Điều gì khiến bạn sợ thất bại?
Là sự phán xét của mọi người xung quanh. Là nỗi lo bạn không thể đứng dậy sau vấp ngã. Hay đơn giản là có ai đó nói rằng ngoài kia đáng sợ lắm, hãy luôn ở trong vùng an toàn và chúng ta sẽ chăm sóc nhau.
Dù lý do gì đi nữa, nỗi sợ thất bại sẽ ngăn cản bạn tiến lên phía trước. Trong thế giới này, nếu bạn đứng yên nghĩa là bạn đang tụt lại (tôi không nói về vật chất hay địa vị, mà tôi nói về sự phát triển của bản thân bạn). Bạn sẽ không thể thích nghi được với sự thay đổi không ngừng của thế giới.
Xã hội thường cường hóa sự thất bại là cái gì đó to lớn (khiến nó như quái vật hoặc trông thật thách thức). Đó mà một định nghĩa sai lầm. Thất bại là chỉ những hành động nhỏ của bạn trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Như phỏng vấn xin việc, làm quen một cô gái, thử nghiệm một phương pháp mới mẻ và chờ đón lầm lỗi xuất hiện như một lẽ đương nhiên, lớn hơn chút nữa là dự án mà bạn ấp ủ,…
Hãy nhìn cách mà vũ trụ phát triển. Sự tiến bộ luôn được hình thành sau tan vỡ. Con vật có thêm kỹ năng mới để chiến đấu hoặc chạy trốn kẻ thù. Cái cây trở nên cứng cáp sau nhiều lần bị quật ngã. Động thực vật thường trải qua hàng trăm năm để tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên. Nhưng con người có nhiều lợi thế hơn vậy. Chúng ta chủ động sửa chữa ngay sau khi mắc sai lầm. Dùng ý thức để sửa chữa hết lần này đến lần khác, cho đến khi cơ thể, tâm trí và kỹ năng trở nên thành thạo. Đó là những biến đổi lớn chỉ trong một đời người.
Làm thế nào để hưởng lợi nhiều nhất từ thất bại?
Bạn cần hiểu chính bản thân mình. Đừng bao giờ “đốt thuyền” để đẩy bản thân vào ngõ cụt (trừ khi bạn có nhiệm vụ đặc biệt hoặc muốn sửa chữa sai lầm ở kiếp sau). Như Jordan B Peterson từng nói, “hãy bước một chân ra khỏi vùng an toàn”.
Đúng vậy. Đừng bước cả 2 chân. Bước một chân bởi vì bạn nhận thấy đó là vũng bùn thì bạn có thể thu chân lại để bước sang vị trí bên cạnh, hoặc nếu đủ khả năng bạn thì bạn đổ thêm gạch đất vào vũng bùn để bước lên. Đơn giản là thử hết lần này đến lần khác cho đến khi bạn đúng.
Và điều quan trọng hơn nữa, việc thất bại trong một giới hạn an toàn không làm tâm trí bạn căng thẳng. Bạn vẫn đủ minh mẫn cho những phán xét và quyết định tiếp theo.
Này, bạn chỉ có khoảng 80 năm cuộc đời. Bạn đến thế giới này không phải để giữ mình an toàn trong nhàn hạ (có nhiều trường hợp bị trầm cảm và khủng hoảng hiện sinh). Bạn đến thế giới này là để trải nghiệm. Để thất bại, sai, sửa và tiến hóa. Là dùng thế giới vật chất để xây dựng thế giới tinh thần. Là để nuôi dưỡng thực thể tâm linh trong tâm hồn bạn.
Cuối cùng, trước khi nhắm mắt, bạn không đếm tiền bạc, bạn không đếm hư danh. Bạn đếm những trải nghiệm, những nụ cười và giọt nước mắt. Đó mới là những gì bạn mang tới kiếp sống tiếp theo.
Đừng sợ thất bại.
Dũng cảm lên, bạn tôi!
Này, tôi là Đức Thông – một người bị ám ảnh bởi việc khám phá tiềm năng con người thông qua triết học, khoa học, tâm lý học, và tâm linh.
Hi vọng những lá thư tôi viết giúp cải thiện cuộc sống của bạn.
[Nếu nó có ích, hãy chia sẻ nó tới một người bạn mà bạn nghĩ họ sẽ cần]