụ theo sản phẩm hoặc theo đối tượng mục tiêu (hoặc cả hai)

2, Chọn chuyên môn mà bạn nổi trội

3, Chọn thứ mà bạn thích, bạn đam mê

4, Sáng tạo bằng cách kết hợp chuyên môn và sở thích

5, Tạo hệ thống phân phối và xây dựng khán giả

6, Hỏi họ cần gì và từ đó xây dựng sản phẩm đào tạo, dịch vụ huấn luyện

Đây là điều mà các thương hiệu doanh nghiệp không làm được.

Chỉ có cá nhân mới tồn tại cá tính.

Họ rời bỏ công ty và mong muốn kết nối với những con người bằng xương bằng thịt.

Và đó cũng chính là lý do thương hiệu cá nhân được ưa chuộng hơn bao giờ hết.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Share This