Choang…g…g…g…
Anh ta cố gắng đập cửa kính để thoát ra.
Ở trong một bệnh viện, người đàn ông dáng gày gò với hơi thở hổn hển, cặp mắt trợn lên với đầy vẻ hoảng sợ. Anh ta đang cầm viên gạch liên tiếp đập vào cánh cửa khiến từng mảnh kính vỡ vụn.
Mọi người xung quanh chạy tán loạn. Họ nghĩ anh ta đang cố gắng phá hoại, họ tưởng tượng sau đó anh ta sẽ lấy mảnh kính và tấn công mọi người.
Ngay lập tức, các chú bảo vệ với đồ nghề lao vào khóa chặt tay chân. Anh ta giãy giụa, nước mắt tràn ra và liên tục kêu cứu.
Nhưng…
Sự thật là, anh ta tưởng rằng có ai đó đang rút sạch không khí trong phòng, và anh ta phải tìm mọi cách thoát ra để hít hà vài lít Oxy mà tiếp tục sống.
Đáng nhẽ mọi người nên hỏi anh ta tại sao lại làm vậy. Nhưng không, họ tưởng tượng ra việc anh ta làm, nghĩ rằng anh ta sẽ tấn công – nhưng không phải vậy. Ngay cả anh ta cũng tưởng rằng ai đó rút không khí trong phòng – nhưng cũng không phải vậy.
Đây là một câu chuyện phản ánh tình trạng xã hội hiện nay. Nếu đào sâu suy nghĩ thêm một chút, chúng ta (bao gồm cả tôi) đều không nhìn mọi việc xung quanh như đúng bản chất của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc bị đe dọa dù chỉ là một kích thích nhỏ nhất. Ví dụ như, nhìn mặt thằng đấy đã thấy ghét rồi. Đó là vấn đề gây ra đủ loại xung đột trong các mối quan hệ. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của bạn.
Ví dụ:
Bạn thấy ai đó tỏ ra khó chịu, bực bối về việc bạn đang làm, bạn tưởng rằng họ đang nhắm vào bạn, bạn phản ứng, cãi nhau và mọi chuyện trở nên tồi tệ. Trong mối quan hệ vợ chồng thường xảy ra điều này phải không?
Nhưng sự thật là, họ chỉ đang phản ánh nỗi đau của họ trong quá khứ.
Nếu vợ/chồng/bố/mẹ đi làm về tỏ ra khó chịu, cáu gắt với những việc bạn đang làm (hoặc không làm gì cả), rất có thể hồi nhỏ họ cũng bị người lớn đối xử như vậy, rất có thể ở trên công ty họ bị sếp đỳ (nhưng không dám phản kháng).
Tôi không nói rằng bạn nhường nhịn – không, đó là cách nhu nhược nhất mà tôi cảm thấy. Một là bạn có thể bỏ qua như không nghe thấy, hai là bạn có thể giúp họ nhận thức được vấn đề bằng bất kỳ phương pháp nào bạn thấy phù hợp. Nhưng ít nhất bạn sẽ không phản ứng, bạn không căm ghét họ, bạn sẽ không bị cảm xúc chi phối, và phản ứng như một con rối. Bạn đã sống lý trí, tự chủ và có ý thức đúng đắn về thực tại.
Phải vậy không?
Một ví dụ khác, bố/mẹ la mắng vì con cái ham chơi không học hành, rất có thể quá khứ họ học không giỏi hoặc học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành. Họ sẽ phải sống thông qua bạn, sống với những mong muốn còn dang dở.
Nếu bạn nhìn như vậy, bạn đang sống trong tỉnh thức. Thay vì bạn thường xuyên chú ý tới tâm trí nhảy nhót của chính mình, bạn bắt đầu bước vào thế giới của người khác để khám phá. Bạn sẽ trở nên cảm thông và dễ dàng tha thứ. Bạn không bị vướng vào hay bị lôi kéo bởi cảm xúc của người khác (khoa học gọi đây là trí thông minh cảm xúc – EQ).
Ngược lại…
Nếu bạn là họ thì sao?
Bạn sẽ cần quan sát chính mình. Như nhà tâm lý học Carl Jung từng nói: “Mọi điều khiến chúng ta khó chịu về người khác có thể giúp ta hiểu rõ về chính mình”. Bạn quan sát chính mình với con mắt tỉnh thức – đây là quá trình tự nhận thức bản thân.
Đặc biệt, khi bạn nhận được quá khứ ảnh hưởng tới tính cách của bạn như thế nào, bạn sẽ tìm được cách đoạn trừ quá khứ. Con người bạn không còn là kết quả bởi những gì xảy ra trong quá khứ nữa. Con người bạn của hiện tại là hiện tại. Và con người bạn của tương lai là những gì bạn lựa chọn ngay lúc này.
Bạn chọn bạn trở thành ai ngày hôm nay, tương lai bạn sẽ trở thành người đó.
Mọi quyết định nằm trong tay bạn.
Tôi đào sâu nghiên cứu về tiềm năng con người thông qua tâm lý học, khoa học và tâm linh để giải quyết các vấn đề của chính mình và chia sẻ lại cho người khác.
Hi vọng ý tưởng này sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống.