Học tập là để làm việc và kiếm tiền.
Mục đích của tôi rất đơn giản.
Khi học đại học, tôi không phải là kẻ có học lực xuất sắc, tôi cũng chẳng thích cái nghề mà mình đã chọn (vì nghĩ rằng nó chẳng khiến tôi giàu có được).
Bởi thế, tôi đã chọn con đường kinh doanh.
Quan điểm về kinh doanh của tôi là giải quyết vấn đề và giúp đỡ người khác để nhận được cả tiền và sự tôn trọng chứ không phải hạ thấp mình phục vụ (tôi từng một lần bật lửa châm thuốc cho một Nhân vật để lấy dự án – tôi ghét cảm giác đó, sau đó tôi quyết định dừng việc).
Và quan trọng hơn tôi muốn kiếm tiền bằng tâm trí chứ không phải dùng thời gian và công sức của mình.
Đó là lý do tại sao hành trình của tôi là một chuỗi lênh đênh tìm đường giữa thành công nho nhỏ xen lẫn những thất bại khủng khiếp.
Nhưng nó rất đáng giá.
Chính hành trình này đã đưa tôi tới các kỹ năng giá trị cao với một tâm trí cởi mở, không phán xét:
- Viết lách để truyền tải ý tưởng của mình ra thế giới
- Tiếp thị để nâng cao giá trị bản thân và tiếp cận được nhiều người hơn
- Tâm lý học để hiểu mình và mọi người
- Học thuyết phục để bán hàng bằng cách giúp đỡ người khác.
(dù có ý tưởng, giải pháp hữu ích đến mấy mà không thuyết phục được người khác hành động thì cũng chỉ là mấy con nơ ron thần kinh chạy vòng quanh trong não và sản phẩm mốc meo trong kho đợi ngày hết date)
- Thiết kế hình ảnh, thiết kế web,…
- Hiểu về công nghệ để có thể sử dụng đòn bẩy
- Học quản lý túi tiền mình để không bị thủng vài chỗ
- .v.v.
Kể cả bạn đang đi làm thuê đi nữa, nếu học được những kỹ năng này, lương của bạn sẽ tăng nhanh khủng khiếp.
Bởi vì, bạn cũng đang kinh doanh với sản phẩm chính là thời gian, sức khỏe và chất xám.
Bạn cần liên tục học hỏi để trau dồi kỹ năng chuyên môn.
Bạn cần kỹ năng viết hoặc nói để truyền tải ý tưởng đến sếp, đồng nghiệp.
Bạn cần kỹ năng thuyết phục để mọi người đồng ý với mình (nói mà không ai nghe theo chỉ thiệt, mà cay lắm) và quan trọng nhất là thuyết phục sếp tăng lương.
Bạn cần tiếp thị để nâng cao giá trị bản thân với công ty đang làm và các công ty khác để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn (nhảy việc là tăng lương).
Nếu không mỗi năm bạn chỉ tăng 10% lương bởi đồng tiền bị mất giá.
Phải không?
Dù là kinh doanh hay làm thuê thì chúng ta đều phải học.
Vậy làm sao để học được nhiều kỹ năng như vậy cùng một lúc?
…
Câu trả lời là:
Học theo phương pháp của Tây mũi lõ.
Không giống như phương Đông chúng ta đi theo chiều sâu (ai đã giỏi thì siêu giỏi). Phương Tây họ phát triển theo chiều ngang. Các phương pháp của họ rất đơn giản, công thức rõ ràng, ai cũng có thể làm được nếu đủ kiên trì, quyết tâm.
Tôi thích những gì đơn giản, dễ thực hiện.
Trong bức thư này, tôi muốn chia sẻ về 5 vấn đề lớn:
1. Tại sao chúng ta học tập kém và cách cải thiện
2. Học bằng cách bắt chước (đừng sản xuất lại xe đạp)
3. Kỹ thuật Feynman
4. Học là phải thực hành (đừng trở thành mọt sách)
5. Học từ thất bại (đừng vội đứng lên hoặc tìm bình yên như một kẻ chạy trốn)
Lưu ý: Tôi rất thực dụng, tôi sẽ chỉ tập trung vào các phương pháp học để làm, để tạo giá trị và kiếm tiền. Chứ bài viết này tôi không tập trung học để thi cử, lấy bằng cấp hay ôm đồm kiếm thức.
I. Tại sao chúng ta học tập kém và cách cải thiện
1. Chúng ta mang quá nhiều hành lý
Ngày xưa lúc đi học, bạn có bị bố mẹ cấm yêu vì sợ lơ là học tập không?
Tôi cũng thế, cứ khi nào phải lòng em nào đó là không còn tâm trí đâu mà ngồi làm bài nữa :))
Khi lớn lên, ra trường đi làm, bạn có quá nhiều thứ phải quan tâm và nó làm bạn xao nhãng. Nhất là trong thời đại thông tin, mọi sự so sánh, áp lực và các mối quan hệ độc hại khiến bạn không thể tập trung được.
Tâm trí của bạn không ngừng lang thang, suy nghĩ.
Bạn mải mê chạy theo tâm trí của mình rồi thở dài vì một ngày lãng xẹt kết thúc.
Bây giờ, bạn cần học cách làm chủ tâm trí để buông bỏ những suy nghĩ không cần thiết.
Trước tiên hãy thực hành theo bài thiền Isha Kriya với 12 phút mỗi ngày.
Hướng dẫn có tính khoa học cao, tôi đã thực hành theo và nó rất hiệu quả.
Để tôi giải thích:
Trong bài thiền bạn liên tục nhắc nhở mình “tôi không phải tâm trí này” sẽ giúp bạn tách chính mình ra khỏi tâm trí. Nó và bạn là hai thực thể riêng biệt. Bạn là chủ và tâm trí là công cụ.
Khi nhận thức đủ mạnh, bạn dễ dàng điều khiển tâm trí mình hơn.
Ví dụ:
- Đang làm việc mà tâm trí bạn lang thang nghĩ đến crush hoặc thằng cha mất dại nào đó mà bạn ghét thì bạn cần ngắt luồng suy nghĩ và quay lại làm việc.
- Đối với người khó ngủ vì suy nghĩ quá nhiều, thì bài thực hành này cũng giúp bạn dễ dàng dừng suy nghĩ (không đuổi theo nó nữa) và đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ngoài ra, hãy tận dụng thời gian 5 phút để tập bài thiền cơ bản bất kỳ lúc nào.
Bạn đừng nghĩ thiền to tát tới việc phải ngồi 1,2 tiếng (bạn và tôi không có quá nhiều thời gian đến thế).
Tận dụng lúc đi ngủ, và làm theo các bước sau:
Bước 1. Nằm duỗi hai tay và thả lỏng toàn thân
Bước 2. Dùng ý thức quét toàn bộ cơ thể từ ngón chân cho tới đỉnh đầu
Bước 3. Quan sát hơi thở
(Theo tổng hợp từ Tiến sĩ Andrew Humberman, hơi thở chính là cầu nối giữa tâm trí và cơ thể theo đúng nghĩa đen. Khi tâm trí và cơ thể được kết nối, thân tâm hợp nhất, căng thẳng được giải tỏa)
Bước 4. Những miên man (tiêu cực hoặc hào hứng) xuất hiện hãy lờ đi rồi lại đặt sự chú ý vào hơi thở
Bước 5. Lặp lại bước 4
Dù bạn có ngủ quyên hay không thì tâm trí của bạn vẫn được nghỉ ngơi. Bạn vẫn chiến thắng.
Thiền rất hữu ích, hãy bắt đầu sớm nhất có thể. Nó sẽ giúp bạn tăng cường khả năng tập trung để cải thiện học tập. Giúp bạn dễ dàng buông bỏ những ý nghĩ bất lợi ích bằng cách quay lại hơi thở.
Nếu bạn muốn biết rõ hơn về thiền, hãy xem video của Tiến sĩ Andrew Humberman với chủ đề Cách thức hoạt động của Thiền & Thiền hiệu quả dựa trên khoa học.
2. Sức khỏe thể chất và tinh thần
Tôi vừa bước sang tuổi 31.
Sức khỏe suy giảm, trí não suy giảm, dẫn tới khả năng học tập và trí nhớ sa sút.
Đây là điều khó tránh khỏi đối với bất kỳ ai.
Đây là những thói quen tôi đang duy trì để tăng khả năng học tập:
- Đảm bảo giấc ngủ sâu: Ngủ sớm trước 11h và đủ 7 hoặc 8 tiếng. Để có giấc ngủ sâu hơn, tôi thường xuyên dùng trà hoa cúc thay cafe hoặc trà búp.
- Ăn nhiều rau và trái cây. Hạn chế đồ ăn nhanh.
- Đi bộ tối thiểu 6,000 bước mỗi ngày, giúp tăng tính dẻo dai thần kinh và xây dựng các tế bào thần kinh mới (theo các nghiên cứu khoa học). Tôi bắt đầu ghi lại hành trình của mình tại Instagram Story, hi vọng hoạt động của tôi sẽ truyền cảm hứng cho bạn.
- Tôi đã ngừng nhậu. Tránh các môi trường và các mối quan hệ độc hại, gây căng thẳng.
II. Học bằng cách bắt chước
Hãy bắt chước những gì bạn yêu thích. Bắt chước, bắt chước và bắt chước. Ở cuối bản sao chép ấy bạn sẽ tìm được chính mình.
Yohji Yamamoto
Khi Đức sản xuất ra con xe Mercedes-Benz thì ông Nhật mua về, các chuyên gia kỹ thuật đem tháo dỡ và tái sáng tạo ra con Lexus đẹp hơn, xịn hơn.
Trung Quốc bây giờ trở thành cường quốc về công nghệ cũng là nhờ các công nghệ đến từ Mỹ.
Bạn không cần phải phát minh lại chiếc xe đạp.
Thứ bạn cần là sáng tạo dựa trên những gì đã có.
Hãy bắt chước và tái sáng tạo. Cả nhân loại họ đang làm và điều này hoàn toàn hợp pháp. Ngay cả chúng ta cũng đang bắt chước người khác một cách thụ động.
Hồi nhỏ chúng ta bắt chước bố mẹ.
Đi học bắt chước bạn bè, thầy cô.
Đi làm bắt chước sếp và đồng nghiệp.
Chúng ta là trung bình cộng của năm người mà chúng ta dành nhiều thời gian nhất.
Jim Rohn đã có câu nói nổi tiếng lột tả hết những điều này.
Tôi biết, việc thừa nhận mình bắt chước người khác là không vui (tôi cũng vậy).
Nhưng chủ động thừa nhận sẽ giúp ý thức, tâm trí và hành động của bạn đồng bộ. Thân tâm hợp nhất giúp bạn học nhanh gấp 10 lần.
Tôi là một kẻ sưu tầm khóa học.
Tôi muốn học viết, học kinh doanh trực tuyến tôi mua hết tất cả các khóa của những chuyên gia giỏi nhất như Dan, Justin Welsh, Ship30for30, Iman Gdzhi, Chris Do (desgin). Việc này giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Tôi đi học, sau đó tôi làm, làm được tôi chia sẻ lại cho người khác (chia sẻ cũng là cách học hỏi nhanh nhất, tôi sẽ nói chi tiết trong phần sau).
Bạn cũng sẽ thấy nội dung của tôi là do tôi bắt chước người khác nhưng sáng tạo dưới tư duy, tư tưởng, giọng điệu, câu chuyện của riêng tôi.
99% nội dung trên internet được sinh ra từ internet.
Vì vậy, bạn cần chủ động bắt chước thay vì làm nó thụ động.
Tôi hi vọng thông điệp này được lan rộng và ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung được (ngày trước tôi nghe mấy ông trong nghề chém gió cao siêu lắm, khó lắm, lúc đấy sợ chết khiếp, không dám làm).
Tôi sẽ ví dụ về quá trình học sáng tạo nội dung của tôi:
Tôi theo dõi 5 người, chìm đắm trong podcast, youtube, blog của họ.
Tôi chọn ra 7 quyển sách, ngấu nghiến từng chữ một để thấu hiểu, áp dụng một cách triệt để.
Tôi chọn ra tối thiểu 3 người và mua toàn bộ khóa học của họ về cày cuốc. Học từ càng nhiều người, tư duy càng mở và tôi sẽ hình thành nên chất riêng của mình.
Học đến đâu tôi thực hành đến đấy, sai thì sửa.
Tôi là một người suy nghĩ nhiều, việc đi bộ giúp tôi giải tỏa tâm trí và khiến các ý tưởng sáng tạo tuôn trào. Mỗi lần xuất hiện ý tưởng mới, tôi note vào hệ thống ghi chú Notion.
Đơn giản đúng không?
Bạn hoàn toàn có thể học bất cứ thứ gì bằng cách bắt chước.
Nếu không học đại học, không sao cả.
Nếu đang học đại học mà thấy mờ mịt (giống tôi đã từng) thì chuẩn bị cho mình một lối thoát hiểm.
Hãy lên youtube chọn lấy 5 người mà bạn muốn trở thành. Không cần phải quá nổi tiếng, mà quan trọng nhất là phù hợp với tính cách, sở thích của bạn và kỹ năng của họ càng cụ thể càng tốt.
Đắm chìm vào trong nội dung miễn phí của họ. Khi nào thấy phù hợp, đủ tin tưởng thì mua khóa học và bắt đầu cày.
Bạn sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng.
(Tôi sẽ dành riêng một bài viết về cách bắt chước thông minh trong một bản tin sắp tới)
III. Kỹ thuật Feynman
Hồi đi học, tôi hay nói những điều quá phức tạp và nghĩ mình ngầu lắm.
Nhưng sau khi biết đến kỹ thuật Feynman thì tôi nhận ra tôi chỉ được cái ham học chứ không hiểu.
Kỹ thuật Feynman là phương pháp hiệu quả nhất để khai phá tiềm năng của bạn và phát triển sự hiểu biết sâu sắc.
Richard Feynman không chỉ là người đoạt giải Nobel Vật lý mà còn là bậc thầy trong việc làm sáng tỏ những chủ đề phức tạp. Cái nhìn sâu sắc về học tập của ông: “sự phức tạp và biệt ngữ thường che giấu sự thiếu hiểu biết”.
Kỹ thuật học tập của Feynman bao gồm bốn bước chính:
1. Chọn một khái niệm để tìm hiểu.
2. Hãy dạy nó cho một đứa trẻ.
3. Xem xét và tinh chỉnh sự hiểu biết của bạn.
4. Sắp xếp các ghi chú của bạn và xem lại chúng thường xuyên.
Người nói rằng anh ta biết những gì anh ta nghĩ, nhưng không thể diễn đạt được, nghĩa là anh ta không biết anh ta nghĩ gì.
— Mortimer Adler (tạm dịch)
Ai cũng biết, nhưng quan trọng phải hiểu. Định nghĩa của thiên tài là biến cái phức tạp thành đơn giản.
— Albert Einstein
Bước 1. Chọn một khái niệm để tìm hiểu
Chọn một chủ đề, một khái niệm mà bạn thấy tò mò.
Cần một quyển sổ tay hoặc ghi chú online (ví dụ notion hoặc word)
Viết ra tất cả những gì bạn biết, bất kỳ ý nghĩ nào xuất hiện trong đầu về chủ đề đó.
Hãy cho bạn thời gian để ngẫm dần và tiếp xúc thêm thông tin mới. Mỗi lần như vậy, bạn hãy note lại tất cả.
Đừng chỉ suy nghĩ trong đầu, nó khiến bạn quên nhanh hơn và giảm tốc độ học tập.
Hãy viết ra.
Bước 2. Dạy lại cho trẻ em
Bất kỳ ai cũng có thể làm cho một chủ đề trở nên phức tạp, nhưng chỉ có người hiểu mới có thể làm nó trở nên đơn giản.
Tưởng tượng bạn đang đứng trước mặt đứa trẻ lớp 6, giải thích cho nó khái niệm mà bạn đã học được.
Lúc này, bạn không thể sử dụng các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu để giải thích cho nó. Loại bỏ biệt ngữ và sự phức tạp, chỉ sử dụng những từ rất phổ thông mà đứa trẻ có thể hiểu được.
Làm được điều này thì bạn mới thực sự hiểu rõ vấn đề.
Sự đơn giản bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc, trong khi biệt ngữ thường che giấu sự thiếu hiểu biết.
Ví dụ này:
Ở mình có khái niệm là phương trình. Đố ông (bà) nào vừa nghe phát là hiểu được luôn đấy.
Bọn Tây nó gọi là Equation (dịch nghĩa là bằng nhau). Nghe phát hiểu liền là 2 về bằng nhau.
Ví dụ tiếp:
Theo giai thoại, Einstein từng giải thích thuyết tương đối cho một người bình thường: “Khi một người đàn ông ngồi bên cô gái đẹp một giờ, thời gian dường như chỉ mới một phút. Nhưng khi đặt anh ta lên bếp lò nóng một phút, thời gian tưởng đã hàng giờ. Đó là tính tương đối”. Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein.
Bước 3. Xem xét và tinh chỉnh
Viết.
Viết ra lời giải thích đơn giản của bạn.
Viết chính là kỹ năng phóng chiếu tư duy của bạn ra thế giới. Bạn sẽ nhìn thấy tư duy của mình hiện nguyên hình trên giấy trắng.
Bây giờ thì:
- Quan sát, suy ngẫm về nó
- Nắn nó
- Bóp nó
- Chỗ nào thò ra, thừa thì cắt
Và rồi tư duy của bạn sẽ đẹp như tranh vẽ.
Lối viết rõ ràng giúp cho những suy nghĩ kém cỏi không nơi nào che giấu được.
Simple is beautiful
Đảm bảo ghi chú của bạn không có bất kỳ biệt ngữ nào hoặc điều gì đó nghe có vẻ cao siêu khó hiểu.
Đọc to lên để tai bạn nghe thấy lời giải thích đó.
Nếu nghe mà thấy vẫn phức tạp thì quay lại đọc tài liệu xem những phần nào chưa rõ.
Lặp lại cho đến khi bạn giải thích một cách đơn giản nhất.
Bước 4. Tổ chức và đánh giá
Bây giờ, hãy kiểm tra sự hiểu biết của bạn trong thế giới thực.
Trình bày giải thích của bạn cho người khác. Lúc này bạn sẽ có những phản hồi quý giá:
- Mức độ hiểu của họ nhanh hay chậm tới mức nào?
- Họ đã hỏi những câu hỏi gì?
- Họ đã nhầm lẫn về những phần nào?
Khi đã hài lòng với lời giải thích và sự hiểu biết của mình. Lấy trang bạn ghi chú của bạn ra, note lại, đóng khung quan trọng, mỉm cười và tự hào về điều mà bạn đã hiểu một cách sâu sắc.
Ứng dụng Threads khá hay ho cho việc thử nghiệm của bạn. Bạn chỉ có thể trình bày ý tưởng trong một đoạn văn rất ngắn, điều đó bắt buộc bạn phải tối ưu sao cho ngắn gọn nhất, dễ hiểu nhất. Và mọi người trên Threads sẽ lướt rất nhanh, nếu khó hiểu là họ bỏ qua ngay lập tức.
Nếu bạn và tôi học được kỹ thuật Feynman thì sự nghiệp hoàn toàn sáng lạn.
Bạn sẽ dễ dàng thuyết phục sếp, đồng nghiệp về những ý tưởng mới.
Bạn sẽ dễ dàng thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của mình.
IV. Học là phải thực hành
Xã hội tung hô bằng cấp.
Vì vậy, chúng ta thi nhau học rất nhiều lý thuyết, lấy bằng cực xịn.
Nhưng rồi ra trường lại làm trái ngành hàng loạt.
Khi tâm trí suy diễn, bạn đang đi con đường của trí tưởng tượng. Nó không hề khớp với thực tế.
Bởi vậy, càng học nhiều, phiêu lưu trong trí tưởng tượng càng lâu bạn càng dễ lạc lối.
Giờ đã đến lúc bước ra khỏi sương mù.
Tạm dịch: “Chúng ta thường tránh hành động vì nghĩ “Tôi cần học hỏi thêm”, nhưng cách học tốt nhất thường là hành động.”
Bạn nào đã đọc sách Atomic Habits thì chắc chắn biết đến tác giả Jame Clear.
Nhưng không phải hành động nào cũng mang lại kết quả tốt.
Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng giống như là
- Phải dậy sớm trong trạng thái uể oải, vì bắt buộc để đi làm?
- Bạn làm một việc gì đó mà đầu óc lại nghĩ chuyện về nhà hoặc tối nay đi chơi?
- Bạn làm chỉ vì đồng tiền thôi chứ bực bội với sếp lắm rồi?
Đừng tiếp tục làm điều đó. Rồi một ngày bạn sẽ chán ngấy và mất hết động lực.
Bạn cần gán cho mỗi hành động một ý nghĩa (theo Tiến sĩ Joe Dispenza).
Kiến thức là dành cho não.
Trải nghiệm là dành cho cơ thể.
Khi bạn gán cho công việc một ý nghĩa, bạn càng hiểu sâu sắc về những việc bạn đang làm và lý do bạn làm việc đó. Lúc này, vùng vỏ não trước trán được kích hoạt và nó phụ trách kiểm soát các chức năng trong cơ thể bạn để hành động. Bạn đang tạo ra trải nghiệm mới gọi là cảm giác hay cảm xúc.
Suy nghĩ (kiến thức) là ngôn ngữ của não.
Cảm xúc (trải nghiệm) là ngôn ngữ của cơ thể.
Bạn đang dạy cho cơ thể mình về mặt hóa học.
Lúc này, thông tin không còn nằm ở trên não (như lúc bạn học lý thuyết) nữa.
Thông tin giờ đã chuyển xuống cơ thể và nó thực sự nằm trong cơ thể và nó thông qua quá trình chọn lọc để tái tạo các gen mới.
Và đây là cách con người đang thay đổi vận mệnh của mình về mặt di truyền.
Nếu bạn làm được một lần thì có nghĩa là bạn có thể làm lại.
Lợi ích không chỉ dừng lại ở việc thói quen mới được hình thành, mà còn làm cho tâm trí và cơ thể bắt đầu hoạt động như một.
Khi bạn làm việc đó nhiều lần đến mức bạn không còn phải nghĩ về nó nữa, thì nó đã trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn đã nắm vững kiến thức đó, bạn đã trở thành kiến thức đó. Bạn đang tồn tại ở một trạng thái mới – con người của sự tiến bộ.
Bạn hãy nắm lấy nguyên tắc này và bắt đầu thay đổi vận mệnh.
Ok.
Phía trên là lý thuyết, bây giờ bạn cần làm gì?
Nếu bạn chưa biết làm gì để thực hành những gì bạn học, hãy VIẾT!
Viết dành cho tất cả mọi người.
Viết là một kỹ năng quan trọng nhất giúp bạn biến tư duy, tư tưởng thành dạng vật chất mà ai cũng có thể hình dung.
Khi những gì bạn viết mang lại tác động tích cực cho mọi người, bạn đang tạo giá trị.
Tiếp theo, dùng ngòi bút để xây dựng thương hiệu cá nhân. Đây sẽ là nền tảng cho bạn kết nối với người khác, những người có cùng quan điểm, cùng tư duy, cùng tư tưởng với bạn. Nhưng ai không cùng tần số, hãy nhẹ nhàng để họ đi.
Cuộc sống bạn sẽ thay đổi nhờ hành động và kết nối.
V. Học từ những thất bại
Con hổ bị thương, nó trở về hang liếm vết thương cho đến khi lành lặn.
Nếu bạn vấp ngã, đừng vội đứng lên.
Nếu thất bại, đừng vội làm ngay lập tức.
Tôi biết điều đó trông rất ngầu và nhanh chóng che giấu đi nỗi đau của bạn, nhưng điều đáng tiếc là bạn sẽ bỏ lỡ nhiều điều đáng học hỏi.
Nhưng cũng đừng dừng lại để tìm sự bình yên đến từ bên ngoài. Nó khiến bạn và tôi có thể sẽ chìm đắm trong sự thất bại mãi mãi.
Những người mạnh mẽ thực sự mang sắc thái điềm tĩnh, đối mặt với nỗi đau và vượt qua thời kỳ đen tối.
Vậy làm sao để bạn làm được điều đó và trở lại lợi hại hơn xưa?
1. Tạm dừng và suy ngẫm
Muốn học nhanh hãy bắt chước.
Muốn học sâu hãy rút kinh nghiệm.
Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại của chính mình.
Bởi vậy, trước khi bạn bắt đầu lao vào bước tiếp theo hoặc dự án mới, hãy tạm nghỉ.
Tạm nghỉ để tâm trí bạn được nghỉ ngơi, bình tĩnh trở lại.
Tôi biết nó đau, nhưng hãy cho bản thân ngồi lại đối diện với thất bại của chính mình. Bởi vì bạn sẽ không học được gì nếu di chuyển quá nhanh và không chú ý tới những gì đã xảy ra.
Bên cạnh việc suy nghĩ, bạn hãy tìm kiếm giải pháp từ nhiều nguồn khác nhau. Từ những người đi trước hoặc sách, blog, video youtube,… Đừng sản xuất lại chiếc xe đạp, kế thừa kinh nghiệm và kiến thức là cách nhanh nhất.
Cái lúc gặp thất bại lớn nhất, tôi đã dừng lại khoảng gần 1 năm. Tôi bới tung hết tất cả các blog, cuối cùng đã tìm được Naval , chính ông đã chỉ cho tôi những lỗ hổng lớn nhất trong cả kinh doanh và cuộc sống. Tôi đã nghe đi nghe lại ebook Nhà giả kim đến chục lần và nhận ra các bài học nhỏ được ẩn sâu trong từng câu chuyện mà chỉ khi tôi đối chiếu với những trải nghiệm của mình nó mới hiện ra.
Thất bại lớn tôi dừng 1 năm.
Thất bại nhỏ tôi dừng 1 tháng.
Thất bại con con tôi dừng vài phút.
Miễn là cho mình đủ thời gian để xem xét lại mọi chuyện.
2. Điều chỉnh chiến lược của bạn và bắt đầu thử nghiệm
Khi bạn đã thu thập, suy nghĩ ra những ý tưởng mới để khôi phục lại phong độ thì bước tiếp theo là áp dụng vào tình hình thực tế của bạn.
Ví dụ khi tôi thất bại trong kinh doanh.
- Sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi không tốt khiến tâm trí mù mờ dẫn tới các quyết định sai lầm. Tôi cần phải nâng cấp bản thân mình.
- Ngày trước tôi kinh doanh sản phẩm vật lý, nhập hàng, tồn kho,… khiến cho bộ máy quá cồng kềnh, phức tạp – nguyên nhân khiến dự án “toang” mỗi khi muốn mở rộng kinh doanh. Tôi cần một mô hình đơn giản hơn.
- Dự án phụ thuộc quá nhiều vào con người (đối tác, nhân viên,…) và các liên kết từ đơn vị khác. Tôi nghĩ tới việc mình cần xây dựng thương hiệu cá nhân.
Ví dụ khi tôi đang đi làm thuê mà không tăng lương hoặc bị sa thải.
- Tôi cần nâng cấp bản thân, ngoại hình và năng lực chuyên môn.
- Tôi cần nâng cấp kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng thuyết phục.
- Trong lúc làm việc tôi cần kết nối nhiều mối quan hệ mới, từ đó tăng thêm nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn.
- Tôi hay chán nản trong lúc làm việc. Thử đặt câu hỏi cho bản thân “tôi có thực sự phù hợp với nghề nghiệp này không, hay tôi có một ước mơ khác đang ấp ủ”.
Dừng lại suy ngẫm không có nghĩa là không làm gì cả (giống như kiểu đi tìm sự bình yên).
Trong giai đoạn này đưa ngay vào thử nghiệm nhỏ để chứng minh chiến lược và chiến thuật bạn đang điều chỉnh là đúng hướng.
Hãy để ý các dấu hiệu.
Sẽ mất thời gian, suy ngẫm và sàng lọc những suy nghĩ làm lu mờ tâm trí. Khi phát hiện ra tiềm năng mới cho cuộc sống của mình, dùng hết tất cả những gì bạn đang có để tấn công một cách quyết liệt.
Đây là lúc bạn đứng dậy thực sự và chào đón một con người mới đầy bản lĩnh và khôn ngoan.
Đọc thêm: Cho phép bản thân mắc sai lầm để trở nên tốt hơn
Vậy là chúng ta đã đi qua 5 vấn đề lớn để học tập và trở nên tốt hơn. Bây giờ hãy cùng xem lại một cách tổng quá:
1. Những yếu tố gây học tập kém và cách cải thiện
Chúng ta học tập kém là vì chúng ta mang theo quá nhiều hành lý, đầu chúng ta suy nghĩ quá nhiều về những vấn đề không quan trọng.
Loại bỏ chúng bằng cách làm chủ tâm trí thông qua thiền Isha Kriya của ngài Sadhguru và các bước thiền đơn giản 5 phút mỗi ngày (chỉ ngồi xuống quan sát hơi thở, không làm gì).
Cải thiện các mối quan hệ lành mạnh.
Nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.
2. Học bằng cách bắt chước
“Cái tôi (Ego)” ngăn cản chúng ta thừa nhận về việc bắt chước người khác. Nếu thừa nhận thì bạn sẽ học nhanh gấp 10 lần, vì nó tạo ra sự đồng bộ giữa ý thức, tâm trí và hành động.
Chọn ra những người mà bạn muốn trở thành, chìm đắm trong nội dung của họ.
3. Kỹ thuật Feynman
Sự đơn giản chính là biểu hiện của trí tuệ sâu sắc.
Nếu bạn có thể giải thích một khái niệm cho một đứa trẻ học lớp 6 hiểu thì bạn đã thực sự hiểu vấn đề.
4. Học là phải thực hành
Hãy gắn cho những việc bạn làm một ý nghĩa. Lợi ích của nó là khiến cho tâm trí (kiến thức) và cơ thể (kinh nghiệm) hoạt động như một. Quá trình này biến kiến thức ngấm vào toàn bộ con người bạn, chứ nó không chỉ nằm trên não nữa.
Viết là cách hành động dễ nhất và dành cho bất kỳ ai.
Bắt đầu áp dụng kỹ năng viết của mình trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích trên con đường sự nghiệp và cuộc sống.
Hãy nhớ, đừng để cái tôi của bạn ngăn cản bạn chia sẻ kiến thức đến với mọi người.
5. Học từ thất bại
Con hổ bị thương sẽ trở về hang để liếm vết thương cho đến khi lành lặn.
Bạn cũng vậy, tạm dừng và suy ngẫm.
Tạm dừng và suy ngẫm không phải là đi tìm sự bình yên, dễ chịu bên ngoài.
Sự bình yên từ bên trong xuất hiện khi:
- Bạn có một mục tiêu để phấn đấu.
- Bạn biết con đường để đến mục tiêu.
- Bạn nỗ lực từng ngày, làm, sai và sửa để từng bước chậm chạp tiến dần tới đích.
Tìm kiếm sự trợ giúp từ mọi người, blog, video, sách báo,…
Điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với con người và hoàn cảnh của bạn.
Tôi sẽ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình về phát triển bản thân và nền kinh tế số. Hãy đăng ký bản tin Duc Thong Do Letters để nhận được nhiều thông tin hữu ích.
Một mong muốn nhỏ từ tôi:
Tôi cần những phản hồi để sửa bài là phụ và sửa mình là chính, nếu có thể tôi mong rằng nhận được bình luận từ bạn (ở ngay cuối bài viết). Cảm ơn!
Chúc bạn thành công.
— Duc Thong Do
Cảm ơn bài chia sẻ của bạn.
Rất thiết thực và dễ hiểu
Cảm ơn Hải
Mình đang khá tò mò về kỹ thuật Feynman sau khi đọc bài viết này, trước đây mình cũng đã nghe qua nhưng thực sự ko để ý kỹ về kỹ thuật này lắm
Chắc ngày xưa bạn học tốt môn văn, trình bày khá dễ hiểu và đi vào đúng trọng tâm của vấn đề mà khá nhiều người đang mắc phải.
Tôi rất vui vì lời khen tử tế của bạn.
Sự thật tôi là người não trái, thích toán, vật lý và ghét văn. Nhưng giờ lại muốn trở thành nhà văn, tôi học văn bằng nhanh chóng cách bắt chước và học sâu bằng kỹ thuật feynman.
Hải cũng có thể áp dụng 2 kỹ thuật này cho bất kỳ điều gì, kể cả trái sở trường.
Và một điểm nữa, tôi tin rằng phần đông mọi người không thích văn chương quá mượt mà, họ thích giọng thật của một người bạn đang tán gẫu với họ. Đây cũng là phong cách mà tôi đang theo đuổi.
Chúc bạn thành công với 5 kỹ thuật trên.
cảm ơn cậu đã cho tớ bt những gì mà tớ chưa biết 🫶🏻 trình bày dễ hiểu và đúng trọng tâm nè.
Chào Giang Phan!
Tớ cũng cảm ơn cậu vì lời khen nhẹ nhàng này. Nhớ đón đọc bản tin #02 nhé. Dự tính tớ sẽ ra mắt vào vài ngày tới, về chủ đề “hãy là chính mình”