Tôi ít nói.
Hướng nội.
Khi bắt đầu kinh doanh, mọi người nói “tao nhìn mày không kinh doanh được đâu”.
Tôi nhếch mép: “để rồi xem”.
Chính sự ương bướng đó đã dẫn tôi đến những khổ đau, khi cố gắng chống lại bản sắc của chính mình.
Việc ngồi phán xét không phải là cách hay. Nên tôi thử nghiệm bằng cách bắt chước người khác:
- Cố gắng để làm hài lòng ai đó, đơn giản vì sau khi đọc mấy cuốn đắc nhân tâm (trong tình trạng thiếu trải nghiệm).
- Rôm rả tiếp chuyện với vài người có địa vị, để lấy được dự án trong các cuộc nhậu nhẹt cả một ngày trời. Tuy hướng nội, nhưng tôi có thể đóng vai hướng ngoại trong vài tiếng trước khi kiệt sức.
Mọi người coi đó là chuyện bình thường, nhưng nó khiến tôi cảm thấy như một kẻ mạo danh.
Nó thật vô nghĩa.
Vâng, đó là cảm giác cực kỳ tệ.
Nó khiến lòng tự tôn của tôi bị tổn thương.
Trong các cuộc thử nghiệm đó, tôi nhận ra nguyên nhân là do tôi đã đi ngược lại với bản chất của chính mình. Đó là sự xung đột giữa Ý THỨC (những mục tiêu, kế hoạch tác động từ bên ngoài) và VÔ THỨC (bản chất ẩn sâu bên trong con người tôi chi phối hầu hết mọi hoạt động). Tôi đã nói rất kỹ vấn đề này trong bản tin số #044.
Nhưng không sao cả.
Chính những đau khổ đó đã thúc đẩy tôi đi tìm giải pháp.
Người mà tôi tìm thấy chính là Naval Ravikant – một doanh nhân thành công và hạnh phúc. Tôi đã thử nghiệm các ý tưởng cùng lời khuyên từ ông, và cuối cùng tìm ra con đường của riêng mình.
Bài viết này dành cho ai?
Tất nhiên, cho người hướng nội, bởi vì bạn giống tôi. Với các phương pháp cụ thể tôi sẽ giúp bạn dần dần từ hướng nội trở thành hướng trung – hiện tại chỉ số hướng nội của tôi rơi vào khoảng 63% (khá ổn).
Nó cũng dành cho người hướng ngoại (năng lượng, nhạy bén), khi mà internet và công nghệ đã chiếm mất thế độc tôn là sự kết nối. Yes, họ sẽ cần hiểu hơn về người hướng nội (sâu sắc, cẩn trọng, giỏi làm hệ thống) để biết cách làm việc cùng nhau, và khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của cả hai người.
Thế giới không rào cản
Internet đã mở rộng đáng kể không gian nghề nghiệp có thể có. Hầu hết mọi người vẫn chưa nhận ra điều này. – Naval Ravikant
Ngày xưa, để phát triển sự nghiệp cách duy nhất là thông qua việc móc nối các mối quan hệ (đặc biệt là trên bàn nhậu và các cuộc gặp mặt trực tiếp khác). Việc kết nối diễn ra là để tìm hiểu tính cách, năng lực, nhu cầu và sau một thời gian rất dài đủ tin tưởng rồi mới dẫn đến việc hợp tác. Thời gian dài như vậy cực kỳ khó khăn cho người hướng nội.
Nhưng ngày nay thì sao?
Bạn có thể tìm hiểu một người thông qua tài khoản mạng xã hội của họ thông qua nội dung họ đăng tải. Việc kết nối chỉ mất một vài tương tác, bình luận, sau đó là nhắn tin trực tiếp để tìm hiểu nhau.
Hãy xuất hiện để tìm và thu hút cơ hội
Hãy chấp nhận trách nhiệm và chấp nhận rủi ro kinh doanh dưới tên của bạn. Xã hội sẽ thưởng cho bạn trách nhiệm, công bằng và đòn bẩy. – Naval Ravikant
Naval đang nói về kinh doanh. Nhưng tôi muốn bạn zoom khái niệm kinh doanh này dưới góc độ rộng hơn. Kể cả việc bạn đi làm thuê cũng có nghĩa là bạn đang bán sức lao động, thời gian và chất xám của mình.
Trách nhiệm – khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với tên của mình (xây dựng thương hiệu cá nhân), nghĩa là bạn buộc phải giữ hình ảnh bản thân thật tốt để bảo toàn tên tuổi của mình. Đó là lý do tại sao người khác tin bạn, và trả cho bạn nhiều tiền hơn một tài khoản ngày nào cũng đăng meme hoặc chia sẻ các nội dung giải trí.
Công bằng – Internet xuất hiện mang đến sự công bằng. Nếu thể hiện bản thân có giá trị, nhiều người sẽ tìm đến bạn, đồng nghĩa là bạn có quyền lực chọn mối quan hệ công việc tốt nhất cho chính mình.
Đòn bẩy – Ngày xưa, bạn có ý tưởng bạn chỉ nói được với vài người. Nhưng với internet, bạn có thể nói với hàng trăm nghìn người. Đó là đòn bẩy khiến giá trị của bạn được nhân lên nhiều lần với một công sức.
Xây dựng thương hiệu cá nhân không có nghĩa là nhiều views. Bạn có thể có triệu follow từ học sinh hoặc có 100 follow từ các chủ doanh nghiệp. Cả 2 đều có giá trị tùy mục đích của bạn là bán bút chì hay, là bán một sản phẩm vài triệu cho đến đến trăm triệu đồng.
Hiểu đơn giản nó là cách bạn thể hiện trách nhiệm, và giá trị của mình lên internet để người khác có cơ sở trao cho bạn cơ hội về nghề nghiệp.
Sức mạnh của DM (Direct Message)
Tôi DM rất tệ.
- Hello hoặc xin chào
- Bạn đang làm công việc gì vậy?
- Chúng ta có thể hợp tác không?
Bởi vì, tôi cứ nghĩ rằng ai cũng thích thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề như mình.
Nhưng có người còn DM tệ hơn. Họ thường gửi cho tôi một đoạn tin nhắn dài dằng dẵng về sản phẩm của họ, hoặc theo kiểu chiêu dụ tham gia vào một nhóm gì đấy.
Hzaaa. Nó khiến tôi cảm thấy mình không được tôn trọng, giống như thùng rác họ thích spam gì thì spam vậy.
Nếu cứ tiếp tục DM kiểu vậy, bạn sẽ gặp vấn đề về tâm lý khi bị từ chối quá nhiều. Lòng tự trọng của bạn bị tổn thương. Dần dần bạn sẽ không còn tin rằng bản thân mình là người có giá trị nữa.
Vì vậy…
Chúng ta cần thực hiện DM có chiến thuật bằng việc hiểu rõ bản chất con người (bao gồm cả chính bản thân bạn) để biết cách quan tâm tới người khác. Rồi mọi chuyện diễn ra suân sẻ.
Làm chủ bóng tối và ánh sáng
Bạn có bao giờ nghe thấy câu “không ngờ,…” khi các mối quan hệ đổ vỡ không?
Nếu bạn hiểu được bóng tối, ánh sáng của chính bạn và người khác, thì bạn sẽ không bao giờ bất ngờ trước mọi tình huống.
Con người luôn có 2 mặt tốt và xấu luôn luôn song song tồn tại.
Về phía bạn, bạn cần kiểm soát bóng tối của mình. Nó thường xuất hiện lúc bạn ít đề phòng nhất.
Ví dụ như lúc bạn và họ trở nên thân thiết. Bạn vô tình thả bóng tối của mình ra rồi khiến cho mối quan hệ rạn nứt. Đơn giản chỉ bởi những câu “tôi chỉ nói vậy thôi chứ không có ý gì đâu” đã vô tình làm tổn thương người đối diện.
Về phía họ, bạn phải rất thận trọng tránh kích hoạt bóng tối trong họ như tham, sân, si bởi sự cẩu thả hoặc những giây phút thiếu chánh niệm.
Ví dụ: Tự dưng bạn chê bai công việc họ một cách bất cẩn. Nó sẽ kích hoạt cái tôi kiêu ngạo. Phần ánh sáng (ý thức) của họ sẽ tha thứ cho bạn, nhưng bóng tối trong vô thức thì không.
Nếu có góp ý, hãy góp ý mang tính xây dựng thật nhẹ nhàng, và vì mục đích muốn cuộc sống của họ tốt hơn (chứ không phải thể hiện mình giỏi).
Thi thoảng vô ý tôi vẫn vi phạm nguyên tắc này. Nhưng không sao, chúng ta đều không hoàn hảo. Hãy cố gắng cải thiện mỗi ngày bằng cách tập sống trong chánh niệm.
6 bước để xây dựng mối quan hệ giá trị
Sai lầm của những người kinh doanh trực tuyến (bao gồm cả tôi) là quá tập trung vào việc xây dựng hệ thống (website, landing page, sản phẩm, dịch vụ,…). Nhưng điều quan trọng nhất thường bị bỏ qua đó là traffic.
Nếu bạn hướng ngoại thì thứ bạn cần là xây dựng hệ thống để giải phóng thời gian và trở nên nhàn hạ. Nhưng nếu bạn hướng nội, giỏi xây dựng hệ thống thì bước quan trọng không kém là phải thò cái mặt ra để mọi người còn biết bạn là ai.
Được rồi, sau đây là 6 bước để xây dựng mối quan hệ có giá trị:
1. Trở thành người giá trị
“Hãy làm điều gì đó tuyệt vời và mạng lưới quan hệ của bạn sẽ ngay lập tức xuất hiện.” — Naval
Đây là bước quan trọng nhất, nó quyết định 80% thành công trong các mối quan hệ của bạn.
Trước tiên, hãy bắt đầu bằng tạo video hoặc viết để chia sẻ các ý tưởng của bạn. Viết là cách tốt nhất đề bắt đầu, nếu bạn muốn học viết, tôi có thể hướng dẫn bạn thông qua hệ thống viết hiện đại.
Lưu ý: ý tưởng của bạn có thể là rác với người này, nhưng nó lại là vàng với người khác. Vậy nên bạn cần phải liên tục chia sẻ các ý tưởng của mình để tìm được người cùng tần số.
Nếu bạn giỏi làm người khác vui, hãy tạo nội dung giải trí – do việc giải trí tạo ra giá trị rất thấp tính trên mỗi đầu người, nên bạn cần tiếp cận rất rất nhiều người để nhân giá trị lên.
Nếu bạn giỏi ham học hỏi – tuyệt, khán giả của bạn sẽ là những người ham học hỏi, bao gồm học sinh, sinh viên và người đi làm.
Nếu bạn giỏi giải quyết vấn đề, hãy cho họ biết các ý tưởng của bạn sẽ thay đổi cuộc sống, và công việc của họ như thế nào – việc này tiếp cận ít người nhưng nó lại mang lại giá trị cực kỳ lớn nếu bạn giúp họ trở nên tốt hơn.
Cách 1,2,3 không cách nào hơn cách nào cả. Nó tùy vào từng ngữ cảnh. Việc của bạn là phải lựa chọn phương án có lợi nhất cho mình.
Tôi cũng muốn làm giải trí lắm, nhưng mặt cái mặt nghiêm túc của tôi làm thì chóa nó coi. Tôi cũng không phải người ham đọc sách, nên thật khó để tôi kiên trì với việc này.
Tôi chọn phương án 3. Tuy quy mô thị trường nhỏ, nhưng nó giúp tôi thu hút được những người quản lý, chủ doanh nghiệp, và những cá nhân kinh doanh độc lập (hoặc đang có ý định kinh doanh) đến với mình – những người luôn đi tìm giải pháp cho các vấn đề, và tôi có thể giúp họ nhiều nhất.
Nếu bạn có giá trị, mọi người sẽ chủ động nhắn tin cho bạn. Đây là lúc bạn được xem trọng, hãy trân trọng điều đó. Tùy vào sở thích của bạn mà cuộc trò chuyện sẽ kéo dài tới đâu. Tuy nhiên, hãy tập trung nhiều nhất vào điều mà bạn có thể giúp đỡ họ, nhưng phải liên quan tới công việc mà bạn đang làm. Tránh lan man, vì dù có thân thiết nhưng nó không đưa cả 2 đi đến đâu cả.
2. Tìm một người mà bạn muốn nhắn tin trực tiếp
Nếu bạn tiếp cận với sai người, công việc của bạn sẽ trở nên khốn khổ.
Sẽ ra sao nếu bạn làm việc cho một ông sếp không có chung hệ giá trị. Bạn thì muốn kiếm tiền bằng cách mang lại giá trị cho người khác, còn lão ăn sổi, chỉ nhăm nhe muốn chén được tí nào hay tí đấy.
Nếu bạn làm freelancer, solopreneur công việc của bạn rất khó khăn nếu bạn và khách hàng không có sự kết nối hoặc tạo ra được sự đồng cảm.
Vì vậy, lượn lờ trên internet giống như việc đi săn của con sư tử.
Ăn như sư tử, làm việc như sư tử, cảm nhận như sư tử, sống như sư tử. – Naval
Bạn phải rất bình tĩnh quan sát ai là người mà bạn nên tiếp cận:
- Người truyền cảm hứng cho bạn
- Có những vấn đề như bạn (bạn sẽ giúp họ được nhiều nhất)
- Chung hệ giá trị và cùng chí hướng
- Bạn muốn làm việc và lập chiến lược để cùng phát triển
- Người mà bạn cảm thấy tiềm năng cùng có lợi (hãy để ý tới các tài khoản nhỏ đang vươn lên)
Có một điểm chú ý nữa là nên nhắn tin cho người đang sáng tạo nội dung thay vì người tiêu thụ. Họ có một góc nhìn hoàn toàn khác. Họ cởi mở hơn, mạnh bạo hơn, và dễ chấp nhận quan điểm khác biệt.
Để ý tới người tương tác bài viết của bạn, nếu họ thả tim, chia sẻ lại bài viết của bạn thì việc kết nối trở nên thuận lợi hơn.
3. Gửi cho họ một lời khen
Khác biệt giữa lời khen chân thành và nịnh hót là sự quan tâm. Bạn có thực sự quan tâm đến họ không, hay chỉ đơn giản là muốn lấy lòng.
Để có được một lời khen chân thành bạn phải nêm một chút cố gắng.
Lời khen “thông minh” hoặc “tài giỏi” thể hiện sự lười biếng quá mức. Không những thế, nó kích hoạt cái tôi ngạo mạn của người nghe. Bạn sẽ lấy lòng được cái “Tôi” của họ, nhưng sẽ bị phản tác dụng khi lý trí họ dựng lên một hàng rào.
Vậy phải làm thế nào?
Trước tiên, xâm nhập vào tài khoản của họ, tìm hiểu công việc mà họ đang làm. Để ý xem bạn thích điều gì nhất. Nếu không thích điều gì tốt nhất là bỏ đi, vì mối quan hệ này không cùng tần số với bạn. Ngược lại, nếu điều gì đó khiến mắt bạn sáng lên, đừng tiếc cho họ một lời khen đầy cảm hứng.
Này […], tuần vừa rồi, tôi vừa gặp một vấn đề khiến tôi đau đầu. Cũng nhờ bài viết này mà tôi tìm được giải pháp [gửi kèm họ đường link]. Mọi chuyện ổn hơn rồi. Cảm ơn bạn rất nhiều.
Bạn nói rằng công việc của họ mang lại ý nghĩa cho bạn, giúp đỡ bạn, nó kích hoạt lòng trắc ẩn (chứ không phải cái “Tôi”) – bạn có thể hiểu nó là Phật tánh. Việc đó sẽ rất có ích trong việc phát triển tâm thức của họ trở nên tốt đẹp hơn.
Đơn giản vậy thôi.
4. Hỏi han về công việc của họ
Này […], gần đây tôi có follow tài khoản của bạn. Tôi thấy bạn chia sẻ rất nhiều về solopreneur. Nó mang lại cho tôi các ý tưởng thú vị. Tôi muốn hỏi thêm…
Này […], bạn đang làm gì với Viết hiện đại vậy? Kế hoạch của bạn là gì?…
Sau đó, bạn hỏi và trò chuyện với họ. Những người sáng tạo hoặc kinh doanh rất cởi mở trong việc chia sẻ về công việc mà họ đang làm.
Nhưng Thông ơi, nhỡ họ sợ bị sao chép ý tưởng thì sao?
Không.
Không ai sao chép được những gì mà một người sáng tạo đang làm cả. Khi họ bước vào công việc sáng tạo, họ tự đặt mình ra khỏi vùng cạnh tranh. Mọi người chỉ có thể học hỏi, và sáng tạo ra cách của riêng họ.
Vì vậy, một người sáng tạo thực thụ sẽ không giấu diếm kiến thức hay kinh nghiệm của mình. Họ luôn luôn sẵn sàng chia sẻ để kết nối, và không quan tâm tới việc người khác sao chép.
5. Dẫn đầu bởi giá trị
Cơ sở cho tình bạn, mối quan hệ, quan hệ đối tác không phải là sự gần gũi hay thời gian dành cho nhau – mà là các giá trị. – Naval
Đây là phần mà người Á Đông mình vấp ngã nhiều nhất – vì việc quá coi trọng tình cảm, đạo lý rồi rơi vào các vòng luẩn quẩn ý tứ thay vì giá trị.
Bây giờ, hãy xem bạn có thể giúp gì cho mối quan hệ của mình:
- Giới thiệu về công việc của bạn và nói với họ rằng bất kỳ khi nào cần giúp đỡ, hãy liên hệ với bạn.
- Giới thiệu cho họ các mối quan hệ của bạn có thể giúp ích cho họ
- Chia sẻ kiến thức mà bạn vừa học được hoặc thử nghiệm
- Gửi cho họ một vài tài nguyên, công cụ để họ đạt được mục tiêu
- Cho họ một lời đánh giá công khai về những gì họ đang làm
- #Tag tên họ lên các bài viết của bạn với những lời khen ngợi đầy cảm hứng (tương tự ở mục 3). Việc đó cực kỳ có giá trị nếu họ đang kinh doanh, hoặc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nhưng nếu tôi không có gì để cho đi thì sao, Thông?
Tôi thường làm như sau:
Tôi vừa xem được video này. Hôm trước tôi thấy bạn viết về chủ đề này, tôi nghĩ rằng nó có ích với bạn.
Tôi vừa đọc bài viết của bạn. Nó thú vị và hữu ích với tôi. Tôi phát hiện ra một vài lỗi chính tả […] Nếu điều chỉnh lại thì bài viết sẽ tuyệt hơn đấy. Hi vọng nó có ích.
Đơn giản vậy thôi.
6. Trò chuyện trực tiếp
Việc nghe thấy giọng nói hoặc mặt nhau sẽ giúp mang lại kết nối sâu sắc.
Sau khi bạn trao cho họ đủ nhiều giá trị, việc hẹn một cuộc gọi nói chuyện trở nên dễ dàng hơn. Lúc này, bạn có thể nhờ họ tư vấn một điều gì đó về công việc tầm 15-20 phút. Nếu bạn đặt các câu hỏi thú vị, cuộc trò chuyện sẽ kéo dài lâu hơn 30 phút hoặc 1 tiếng.
Những người solopreneur (làm công việc kinh doanh một người) thường rất cởi mở trong các cuộc trò chuyện, vì nó giúp họ rất nhiều trong việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, và tìm hiểu về đối tác.
Ngoài ra, sự sáng tạo được sinh ra từ cuộc sống chứ không phải sách vở (sách chỉ là nơi nghiên cứu các ý tưởng) – nghĩa là khi nói chuyện với mọi người, hòa mình vào cuộc sống thường nhật.
Còn nếu ai đó không cởi mở thì tôi cho rằng mối quan hệ đó không tiềm năng đâu, và việc kết thúc sớm là điều tốt nhất.
Các câu hỏi thường gặp (FAQ)
Tôi nhiệt tình quá lại khiến họ làm cao thì sao?
Đó là điều bình thường trong tâm lý con người.
Bạn có thể cải thiện điều này một cách tự nhiên bằng cách tìm thật nhiều kết nối mới.
Khi đó, bạn có quyền lựa chọn và phân bổ sự nhiệt tình của mình với người phù hợp nhất.
Bạn có bị phớt lờ hoặc từ chối không?
Có chứ.
Chúng ta không thể làm hài lòng hết tất cả.
Sự phớt lờ đến từ 3 nguyên nhân:
- Họ quá bận – không sao cả, bạn có thể quay lại vào dịp tới.
- Bạn và họ không cùng tần số – hãy vui vẻ rời đi.
- Bạn chưa có giá trị với họ – hãy quay lại bước đầu tiên, tiếp tục nâng cao giá trị của mình bằng các ý tưởng hữu ích.
Quan trọng nhất là mục 1 (trở thành người giá trị), hãy dành 80% thời gian cho nó.
Cách làm này có vẻ mất rất nhiều thời gian phải không Thông?
Đúng.
Anh Nguyễn Hữu Trí có nói một câu “mối quan hệ càng đẩy nhanh thì càng dễ tan vỡ, còn càng chậm rãi thì càng bền lâu”.
Nhưng nếu bạn là người hướng nội thì không còn cách nào khác. Bạn cần đi theo lợi thế của mình là đi theo chiều sâu chứ không phải chiều rộng.
Giống như viết vậy. Tôi chỉ tạo nên dấu ấn khi biến viết lách trở thành thói quen hàng ngày và gắn bó với nó trong 3-6 tháng.
Một cái cây lớn trong vài ngày thì chỉ có cỏ dại.
Lên dây cót tinh thần đi. Viết lách và kết nối là 2 việc không thể thiếu nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trên internet.
Bài viết này sẽ thường xuyên được bổ sung theo tiến trình phát triển của tôi. Nhớ theo dõi nếu thấy hữu ích.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy để lại phản hồi hoặc nhắn tin cho tôi.
Cảm ơn bạn!
Đỗ Đức Thông