#051 – Cách thoát khỏi tiêu cực (để vươn tới thành công)

Th1 3, 2025 | 0 Lời bình

Duc Thong Do

@ducthongdo – Viết về kinh doanh một người, tâm linh và cuộc sống. Viết về viết.

Từ nhỏ tôi đã quan sát…

Không ai hạnh phúc hoàn toàn.

Mọi người đều nhúng mình trong mớ bùng nhùng tiêu cực của cuộc sống. Và họ giải quyết nhanh gọn lẹ như sau:

  • Uống rượu giải sầu. Rượu giống như một liều thuốc mê làm tê liệt dây thần kinh nhận thức về đau khổ.
  • Buôn chuyện để xả bỏ những bức xúc trong lòng, hoặc tự phủ lên mình một lớp đạo đức dày cộp.
  • Tiêu thụ nội dung giải trí, chơi game, ăn uống, drama để xoa dịu những áp lực trong cuộc sống hiện đại.

Tôi không có ý phán xét. Tôi cũng đã làm cả ba việc này. Chúng có tác dụng thật, và đôi khi nên làm thế trong một vài trường hợp khẩn cấp.

Nhưng bạn biết không?

Đó đều là những yếu tố bên ngoài, nếu bạn phụ thuộc quá nhiều vào nó thì bạn sẽ đánh mất sự tự chủ về bản thân. Những tiêu cực sẽ dồn vào vô thức. Đến một ngày nào đó, khi tiêu cực dồn nén quá mức.

Bùm…

Thôi xong, cuộc sống của bạn rơi vào đảo lộn.

Và rồi có thể bạn sẽ có những hành động bộc phát khiến cuộc đời bước sang một trang mới (màu tăm tối) – giống như câu chuyện trên báo chí “cháu nó ở nhà ngoan lắm”. Hoặc trở nên trầm cảm lúc nào không biết.

Tôi không phải là người thích giáo điều.

Vì vậy, tôi đã để mình trải qua và thử mọi phương pháp để đi tìm giải pháp.

Năm nay, tôi 32 tuổi.

Đây là câu chuyện và những gì mà tôi đã trải qua. Bạn có thể chiếm lấy nó làm kinh nghiệm cho riêng mình trong vài phút.

I. Mặt trái của giáo điều đạo đức

Nếu bạn sống trong giáo điều, cẩn thận nó sẽ nuốt chửng bạn.

Hồi nhỏ, tôi được bố mẹ dạy rằng phải sống tử tế, đạo đức và ngoan ngoãn.

Tôi không phản đối điều này, nhưng vấn đề ở chỗ phần lớn xã hội thời bấy giờ không đủ nhận thức và khả năng sáng tạo để áp dụng một cách linh hoạt trong các tình huống. Nó có nhiều mặt tốt, nhưng bên cạnh có mặt tồi tệ.

Khi bạn cố tỏ ra tử tế với tất cả mọi người, điều đó có nghĩa là bạn phải che giấu đi cảm xúc khó chịu của mình. Với người lớn, lúc nào cũng phải dạ dạ vâng vâng. Khi lớn lên, bạn trở thành một người luôn cố gắng làm hài lòng người khác.

Khi những tiêu cực không được giải phóng, nó dồn vào vô thức, rồi bùng phát ở các khía cạnh không ngờ của cuộc sống.

Khía cạnh đó là gì?

Như bản thân tôi, hồi nhỏ ra ngoài rất hiền nhưng về nhà lại nóng nảy với em gái mình (sau khi nhận thức được điều này, tôi dần dần sửa nó). Một số trường hợp khác tôi quan sát được: đi làm rất tử tế với đồng nghiệp, bạn bè nhưng về nhà lại khó chịu với người thân. Còn những anh xăm trổ, ra ngoài hổ báo, nhưng về nhà lại nhẹ nhàng với bố mẹ, vợ con.

Bạn có nhận thấy sự trái ngược không?

Sự trái ngược này được giải thích bởi nguyên lý “chuyển dịch năng lượng” mà tôi sẽ giải thích trong phần sau để tìm cách hóa giải.

II. Mặt trái của tu hành

Tôi nhận thức rõ bản thân mình có tham, sân, si nên tôi tìm tới đạo Phật.

Tôi được học rằng phải từ bi hỉ xả.

Từ là tâm yêu thương.

Bi là cảm thông với nỗi đau của người khác.

Hỉ là vui mừng trước thành tựu của người khác.

Xả là xả bỏ những tiêu cực (cả tích cực) trong lòng để trở về trạng thái an lạc.

Nhưng khổ nỗi, chúng ta đều là người bình thường, tu tập không đến nơi đến chốn (không giữ đủ 5 giới như các vị tu hành chân chính).

Do đó, việc bắt chước người thành công mà không có sự sáng tạo giống như quả xoài non ép chín – ngoài vàng nhưng trong thì chua loét.

Cứ mỗi lần nhẫn nhịn nhiều quá mà không thể chịu nổi thì tôi:

“Xin lỗi Đức Phật, cho con nghỉ phép giải lao 5 giây để con giải quyết vụ này rồi con về tu tiếp.”

Nhận thấy chừng đó là chưa đủ, tôi tiếp tục tìm lời giải đáp.

III. Chuyển dịch năng lượng

“Năng lượng không thể tự nhiên sinh ra hoặc tự nhiên mất đi, nó chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác.”

― Albert Einstein

Điều đó có nghĩa là gì?

Nếu bạn không “chủ động” chuyển hóa nó thành dạng năng lượng khác, nó sẽ tự động dịch chuyển trong người bạn một cách vô thức (bạn không hề nhận biết được).

1. Năng lượng tiêu cực.

Khi tâm trí bạn sinh ra một suy nghĩ như hờn ghen, tức giận, tham lam, si mê (đam mê theo kiểu chiếm đoạt) nó tạo ra một loại năng lượng tiêu cực.

Nếu năng lượng đó không dùng vào mục đích làm gì thì nó gọi là năng lượng dư thừa.

Mà đã dư thừa thì nó tích tụ lâu ngày trong cơ thể bạn.

Bạn trở thành một khối nam châm phát ra từ trường tiêu cực.

Khi năng lượng dư thừa càng lớn thì nó càng cố gắng dịch chuyển sang một dạng khác để phát tán.

Ví dụ:

  • Có bao giờ bạn bước vào một căn phòng mà bạn cảm thấy căng thẳng, khó chịu và có phần nguy hiểm. Đó là do năng lượng tiêu cực của người đang ở trong phòng đó tỏa ra một cách vô thức.
  • Chuyển thành dạng bệnh tật – gọi là tâm bệnh. Dần dần, tâm bệnh biểu hiện ra ngoài bằng cách làm hư hại các bộ phận vật lý trên cơ thể.

2. Năng lượng tích cực

Bạn có thích ở bên những người tích cực không?

Tôi cũng thích.

Họ là những người có lòng yêu thương, dũng cảm, và hào phóng.

Tu hành là một phương pháp tích lũy các năng lượng tích cực, đặc biệt là tâm yêu thương.

Cũng tương tự như năng lượng tiêu cực, năng lượng tích cực có khả năng dịch chuyển, chuyển hóa khắp bên trong và bên ngoài cơ thể bạn.

Ở bên trong, nó có mục đích chữa lành các bộ phận cơ thể. Đó chính là lý do tại sao thiền buông thư của thầy Thích Nhất Hạnh và một số trường phái biết ơn cơ thể lại phát huy tác dụng nhiều đến vậy – đó là cách bạn dùng ý thức để dịch chuyển năng lượng tích cực tới từng bộ phận từ đầu đến chân.

Ở bên ngoài, bạn sẽ tỏa ra một luồng năng lượng tích cực có sức hút (tôi sẽ nói rõ trong phần tiếp theo).

Ngoài ra, năng lượng tích cực còn có khả năng triệt tiêu năng lượng tiêu cực.

Ví dụ:

Nếu bạn yêu chó mèo, bạn chơi với chúng, yêu thương chúng thì bên trong bạn được chữa lành.

Nếu bạn yêu thương mọi người xung quanh vô điều kiện (mà không phán xét hoặc chiếm đoạt) thì năng lượng tích cực của bạn luôn dâng trào và triệt tiêu những phán xét tiêu cực về họ.

IV. Sức hút của năng lượng

1. Năng lượng tiêu cực

“Ghét của nào trời trao của ấy” ― tục ngữ dân gian

Những câu tục ngữ lưu truyền từ thời xưa đến nay chắc chắn phải có một sự thật tác động tới cuộc sống thì nó mới tồn tại. Chỉ là mọi người không hiểu được quy luật đằng sau nó.

Khi bạn ghét ai đấy, bạn tạo ra một dạng năng lượng dư thừa. Khi năng lượng dư thừa này không được giải phóng, nó sẽ tồn tại trong người bạn, và tỏa ra vô thức. Hai năng lượng cùng tần số sẽ thu hút, cộng hưởng và khuếch đại nhau để làm tăng độ lớn.

Do đó, bạn sẽ thu hút những người hoặc thứ bạn ghét.

2. Năng lượng tích cực

Ngược lại, khi bạn tỏa ra năng lượng tích cực, bạn sẽ thu hút những người có năng lượng tương đồng. Hoặc bạn sẽ tác động làm khuếch đại năng lượng tích cực ở người khác.

Năng lượng tích cực sẽ tỏa ra thông qua hành vi, lời nói, nét chữ, âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật, chế tạo,…

Ví dụ:

Sơn Tùng MTP, mọi người khao khát cậu ấy không chỉ vì hát hay, mà âm nhạc cậu ấy toát ra năng lượng đam mê và tình yêu cháy bỏng.

Được biết từ Vadim Zeland (chú thích 1), bức tranh Mona Lisa của họa sĩ Leonardo da Vinci trị giá ước tính 860 triệu USD là vì nàng Mona có nụ cười giống như Đức Phật. Khi mọi người nhìn vào bức tranh (ngoài đời thực) họ đều bị hút hồn, và có những cảm xúc không thể nào tưởng tượng nổi.

Đối với các nhà văn, họ đặt toàn bộ trái tim của mình vào những gì họ viết. Từng dòng, từng dòng “chạm” tới tâm trí rồi “len lỏi” vào trái tim bạn, họ khiến bạn say mê như hòa nhập vào một thế giới khác.

Vâng, tôi thú nhận tôi đã nghiên cứu trường phái này và sáng tạo ra lối Viết hiện đại – bây giờ, bạn hoàn toàn có thể chiếm lấy 2,3 năm nghiên cứu, thực hành của tôi chỉ với 500,000đ.

V. Cách thoát khỏi tiêu cực và tái tạo cuộc sống

Trước tiên đến với phương pháp này, bạn cần thú nhận rằng mình là người bình thường chứ chưa phải thánh nhân. Cho nên, điều cần làm là hiểu được quy luật, và vận dụng nó một cách linh hoạt vào cuộc sống.

1. Nhận thức được tiêu cực

Thường thường, tiêu cực được kích thích bởi các yếu tố bên ngoài.

Cuộc sống của bạn quá khó khăn.

Hoặc ai đó tỏ ra coi thường bạn, chê bai bạn, hoặc bạn tự so sánh mình với người khác. Đặc biệt trên mạng xã hội hiện nay tràn ngập fomo độc hại từ khoe nhà, xe, doanh số,…

FOMO không phải lúc nào cũng xấu; trong một số trường hợp, nó có thể thúc đẩy sự tiến bộ. Nhưng thường xuyên fomo là một hành vi thao túng người khác. Nó kích hoạt những tiêu cực, áp lực trong lòng bạn với mục đích thu hút sự chú ý. Điều này tạo ra các tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Cá nhân tôi cho rằng, tỷ lệ cao nhất là 10%. Nghĩa là fomo 1 phần để thúc đẩy hành động, còn 9 phần là chia sẻ giá trị cho người khác, giúp đỡ người khác phát triển.

Khi bạn nhận thức được nguồn tiêu cực, bạn phải lập tức “ngắt nguồn” với nó. Ít nhất là ở góc độ tâm trí.

2. Ngắt nguồn tiêu cực

Nếu có thể, hãy tách mình khỏi nguồn tiêu cực một cách triệt để. Giống như các vị tu hành tạm thời rời xa thế tục.

Nếu không thể, bạn cần xa rời ở mức độ tâm trí.

Nghĩa là bạn ngừng quan tâm tới họ. Phớt lờ họ bằng cách tìm một mục tiêu và một mục đích có ý nghĩa để hướng toàn bộ sự tập trung của bạn.

Chú ý: Đừng phớt lờ theo kiểu khinh thường, nó tạo ra 1 nguồn năng lượng tiêu cực dư thừa khác, và rồi dần dần bạn sẽ trở thành họ lúc nào không hay.

Phương pháp cá nhân tôi: Sáng dậy, ngồi vào bàn viết, đi bộ, xây dựng dự án, trò chuyện với bạn bè (những mối quan hệ tích cực, họ mong muốn những điều tốt đẹp cho tôi, hoặc người mà tôi giúp đỡ nhiều nhất). Mọi người xung quanh hỏi tôi “sống vậy không thấy chán à?” vì họ đi nhậu, đi ăn uống, đi bar. Nhưng họ không biết rằng tôi đang tận hưởng niềm vui bất tận từ công việc, và làm chủ cuộc sống của mình thay vì những kích thích từ bên ngoài.

3. Chuyển hóa năng lượng thành hành động

(Dân trí) – Người dân thành phố New York có thể bắt gặp những “tấm đệm đấm bốc” xuất hiện ở nơi công cộng để khi họ bị căng thẳng, bực tức, ức chế quá mức, những tấ đệm này sẽ đưa lại giải pháp tức thời để họ “xả stress”.

Đấm bốc xả stress

Đây là một ý tưởng hữu ích.

Khi bạn tức giận, bạn dùng tay đấm mạnh vào đồ vật. Một luồng năng lượng tiêu cực sẽ được chuyển hóa thành dạng hành động (đấm) để xả ra ngoài.

Tuy nhiên,

Tôi có cách khác giúp bạn vừa chuyển hóa, lại vừa tận dụng được năng lượng tiêu cực đó để đạt được thành công.

Ví dụ:

Khi bạn bị người khác coi thường, nếu bạn phản ứng, bạn sẽ tỏ thái độ với họ. Năng lượng này được giải phóng ra ngoài khiến bạn thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Nhưng nếu không để ý, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn vào những cuộc tranh lộn tiêu cực khác.

Tại sao?

Nó hình thành thói quen phản ứng.

Năng lượng bạn tỏa ra bên ngoài, nó sẽ thu hút những trường năng lượng tiêu cực khác đến với bạn.

Thay vào đó, hãy biến sự tức giận đó thành hành động để không ngừng cố gắng, thay đổi lối sống, cắt bỏ những gì cản trở bạn.

Nhiều người nói rằng “phải” vị tha, bao dung ngay từ đầu. Tôi cho rằng việc đó là phản tự nhiên. Tức giận không có gì là sai, là xấu cả. Bạn được phép tức giận nhưng khôn ngoan hơn khi chuyển hướng nó sang việc có ích cho bạn và người khác. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra một cách “tự nhiên” rằng sự tức giận ban đầu của mình thật khôi hài – nhưng đó là một ngày khác (khi bạn trải qua tiến trình phát triển của tự nhiên).

Tiếp theo, khởi động một dự án với mục tiêu: “mình phải kiếm tiền, phải thành công cho họ biết mặt”.

Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy xây dựng doanh nghiệp từ chính bạn bằng cách sử dụng hệ thống Viết hiện đại. Viết là cách giúp bạn giải phóng năng lượng ra khỏi ngòi bút để chữa lành. Viết là nền tảng để bạn giao tiếp với thế giới và xây dựng sự nghiệp.

Nhưng đây mới là điểm khởi đầu.

Bạn chỉ dừng lại ở đây, bạn sẽ lâm vào nguy hiểm.

4. Nuôi dưỡng năng lượng tích cực

Thận trọng! Chỉ coi những tiêu cực là năng lượng để thúc đẩy và giải phóng nó thông qua hành động.

Nhưng…

Tuyệt đối, không bao giờ coi nó là năng lượng chính của bạn bằng cách chủ động tìm kiếm hoặc nuôi dưỡng tiêu cực để lấy động lực. Khi năng lượng tiêu cực ngấm vào từng tế bào bên trong bạn, bạn sẽ dần dần hóa thành khối nam châm tiêu cực.

Bạn không muốn thế phải không?

Vậy phải làm gì?

Khi năng lượng tiêu cực giải phóng ra hết, bạn cần chủ động nuôi dưỡng và lấy năng lượng tích cực từ tâm yêu thương.

Có 2 cách:

  • Cách 1 là nuôi dưỡng lòng biết ơn – thầy Thích Nhất Hạnh.
  • Cách 2 Bạn cần gắn cho công việc của mình một ý nghĩa vượt trên chính bản thân mình (nhưng đừng giáo điều, mà hãy thành thực).

Ví dụ:

Tôi không thích viết. Ban đầu, tôi chỉ viết với mục đích kiếm tiền, và có tư duy rõ ràng để giúp tôi hành động (nhờ lời khuyên từ Naval).

Sau đó, tôi biết đến một nhà văn, ông nói rằng:

“Bạn đang được hưởng lợi từ một nền giáo dục vốn là hiện thân của minh triết, của hàng ngàn năm kinh nghiệm. Bạn rất dễ xem tất cả những điều này là lẽ đương nhiên. Trên thực tế, việc chỉ tiêu thụ những gì người khác tạo ra và rút lui vào trong vỏ bọc của những mục tiêu hạn hẹp và thú vui tức thời chính là đỉnh cao của sự ích kỷ.”

― Robert Greene

Khi đọc được những lời này, tôi thấy xấu hổ với chính bản thân mình.

Chính ông ấy là người đã thúc đẩy tôi chia sẻ kinh nghiệm và những gì tôi học được thông qua các bài viết (cảm ơn ông).

Khi tôi làm vậy, tôi cảm thấy công việc mình làm mơn man niềm vui khó tả (bao gồm cả dopamine xịn được sinh ra trong quá trình sáng tạo).

Nó thúc đẩy tôi tiếp tục.

Sau một thời gian, tôi nhận được những lời cảm ơn từ mọi người vì những gì tôi chia sẻ đã góp một phần nhỏ thay đổi cuộc sống của họ. Nếu bạn là một trong những người đó, cho tôi gửi một lời biết ơn đến bạn. Bởi vì, chính điều đó đã khiến công việc của tôi càng thêm ý nghĩa và phát triển.

Còn bạn,…

Nếu bạn mới bắt đầu, hãy làm thật đơn giản.

Trước khi làm bất cứ việc gì, hãy tự hỏi mình: “Tôi làm điều này cho ai, và bằng cách nào giúp họ phát triển”.

Ban đầu, bạn không thấy tác dụng, thậm chí bạn sẽ bị “bật lại” bởi sự ích kỷ đang tồn tại bên trong mình. Nhưng đừng bỏ cuộc, tiếp tục đặt câu hỏi mà không cần quan tâm tới kết quả. Về sau, bạn sẽ gọi được “bản ngã cao hơn” đang ẩn giấu bên trong con người mình, và dần dần nuôi dưỡng nó.

Đức Phật gọi nó là Phật tánh mà mọi sinh vật đều có.

Đó là tất cả những gì tôi đã và đang làm, để thoát khỏi tiêu cực và phát triển cuộc sống của mình.

Lời nhắn nhủ từ tôi

Nhiều người rao giảng về việc “phải” bao dung, vị tha…

Nhưng việc đó khiến bạn giống như một quả xoài non chín ép. Bên ngoài thì vàng, nhưng bên trong thì chua loét.

Bạn cần tuân theo sự tiến hóa của tự nhiên. Bạn được phép tức giận với những gì xảy ra trong cuộc sống. Bạn cần tôn trọng cảm xúc của chính mình.

Nhưng…

Nếu khôn ngoan hơn khi chuyển biến sự tức giận đó thành hành động có lợi cho bạn và người khác. Bằng cách xây dựng một dự án. Mục đích gì cũng được. Kiếm tiền. Làm giàu. Chức danh hay địa vị.

Không sao cả.

Rồi một ngày, bạn nhận ra khoảnh khắc tức giận của mình thật trẻ con, thật khôi hài và kiếm tiền hay chức danh địa vị không phải là điều quan trọng nhất – nhưng đó là của một ngày khác.

Khi bạn trở nên bao dung hơn thì đó phải là một hành trình trải nghiệm của bạn, chứ không phải sự áp đặt suy nghĩ từ người khác.

Tôi rất thích câu của người sáng lập lên Apple:

“Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác. Đừng bị mắc kẹt trong giáo điều – tức là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn của ý kiến ​​người khác lấn át tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm theo đuổi trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó, chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào. Mọi thứ khác đều là thứ yếu.”

― Steve Jobs

Nhân tiện, ai không hiểu trái tim là gì:

Tiềm thức chính là ngôn ngữ của trái tim. Là khi bạn trở nên tĩnh lặng bằng cách thư giãn, đi bộ, thiền thì bạn sẽ nghe thấy tiếng nói trong trái tim bạn.

Nếu bạn có những khoảnh khắc tiêu cực, không sao cả. Chẳng ai có quyền phán xét bạn cả. Đây là cơ hội để tận dụng nó, để chuyển hóa nó và bắt đầu vươn lên.

Nhưng nhớ chỉ là “bắt đầu” thôi nhé… (đọc lại mục số 4/V)

Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đây.

Năm nay, tôi mới bước sang tuổi 32, và tôi sẽ còn tiếp tục chiêm nghiệm về hành trình chuyển hóa tiêu cực này ở chính bản thân mình.

Nói cách khác, tôi sẽ là chuột thí nghiệm cho bạn.

Hãy đón chờ những bổ sung và khám phá mới từ tôi.

Chúc bạn có một năm mới 2025 đầy trải nghiệm thú vị và tràn đầy năng lượng tích cực.

Đỗ Đức Thông


Chú thích:

(1) Vadim Zeland là một nhà văn và nhà huyền môn người Nga đương đại. Người ta biết rất ít về Vadim Zeland. Ông tuyên bố trong cuốn tự truyện của mình rằng ông từng là một nhà vật lý cơ học lượng tử và sau đó là một chuyên gia công nghệ máy tính. Ông không muốn trở thành một người nổi tiếng, che giấu thông tin cá nhân.

Bất cứ khi nào bạn cần, tôi sẽ giúp bạn theo 3 cách:

1. Ebook Ý tưởng thiên tài – tương lai thuộc về người giàu ý tưởng thay vì làm việc từ 9-5 giờ

2. Hướng dẫn bắt đầu công việc kinh doanh một người mà không bị cạnh tranh.

3. Tôi sẽ hướng dẫn bạn thu hút khách hàng đến với công việc bằng kỹ năng Viết hiện đại

4. Dịch vụ setup hệ thống doanh nghiệp một người tinh gọn và hiệu quả (liên hệ)

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Share This