Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi giáo điều – tức là sống theo kết quả suy nghĩ của người khác.
Steve Jobs
Tôi bắt đầu ra kinh doanh riêng vào năm 2018.
Mọi người nói với tôi rằng: “mày không kinh doanh được đâu, cứ đi làm công ăn lương cho chắc ăn”.
Bởi vì, gia đình tôi chẳng có ai kinh doanh cả và bản thân tôi cũng là người ít nói, ít giao lưu (ăn uống, tiệc tùng), suốt ngày chỉ thích học tập và nghiên cứu.
Lúc đó, trong đầu tôi tràn ngập suy nghĩ:
- Bố mẹ tôi sẽ nghĩ gì, bởi vì họ đã bỏ rất nhiều tiền để cho tôi học đại học?
- Anh chị em, bạn bè sẽ nghĩ gì khi tôi không đi con đường ổn định giống họ?
Mọi thống kê đều cho rằng, thành công chỉ đến sau nhiều lần thất bại và ít có ai khởi nghiệp thành công sau tuổi 30 cả (trừ khi bố mẹ hai bên tài trợ). Từ đó, trong đầu tôi lại xuất hiện nhiều giọng nói nhỏ khác:
- Liệu tôi có đủ tiền để trang trải cuộc sống không?
- Nhỡ tôi thất bại thì mọi người sẽ chê cười thì sao?
- Bao lâu thì thành công?
- …
Bạn có từng rơi vào trường hợp tương tự giống tôi không?
Cứ mỗi suy nghĩ về một tương lai tốt đẹp, thì có tới 100 suy nghĩ khác xuất hiện để làm bạn chùn bước.
Nhưng thực sự tôi không muốn tiếp tục cuộc sống sáng đi làm, chấm công, tối về ngủ, rồi đến cuối đời ngồi xơi nước hưởng lương hưu.
Cuộc đời thật nhàm chán.
Tôi cảm thấy chán nản về công việc gò bó nơi công sở, thiếu tính sáng tạo. Mọi người đều làm theo quy trình dập khuân có sẵn như gà công nghiệp, mà không được khuyến khích phát huy thế mạnh, và tiềm năng của riêng mình.
Tôi ghét phải phục tùng người khác mà không có lý do.
Tôi ghét sự nhếch nhác về chính trị nơi công sở.
Tôi ghét sự quản thúc về mặt thời gian thay vì kết quả công việc.
Tôi là một người có sự nhẫn nhịn khá tốt nên cũng ít khi thể hiện ra mặt. Nhưng nếu cứ như vậy, cuộc sống chẳng khác nào án treo cả.
Tôi cần phải bứt ra để tìm kiếm tự do.
Tôi muốn làm điều gì đó sáng tạo.
Tôi muốn làm chủ, và tự tay nhào lặn cuộc sống của riêng mình.
Nhưng trước khi đạt được cuộc sống tốt đẹp, tôi cần phải xử lý 100 suy nghĩ tiêu cực đang rập rình đánh gục mình đã. Mà đó chủ yếu là những suy nghĩ bị ảnh hưởng bởi mọi người xung quanh.
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn về 2 ý tưởng lớn mà tôi đã, và đang thực hiện trong hành trình của mình:
- Làm hài lòng và quan tâm tới người khác nghĩ không phải lỗi của bạn.
- Ngừng quan tâm tới người khác nghĩ trong 30 ngày nhờ tập trung vào nỗi ám ảnh.
Nào, chúng ta hãy cùng bắt đầu:
I. Làm hài lòng và quan tâm tới người khác nghĩ không phải lỗi do bạn
1, Di truyền, định kiến xã hội, và môi trường
Chúng ta sinh ra không phải làm một tờ giấy trắng để môi trường xung quanh viết lên. Chúng ta sinh ra đã mang trong mình những gánh nặng, niềm vui, lo toan của cha mẹ mình, của bao thế hệ đi trước nữa. Và nó ẩn trong cái cách mà chúng ta có một nguồn gen nhất định. Quan trọng hơn nữa là cái cách mà nguồn gen đó được bật lên hay tắt đi. Chúng ta được hình thành bởi gen và môi trường tác động qua lại với nhau.
– PGS. TS Nguyễn Phương Mai | HaveASip 169
Yếu tố di truyền:
Các nhà khoa học ước tính có 20% – 60% tính cách được xác định bởi yếu tố di truyền.
Bạn hãy quay về, quan sát bố mẹ, ông bà bạn xem có ai giống bạn không?
Trong trường hợp của tôi, bố tôi là người hướng nội, ít nói, suy nghĩ mọi thứ đơn giản, còn mẹ tôi là người nói nhiều nhưng lại hay quan tâm tới người khác nghĩ.
Em tôi thừa hưởng suy nghĩ đơn giản của bố, và tính nói nhiều của mẹ.
Tôi thì ngược lại, nói ít, và suy nghĩ nhiều.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói, “Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hạt giống tốt xấu của bố mẹ, ông bà, tổ tiên”
Nào, bây giờ chúng ta cùng nhau khám phá về bộ não con người.
Điều kỳ lạ của bộ não là nó hầu như không thay đổi suốt hàng nghìn năm.
Phần lớn, chúng ta có bộ não giống hệt tổ tiên thời săn bắn, hái lượm. Ở thời kỳ đó, họ sống trong những bộ lạc nhỏ, nơi mọi người phụ thuộc vào nhau để sinh tồn. Ở những bộ lạc này, sự từ chối của xã hội, bị đuổi ra khỏi bộ lạc đồng nghĩa với cái chết.
Bởi vậy, trong vô thức, chúng ta luôn có xu hướng quan tâm tới người khác nghĩ và làm hài lòng họ – điều mà ai cũng mắc phải, không chỉ riêng bạn.
Định kiến xã hội:
Xuất phát từ thời kỳ phong kiến, và đến nay chúng vẫn còn ảnh hưởng.
Trong gia đình, họ hàng, người vai vế thấp phải nghe lời người trên. Thứ phải nghe lời trưởng, anh phải nghe lời em, vợ phải nghe lời chồng, con cái phải nghe lời bố mẹ.
Nếu không nghe lời, làm mất lòng là bị trách mắng.
Đó cũng là một nguyên nhân ăn sâu vào tiềm thức, vào từng mã gen mà các thế hệ trước đã để lại trong cơ thể chúng ta.
Môi trường:
Nếu môi trường bạn đang sống thiên về kiểu vai vế, thì bạn dễ có xu hướng rơi vào vòng xoáy làm hài lòng, và quan tâm quá nhiều tới người khác nghĩ.
Robert Greene cảnh báo rằng, nếu môi trường của bạn có những người thích phát triển địa vị của mình thông qua các thủ thuật thao túng tâm lý, và kiểm soát người khác theo kiểu ép buộc người khác theo ý họ hơn là ưu tiên trong việc hoàn thành công việc, lợi ích của tập thể thì nên hết sức cẩn thận.
Giờ đây, nhờ internet, và phương tiện giao thông di chuyển quá dễ dàng. Bạn có thể rời cộng đồng không an toàn với bạn, và tìm đến nơi tôn trọng bạn, tôn vinh bạn và mong muốn bạn phát triển hơn.
Đừng để mình trở thành con rối của người khác.
Xây dựng một tâm trí tự chủ và độc lập.
2, Bản ngã
Bản ngã hay còn gọi là cái “tôi (Ego)”.
Nó luôn quan làm mọi việc để “trông hơn người khác”:
- Địa vị xã hội cao hơn
- Là người có tiền, giàu có hơn
- Cơ thể đẹp hơn, mạnh hơn để uy hiếp người khác
Những người đồng hóa chính mình với bản ngã thường bị nó điều khiển, nó khiến cho cuộc đời họ không bao giờ có sự thỏa mãn rồi dẫn đến đau khổ.
Có cái lều thì muốn cái nhà, có nhà rồi thì muốn ngôi nhà to hơn, có nhà to hơn thì lại mong ước có biệt thự thật hoành tráng.
Không. Tôi không chỉ trích hay bảo chúng ta phải tiêu diệt bản ngã giống như phần lớn các vị tu hành đang thực hiện.
Đó là điều khó vô cùng với một người bình thường như chúng ta.
Nhưng có một cách khác.
Giảm tầm ảnh hưởng của nó bằng cách khẳng định bạn không phải là cái “tôi”, bạn là chủ, và cái “tôi” là thứ để bạn sử dụng.
Nếu cần công cụ để thực hiện, hãy tham khảo bài thiền này của thầy Sadhguru:
Ngừng làm hài lòng và ngừng quan tâm tới người khác nghĩ (trong 30 ngày) bằng nỗi ám ảnh
Tôi muốn bạn xem một thí nghiệm về tâm lý học (video trên).
Thí nghiệm: mọi người được yêu cầu đếm số lượt đội áo trắng chuyền bóng qua lại. Đến giây thứ 26, con khỉ đột đi qua, còn khua tay loạn xạ. Nhưng điều ngạc nhiên là khi kết thúc trò chơi, khoảng 1 nửa không nhìn thấy sự xuất hiện của con khỉ. Vì họ quá nhập tâm vào việc đếm bóng.
Cuối cùng, gần như tất cả không nhận ra trong 3 người áo đen, có 1 người đã rời đi, chỉ còn 2 người ở lại.
Nguyên nhân là?
Trong mỗi giây, não bộ có thể quản lý 7 bits, và xử lý 128 bits thông tin.
Nếu như não bạn chứa đầy những thông tin quan trọng, thì nó không còn chỗ để tiếp nhận thông tin khác nữa.
Sở thích, nỗi ám ảnh và niềm đam mê là những thông tin khiến não bạn say đắm.
Sự say mê công việc làm bạn không còn quan tâm tới người khác nghĩ nữa. Bạn cũng chẳng có thời gian để làm người khác hài lòng.
Đam mê còn là chìa khóa tạo nên những điều độc đáo.
“Để có những đóng góp độc đáo, bạn phải bị ám ảnh một cách phi lý bởi một điều gì đó.”
— Naval Ravikant
Tôi cho bạn một vài ví dụ.
Elon Musk, Steve Job,… họ đều làm những người đầu tiên làm những việc kỳ lạ, bị nhiều người phản đối, và ban đầu họ có quan tâm tới người khác nghĩ hoặc cố gắng làm hài lòng ai không?
KHÔNG!
Hãy nhìn Sơn Tùng MTP. Anh ấy có quan tâm tới người khác nghĩ không? Anh ấy có phải làm hài lòng mọi người trong showbiz không?
KHÔNG!
Hãy nhìn Đen Vâu. Anh ấy có quan tâm tới người khác nghĩ gì về quá khứ làm nhân viên nhặt rác của mình không? Anh ấy có phải đi lấy lòng mọi người trong showbiz không?
KHÔNG!
Hãy nhìn anh Hiếu TV, chị Chi Nguyễn The Present Writer,… Khi bắt đầu sự nghiệp, họ đều gặp những lời chê bai, chỉ trích từ mọi người, nhưng họ có quan tâm không?
KHÔNG!
Đơn giản là họ quá bận để xây dựng ước mơ của riêng họ. Họ quá say mê và bị ám ảnh bởi công việc họ đang làm.
Hãy dừng lại 5 giây, và nghĩ xem niềm đam mê của bạn là gì? Nỗi ám ánh của bạn là gì?
Trong trường hợp của tôi, tôi bị ám ảnh bởi việc phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan tới phát triển bản thân. Từ đó, dẫn tới bức tranh lớn hơn là giáo dục.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh này của tôi chỉ đang trong giai đoạn hạt giống mới nảy mầm.
Tôi cần tiếp tục bón phân, tưới nước, phơi chút nắng, dầm dưới mưa và đôi khi trải qua dông bão để từ hạt giống nảy mầm trở thành đam mê cổ thụ.
Nhưng không phải ai đi theo nỗi ám ảnh, đam mê đều đúng cách. Một là chậm, hai là không thể tiến thêm.
Vậy chúng ta phải làm gì?
“Hãy theo đuổi những nỗi ám ảnh của bạn cho đến khi một vấn đề bắt đầu xuất hiện, một vấn đề lớn, đầy thử thách, tác động đến càng nhiều người càng tốt, mà bạn cảm thấy không thể giải quyết được hoặc cố gắng chết đi. Có thể mất nhiều năm để tìm ra vấn đề đó, bởi vì bạn phải khám phá các khối kiến thức khác nhau, thu thập các dấu chấm rồi kết nối và hoàn thiện chúng.”
— Justine Musk
Nó có nghĩa là:
Chặn đường đầu tiên: Theo đuổi nỗi ám ảnh của bạn.
Chặn đường thứ hai: Đến khi một vấn đề lớn, đầy thử thách, tác động đến các nhiều người càng tốt, mà bạn cảm thấy bạn phải giải quyết nó hoặc là chết đi.
Hầu như chúng ta đều không đi hết chặn đường thứ nhất.
Mà để đi hết chặn đường thứ nhất chúng ta cần liên tục rơi vào trạng thái dòng chảy (Flow).
Flow có thể coi là một trạng thái thiền sâu trong công việc. Là khi bạn làm một điều gì đó mà quên đi tất cả mọi thứ xung quanh, thời gian như ngừng chảy.
Đối với tôi, trạng thái dòng chảy xảy ra trong ba công việc:
Nghiên cứu, phân tích khoa học tâm lý, triết học và tâm linh.
Viết sáng tạo (giải pháp).
Thiết kế website chuyển đổi.
Vấn đề lớn mà tôi muốn giải quyết là: chấm dứt đau khổ, và đạt được tự do thực sự của tâm trí.
Bước vào trạng thái dòng chảy là một môn khoa học. Và tôi sẽ giới thiệu cho bạn 2 phương pháp sau đây.
1, Thêm ý nghĩa vào công việc mà bạn đang làm
Tôi muốn bạn chú ý đến từ Ý NGHĨA.
Trong những việc bạn đang làm, bạn cần gán cho mỗi hành động một ý nghĩa (theo Tiến sĩ Joe Dispenza).
Kiến thức là dành cho não.
Trải nghiệm là dành cho cơ thể.
Khi bạn gán cho công việc một ý nghĩa, bạn càng hiểu sâu sắc về những việc bạn đang làm, và lý do bạn làm việc đó. Lúc này, vùng vỏ não trước trán được kích hoạt, và nó phụ trách kiểm soát các chức năng trong cơ thể bạn để hành động. Bạn đang tạo ra trải nghiệm mới gọi là cảm giác, hay cảm xúc.
Suy nghĩ (kiến thức) là ngôn ngữ của não.
Cảm xúc (thông qua trải nghiệm) là ngôn ngữ của cơ thể.
Khi bạn gán cho công việc đang làm một ý nghĩa, bạn đang dạy cho cơ thể mình về mặt hóa học.
Lúc này, thông tin không còn nằm ở trên não (như lúc bạn học lý thuyết) nữa.
Thông tin giờ đã chuyển xuống cơ thể, nó thực sự nằm trong cơ thể, và nó thông qua quá trình chọn lọc để tái tạo các gen mới.
Và đây là cách con người đang thay đổi vận mệnh của mình, về mặt di truyền.
Nếu bạn làm được một lần, thì có nghĩa là bạn có thể làm lại.
Lợi ích không chỉ dừng lại ở việc thói quen mới được hình thành, mà còn làm cho tâm trí, và cơ thể bắt đầu hoạt động như một.
Khi bạn làm việc đó nhiều lần đến mức bạn không còn phải nghĩ về nó nữa, thì nó đã trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn đã nắm vững kiến thức đó, bạn đã trở thành kiến thức đó. Bạn đang tồn tại ở một trạng thái mới – con người của sự tiến bộ.
Bạn hãy nắm lấy nguyên tắc này, và bắt đầu thay đổi vận mệnh.
Vậy tôi nên hành động như thế nào?
Đầu tiên bạn cần xác định điều gì ý nghĩa nhất đối với cuộc đời bạn, với bản thân bạn (với tôi là chấm dứt đau khổ và tự do về tâm trí).
Tôi muốn nhấn mạnh, là cho cuộc đời bạn chứ không phải người khác.
Trước khi làm bất cứ việc gì, hãy hỏi việc bạn sẽ làm có phục vụ cho mục đích của bạn hay không.
Ví dụ, với tôi việc đi bộ là cực kỳ nhàm chán cho đến khi nó trở thành thói quen. Trước khi đi bộ, tôi luôn tự hỏi bản thân mình “đi bộ để làm gì?”
Đi bộ cho tôi sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, và nâng cao khả năng sáng tạo. Không chỉ đạt hiệu suất cao trong công việc, mà đó giúp tôi có nhiều ý tưởng hơn trong viết lách. Tôi là dân toán, không thích văn. Nhưng viết lách giúp tôi tạo đòn bẩy, thể hiện khả năng sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Và cuối cùng chắc chắn nó dẫn tôi đến đích đến là tự do.
Yes, đó là ý nghĩa mà tôi vẽ ra cho hai công việc vốn dĩ nhàm chán là đi bộ và viết lách. Giờ nó trở thành một phần của cuộc sống của tôi. Tôi thích nó.
2, Nguyên lý dòng chảy của Mihaly Csikszentmihalyi
Tôi thường chơi trò ném bóng vào rổ với con trai hơn 2 tuổi.
Lúc đầu, hắn rất hào hứng, cười sằng sặc.
Nhưng đến khi kỹ năng ném bóng thành thạo 10/10 thì hắn bắt đầu chán ngấy.
Tôi tăng độ khó lên, đưa rổ bóng ra xa khoảng 1m. Mười quả thì trúng có 1 hoặc có lúc không chúng quả nào. Hắn ngồi bệt xuống la khóc, cáu kỉnh không chơi nữa.
Vì thế, lần sau, tôi đưa gần lại cách buổi đầu tiên khoảng 0,4m thôi. Lúc này, hắn ném 10 quả thì trúng 5,6. Hắn tỏ ra hào hứng, cười khúc khích ra vẻ khoái chí lắm.
Đó là một lý dụ cho nguyên lý dòng chảy của Mihaly tôi thường áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu như bạn đang cảm thấy công việc của mình quá nhàm chán, thì hãy tăng độ khó lên. Bắt đầu xây dựng dự án cho riêng mình. Ví dụ xây dựng thương hiệu cá nhân chẳng hạn.
Nhưng nếu bạn cảm thấy căng thẳng, choáng ngợp vì công việc quá khó so với khả năng, thì việc cần làm là hạ thấp mục tiêu xuống một chút, và nâng cao kỹ năng của bạn lên.
Mihaly Csikszentmihalyi nói rằng chúng ta cần duy trỳ ở giữa hai trạng thái “nhàm chán” và “căng thẳng quá mức” sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái dòng chảy. Từ đó, công việc trở nên hứng thú, từng bước, từng bước một tiến tới thành công.
3, Chủ động xây dựng cuộc đời của bạn
Game gây nghiện.
Bởi vì, nó được xây dựng theo cơ chế phù hợp với tâm lý học con người.
Bắt đầu từ lever 1 thật dễ dàng, để bạn học một kỹ năng mới. Kết thúc lever 1, bạn sẽ thu thập được các phần thưởng về sức mạnh, trang bị để dễ dàng chơi hơn khi sang lever 2. Khi sang lever 2, bạn sẽ có những thách thức mới khiến bạn phấn khích nhưng vừa đủ để bạn có thể vượt qua bằng cách nâng cao kỹ năng của mình. Điều đó tiếp tục lặp lại khi sang các lever cao hơn.
Khi chơi game, tôi nhập tâm tới mức chẳng còn quan tâm tới mọi người xung quanh nói gì nữa.
Nếu cuộc đời bạn như một ván game thì sao?
Đúng vậy.
Bạn sẽ chẳng quan tâm tới người khác nghĩ, hoặc đi làm hài lòng mọi người làm gì nữa.
Vì bạn đang bận rộn, say mê xây dựng cuộc đời mình.
Chủ động xây dựng cuộc đời bạn như một ván game liên tục đạt mục tiêu nhưng không hồi kết.
4, Chọn con người mà bạn muốn trở thành
Nếu bạn không chủ động xây dựng cuộc đời mình, thì xã hội sẽ làm điều đó.
Bố mẹ muốn bạn làm bác sĩ, làm kiến trúc sư,…
Hoặc xã hội muốn bạn đi học, ra trường đi làm văn phòng 8 tiếng, 50 tuổi nghỉ hưu.
Điều đó không sai.
Nhưng bạn tự hỏi chính mình xem bản thân bạn có thực sự muốn?
Trong khóa học Agency Navigator của Iman Gadzhi, tôi tâm đắc nhất câu nói:
Trong cuộc sống, bạn không nhận được những gì bạn xứng đáng, mà bạn nhận được những gì bạn nghĩ mình xứng đáng.
Iman Gadhzi
Bắt đầu bằng việc tưởng tượng 10 năm nữa, bạn sẽ trở thành ai (ai là nhân vật mà bạn tạo ra chứ không phải ai đó bạn hâm mộ)?
Để trở thành con người đó, thì hiện tại bạn cần làm những gì?
Ví dụ trong trường hợp của tôi:
Mong ước cao nhất của tôi là được tự do về mặt tâm trí. Làm việc ở bất kỳ đâu. Không bị bất kỳ ai quản lý. Thoải mái tiền để tiêu vào những việc tôi cảm thấy ý nghĩa. Không phải quan tâm tới người khác nghĩ và chẳng phải làm hài lòng ai.
Để làm được điều ấy, bây giờ điều quan trọng nhất tôi cần làm là:
Tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần và nâng cao khả năng sáng tạo.
Rèn luyện kỹ năng viết lách, tiếp thị, bán hàng.
Xây dựng đòn bẩy giá trị cao. Hiện nay tôi đang tập trung xây dựng đòn bẩy thương hiệu cá nhân.
Đăng ký để nhận bản tin phát triển bản thân hàng tuần qua email
5, Viết lại câu chuyện cuộc đời bạn
Tôi luôn cảm thấy phấn khích khi xem lại cuộc đời mình, dù nó là thành công hay thất bại.
Tôi luôn có nhiều câu chuyện để kể lại cho những ai đi sau tôi vài bước. Để họ có thể tránh được vũng nước mà tôi đã băng qua.
Niềm vui khôn tả khi thấy mình có giá trị.
“Hạnh phúc là cảm giác sức mạnh tăng lên – sự kháng cự đó đang được vượt qua.”
— Nietzsche
Và quan trọng nhất là bạn nhìn thấy mình đang không ngừng tiến bộ.
Đầu tiên, hãy mô tả điểm xuất phát của bạn.
Những vấn đề bạn gặp phải, những thất bại bạn đã trải qua.
Nó mang lại cho bạn bài học gì?
Giải pháp của bạn cho những vấn đề ấy?
Nếu để lại lời khuyên cho con người của bạn trong quá khứ, bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì?
Đúng vậy.
Đó là cách làm cuộc đời bạn trở nên ý nghĩa.
Quan tâm tới người khác nghĩ là một siêu năng lực
Cuối cùng, tôi muốn nói với bạn rằng. Suy nghĩ nhiều, làm hài lòng người khác là một món quà nếu bạn biết cách sử dụng.
Khi bạn có khả năng điều hướng sự chú ý của mình vào đúng người cần giúp đỡ, bạn sẽ có khả năng hiểu được họ đang nghĩ gì. Đó là cơ sở để bạn có thể giúp họ cải thiện cuộc sống.
Ngoài ra, bạn sẽ hợp với việc tìm hiểu về tâm lý học.
Không nhất thiết bạn phải làm nhà tâm lý. Bởi vì, hiểu tâm lý học có ích trong tất cả mọi công việc và cuộc sống của bạn nếu muốn giao tiếp với người khác.
Ví dụ, trong công việc của tôi.
Khi viết nội dung, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu xem mọi người đang nghĩ gì, những khó khăn và vấn đề nào cần giải quyết. Từ đó, tôi đi tìm giải pháp để giúp họ.
Ví dụ trong thiết kế website, tôi đoán xem khán giả mục tiêu sẽ cần gì, và điều gì hữu ích nhất với họ. Từ đó, dẫn tới việc xuất hiện ngay lập tức thứ mà khán giả cần, giảm thời gian tìm kiếm.
Mong rằng nội dung này sẽ hữu ích cho cuộc sống của bạn.
Cảm ơn vì đã xuất hiện!
Bạn của tôi.
bài viết của bạn rất hay, nhưng có cảm giác hơi dài nếu giành cho những bạn chưa có thói quen đọc
Cảm ơn Hải đã chia sẻ suy nghĩ, tôi sẽ nghĩ thêm về vấn đề này