Nếu bạn bắt đầu từ con số 0, thì đây là bài viết dành cho bạn.
Tôi không thể chỉ cho bạn chính xác phải làm gì (vì tôi không hiểu hoàn cảnh của bạn). Nhưng tôi có thể chỉ cho bạn cách tôi sẽ làm gì khi trở về với 2 bàn tay trắng.
Khi đó, tôi hiểu rằng vốn duy nhất mình có là vốn tự thân. Tính cách, kỹ năng, và sắc đẹp.
- Sắc đẹp thì thôi :)) trời này đứng đường vẫy thì lạnh lắm.
- Tính cách: Hướng nội, kém trong việc mở rộng mối quan hệ. Nên việc liên tục đi kết nối với quá nhiều người khiến bản thân tôi rơi vào tình trạng mệt mỏi. → Chiến thuật tiếp cận ít nhưng chất lượng, và chỉ làm việc cho những người hào phóng.
- Kỹ năng chính: xây dựng hệ thống funnel, viết lách. Kỹ năng phụ: thiết kế web, design, notion, edit video,…
Sau đây là 9 bước để bạn tham khảo:
Bước 1. Chọn thị trường vĩnh cửu
- Tiền bạc
- Sức khỏe
- Mối quan hệ
- Hạnh phúc
Tôi sẽ chọn “tiền bạc”, vì tôi đã từng có kinh nghiệm làm về kinh doanh và digital marketing.
Bước 2. Quan sát thị trường
Thị trường chia làm 3 kiểu kiếm tiền:
- Bằng views xây kênh không lộ mặt rồi kiếm tiền bằng quảng cáo hoặc Affiliate (tiếp thị liên kết). Khó đấy, tôi sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi ai cũng có thể làm vậy.
- Bằng sự nổi tiếng – nhưng tôi sẽ phải đợi cho đến khi mình nhiều follow, nhiều like, share mới có thể kiếm tiền. Đợi đến khi tôi nổi tiếng thì chết đói mất.
- Giải quyết vấn đề cụ thể – kiếm được tiền ngay khi bắt đầu 1,2 tháng.
Ok. Chọn phương án 3 là ngon nghẻ nhất.
Bước 3. Lựa chọn kỹ năng
Kỹ năng chính: xây dựng hệ thống funnel, viết lách.
Kỹ năng phụ: thiết kế web, design, notion, edit video,…
Vì cần có tiền nhanh, để không chết đói. Tôi cần chọn kỹ năng nào cho phép tôi thất bại nhanh nhất để kịp thời điều chỉnh với thị trường.
Yes. Thất bại thật nhanh, và thật nhiều trong giai đoạn đầu.
- Website và xây dựng hệ thống từ lúc làm việc cho đến lúc chê thì phải mất 1 tháng. Hzaa… Quá lâu.
- Design, notion, edit video,… tôi chỉ biết để đủ dùng chứ không thực sự yêu thích chúng.
- Viết thì rất nhanh, viết dở là họ chau mày nhăn mặt ngay.
Trong viết thì có nhiều loại. Viết sách thì quá lâu và yêu cầu kinh nghiệm. Ưu tiên trung bình và ngắn trên mạng xã hội để có được phản hồi lập tức từ độc giả.
Còn content blog là dạng khó bán, tôi sẽ cung cấp thêm.
Quyết định: Chọn dịch vụ viết thuê (copywriting)
Bước 4. Lựa chọn khách hàng
Với tư duy của tôi khi làm Freelancer thì sẽ đi kiếm đi tìm khách đang có nhu cầu trên các trang tuyển dụng. Nhận offer bèo bọt, vì phải cạnh tranh với hàng trăm Freelancer khác.
Tôi cần đi theo hướng mới.
Mở một cuộc “đi săn” thay vì “bị săn”.
Tự hỏi:
Ai là người tôi có thể giúp đỡ nhiều nhất?
Các chủ doanh nghiệp (solo) đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên internet.
Tại sao họ lại cần tôi giúp?
Họ đang có thu nhập lớn, nhưng họ quá bận rộn để đi tìm freelancer, hoặc không nhận thức được vấn đề, và cũng không cần thiết vì họ vẫn sống ổn.
Nếu tôi giúp họ nhận thức được vấn đề họ đang gặp phải, thuyết phục họ rằng: “nếu giải quyết được nó thì doanh số họ sẽ tăng.” thì họ sẽ sẵn sàng trả tôi tiền.
Họ cần người hiểu họ, có thể kết nối với họ một cách sâu sắc.
Được rồi,…
Tôi sẽ chọn 1 người rất cụ thể.
Ví dụ, anh Long – Giảng viên huấn luyện đào tạo kinh doanh cho doanh nghiệp.
Anh ấy có tiếng trên Youtube, và các network offline. Nhưng Facebook của anh lại toàn những bài viết không xứng tầm với vị thế anh ấy đang sở hữu.
Tôi sẽ giúp anh ấy cải thiện các bài viết bằng cách biến những suy nghĩ thô sơ thành ngôn từ lấp lánh, nhưng đơn giản và dễ hiểu.
Lưu ý: Bạn cần lựa chọn khách hàng mà bạn thích, có cảm tình và tác động tích cực tới bạn. Khi đó, những lời khen của bạn về họ mới thực sự chân thành. Không chỉ có tiền, mà bạn sẽ học hỏi được nhiều từ họ. Đừng đưa bản thân vào thế khó để buộc phải nói dối – mọi thứ sẽ trở nên tệ.
Bước 5. Nghiên cứu
Xem những video anh ấy đã tạo để hiểu anh ấy suy nghĩ gì, thông điệp anh ấy muốn truyền tải, và chuyên môn anh ấy đang làm.
Coi như mình học tập, một công đôi việc.
Theo dõi các tài khoản mạng xã hội, xem anh ấy có những mối quan tâm gì.
Từ đó, biến những gì bạn tiêu thụ thành các bài viết ngắn, trung bình. Hãy viết thật nhiều, vì càng viết nhiều bạn càng tiến gần tới sự thấu hiểu về anh ấy và những gì anh ấy đang làm.
Lựa chọn ra các bài viết bạn thấy ưng ý nhất.
Bước 6. Tiếp cận
Đầu tiên, chịu khó tương tác với các bài viết anh ấy viết trên mạng xã hội.
Đưa ra các quan điểm mang tính xây dựng, khen ngợi những gì bạn thực lòng thấy hay, và có giá trị với bạn.
Gửi cho anh ấy một tin nhắn khen ngợi và cảm ơn.
“Em chào anh, em theo dõi anh được một thời gian. Các nội dung anh chia sẻ trên internet đã khiến em học được rất nhiều. Và đây là những gì em học từ anh và viết lại. Nếu anh thích chúng, anh có thể sử dụng để đăng lên các tài khoản của anh. Em rất vui khi mình có ích” – Hãy đảm bảo rằng bạn đang nói đúng những gì bạn suy nghĩ.
Sau đó bạn gửi cho anh ấy các danh sách bài viết mà bạn đã chuẩn bị từ trước.
Hãy tiếp cận thật nhiều người. Lúc này, bạn hãy cho đi càng nhiều càng tốt. Khi bạn càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng có uy thế trong việc đàm phán, và nâng cao giá trị của mình.
Đừng lo về số lượng, bạn có thể biến một nội dung thành 1,000 bài viết khác cho 1,000 khách hàng khác nhau với phương pháp SCAMPER (bạn có thể dễ dàng tìm nó trên mạng, hoặc trong khóa học Viết Hiện Đại)
Bước 7. Tiếp nhận các phản hồi
Nếu ai đó không phản hồi, có thể họ bận. Hãy tiếp tục tương tác với họ thêm một tuần nữa.
Nếu họ không thích, đừng bận tâm. Hãy tìm người khác. Chỉ người tôn trọng và yêu thích những gì bạn làm mới mang lại hiệu quả cao trong công việc, và trả cho bạn nhiều tiền nhất.
(Trong tâm lý học, để một dự án thành công thì 15% là sự tin tưởng vào bạn, 30% là sự kết nối giữa bạn và khách hàng.)
Nếu họ phản hồi tích cực.
Bước 8. Đưa ra lời đề nghị
Đừng ngại ngần đưa ra lời đề nghị cao.
Ít nhất gấp 2 thị trường và nhớ đề nghị tăng giá theo thời gian làm việc.
Tại sao?
- Họ là người có tiền, họ không ngại gì trả cao cho bạn nếu bạn làm việc hiệu quả.
- Những chủ doanh nghiệp thành công (bằng trí tuệ chứ không phải tranh đấu), họ hiểu rằng trả càng cao thì đi kèm với chất lượng. Về sau, họ sẽ chủ động trả bạn thêm để giữ bạn ở lại, thay vì để ai đó cuỗm mất bạn.
- Bạn đối xử với bản thân thế nào, thì người khác đối xử với bạn như vậy. Đừng đánh giá bản thân quá thấp. Nên nhớ, giá trị của bạn phụ thuộc vào nhận thức của khách hàng (chứ không phải thứ mà bạn tạo ra). Những gì bạn cung cấp sẽ là rác với người này, nhưng là vàng với người khác.
Bước 9. Đào tạo, giảng dạy dưới dạng sản phẩm số
Hôm trước anh Hưng hỏi tôi tại sao không cung cấp dịch vụ nữa.
Thực ra…
Bạn chỉ có thể phục vụ được tối đa 5 người/tháng để có đảm bảo hiệu quả công việc.
Sẽ mất nhiều công sức và thời gian nếu bạn muốn cung cấp thêm giá trị.
Vì vậy, đây là lúc bạn tạo ra những sản phẩm số để hướng dẫn lại những người giống bạn ở thời điểm trước. Lúc bạn mới bắt đầu.
- Tư vấn
- Coaching
- Sản phẩm số, khóa học
Tôi thích sản phẩm số vì tôi có thể cung cấp giá trị cho 10, 20, 1000 người cùng lúc mà không mất quá nhiều công sức.
Lưu ý: Việc đào tạo hoặc xây dựng sản phẩm số bạn nên bắt đầu ấp ủ ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
(Tại sao?)
99% không biết điều này…
“Hóa ra là nếu bạn đang đi trên một con đường mới, những chuyên gia giỏi nhất thường là những người hướng dẫn tệ nhất. Khi bạn ngày càng giỏi hơn trong những gì mình làm, khả năng truyền đạt sự hiểu biết của bạn hoặc giúp người khác học được kỹ năng đó thường ngày càng tệ hơn.”
– Adam Grant
Kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu đã thu thập dữ liệu tất cả sinh viên (tổng 15,662) năm nhất tại Đại học Northwestern từ năm 2001 đến năm 2008.
Theo các thuyết tâm lý, để một người có thể thay đổi (trở nên tốt hơn bằng cách học hỏi) thì:
- Chuyên môn của giáo viên chỉ chiếm 15%
- Sự tin tưởng vào giáo viên chiếm 15%
- Sự kết nối với giáo viên chiếm tới 30%
Khi bạn trở thành chuyên gia (bạn đi quá xa trên hành trình của mình), vậy nên bạn đã quên mất cái cảm giác của người mới bắt đầu. Bạn đánh mất sự kết nối. Mất sự kết nối dẫn đến thiếu cảm thông, bao dung, và thấu hiểu (kiểu hay đưa ra lời phán xét sao nó “nu” thế nỉ – nhưng chính chuyên gia cũng “nu” như vậy khi mới bắt đầu mà họ không ý thức được).
Vì vậy…
Nếu bạn là học sinh, hãy chọn học với người đi trước bạn 2,3 bước.
Nếu bạn là giáo viên, đừng đợi mình trở thành chuyên gia rồi mới dạy. Bạn phải ghi lại hành trình ngay từ lúc bắt đầu, và dạy lại cho người đi sau bạn vài bước.
Nhưng…
Chẳng mấy ai chấp nhận những điều này, vì phần lớn đều chạy theo sự hào nhoáng.
Nếu bạn dũng cảm làm, nó sẽ tạo nên sự khác biệt.
Bài viết này được viết dựa trên cảm hứng mà một bạn đã nhắn tin cho tôi tối thứ 2: “Sang năm em cũng muốn làm thương hiệu cá nhân và xây kênh ạ. Nhưng em chưa biết bắt đầu từ đâu.”
Hi vọng rằng nó giúp ích cho những ai đang bắt đầu khởi động một dự án mới.
Yes….
Bắt đầu từ con số 0 luôn là thời điểm tuyệt vời nhất.
Vì bạn không dựa dẫm vào ai cả.
Bạn phải vượt qua thử thách và phát huy hết sức mạnh bên trong con người mình.
Đó là một hành trình đầy thú vị.
Chúc thành công!