Tại sao bạn nên đọc bài viết này?
Mới đây, có một người nhắn tin cho tôi, và những gì tôi sắp chia sẻ dưới đây giúp cuộc sống họ thay đổi. Bởi vậy, tôi cho rằng mình cần phải nói ra để mang lại lợi ích cho ai hữu duyên đọc được.
Bắt đầu nhé!
Ngày xửa ngày xưa, có 1 Rich Kid sinh ra ở vạch đích, nhưng ông ấy vẫn luôn cảm thấy đau khổ. Ông không hưởng thụ những điều tích cực như vinh hoa, phú quý. Ngược lại, ông ấy lại đi tìm những điều tiêu cực, khổ đau (sinh, già, bệnh, chết), và rồi ra đi trở thành người nghèo khổ nhất thế gian.
Ngày nảy ngày nay, có một Rich Kid khác (cũng thuộc gia đình khá giả), không chịu lấy vợ sinh con, sáng uống cafe, tối về nhậu nhẹt. Ông ấy quyết định đi bộ marathon đường dài, lập kỷ lục Guinness.
Hai Rich Kids này đều có chung một điểm.
Bạn thử đoán xem là điểm gì?
Luận điểm 01:
Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi muốn giới thiệu lại một khái niệm của Carl Jung, vừa cũ vừa mới.
“Người ta không trở nên giác ngộ bằng cách tưởng tượng ra những hình ảnh ánh sáng, mà bằng cách làm cho bóng tối trở nên có ý thức. Tuy nhiên, thủ tục sau này là khó chịu và do đó không được ưa chuộng.”
― Carl Jung
Giả sử, việc bạn phát triển giống như đi từ tầng hầm lên tầng 1, 2, 3,…, đến tầng 100 thì giác ngộ.
Con người có hai mặt: tốt (ánh sáng) và xấu (bóng tối). Khi bạn cố gắng gán mác cho mình là người tốt, bạn nhốt bóng tối vào tầng hầm (vô thức). Khi bạn cố gắng leo lên các tầng 1, 2, 3… Càng leo lên cao, bạn càng bị bóng tối từ tầng hầm kéo xuống, gầm thét và cào cấu. Nhất là lúc bạn yếu đuối nhất, hoặc gặp ai đó có năng lượng tệ để cộng hưởng.
Việc của bạn là phải thả bóng tối ra, chấp nhận nó, thuần hóa nó, và cho nó theo cùng. Khi bóng tối leo lên tầng 2,3,4… nó bị ánh sáng chiếu vào, dần dần bóng tối biến thành ánh sáng. Mà thầy Thích Nhất Hạnh gọi đây là đứa trẻ bên trong bị tổn thương cần được chữa lành.
Khi bạn chấp nhận bóng tối của mình, bạn không còn phán xét người khác nữa (vì bạn cũng giống như họ), thay vào đó bạn cảm thông nhiều hơn.
Đó là cách bạn bắt đầu con đường thoát khổ và đi đến giác ngộ.
Luận điểm 02:
Con đường của bạn và các thầy Minh Niệm, Thích Nhất Hạnh hoàn toàn khác nhau. Bạn là người trần tục, các thầy đã xuống tóc đi tu. Vì vậy, bạn rất khó để giác ngộ nếu đi theo con đường của thầy (mà chỉ được hưởng vài phần lợi lộc).
Bạn có nhớ tôi nhấn mạnh từ “vị trí” trong bài viết trước không? Bạn không thể thành công nếu đi theo một người có hoàn cảnh, nhân dạng không giống mình. Và đó chính là lý do Đức Phật dặn chúng ta rằng “các con tự thắp đuốc lên mà đi”.
Bản thân con người hiện tại đang nhảy cóc từ tầng hầm lên tầng 3,4 bằng các giáo điều, giáo lý. Việc nhảy cóc là trái tự nhiên, và nó gây ra nhiều hệ quả cho sự đau khổ, mâu thuẫn. Bạn cảm thấy lạc lõng, mất định hướng và mông lung về tương lai của mình.
Hãy phóng mắt ra ngoài kia, đám đông đang làm gì vậy? Họ đang say sưa với những giáo điều đạo lý, nó giống như một liều thuốc tê phủ lên nỗi đau của chính mình. Họ giống như con ếch ngồi trong nồi nước lạnh và bị luộc chín mà không hề biết.
Bạn có thấy đám đông luôn sai không?
- Đức Phật đi ngược đám đông và trở thành Phật.
- Thầy Thích Minh Tuệ đi ngược đám đông và sớm muộn cũng trở thành Phật.
Nên bạn muốn giác ngộ, bạn phải đi ngược đám đông. Những con người không thoát khỏi trần tục, không có duyên với cạo đầu đi tu (như tôi và bạn) muốn giác ngộ phải đi theo một con đường hoàn toàn khác với những vị sư thầy.
Vậy cụ thể tôi phải làm gì đây Thông?
Hai Rich Kids tôi nói ở đoạn đầu là Đức Phật và sư Minh Tuệ. Điểm chung của họ là nhìn vào điều tiêu cực chứ không phải điều tích cực. Giống như Carl Jung, ông khuyên mọi người nên nhìn vào bóng tối chứ không phải ánh sáng.
Đó là mấu chốt.
Trong cuộc sống hiện đại, bạn không thể nào giác ngộ khi tìm kiếm những thứ khiến bạn vừa lòng như những đạo lý giáo điều nghe sướng tai, hay các chương trình giải trí.
Bạn giác ngộ bằng cách nhìn thẳng vào cuộc sống của mình. Nhìn vào những vấn đề và giải quyết nó. Bạn đau ở đâu thì phải chữa lành từ gốc rễ chứ không phải dùng vài liều thuốc tê.
Như thường lệ, sau đây là các bước bạn bắt đầu làm:
Bước 1. Nhận thức về những tiêu cực, khổ đau của mình
Bước 2. Không phán xét tốt, xấu, đúng, sai, phải, trái. Chỉ cần nhận thức là đủ.
Bước 3. Không có bước 3. Giải pháp thoát khổ sẽ tự động tìm đến một cách tình cờ trong lúc bạn không cố gắng đi tìm nó.
Thông ơi, tại sao lại đơn giản vậy trong khi có hàng ngàn quyển giáo lý ngoài kia?
Hãy bắt đầu với Tứ diệu đế.
– Khổ đế: Nhận thức được nỗi khổ
– Tập đế: Nguyên nhân của khổ
– Diệt đế: Diệt được khổ thì có sướng không (xác định trạng thái hết khổ – tầm nhìn, đích đến)
– Đạo đế: Con đường thoát khổ (giải pháp)
Tiếp theo là thuyết Duyên khởi.
Khi một duyên khởi lên thì các duyên khác đồng thời xuất hiện (mọi người gọi với tên hoa mỹ là trùng trùng duyên khởi). Trong cuốn sách Trái tim của bụt của thầy Thích Nhất Hạnh viết có giải thích rất rõ về điều này.
Ví dụ (bạn cần loại bỏ yếu tố thời gian trong các ví dụ sau nha):
- Xấu xuất hiện thì tốt xuất hiện, và ngược lại.
- Vui xuất hiện thì buồn xuất hiện đồng thời, và ngược lại.
- Khổ xuất hiện thì sướng xuất hiện đồng thời.
- Khổ đế xuất hiện thì tập đế, diệt đế, đạo đế xuất hiện đồng thời (nó đã tồn tại rồi, chỉ là bạn chưa phát hiện ra thôi).
Nghĩa là khi bạn nhận thức được nỗi khổ (tiêu cực), bạn sẽ tự động hiểu rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp và chấm dứt nỗi khổ (sướng).
Điều bạn cần làm duy nhất là nhận thức nỗi khổ (khổ đế) – nhận thức những điều tiêu cực xung quanh mình. Đừng bao giờ trốn tránh bằng các thú vui tiêu khiển.
Đơn giản thế thôi, (nhưng chẳng mấy ai lại thích nghe những thứ đơn giản và cơ bản thế này cả).
Phải không?
Kết luận:
Tôi chưa giác ngộ.
Đây chỉ là phương pháp mà tôi đang thực hành dựa trên trải nghiệm và nhận thức của mình về thế giới xung quanh.
Khoan hãy tin những điều mà tôi nói (nếu bạn tin thì bạn đang rơi vào vòng lặp giáo điều). Bạn phải thử, phải trải nghiệm rồi tự rút ra bài học của riêng mình.
Giống như Đức Phật vẫn dặn “Con tự thắp đuốc lên mà đi”.
Chúc bạn may mắn!
Trong cuộc sống trần tục, giác ngộ được hiểu là thoát khỏi đau khổ. Mỗi đau khổ là do một vài vấn đề gây ra. Tôi sử dụng khuôn khổ viết tác động có một phần dựa trên Tứ diệu đế để giải quyết các vấn đề (đau khổ) của chính mình, sau đó chia sẻ cho người khác.
Bạn hãy dùng nó như một công cụ để thoát khổ và đạt sướng.
Hi vọng nó giúp ích cho bạn.